Lo rủi ro tài khóa khi chia sẻ rủi ro giảm doanh thu dự án PPP
Có đại biểu Quốc hội lo sẽ có những rủi ro về tài khóa khi Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu với nhà đầu tư dự án PPP. Điều đó có thực sự đáng lo?
Nhiều băn khoăn về việc, Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu dự án PPP sẽ dẫn đến rủi ro về tài khóa (Ảnh minh họa)
Lo là đúng
Chia sẻ về các nội dung của Điều 83 Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), ông Phạm Ngọc Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho biết, một trong những điều khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhất ở điều luật này, đó là việc Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu sẽ dẫn đến rủi ro về tài khóa.
Theo ông Phạm Ngọc Lâm, thì các đại biểu Quốc hội băn khoăn rằng, quy hoạch, chính sách pháp luật ở Việt Nam thay đổi thường xuyên, trong khi đời dự án PPP thường kéo dài 20-30 năm, do đó khó xác định có bao nhiêu dự án phải chia sẻ rủi ro giảm doanh thu.
“Với một số lượng dự án chưa được lượng hóa thì cũng khó xác định được số tiền phải bỏ ra để chia sẻ rủi ro giảm doanh thu. Hiện nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và địa phương rất hạn hẹp, chỉ 2-4% tổng chi ngân sách và chỉ dành chi cho một số mục đích cấp bách, xử lý thảm họa… Nếu dự phòng không đủ thì lấy nguồn nào để chia sẻ rủi ro”, ông Lâm đã chia sẻ như vậy về câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chia sẻ với nỗi lo của các đại biểu Quốc hội, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng: “Lo là đúng”.
Theo ông Dũng, thì ở đây phải có sự cân đối, chia sẻ rủi ro cho tư nhân là để tạo sự yên tâm cho họ, nhưng cũng đồng thời không thể thiếu sự quản lý của Nhà nước. “Nếu chúng ta có cơ chế chia rẻ rủi ro, thì vai trò của Bộ Tài chính ở đây là rất quan trọng. Họ phải tham gia chặt chẽ trong các khâu, để kiểm soát rủi ro ở tầm vĩ mô cho cả quốc gia. Hiện vai trò của Bộ Tài chính còn mờ nhạt”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, chuyên gia PPP quốc tế của USAID Đoàn Giang thì thừa nhận, rủi ro tài khóa không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Cái khó là vừa bảo đảm hấp hẫn nhà đầu tư tư nhân nhưng cũng phải quản lý được rủi ro tài khóa.
Ở một góc độ khác, chuyên gia Trần Duy Hưng, mặc dù đúng là “cẩn trọng là cần thiết”, nhưng nếu cẩn trọng quá thì cũng rất khó để triển khai PPP.
“Nhiều quốc gia đều có quan điểm rằng, khi Nhà nước bỏ nguồn ra hỗ trợ, chia sẻ rủi ro thì về ngắn hạn có thể ảnh hưởng tài khóa nhưng về dài hạn thì lợi ích kinh tế lớn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Một ví dụ được ông Hưng viện dẫn, đó là tại Bangladesh, khi đấu thầu một dự án cao tốc, ban đầu Nhà nước tuyên bố hỗ trợ 110 triệu USD và không cam kết bảo lãnh doanh thu tối thiểu, song sau khi cam kết hỗ trợ, thì khoản hỗ trợ Nhà nước cho dự án chỉ còn 27 triệu USD. Tức là, Nhà nước đã tiết kiệm được 83 triệu USD.
“Điều này cho thấy, chúng ta phải tính toán đâu là bài toán hiệu quả hơn cho Nhà nước”, ông Hưng nói.
Nhưng vẫn có cách để “xử lý”
Để giải bài toán “rủi ro tài khóa”, theo ông Phạm Ngọc Lâm, cái đại biểu Quốc hội đã đề xuất hai phương án. Một là sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ; hai là, nếu năm trước xác định có dự án cần áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro giảm doanh thu, thì năm tiếp theo, các cơ quan quản lý cần lập dự toán cho việc này và sử dụng nguồn chi thường xuyên để chi trả cho nhà đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, cả hai phương án này, đòi hỏi phải sửa một số luật liên quan, như Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước…, khá phức tạp. Và do đó, Chính phủ dù đã thảo luận nhưng thống nhất không trình ra Quốc hội.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là ở Indonesia, các chuyên gia của USAID cho biết, họ đã thành lập quỹ bảo lãnh cho các dự án cơ sở hạ tầng trực thuộc Bộ Tài chính. Hiện quỹ này đã bảo lãnh doanh thu cho nhiều dự án, nhưng chưa bị lỗ cũng không gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến rủi ro tài khóa.
Thông tin cho biết, nhờ có công ty này mà Indonesia đã làm được các việc, như thương mại hóa bảo lãnh, tức là để được bảo lãnh thì các doanh nghiệp dự án PPP phải trả phí cho công ty trên cơ sở đàm phán trực tiếp giữa các bên, mức bảo lãnh này tùy từng dự án.
Trong những năm đầu tiên, quỹ này cũng gặp nhiều khó khăn do không tìm được dự án để bảo lãnh vì chưa xây dựng được niềm tin trong cộng đồng các nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau đó, với việc xây dựng một hệ thống quản trị rất tốt, minh bạch và độc lập, quỹ đã cung cấp bảo lãnh cho 21 dự án PPP với trị giá 14,7 tỷ USD.
