Lộ tín hiệu xấu cho nền kinh tế
Đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chững lại. Song đáng lo ngại hơn, nó có thể gây ra những tác động lớn đối với kinh tế vĩ mô trong những quý tới, nếu không có giải pháp điều hành phù hợp.
Tình trạng bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng cao nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế
Cán cân thanh toán dịch chuyển
Trong Báo cáo vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, dấu hiệu bất thường trong cán cân thanh toán đã được chỉ ra. Đó là từ quý III/2015, xuất hiện xu hướng dòng tiền gửi ở nước ngoài trên quy mô lớn, sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015. Xu hướng này dẫn tới cán cân thanh toán tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn, lên tới 6,6 tỷ USD trong quý III/2015 do cán cân tài chính đổi chiều. Điều này cho thấy, chính sách ngoại hối đang gây ra những “tác dụng phụ”, rất cần được theo dõi chặt chẽ.
“Đây là diễn biến bất thường, cần phải được theo dõi chặt chẽ và đưa ra dự báo kịp thời. Điều đáng lưu tâm là hai cấu phần quan trọng nhất của cán cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể. Trong khi đó, trạng thái ngoại hối của hệ thống NHTM trong cùng giai đoạn trên cũng không có sự biến động quá lớn.
Chính sự bất thường này khiến chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng, đây là tình trạng &’bẫy thanh khoản’ với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, một tình trạng rất cần được lưu ý”, VERP cảnh báo.
Theo phân tích của VERP, nếu giả thuyết “bẫy thanh khoản” là đúng, thì dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn tới do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm theo Quyết định ngày 25/9/2015 của Thống đốc NHNN.
Video đang HOT
Ông Phạm Văn Đại, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR cho biết, việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn. Do đó, phần lớn các khoản gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn.
“Chống đô-la hóa là một chủ trương đúng đắn của NHNN, tuy nhiên, cơ quan này cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp tạo niềm tin vào tiền đồng. Khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ lớn đang gửi ở nước ngoài”, ông Đại khuyến nghị.
Thâm hụt ngân sách khó cải thiện
Tình trạng thâm hụt ngân sách được TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cảnh báo là khá nghiêm trọng và khó có khả năng cải thiện, bởi theo số liệu ước tính của Chính phủ, tỷ lệ thâm hụt ngân sách chính thức ở mức 6,34%, vượt xa so với kế hoạch 5% đã được Quốc hội thông qua.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng tỏ ra rất lo ngại, bởi điều này sẽ dẫn tới bội chi ngân sách vốn đã lớn, nay lại càng trở nên nghiêm trọng hơn, cộng thêm nợ công tăng cao nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế.
Theo phân tích của ông Doanh, tình thế khó khăn và áp lực bội chi gia tăng của ngân sách đang hướng các nhà quản lý tăng cường sử dụng các công cụ truyền thống, đó là tận thu bất cứ khoản nào có thể thu được và vay nợ, phát hành trái phiếu để bù đắp. Việc áp dụng các biện pháp này không chỉ đẩy nợ công lên, mà còn gây sức ép rất lớn lên mặt bằng lãi suất do phải đưa ra được mức lợi suất trái phiếu hấp dẫn.
Trong khi đó, DN đang hết sức chật vật với chi phí đầu vào cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên, cộng với lãi suất cao, thuế phí nhiều… Đó là chưa kể chi phí không chính thức đã tăng cao hơn trước, cho dù Chính phủ đang nỗ lực cải cách.
“Xu thế này kéo dài thì rõ ràng tình trạng DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn”, ông Doanh cảnh báo.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay không thuận lợi, nợ công cao đang thu hẹp không gian chính sách, do đó dư địa điều chỉnh là rất thấp. Ông Tuyển lo ngại, nền kinh tế đang phát triển thiếu vững chắc, trong khi lạm phát tăng trở lại sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và niềm tin thị trường.
Theo ông Tuyển, nếu tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực sự, chắc chắn tăng trưởng sẽ giảm, nhưng là giảm lành mạnh, để đảm bảo sự phát triển bền vững sau này. Nếu làm được điều này thì năm 2016 dù không có nhiều thuận lợi như năm 2015, song cũng không có nhiều bi quan.
“Tái cơ cấu thực sự sẽ phải hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng sẽ phát triển bền vững trong dài hạn. Hơn nữa, nếu Chính phủ thực sự quyết liệt cải cách thì DN sẽ được hưởng rất nhiều thuận lợi, và đó là điều được kỳ vọng ở Chính phủ mới”, ông Tuyển nói.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Chính phủ không nên nôn nóng chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao, bởi điều này sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Thay vào đó, nên tập trung đẩy mạnh cải cách thực sự và coi đây là cách thức để tạo ấn tượng cho một nhiệm kỳ điều hành mới.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhiều loại phí sẽ tăng để bù thâm hụt ngân sách
Đó là dự báo được TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu ra tại tọa đàm công bố báo cáo vĩ mô quý I - 2016, diễn ra chiều ngày 12-4 ở Hà Nội.
TS Nguyễn Đức Thành cho biết, lạm phát có xu hướng tăng trở lại, nhất là khi giá năng lượng và dịch vụ công (y tế, giáo dục) nhích tăng. VEPR dự báo năm 2016, lạm phát sẽ khoảng 4-5 %.
Bên cạnh đó, ông Thành lưu ý đến vấn đề ngân sách. Theo đó, ông Thành cho rằng ngân sách rất eo hẹp trong bối cảnh nợ công cao, chi thường xuyên không có xu hướng giảm. Kỷ luật tài khóa quá lỏng lẻo vẫn là tình trạng từ lâu mà nay chưa thể giải quyết.
TS Nguyễn Đức Thành: "Gần như chắc chắn sẽ có những loại phí sớm được ban hành để giải quyết thâm hụt ngân sách". Ảnh: Biểu Minh.
Vay nước ngoài đã trở nên khó khăn khi Việt Nam là nước thu nhập trung bình. Các doanh nghiệp, là nguồn thu thuế, phục hồi chậm và chưa ổn định. Thậm chí quý I có tới 22.000 doanh nghiệp vừa phá sản.
"Gần như chắc chắn sẽ có những loại phí sớm được ban hành để giải quyết thâm hụt ngân sách"- Ông Thành cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại lại không bi quan vì bức tranh kinh tế quý I. Theo ông, Việt Nam đang tái cơ cấu, chuyện nền kinh tế có sự giảm tốc tăng trưởng là không đáng ngại. Thậm chí đó còn là tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững, lành mạnh hơn sau tái cơ cấu. "Chính phủ mới sẽ đủ quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ. Đó là cải cách thế chế"- Ông Tuyển nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế có mặt ở tọa đàm, các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực cũng chỉ mang đến cho Việt Nam những cơ hội tiềm năng. Để tiềm năng thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp và người dân thì Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ. Trong đó, điều quan trọng nhất được chuyên gia khuyến nghị với Chính phủ là phải giữ được lòng tin của nhân dân. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam.
BIỂU MINH
Theo_PLO
500 DN xuất sắc nhất Việt Nam: Niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với báo điện tử VietNamNet hôm nay tổ chức lễ công bố 500 DN xuất sắc nhất Việt Nam. Có tên trong danh sách 500 DN tăng trưởng và triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2016 là những đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng DN...