Lo tái diễn bong bóng nhà đất
Thị trường bất động sản hiện đang nhộn nhịp do nhiều người tìm mua nhà để đón tết.
Những ngày này, các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ở TP.HCM khá đông khách hàng đến tìm mua nhà. Nhu cầu mua nhà khá đa dạng: mua để ở, mua để đầu tư, cho thuê…
Chính vì vậy nhiều dự án vừa công bố mở bán đã được khách hàng đặt cọc, ký hợp đồng mua.
Dễ mua, dễ bán nhà
Anh Lê Thành, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết mới đây đã quyết định mua căn hộ hai phòng ngủ ở một dự án tại quận 9, dự kiến tháng 7-2016 sẽ nhận nhà.
Theo anh Thành, phương thức thanh toán với căn hộ trên khá linh hoạt. Theo đó, anh chỉ cần trả trước 25% giá trị căn hộ, còn lại được trả chậm trong 25 năm và không bị phạt trả nợ trước hạn.
“Tính ra mỗi tháng chỉ phải trả góp 4-5 triệu đồng, nếu tiết kiệm được nhiều thì vợ chồng tôi sẽ trả nợ nhanh hơn. Nhờ phương thức thanh toán này mà vợ chồng tôi sắp có nhà để ở tại TP.HCM” – anh Thành nói.
Nhiều người đi mua nhà khác cũng chia sẻ hiện nay mua nhà dễ hơn những năm trước đây. Ví dụ, không cần phải bốc thăm, chen nhau xếp hàng từ nửa đêm và thường chỉ cần thanh toán trước 30% giá trị căn hộ là có thể nhận nhà ở được ngay, số còn lại thanh toán dần.
Theo các công ty BĐS, thanh khoản tại các dự án được cải thiện và tăng dần trong thời gian qua. Chính vì thế ngay những ngày đầu năm 2016, nhiều công ty vừa công bố dự án mới đã có nhiều khách hàng đặt mua.
Điển hình như Công ty Phúc Khang, ngay tại buổi công bố dự án tiêu chuẩn xanh của Mỹ tọa lạc gần Công viên Đầm Sen đã được một quỹ đầu tư Singapore tuyên bố mua 30% tổng số lượng căn hộ. Công ty Him Lam Land vừa mở bán 100 nhà phố và căn hộ thuộc một dự án ở quận Thủ Đức nhưng do lượng khách đăng ký mua nhiều nên dự án được mở bán theo hình thức bốc thăm. Đại diện Thuduc House cho hay một dự án ở quận 9 được mở bán từ đầu tháng 12-2015 đến nay đã có gần 90% căn hộ được khách hàng đặt cọc và ký kết hợp đồng.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land, cho hay năm 2015 công ty bán được khoảng 5.000 căn hộ, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Lý giải nguyên nhân giao dịch tăng, ông Hiền nói: “Do nhu cầu mua để ở của khách hàng tăng cao. Thêm nữa trước đây vay ngân hàng để mua nhà rất khó nhưng nay ngân hàng mở cửa cho vay với lãi suất ưu đãi”.
Khách hàng tham quan, tìm mua căn hộ tại một dự án ở TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Video đang HOT
Giá nhà đất tăng
Theo báo cáo của Công ty CBRE, lượng căn hộ tiêu thụ được tại TP.HCM trong năm 2015 đạt hơn 36.000 sản phẩm, tăng 98% so với năm 2014. Đây là con số kỷ lục mới, cao nhất từ trước đến nay tính theo chu kỳ một năm.
Các giao dịch thành công tập trung phần lớn vào hai điểm nóng: tại khu Đông chiếm 57%, trong khi khu Nam đạt 37%. Giá BĐS trong năm 2015 tăng 4%-5% so với năm trước, một số dự án cao cấp có vị trí đẹp tăng 10%-15%, thậm chí cao hơn.
Nhận xét về mức tăng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nói giá nhà đất trong năm qua tăng ở mức tương đối hợp lý. Lý do là tiền sử dụng đất làm dự án, giá vật liệu xây dựng và một số chi phí khác cao.
“Dự báo năm 2016 nhu cầu nhà đất sẽ tiếp tục tăng khi khách hàng Việt kiều, người nước ngoài sẽ tăng mua. Giá căn hộ có thể sẽ tăng ở một số dự án với mức 3%-5% nhưng nhiều dự án sẽ không tăng” – ông Châu dự đoán.
Ông Châu cũng khuyến cáo người mua nhà nên chọn những dự án của các chủ đầu tư uy tín, có ngân hàng bảo lãnh và quan trọng là vị trí tốt, hạ tầng cơ sở thuận lợi cho việc đi lại, mua bán và kinh doanh.
