Lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân: Quá khó!
Ngày 27.9, Bộ Y tế chính thức trình Chính phủ lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Theo mục tiêu này, đến năm 2015 sẽ đạt tỉ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2010 có trên 90% tham gia. Bên cạnh đó, có sự đổi mới từng bước cơ chế tài chính, phấn đấu đến năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.
Muốn thu hút người dân tham gia BHYT thì phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: X.H
Hiện đã có 64% số người dân đã có tham gia BHYT. Mục tiêu “chinh phục” thêm được 10 – 15% người dân mua BHYT vào năm 2015 sẽ không dễ. Bởi đây chính là đối tượng mua BHYT tự nguyện, họ là những người lao động tự do, nông dân, ngư dân… Những người còn bận làm ăn và hầu như chỉ khi có bệnh họ mới bắt đầu nghĩ đến tấm thẻ BHYT. Họ chỉ tự nguyện tham gia BHYT trong trường hợp mắc bệnh mạn tính và những bệnh có chi phí điều trị cao. Người cận nghèo rất ít tham gia BHYT dù đã có chính sách hỗ trợ tới 70%, thậm chí người dân một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ lên tới 90% chi phí. Lý giải tại sao loại hình BHYT được cho là có ưu việt, lại ít được quan tâm, theo Vụ trưởng Vụ BHYT – bà Tống Thị Song Hương: Do quyền lợi của BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và quan trọng vẫn là do chất lượng khám – chữa bệnh còn thấp…
Ông Nguyễn Minh Thảo – Phó TGĐ BHXH Việt Nam – cũng nhận định: “Lý do quan trọng nhất dẫn đến tình trạng người dân còn thờ ơ với BHYT chính là do khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ cho người bệnh BHYT còn hạn chế, quyền lợi của người tham gia BHYT chưa cao. Chẳng hạn, trên cả nước hiện nay có đến 3.500 cơ sở y tế tư nhân, nhưng BHYT chỉ liên kết được gần 300 cơ sở. Với các cơ sở y tế công lập, rất nhiều bệnh nhân BHYT vẫn gặp khó khăn trong thụ hưởng quyền lợi, nhất là những bệnh nhân phải cùng chi trả (5-20%), đặc biệt những đối tượng bị suy thận mạn tính, những đối tượng bị tai nạn giao thông… Ngay cả việc trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí hoàn toàn nhưng ở nhiều nơi vẫn chưa làm thẻ cho các cháu, vì thế các cháu vẫn phải tự chi trả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng: BHYT cũng giống như một loại hàng hóa. Muốn thu hút người dân không chỉ giá rẻ là đủ mà chất lượng cũng phải đảm bảo. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện khiến cho chất lượng khám – chữa bệnh không đảm bảo là điều bức xúc nhất hiện nay của người dân.
Video đang HOT
Bộ Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để chất lượng khám – chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, nâng cao tinh thần thái độ đạo đức nghề nghiệp của y bác sĩ, phát triển y tế cơ sở, hạn chế chuyển vượt tuyến, đổi mới áp dụng phương pháp thanh toán, chi trả phù hợp như chi trả trọn gói theo ca bệnh, hoặc theo nhóm chẩn đoán nghiên cứu xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp… Đây đều là những định hướng đúng đắn nhưng cần rất nhiều thời gian và đổi mới của hệ thống y tế mới có thể làm được. Trong khi đó, mục tiêu có thêm 10 – 15% người dân tham gia BHYT lại cận kề trong 2 – 3 năm tới đây. Vì thế, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân sẽ là đích không dễ đạt được cả đối với ngành y tế và BHXH.
Theo LD
BHYT: Bớt gánh nặng cho dân
Hôm 27-9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân với mục tiêu tăng số người tham gia, mở rộng phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.
Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 đặt ra mục tiêu tới năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), khác với các dự thảo lần trước chỉ chú trọng mở rộng về số lượng người tham gia BHYT lần này, dự thảo đề xuất lộ trình BHYT toàn dân trên cả 3 phương diện: số người tham gia, quyền lợi dịch vụ và tăng chi trả từ quỹ BHYT.
Người rất cần lại chưa được tham gia
So sánh tỉ lệ người dân tham gia BHYT ở thời điểm hiện tại là 64,9% với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân không có sự chênh lệch quá xa, tuy nhiên, bà Hương cho rằng để đạt được điều này còn rất nhiều thách thức. "Việc mở rộng đối tượng bao phủ còn nhiều khó khăn, kể cả những đối tượng bắt buộc tham gia BHYT cũng chưa đạt 100%. Đối tượng tự nguyện vì nhiều lý do tỉ lệ tham gia không cao. Trong khi đó nếu so sánh với những nước có điều kiện hơn như Hàn Quốc cũng mất 26 năm cho tiến trình này, còn Nhật Bản và Thái Lan mất đến 36 năm, trong khi Việt Nam mới có 20 năm thực hiện BHYT"- bà Hương nói.
