Lộ tẩy hát nhép, Cao Thái Sơn đã bị lập biên bản
Bất chấp chỉ thị của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, mới đây Cao Thái Sơn vẫn hát nhép trên sóng truyền hình và Hồng Hà vẫn lên sân khấu sau khi bị bắt vì bán dâm.
Liền một lúc, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch TP. Hồ Chí Minh phải giải quyết hai trường hợp vi phạm hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang là việc hát nhép trắng trợn trên sóng truyền hình của Cao Thái Sơn và sự việc Hồng Hà vẫn nghiễm nhiên lên sân khấu trình diễn thời trang sau khi bị bắt vì bán dâm.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, sự việc chân dài Hồng Hà lên sân khấu đang được xác minh. Ở thời điểm hiện tại, ông chưa có câu trả lời chính thức về sự việc này.
Về trường hợp Cao Thái Sơn hát nhép, ông Nam cũng cho biết, chiều qua thanh tra Sở VHTT&DL TP.HCM đã gặp gỡ, làm việc với ca sĩ Cao Thái Sơn và đại diện công ty Nhạc Xanh để làm rõ hành động Cao Thái Sơn hát nhép trong đêm nhạc “Quà tặng tình yêu tháng 6″, phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình VTV9.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Tp Hồ Chí Minh cho biết: “Sở mới chỉ yêu cầu ca sĩ Cao Thái Sơn và công ty Nhạc Xanh giải trình về sự việc này và lập biên bản hành chính”.
Hiện nay, mức xử phạt cụ thể dành cho ca sĩ Cao Thái Sơn vẫn chưa được quyết định. Sau khi lập biên bản, trong 2-3 ngày tới, Sở VHTT&DL TPHCM sẽ họp bàn và đưa ra mức phạt hợp lý.
Về phần mình, Cao Thái Sơn thẳng thắn thừa nhận, anh đã hát nhép nhưng đó là sự cố ngoài ý muốn và anh không hề chủ động muốn làm như vậy. Do “Quà tặng tình yêu tháng 6″ là một chương trình truyền hình trực tiếp và bộ phận kĩ thuật lại bấm nhầm bài hát khi Cao Thái Sơn lên sân khấu, chính vì vậy, anh chẳng thể làm gì khác mà phải trình diễn cho trọn tiết mục để không ảnh hưởng đến sóng nhà đài.
Ngày 14/6, Bộ VHTDTT ban hành Chỉ thị số 65/ CT-BVHTTDL quy định rõ hơn về những hành vi vi phạm, việc xử lý hát nhép, ăn mặc phản cảm với nghệ sĩ và công ty tổ chức. Mức phạt đối với những hành vi này tăng từ 3 – 6 triệu đồng lên 15 – 25 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ cũng cho áp dụng hình thức phạt bổ sung, cấm biểu diễn từ 3 tháng đến một năm với người vi phạm lần hai, từ một năm đến hai năm hoặc hơn với người vi phạm lần ba hay tạm dừng cấp phép với đơn vị tổ chức biểu diễn.
Theo VnMedia
Về đâu những ca sĩ hát nhép?
Khi đài truyền hình dọa cấm cửa và Bộ Văn hóa bàn đến quyết định cấm biểu diễn với những ca sĩ hát nhép (mà con số theo như ông bầu của Đan Trường phát biểu là lên đến 70 - 80%), dư luận đặt ra câu hỏi: Con đường nào sẽ còn mở ra cho các nghệ sĩ này?
Video đang HOT
Hiện trạng hát nhép của các ca sĩ tại Việt Nam từ lâu đã là một vấn nạn gây đau đầu trong việc tìm biện pháp xử lý. Thế nhưng, đây cũng là một khía cạnh rất khó có thể đưa vào khuôn khổ bởi việc một ca sĩ hát nhép trong một chương trình ca nhạc không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố ca sĩ thiếu năng lực. Và nếu buộc phải quy trách nhiệm đến cùng, có khi trách nhiệm đó sẽ phải chia đều ra cho các yếu tố khác như cơ sở vật chất, quy mô chương trình và thậm chí khán giả cũng phải nhận một phần trách nhiệm trong việc ca sĩ hát nhép.
