Lộ tài liệu mật ‘lịch sử đẫm máu’ của CIA
Theo báo Sự Thật của Nga, bàn tay của Mỹ trong các cuộc lật đổ chế độ ở các nơi trên thế giới đã được xác nhận một lần nữa khi các tài liệu mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ ( CIA) vừa giải mật.
Theo tài liệu mới giải mật của CIA, các cuộc họp giao ban của tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford trong những năm 1960-1970 đã đề cập đến những hoạt động can thiệp ở nước ngoài.
Theo báo Sự Thật, một số dữ liệu đã bị xóa, đặc biệt là về những cuộc đảo chính đã được thực hiện ở các nước khác nhau trong những năm 1970.
Mỹ bị nghi là đã nhúng tay vào các cuộc đảo chính này. Ví dụ, tài liệu có tiêu đề Chile của ngày 11 tháng 9 năm 1973- đó là ngày mà nhà lãnh đạo Chile Salvador Allende bị truất ngôi. Các tài liệu cũng chứng minh rằng cơ quan tình báo Mỹ đã có rất nhiều sai lầm trong khi dự đoán về sự kiện.
Nikita Danyuk, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược đánh giá, có vẻ như rằng hoạt động của CIA “luôn luôn là công cụ hiệu quả để đảm bảo lợi ích của nước Mỹ bên ngoài lãnh thổ”.
“CIA đã tiến hành những cuộc đảo chính và can thiệp quân sự không dưới 40-50 lần. Không chỉ ở Chile, Mỹ cũng có những hành động tương tự ở Nicaragua, Panama và trên toàn Mỹ Latinh”, chuyên gia Nikita Danyuk nhận định.
Đây không phải lần đầu tiên có những nhận định về việc CIA nhúng tay vào các cuộc đảo chính trên thế giới. Mới đây nhất, văn phòng công tố thành phố Edirne, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đưa ra cáo buộc cụ thể nhằm vào 2 cơ quan sừng sỏ của Mỹ là Cơ quan điều tra liên bang ( FBI) và CIA. Cáo buộc nêu rõ: “CIA và FBI đã hỗ trợ đào tạo một số đối tượng trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào của giáo sĩ Gulen”.
Video đang HOT
Cáo buộc này cho rằng những người làm việc trong các cơ quan tư pháp, an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với những đối tượng được CIA và FBI đào tạo nói trên đã tham gia vào cuộc đảo chính do giáo sĩ Gulen đứng sau. Mỹ đã bác bỏ các buộc này.
Theo Dân Việt
Lo Thổ Nhĩ Kỳ ngả về Nga, Mỹ tìm cách giữ mối quan hệ
Phó tổng thống Mỹ đến Ankara để níu giữ mối quan hệ đang lung lay về việc dẫn độ giáo sĩ lưu vong bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/8 đến thủ đô Ankara, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng trước.
Ông Biden sẽ tìm cách chuyển đến thông điệp rằng Mỹ đánh giá cao Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một đồng minh quan trọng trong Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), giữa lúc có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy cách tiếp cận của hai nước đối với xung đột ở Syria có thể "lệch pha", theo AP.
Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 23/8 rằng họ đã họp với các quan chức Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ ở Ankara trước thềm chuyến thăm của ông Biden.
Mỹ bất an
Căng thẳng âm ỉ giữa hai nước bùng lên kể từ sau vụ đảo chính ngày 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các lãnh đạo Mỹ đã giận dữ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ hỗ trợ hoặc chống lưng cho vụ đảo chính. Khi Mỹ ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn rằng Washington chậm trễ trong việc ủng hộ Ankara vào thời điểm nước này cần giúp đỡ nhất, cho dù Mỹ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Erdogan khi vụ đảo chính xảy ra.
Bình luận viên Josh Lederman của AP nhận định Mỹ cảm thấy khó chịu trước những động thái "tán tỉnh" ngoại giao gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga và Iran, hai nước đối thủ của Mỹ. Các động thái này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, đang trong tình thế túng bí, có thể suy tính lại mối quan hệ đồng minh với phương Tây nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực.