Ở một góc độ khác, ông Hưng cũng chia sẻ, nhiều nước đều dành ngân khoản cho các mục tiêu hỗ trợ cho các dự án PPP. Chẳng hạn, tại Anh là 2% trên tổng chi tiêu công, ở Peru là khoảng 7%… Có ngân khoản này, Chính phủ các nước có thể chủ động hơn trong việc bảo lãnh doanh thu, chia sẻ rủi ro đối với các dự án PPP.
Việt Nam cũng có thể thực hiện được việc này. Theo ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm chuyên gia của USAIDS, thì Luật có thể quy định ủy quyền cho Chính phủ thành lập công ty chuyên cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP và để Chính phủ quy định chi tiết, vì thực ra tất cả hoạt động, vận hành của công ty đều nằm ở Chính phủ, nhất là trong thời gian đầu. Quốc hội có thể định kỳ yêu cầu báo cáo Quốc hội về hoạt động của công ty này.
Hà Nguyễn
Dự án PPP "đóng cửa" với thanh tra, kiểm toán?
Được nhấn mạnh là dự án luật mới, rất quan trọng, song dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) lại chỉ được dành khoảng một giờ thảo luận tại tổ...
Dự án BOT nhà nước không bỏ ra đồng nào nhưng kiểm toán vẫn chỉ ra nhiều sai phạm, còn dự án PPP nói chung thì chỉ được kiểm toán phần vốn nhà nước thì sẽ kiểm soát thế nào, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc băn khoăn.
Tại tổ thảo luận 11 (gồm các đoàn Nghệ An, Hoà Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc phát biểu đầu tiên.
Ông Phớc băn khoăn nhiều vấn đề, trong đó có quy định về chia sẻ rủi ro.
Theo dự thảo luật thì Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng
Việc này, theo Tổng Kiểm toán thì cần cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ. Bởi quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo không đủ cơ sở để mà thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro. Vì, chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ là không được thanh tra dự án PPP.
Còn điều 80 thì quy định: Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại điều 65 và điều 67 của luật này.
Tức là chỉ được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (điều 65) và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (điều 67) .
Đó là các dự án nhà nước bỏ vốn thì có gì mà kiểm toán. Còn cả công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì phải được kiểm toán mới đúng chứ, ví dụ dự án BOT giao thông nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà vẫn kiểm toán và chỉ ra rất nhiều sai phạm, ông Phớc phân tích.
Kiểm toán quy định tại điều điều 67 tức là chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thế còn những dự án to đùng được nhà nước hoàn trả về đất đai thì không ai kiểm toán à? (trong các loại hợp đồng PPP có hợp đồng BT - đổi nguồn lực lấy công trình- PV) , ông Phớc tiếp tục băn khoăn và đề nghị nên quy định thanh tra, kiểm toán dự án PPP theo Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán.
PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân, Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.
Phát biểu liền sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng nhắc đến độ nóng tại nghị trường khi kết quả kiểm toán các dự án BOT được công bố. Vị đại biểu này cũng đồng tình với Tổng Kiểm toán PPP là dự án có tính chất công xuyên suốt thì kiểm toán phải tham gia.
Đứng dậy lần hai, ông Phớc nhấn mạnh, với bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối, tài sản công phải quản thật chặt tránh tình trạng ở nhiều dự án BOT và BT vừa rồi.
Ông Phớc cũng đặt vấn đề là, tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà cứ trả bằng đất là thế nào, vì thực tế có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư sòng phẳng.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu thực tế có công trình PPP không có tiền mà chỉ dựa vào đất đai. Và vấn đề này có hai quan điểm. Thứ nhất là cứ dùng tiền ngân sách để trả (thống nhất thời gian trả tại hợp đồng) sau đó tiến hành đấu giá đất sạch và lấy tiền trả.
Còn nếu trả bằng đất thì lúc này chưa giải phóng mặt bằng, chưa đấu giá nên giá đất thấp, sau này có hiện tượng đội chi phí nên có nhiều quan ngại việc đổi đất lấy hạ tầng.
Cho rằng cần phải xem xét rất kỹ câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng này, Bộ trưởng Hà góp ý, dự thảo luật nên bổ sung một chương quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Bộ trưởng Hà cũng đồng tình với ông Phớc, là nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được. Mà Nhà nước phải làm quy hoạch, tổ chứ chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu thì sẽ tốt hơn nhiều, mới hoàn toàn kiểm soát được tổng mức đầu tư thế nào. Còn nhà nước không đầu tư cái gì ở giai đoạn chuẩn bị mà đòi biết hết cả mọi thứ thì rất khó.
Hà Vũ
Theo Vneconomy
TABMIS: Công cụ "xương sống" để quản lý ngân sách quốc gia Bắt đầu triển khai từ năm 2006, sau 14 năm hoàn thiện và triển khai rộng rãi trên cả nước, Hệ thống Thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) đến nay đã trở thành "xương sống" trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách quốc gia, góp phần không nhỏ trong công cuộc hiện đại hóa Kho bạc Nhà...