Từ thực tế người người lip-sync, đài đài lip-sync
Thử một lần trải nghiệm với vai trò là khán giả ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng như Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹn hay gần đây nhất là The Voice... nhiều khán giả sẽ thốt lên sao chúng ta lại sở hữu nhiều giọng ca tuyệt vời đến vậy. Thế nhưng, tiếc là không mấy gương mặt trong những người được khen là có giọng hát hay, ngoại hình bắt mắt này đến được với khán giả đại chúng.
Trong khi đó, nhìn lại showbiz Việt đang hoạt động nhiễu loạn như hiện nay, đáng buồn thay lại có quá nhiều "bình hoa di động" hay những giọng hát ngang phè.
Một số thực tế đang xảy ra trong làng nhạc Việt cũng dẫn đến nguy cơ bùng nổ thêm những hiện tượng hát nhép như chuyện các ca sĩ, nhóm nhạc được thành lập và đào tạo trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và chủ yếu đánh mạnh về phần ngoại hình và vũ đạo. Chính vì thế, khi các ban nhóm này được mời biểu diễn trong các chương trình không được phép hát nhép, họ nhanh chóng để lộ "đuôi" hát kém và hát phô.
Nhiều nữ ca sĩ cũng đua đòi theo mốt "khoe thân" trên sân khấu nên toàn tận dụng những bài hát sôi động để khoe những đường cong gợi cảm với giọng hát sexy (tất nhiên là hát nhép).
Bên cạnh đó, showbiz Việt còn tồn tại một đội ngũ ca sĩ đồ sộ có xuất thân từ những công việc giải trí khác như MC, người mẫu, diễn viên... Tuy nhiên, chỉ một số lượng khá nhỏ trong đội ngũ này có khả năng hát live tốt, còn phần đông đều "sở hữu" giọng hát có khả năng làm người nghe sững sờ vì chẳng khác những giọng hát ở phòng karaoke là mấy như Trà Ngọc Hằng, Trang Nhung, Phi Thanh Vân, Đàm Phương Linh, Angela Phương Trinh...
Angela Phương Trinh và những trải nghiệm không được đón nhận khi ca hát.
Một trong số những nguyên nhân làm tăng nhanh số lượng ca sĩ mà không có giọng hát này là sự quan tâm quá mức của dư luận đến với những chuyện hậu trường, scandal ồn ào. Sự tò mò của khán giả về những cái tên tai tiếng đã giúp cho cát-xê của họ tăng gấp đôi, gấp ba và cũng chính điều này phần nào gieo vào trong đầu họ cái hão danh "ca sĩ". Dù khái niệm ca sĩ đi hát của những người này đôi khi chỉ thu gọn lại ở việc tạo scandal, đính chính với truyền thông một cách mập mờ, và sau đó là tái xuất sâu khấu gặp gỡ khán giả. Còn khi âm nhạc nổi lên, họ hát thật hay họ bật đĩa hát nhép không còn là điều quan trọng.
Tuy vậy, bên cạnh những ca sĩ không có thực lực và hát nhép với họ như là một việc phải làm để tồn tại thì không ít những ca sĩ hát hay, muốn nói không với hát nhép cũng bị... buộc phải hát nhép. Từ trước đến nay, những chương trình ca nhạc ghi hình lên sóng từ các đài trung ương đến địa phương đều vịn vào lý do kỹ thuật âm thanh để yêu cầu các nghệ sĩ hát nhép. Những cái tên mà người hâm mộ chờ đợi cất giọng hát như Thu Minh, Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Hiền Thục... đều phải lip-sync trên màn hình.