Hồi đầu tháng này, ông Erdogan đến Moscow để thúc đẩy quan hệ và có thể tìm kiếm sự phối hợp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, điều mà Moscow đã không thể đạt được với Washington. Sau chuyến viếng thăm Iran bất ngờ của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào tuần trước, báo chí địa phương loan tin ông Erdogan có kế hoạch thăm Tehran vào ngày 24/8, tức cùng ngày mà ông có lịch gặp ông Biden.
"Bằng cách xích lại gần Nga và Iran, rõ ràng Tổng thống Erdogan đang gửi đi thông điệp rằng ông không vui trước thái độ của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn tiếp tục ở lại NATO và mong mỏi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng bầu không khí đang trở nên xấu hơn nhiều so với trước khi vụ đảo chính xảy ra", Bulent Aliriza, nhà phân tích ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington, nhận định.
Bình luận viên Josh Lederman cho rằng Mỹ từng xem ông Erdogan như một lãnh đạo quan tâm đến việc thúc đẩy dân chủ và hợp tác với Mỹ. Sự lạc quan đó đã bị dội một gáo nước lạnh khi ông Erdogan phát động chiến dịch trấn áp báo chí và các quyền tự do khác, cũng như tập trung chống lại phe nổi dậy đòi ly khai người Kurd, một động thái có thể gây tổn hại cho nỗ lực chống IS, vì chính quyền Mỹ đang hậu thuẫn lực lượng người Kurd ở Syria để chống IS.
Các lo ngại của Washington về nhân quyền và dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng kể từ khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam và sa thải hàng chục nghìn binh sĩ, cảnh sát, giáo viên và nhà báo sau vụ đảo chính bất thành. Washington đã cẩn trọng không chỉ trích công khai Ankara để tránh gây tổn hại cho thông điệp ủng hộ chung mà Mỹ dành cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình an ninh dễ vỡ của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ trong cuối tuần trước, khi một kẻ đánh bom tự sát giết ít nhất 54 người tại một đám cưới ở thành phố Gaziantep, sát với biên giới Syria. Đó là vụ tấn công đẫm máu nhất trong năm nay được thực hiện bởi IS hoặc đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đấu tranh đòi quyền tự trị cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ càng lo ngại hơn khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim dường như đang cởi mở với khả năng Tổng thống Syria Bashar Assad tiếp tục đóng một vai trò trong chính phủ chuyển tiếp. Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều kêu gọi phế truất ông Assad và kiên quyết không chấp nhận ông là một phần của chính phủ Syria trong tương lai.
Yêu cầu khó
Theo bình luận viên Josh Lederman, đổ gãy trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là vấn đề lớn đối với Mỹ, nước mong Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi cách tiếp cận chung nhằm chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và ứng phó chủ nghĩa cực đoan khắp Trung Đông. Nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới với Iraq, Iran và Syria, nơi các tay súng IS có thể vào Thổ Nhĩ Kỳ và những kẻ được IS tuyển mộ có thể đến Syria sau khi đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không hóa giải được vụ tranh cãi về giáo sĩ Gulen, người sống lưu vong ở bang Pennsylvania trong 17 năm qua. Gulen bác bỏ bất cứ sự liên quan nào đến mưu đồ đảo chính nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết yêu cầu Mỹ dẫn độ Gulen ngay lập tức.
Giới chức Mỹ cho biết cuộc trao đổi hôm 23/8 ở Ankara liên quan đến việc thành lập một tổ của Bộ Tư pháp Mỹ có giao nhiệm vụ đánh giá các đòi hỏi về yêu cầu dẫn độ ông Gulen của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nói rằng trong chuyến thăm lần này, ông Biden dự định nói với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng các cáo buộc công khai của họ về sự liên can của Mỹ trong vụ đảo chính sẽ không giúp ích cho mục tiêu của họ.
"Mọi người mong muốn ông Gulen phải được giao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức. Nếu yêu cầu dẫn độ bị khước từ hay trì hoãn, tôi e ngại rằng điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng", Gulnur Aybet, giảng viên quan hệ quốc tế ở Đại học Bahcesehir, Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Mỹ cuống cuồng rút vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính Hai nguồn tin độc lập của EurActiv.com cho biết, Mỹ đã bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và đưa sang Romania, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Ankara ngày càng xấu đi sau vụ đảo chính bất thành mới đây mà Thổ Nhĩ Kỳ qui trách nhiệm cho giáo sĩ Gulen hiện đang sinh sống...