Lo tái diễn bong bóng
Ông Nguyễn Duy Minh, chuyên gia nhà đất, cảnh báo để không xảy ra bong bóng, hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá ảo làm méo mó thị trường… thì các dự án phải thực sự phục vụ nhu cầu ở thật. Hiện tại nhu cầu nhà ở của người dân Việt còn rất lớn, trong khi nguồn cung vẫn còn có hạn.
“Tuy nhiên, cần phải chú ý số lượng 45.000 căn hộ dự kiến sẽ chào bán trong năm 2016. Bởi nếu là nguồn cung cho nhu cầu ở thật thì không đáng e ngại, song nếu không phục vụ nhu cầu ở thật của người dân (đầu cơ – PV) thì phải cẩn thận” – ông Minh nói.
Bàn về vấn đề liệu có xảy ra bong bóng BĐS trong năm 2016 hay không, ông Lê Hoàng Châu phân tích đúng là có sự gia tăng nhiều dự án cao cấp nhưng mức hấp thụ của thị trường thời gian qua là tích cực, chưa xuất hiện tình trạng “bội thực” cung vượt cầu quá lớn.
“Kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa thì có thể dự báo chưa có nguy cơ bong bóng BĐS trong năm 2016. Song cần tiếp tục theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời và hiệu quả” – ông Châu nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 11-2015, một đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về hiện tượng một số chủ dự án lớn găm hàng, tăng giá và coi đây là “nghệ thuật kinh doanh”. Điều này có thể là tác nhân kích thích hiện tượng bong bóng nhà đất quay trở lại như trước đây.
Đối với lo lắng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận khi thị trường BĐS ấm lên như hiện nay thì đã xuất hiện đầu cơ ở một số dự án khi giá mua nhà đã cao hơn nhiều so với mức giá mà chủ đầu tư đưa ra. Bên cạnh đó, có xu hướng nhiều dự án được khởi công, từ đó dẫn đến lo ngại bong bóng có thể diễn ra trong thời gian tới.
Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận hiện nay chưa hội đủ các yếu tố để có thể dẫn đến bong bóng BĐS. Song diễn biến của thị trường này là rất phức tạp nên không thể chủ quan và cần phải chủ động để thị trường phát triển bền vững, như kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng chảy vào thị trường này.
Tung thêm 45.000 căn hộ ra thị trường Công ty CBRE dự báo năm 2016 TP.HCM tiếp tục đón hơn 45.000 căn hộ từ 90 dự án thuộc đủ mọi phân khúc. Tỉ trọng nguồn cung cao cấp và hạng sang trong năm nay có thể tăng thêm khoảng 20% so với năm 2015. Trong năm 2015, căn hộ trung và cao cấp có giá bán 1,3-5 tỉ đồng, chiếm 75% tổng giao dịch toàn TP.HCM. Điều này cho thấy người mua dần có xu hướng chọn những sản phẩm cao cấp hơn. Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt chi tiêu công, chính sách tín dụng thận trọng… nên sẽ khó có chuyện buông lỏng tín dụng BĐS năm 2016. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA
Theo_PLO
'Điều hành của Thủ tướng đã giúp 'phá băng' thị trường bất động sản'
'Tác động của những chính sách của Chính phủ đối với nền kinh tế nói chung, đối với bất động sản nói riêng là rất lớn, có tính chất quyết định, nhất là khi Chính phủ dùng công cụ kinh tế để điều chỉnh thị trường bất động sản thì hiệu quả rất tốt...'
Trong hai năm liên tiếp 2011 và 2012, thị trường bất động sản (BĐS) đã chứng kiến sự sụt giảm giá mạnh ở cả loại hình chung cư, nhà đất và biệt thự. Nhưng đến cuối năm 2013, thị trường BĐS đã có những chuyển động tích cực và đến nay thị trường đang trong quá trình phục hồi, phát triển... điều này chứng tỏ các giải pháp, chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này đã "trúng" và đi vào cuộc sống.
Điểm nhấn đáng chú ý, được dư luận đánh giá cao đó là việc ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2013/NĐ-CP, trong đó Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng với thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay mua nhà với các đối tượng trên.
Theo chuyên gia, khi Chính phủ dùng công cụ kinh tế để điều chỉnh thị trường bất động sản thì hiệu quả rất tốt. Ảnh: Minh Thư
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, tác động từ những chính sách của Chính phủ đối với nền kinh tế nói chung, đối với BĐS nói riêng là rất lớn, có tính chất quyết định, nhất là khi Chính phủ dùng công cụ kinh tế để điều chỉnh thị trường BĐS thì hiệu quả rất tốt.