Trong khi một số nghệ sĩ mạnh miệng tuyên chiến hoặc cảm thấy xấu hổ khi bị buộc phải hát nhép như Mỹ Linh, Thu Minh, Tùng Dương, Đan Trường, thì nhiều ca sĩ khác lại không có chung ý nghĩ như vậy.
Mỹ Linh chia sẻ, chị cảm thấy rất khó xử khi phải hát nhép và nếu chấm điểm khi hát nhép, chỉ cho mình 2 điểm. Thu Minh chọn cách quay mặt vào trong để tránh cho khán giả thấy sự lúng túng, xấu hổ của mình. Còn với Tùng Dương, bị buộc phải hát nhép như là một cực hình với những ca sĩ yêu thích biểu diễn theo cảm xúc như anh...
Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp khác, chuyện hát nhép trên đài đôi ba lần dần trở nên quen thuộc và khiến họ thấy không hề ngại khi biểu diễn ở các sân khấu khác, kể cả những nơi có chất lượng âm thanh tốt.
Người gần đây nhất bị báo chí phanh phui hát nhép là Cao Thái Sơn. Điều đáng trách hơn là anh chàng này tự quyết định việc mình hát nhép, bất chấp những chỉ thị của Bộ Văn hóa, trong khi tất cả các ca sĩ còn lại đều tự giác hát live.
Cao Thái Sơn vừa bị tố cố tình hát nhép bất chấp chỉ thị của Bộ Văn hóa.
Trước Cao Thái Sơn, nhiều gương mặt khác cũng được "điểm danh" vào danh sách hát nhép và bị truyền thông và khán giả "bắt tại trận" như Thanh Thảo, Thủy Tiên, Quỳnh Nga, Thu Thủy, Wanbi Tuấn Anh...
Nguyên nhân mà các ca sĩ giải thích và biện minh cho việc hát nhép của họ thì nhiều. Người bảo do âm thanh quá tệ, khiến họ muốn hát thật cũng khó. Người đổ lỗi cho bài hát của họ cần phải thể hiện nhiều động tác vũ đạo, nên cần giọng hát chồng vào. Người thản nhiên cho rằng mọi người toàn hát nhép không việc gì mình phải hát... live.
Hình phạt nào cho ca sĩ hát nhép?
Chưa bao giờ chuyện hát nhép của các ca sĩ lại "nóng" và được cơ quan quản lý và dư luận quan tâm như thời điểm này. Nhiều kiến nghị đã được đưa ra trong các buổi họp bàn của Bộ, của Sở Văn hóa, từ việc đề xuất cấm biểu diễn, cấm lên truyền hình, thành lập đội đặc nhiệm chuyên phát hiện hát nhép đến cả việc "đánh mạnh" vào túi tiền của các ca sĩ bằng những khoản phạt lớn...
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để được tình trạng này, theo nhiều người, những hình phạt không nên đơn thuần là những luật cấm, luật phạt cứng nhắc mà đòi hỏi những sự linh động rất cao.
Thủy Tiên cũng bị phát hiện hát nhép.
Theo đó, những quy chế nên được ban bố một cách công khai, rõ ràng và hợp lý và đặc biệt phải "đúng người, đúng tội". Ngoài ra, quy chế cũng cần có những điều khoản linh hoạt, theo kịp thời đại và công nghệ làm nhạc để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức sáng tạo của một số nghệ sĩ chân chính. Đối tượng bị phạt cũng không chỉ dừng lại ở các ca sĩ mà còn ở các đơn vị tổ chức, đạo diễn chương trình...
