Lô tôm xuất khẩu đầu tiên sang EU sau EVFTA có gì đặc biệt?
Ngày mai, 11/9, những lô tôm xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ bay sang EU, mở ra triển vọng cho việc xuất khẩu tôm vào thị trường này.
Được biết, lễ công bố xuất khẩu tôm sang EU sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực được tổ chức tại Ninh Thuận vào ngày mai.
Những lô tôm xuất khẩu đi EU đều đạt chứng chỉ ASC, là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Đáng ghi nhận là, hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng, hiện đã đạt 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.
Đơn cử như tại Thông Thuận Group, đơn vị có lô tôm xuất khẩu sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực hiện có hai nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa. Doanh số xuất khẩu của hai nhà máy hàng năm đạt 100-120 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang EU hưởng ưu đãi về thuế sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Thanh Cường.
Quy trình sản xuất của Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ các xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP…
Khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Trong tháng 9/2020 Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào châu Âu khoảng 4,5 triệu USD.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiệp định EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho xuất khẩu tôm sang thị trường EU những tháng cuối năm.
Thực tế, xuất khẩu tôm sang EU đã có lúc giảm kim ngạch liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, bước sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU đạt 54,2 triệu USD.
EVFTA chính thức có hiệu lực từ mùng 1/8/2020 ngay lập tức đã tạo động lực cho xuất khẩu tôm Việt Nam ngay trong tháng 8 tăng tới 10% so với tháng 7/2020 và tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2019.
EU cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Video đang HOT
Được biết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU sẽ về 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng ưu đãi thuế quan, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ chịu thuế 4,2%; Indonesia chịu thuế 4,2%.
“Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà NK của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn” – VASEP nhận định.
Đánh giá về cơ hội cho tôm Việt cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác ở thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU.
“Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8/2020 tăng đáng kể so với tháng 7/2020. Ảnh: I.T
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp thủy sản, trong đó có chế biến xuất khẩu tôm đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.
Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong EVFTA.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng mặt hàng tôm, trong tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 286,75 triệu USD, chiếm 36,01% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 17,57% so với cùng kỳ năm 2019; tôm sú đạt 50,09 triệu USD, chiếm 6,29%, giảm 12,98%.
Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà nhập khẩu tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc. Trong khi doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Chuối bơm là giống gì mà đội sỏi đá vươn lên, cho toàn trái ngon, thu cả hoa lẫn lá?
Tuy giá bán không cao nhưng cây chuối bơm ít tốn công chăm sóc, trái chuối ăn tươi cũng được, chế biến làm chuối sấy cũng được.
Có lẽ vì vậy mà cây chuối bơm ở Đồng Nai vẫn lặng lẽ vươn mình trên đất sỏi, bất chấp thị trường xuất khẩu bấp bênh hay dịch Covid-19.
Cùng với chuối sứ, chuối bơm là một trong 2 giống chuối truyền thống có mặt từ lâu trên đất Đồng Nai.
Vươn mình trên đất sỏi
Huyện Thống Nhất được biết đến là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất nhì tỉnh Đồng Nai. Trước làn sóng người dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng sang chuối cấy mô để xuất khẩu, nhiều nông dân ở địa phương vẫn duy trì diện tích trồng chuối truyền thống. Trong đó, cây chuối bơm đã gắn bó rất lâu trên mảnh đất xã Quang Trung.
Nông dân trồng chuối bơm ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: Duy Tân
Hiện toàn xã Quang Trung có gần 1.000ha chuối bơm. Để bảo đảm đầu ra cho giống chuối truyền thống, các hộ dân đã cùng với các cơ sở sản xuất chuối sấy, vựa thu mua chuối tạo thành mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ vụ sản phẩm chuối bền vững.
Ông Vũ Viết Châu - người dân xã Quang Trung cho biết, nơi đây là vùng bán sơn địa, đất canh tác trong vùng lẫn với nhiều sỏi đá nhưng lại rất thích hợp với cây chuối.
Dù đất khô cằn nhưng nhiều cây chuối vẫn đội đá vươn lên tươi tốt, vừa cho trái ngon, vừa cho hoa, lá, giúp người trồng kiếm thêm thu nhập. Hai năm trước, khi hồ tiêu rớt giá, ông Châu quyết định chặt bỏ 1ha vườn tiêu để quay lại trồng giống chuối bơm. Trước đó, vườn chuối bơm 1ha ở kế bên vẫn được ông duy trì liên tục từ hàng chục năm nay.
Theo ông Châu, chuối bơm thích ứng tốt với mọi điều kiện thời tiết. Khi trồng, không cần phải bón lót, rắc vôi hay phun các loại thuốc khử trùng. Công chăm sóc cũng nhàn hơn vì không phải dùng các loại thuốc trị nấm, trị rệp hay nhện đỏ.