Tham gia BHYT, người dân được hưởng lợi nhiều hơn trong khám chữa bệnh. Ảnh: XUÂN THẢO
Cũng theo bà Hương, hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT phần lớn là những người rất cần thẻ BHYT. Họ là những người cận nghèo, nông dân, học sinh - sinh viên, lao động tự do cuộc sống còn khó khăn nếu bị ốm đau, bệnh trọng mà không có thẻ BHYT rất dễ bị nghèo hóa. Với đối tượng cận nghèo, mới chỉ có hơn 27% có thẻ BHYT mặc dù ngân sách Nhà nước và địa phương đã hỗ trợ 70%-90% mệnh giá thẻ.
Vì thế dự thảo đề án này đã đề xuất hỗ trợ nhóm học sinh - sinh viên 50% giá trị thẻ BHYT. Với nhóm người cận nghèo, cũng đề xuất ngân sách sẽ hỗ trợ nốt 30% giá trị tiền thẻ BHYT còn lại đối với người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi hoặc các đối tượng mới thoát nghèo dưới 2 năm.
Luật BHYT đã quy định từ 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT từ ngân sách Nhà nước cho đối tượng nông - lâm - ngư - nghiệp, trong dự thảo đề án BHYT toàn dân đã đề xuất tăng mức hỗ trợ này lên 50% vì đời sống của đối tượng này vẫn thực sự khó khăn. "Tuy nhiên, 3 năm nay tiêu chí thế nào là "hộ nông dân có mức sống trung bình" vẫn chưa xác định được nên chưa thể cấp thẻ BHYT cho nhóm này"- bà Hương nói.
Mức phí thấp, thụ hưởng cao
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng so với các nước trong khu vực, mức đóng BHYT của Việt Nam thấp (khoảng 550.000 đồng/người/năm) nhưng người bệnh lại có những ưu đãi khá lớn như chi trả nhiều loại thuốc đặt trị đắt tiền, ung thư và hàng loạt kỹ thuật cao... Tính nhân văn của BHYT là sự chia sẻ cộng đồng giữa người khỏe và người ốm, phòng tránh rủi ro tài chính liên quan tới đau ốm, nhất là với nhóm người nghèo.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cũng khẳng định tham gia BHYT, quyền lợi của người bệnh sẽ được bảo đảm tốt hơn, nhất là khi giá viện phí mới vừa được áp dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên người dân chưa hiểu rõ lợi ích của việc mua thẻ BHYT. Lý giải tại tình trạng này, bà Hương cho rằng một phần là do chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu người dân, thủ tục khám chữa bệnh BHYT phiền hà, quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn bị hạn chế.
"Trước đây tiền khám bệnh chỉ có 3.000 đồng/lần, ai cũng có thể bỏ tiền ra khám. Các gói dịch vụ cũng chưa tính đúng, tính đủ nên giá trị chi trả của BHYT quá thấp. Một ca phẫu thuật hết hơn 1 triệu đồng trong khi quỹ BHYT chỉ thanh toán khoảng 100.000 đồng thì chẳng bõ để người bệnh chật vật với các thủ tục" - bà Hương phân tích.
Tuy nhiên, với chính sách viện phí mới, các dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ... nhiều ý kiến cho rằng người dân sẽ cảm thấy lợi ích thiết thân của thẻ BHYT. "Đơn cử với các bệnh nhân chạy thận nhân tạo mỗi năm tiêu tốn từ 80 - 100 triệu đồng, nếu có thẻ BHYT người bệnh chỉ phải trả khoảng 20 triệu đồng, còn không sẽ là gánh nặng lớn đối với gia đình" - bà Hương dẫn chứng.
Tiền thuốc và viện phí còn cao
Với đề án BHYT toàn dân, Bộ Y tế cũng cam kết sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, từng bước đổi mới cơ chế tài chính để năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% và dưới 30% vào năm 2020. Hiện tiền chi trực tiếp từ hộ gia đình vẫn chiếm 49,3% viện phí và khoảng 70% tiền mua thuốc. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30% - 40%.
Theo NGỌC DUNG (Người lao đông)
Viện phí sẽ còn tăng nữa Theo Bộ Y tế, tới đây viện phí sẽ tính cả cơ cấu lương, phụ cấp cho nhân viên y tế chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học... nên sẽ còn tăng nữa. Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Chính sách BHYT, lưu ý: Bộ Y tế cần kiểm soát tình trạng lạm dụng kỹ thuật, đặc biệt khi đã điều...