Bên cạnh đó, cần có một quy chế ràng buộc ca sĩ cải thiện dần từ việc hát nhép thuần bật đĩa sang hát live với sự hỗ trợ lớn từ phía phần bè, âm thanh và kỹ thuật phòng thu. Đây không phải là tiếp tay cho nghệ sĩ thiếu năng lực mà chính là đang đào tạo cho những nghệ sĩ còn non yếu làm quen với sân khấu cùng với việc cải thiện giọng hát live của họ. Bởi chỉ những nghệ sĩ có tinh thần học hỏi và có năng lực thực sự mới có thể tiến bộ được trong nghiệp ca hát dù nhanh chóng hay chậm chạp, còn những nghệ sĩ hão danh vô thực, đây sẽ là cách đào thải họ dần ra khỏi showbiz một cách âm thầm nhưng hiệu quả.
Một trách nhiệm khác nên thuộc về giới truyền thông và đặc biệt là công chúng nghe nhạc hiện tại. Làng nhạc Việt đang phát triển mạnh mẽ với rất nhiều thể loại. Thế nhưng, tình trạng truyền thông và khán giả quan tâm đến đời tư và scandal vẫn còn quá nhiều so với những khán giả đòi hỏi giải trí âm nhạc chính thống. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc sản sinh thêm nhiều ca sĩ "mua danh" bằng scandal.
Quy chế ràng buộc nào cho ca sĩ hát nhép ?
Chính vì thế, để sàng lọc giọng ca, không có "bộ máy" nào tốt hơn là người yêu nhạc. Quyền lực số đông này luôn có tác dụng mạnh khi họ tẩy chay ca sĩ không có thực lực và ủng hộ những giọng hát có tài năng.
Một tín hiệu đáng mừng gần đây là khi nhiều chương trình truyền hình như Bài hát yêu thích trên VTV3 đã tuyên bố thẳng thừng không lựa chọn các ca sĩ hát nhép. Trong khi đó, một cuộc thi dành cho các ca sĩ nhí như Đồ Rê Mí bước vào mùa 2012 cũng quyết định nói không với hát nhép.
Thu Minh và Tùng Dương khi được chia sẻ về những ca sĩ đã chọn cách hát nhép để thành danh đã nói các ca sĩ này cần biết tôn trọng bản thân mình và nếu đã theo nghiệp ca sĩ vì đam mê thì không có cớ gì để hát... nhép. Ngoài ra, câu chia sẻ của diva Mỹ Linh cũng nên được dành cho họ: "Nếu sau này có làm thầy, tôi sẽ khuyên các em phải chịu khó hát live thường xuyên. Nó cũng giống như ta đi học vậy, học kém thì chịu khó làm nhiều bài tập sẽ hiểu ra vấn đề và giỏi hơn. Chơi trò chơi mạo hiểm 1-2 lần đầu thì rất sợ nhưng chơi mãi sẽ quen và thích. Có chấp nhận mạo hiểm thì mới toả sáng được! Hơn nữa khi hát live, bạn sẽ thấy mặt đẹp, miệng đẹp hơn nhiều".
Tuổi thọ của người nghệ sĩ chân chính dù ít dù nhiều cũng sẽ tồn tại và được đong đếm theo đơn vị năm, thập kỷ, còn thời gian chống chọi với showbiz của những ca sĩ không có thực lực sẽ chỉ được đong đếm bằng ngày, tháng hay số scandal mà họ "đạt" được. Và tất nhiên sau khi chiêu trò đã được sử dụng hết, chính thời gian và "người hâm mộ" của họ sẽ nhanh chóng lãng quên họ như một quy luật đào thải.
QUANG HUY
Theo Infonet
Ông bầu tố Cao Thái Sơn cố tình hát nhép Tiết mục trình diễn đẫm lệ đang gây xôn xao dư luận của Cao Thái Sơn đã bị tố là hát nhép, càng làm nặng thêm nghi án chàng ca sĩ này "diễn tuồng" khóc lóc trên sóng truyền hình. Dù đã có chỉ thị của Bộ Văn Hóa về vấn đề cấm hát nhép trên sóng truyền hình, thế nhưng ca sĩ...