Hàng loạt chính sách nới lỏng, thắt chặt tiền tệ, nâng, hạ lãi suất... đã được Chính phủ ban hành khiến thị trường có nhiều sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông Châu đánh giá cao khi Chính phủ ban hành Nghị định 02/2013/NĐ-CP vào ngày 7/1/2013, trong đó đưa ra gói kích thích 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ đô la) nhằm 3 mục tiêu: giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.
Với tỷ trọng của gói này là dùng 70%, tương đương 21.000 tỷ đồng để cho người tiêu dùng mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ. Như vậy, ông Châu đánh giá, gói này chủ yếu là kích cầu tiêu dùng, còn lại 30% kích cầu đầu tư là dành cho chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
"Ngày 1/6/2013, gói 30.000 tỷ mới có hiệu lực, nhưng tôi đánh giá cao tác dụng rất hiệu quả của chính sách này của Chính phủ bởi chỉ đến cuối năm 2013 thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục. Những ai nói gói 30.000 tỷ thất bại là chưa đầy đủ, mà phải nói rằng gói 30.000 tỷ có tác dụng thực sự nhưng có điều bị hạn chế vì Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương phối hợp chưa tốt nên việc giải ngân còn chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, số cam kết giải ngân đã đạt được 80% thì cũng là sự nỗ lực lớn", ông Châu đánh giá.
Hơn nữa, theo ông Châu, nghị định này còn cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho chia nhỏ căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ... chính sách này thực sự là đòn bẩy kinh tế, kích cầu tiêu dùng là chính, góp phần phá băng BĐS.
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã 2 lần cảnh báo không để thị trường BĐS quay lại thời kỳ bong bóng như những năm trước đây. Ông Châu cho rằng, đây là cảnh báo, cũng là tiên lượng của người đứng đầu Chính phủ khiến các bộ ngành, những đối tượng tham gia thị trường BĐS cần lưu ý.
"Phải thừa nhận rằng, giai đoạn vừa qua tập thể Chính phủ và Thủ tướng đã làm được nhiều việc, nhất là đã điều hành ổn định nền kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế phục hồi và đặc biệt điều hành của Thủ tướng giúp cho thị trường BĐS vượt qua giai đoạn khủng hoảng, "đóng băng" và hiện nguồn cung nhà ở đang rất dồi dào trên thị trường", ông Châu nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, sau khi triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã phát triển được lượng khá lớn các dự án nhà ở xã hội, góp phần không nhỏ làm tan băng để thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi như hiện nay.
Đồng thời, gói tín dụng này cũng tháo gỡ khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp BĐS trong việc giải phóng một lượng khá lớn hàng tồn kho, đặc biệt là hàng hóa ở phân khúc có giá thành vừa phải.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, ở các nước Chính phủ thường được giao quyền đặc biệt để có thể đối phó kịp thời với bong bóng BĐS. Họ thường dùng công cụ thuế, công cụ tín dụng để điều tiết.
Ví dụ, nếu các nước khi xảy ra bong bóng BĐS, giá sốt ảo thì người ta sẽ đưa ra thuế suất đối với những người sau khi mua BĐS chuyển nhượng ngay trong năm đầu tiên thì sẽ đánh thuế rất cao, nhưng nếu sau 3 năm mới chuyển nhượng thì mới được hưởng thuế suất bình thường. Nhưng ở Việt Nam, luật thuế lại không cho phép Chính phủ chủ động trọng chuyện này. Ông Châu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn vì thuế vừa là biện pháp hành chính nhưng lại mang tính đòn bẩy kinh tế để điều chỉnh thị trường BĐS trong giai đoạn khủng hoảng bên cạnh giải pháp về tín dụng.
Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường BĐS nhằm tạo điều kiện để thị trường phục hồi và phát triển.
Theo đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách NOXH, đề xuất các giải pháp tổng thể để triển khai có hiệu quả chương trình; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn cho BĐS.
Theo các chuyên gia, Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở các chính sách đưa ra làm sao kiểm soát không để thị trường tạo ra "bong bóng bất động sản". Muốn vậy, phải tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị bằng cách thực hiện nghiêm Nghị định 11 của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị; tăng cường các giải pháp kiểm soát thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là phải đạt tỷ lệ cân đối giữa cung-cầu trên thị trường.
Theo Infonet
Tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản 2016 Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, so với thời điểm quý I/2013, giá trị tồn kho bất động sản (BĐS) đã giảm 75.303 tỷ đồng, tương đương 58%. Theo nhiều chuyên gia, đây là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS năm 2016, đặc biệt là phân khúc nhà ở sẽ...