Hiện nay, nhiều vườn chuối bơm được người dân đầu tư thêm hệ thống đường ống, béc phun tự động để tiết kiệm nước. Chuối bơm trồng mùa nắng vẫn cho sản lượng thu hoạch tương đương như mùa mưa.
Chuối bơm trồng chừng nửa năm là có thể cho thu hoạch. Bình quân trên 1ha, mỗi lứa ông Châu thu được 16 tấn trái, giá bình quân gần 4.000 đồng/kg. Không tốn chi phí đầu tư, kể cả trái chuối có tỳ vết vẫn bán được, nên đầu ra của chuối bơm rất thuận lợi. Hiện ông Châu tiếp tục đào mầm giống để mở rộng diện tích.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Ngọc Diện - nông dân cùng xã cho biết, tuy giá bán không cao nhưng chưa thấy năm nào chuối bơm rơi vào tình trạng ế ẩm vì không bị ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu
Người dân huyện Thống Nhất phân loại chuối trước khi đưa đi tiêu thụ.
UBND huyện Thống Nhất cho biết sẽ tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, hồ sơ đánh giá sản phẩm của 3 cơ sở thực hiện Chương trình OCOP năm 2020, trong đó có sản phẩm chuối sấy của cơ sở Cường Hoa xã Quang Trung.
Công chăm sóc đối với chuối truyền thống rất ít, chủ yếu là dọn lá, phát quang vườn tược. Trái chuối bơm ăn tươi được, chế biến làm chuối sấy cũng được. Ngoài bán trái, hoa chuối cũng được tận thu với giá hơn 6.000 đồng/kg tại vườn.
"Không bon chen với thị trường xuất khẩu đầy rủi ro nên cây chuối truyền thống vẫn có chỗ đứng ổn định và tồn tại đến ngày nay" - ông Diệp nói.
Thực tế thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giống chuối cấy mô xuất khẩu đang gặp khó khăn về đầu ra. Hiện các thương lái thu mua giống chuối này tại vườn chỉ từ 2.000-2.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá từ 10.000-15.000 đồng/kg vào thời điểm thị trường xuất khẩu tốt.
Làm OCOP cho chuối sấy
Chuyện chuối cấy mô hết tăng giá rồi rớt giá đã lặp đi lặp lại từ lâu nay không chỉ ở huyện Thống Nhất mà khắp tỉnh Đồng Nai. Việc người dân đua nhau trồng chuối già xuất khẩu khiến sản lượng mặt hàng này tăng cao, càng dễ đẩy chuối cấy mô vào thế khó khi thị trường gặp biến.
Không chỉ là vùng có diện tích trồng chuối lớn từ nhiều năm nay, huyện Thống Nhất còn được biết đến là "cái nôi" của nghề làm chuối sấy - một đặc sản của địa phương. Nghề chế biến chuối sấy (chủ yếu với chuối truyền thống) vì thế còn là thế mạnh mà chuối cấy mô khó sánh được.
Ông Trần Ngọc Đặng - nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng chuối ở xã Quang Trung kể, nghề làm chuối sấy bắt nguồn từ xã Quang Trung cách đây hơn 20 năm. Nghề này từng phát triển ra nhiều địa phương nhưng chỉ có chuối bơm vùng xã Quang Trung mới cho ra miếng chuối sấy thơm ngon, giòn và có màu sắc đẹp sau khi chiên. "Nhờ vị ngọt, thơm, màu sắc bên trong rất vàng nên khi làm chuối sấy, sản phẩm nhìn bắt mắt và ăn ngon hơn chuối cấy mô" - ông Đặng nói.
Được biết, xã Quang Trung hiện có khoảng 10 hộ đang làm nghề sản xuất chuối sấy. Trong đó có một số hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp, tiêu thụ từ 8-10 tấn chuối mỗi ngày. Toàn bộ nguồn chuối nguyên liệu để sản xuất chuối sấy đều được làm từ giống chuối bơm của địa phương.
Bà Trần Thị Hoa - chủ cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa, là một trong những người đầu tiên làm chuối sấy ở Quang Trung. Chuối sấy của cơ sở này từng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đồng Nai năm 2017. Đây cũng là một trong những mặt hàng thế mạnh của cơ sở từ nhiều năm nay với lượng hàng khá lớn bán ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Lê Thị Thảo - cán bộ Địa chính - Nông nghiệp và Môi trường xã Quang Trung cho biết, địa phương ủng hộ người dân phát triển giống chuối truyền thống này vì cho năng suất và kinh tế ổn định. "Chuối bơm còn được định hướng phát triển trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)" - bà Thảo nói.
Vượt đại dịch Covid-19, xuất khẩu tôm dự báo tăng 3-4% Mặc dù xuất khẩu tôm bị chững lại trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dự báo những tháng tiếp theo sẽ hồi phục và tăng khoảng 3-4% so với năm 2019, đạt 3,45-3,5 tỷ USD. Đó là thông tin được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm...