Lo nợ công, Chính phủ tạm dừng bảo lãnh dự án mới
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ, từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, giám sát các dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.
Hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang trong quá trình xây dựng.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện phương án tái cơ cấu tài chính dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2016.
Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh khẩn trương thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định trong năm 2016. Đối với các trường hợp đặc thù, Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp dự án đã hình thành xong tài sản nhưng chủ đầu tư không thực hiện thế chấp cho Bộ Tài chính theo yêu cầu, Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trả nợ trước hạn để tất toán bảo lãnh Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp để đảm bảo công tác cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ ngày càng hiệu quả theo hướng phù hợp với Luật quản lý nợ công sửa đổi và định hướng của Chính phủ về bảo lãnh.
Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nợ trong việc đảm bảo tuân thủ quy định của người được bảo lãnh, cơ chế xử lý và áp dụng chế tài theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Video đang HOT
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Nhưng đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Các khoản bảo lãnh của Chính phủ chủ yếu dành cho các “ông lớn” nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Các dự án thuộc ngành điện được bảo lãnh nhiều nhất. Số cam kết bảo lãnh lũy kế đến 31/12/2015 của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực điện là hơn 15,9 tỷ USD.
Trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (công ty mẹ) được bảo lãnh nhiều nhất với hơn 9,7 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN là hơn 2,4 tỷ USD, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam là hơn 647 triệu USD…
Chỉ tính riêng năm 2015, đã có 4 dự án nguồn điện (2 dự án nhiệt điện và 2 dự án thủy điện) được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng trị giá gần 2,1 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và Duyên Hải (Trà Vinh).
Đối với PVN, còn nhớ, riêng dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2013, Chính phủ đã bảo lãnh 4.000 tỷ đồng để triển khai các hạng mục như xây dựng hạ tầng cơ bản, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, nạo vét cảng, công trình biển…
Theo thông tin từ Bộ Tài chính mới đây, cam kết lớn nhất của Chính phủ dành cho dự án này chính là cơ chế thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu. Cùng với đó là bảo lãnh nghĩa vụ PVN bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tuy nhiên, theo tính toán, khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80 – 110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800 – 2.500 tỷ đồng/năm, chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp 3.833 tỷ đồng để đầu tư các công trình bên trong nhà máy.
Nguy cơ chính phủ trả nợ thay
Trong một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi tháng 5/2016, chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc đặt ra câu hỏi, tại sao các dự án được Chính phủ bảo lãnh lại hay “trục trặc”?
TS Phan Minh Ngọc cho rằng, hay “trục trặc” không phải là thuộc tính riêng của các dự án có bảo lãnh vay vốn của Chính phủ, mà điều này còn đúng cho phần lớn các dự án của DNNN, dự án có sử dụng vốn ngân sách. Điểm chung của các dự án loại này là các chủ dự án không có động cơ tính toán chi li và sử dụng hiệu quả đồng vốn bỏ ra như với dự án của các ông chủ tư nhân.
Ngược lại, sự vụ lợi làm cho các bên liên quan của dự án, từ chủ dự án, đến nhà thiết kế, tư vấn, phê duyệt, xây dựng và giám sát dự án, có xu hướng cố tình che giấu sự yếu kém, không hiệu quả của dự án.
Bởi vậy mới có chuyện khi thiết kế và phê duyệt dự án người ta đã “quên” không đưa các hạng mục cơ bản như thăm dò, xử lý nền móng đất yếu, đào tạo nhân viên, làm đường vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm, hoặc một số loại chi phí khác như “trượt giá” và tỷ giá… vào trong tính toán tổng chi phí dự án, làm cho dự án thoạt đầu có tổng mức đầu tư thấp xa so với thực tế sau này.
Bởi vậy mới có chuyện nhà thầu thiết kế và tư vấn dự án thì luôn “chưa có kinh nghiệm”, nên luôn bỏ sót, tính thấp đi hoặc làm phát sinh chi phí. Và bởi vậy mới có chuyện dự án dang dở, đội vốn, hoặc có hoàn thành thì cũng “năm ngày ba tật” với giá thành sản phẩm đội lên trời.
Vị chuyên gia chỉ rõ, dù chỉ là đứng ra bảo lãnh vay vốn, nhưng Chính phủ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay chủ dự án khi dự án thất bại, và kết quả nhãn tiền hầu như là như vậy.
Nếu Chính phủ không muốn sự bảo lãnh của mình được hiện thực hóa ngay thành nghĩa vụ trả nợ thay cho chủ đầu tư thì Chính phủ buộc phải tiếp tục trò chơi rủi ro hơn, tốn kém hơn. Đó là tiếp tục bảo lãnh hoặc chỉ định cho vay để “nuôi” dự án cho đến lúc nó được hoàn thành hoặc, nếu đã hoàn thành, tiếp tục tồn tại kiểu “xác sống”. Nhưng cách này cũng chỉ là để mua thời gian.
Vậy, với những dự án dang dở, đang kêu cứu Chính phủ, thì “thà đau một lần”, kết thúc các dự án này, chấp nhận gánh chịu những hậu quả và tổn thất do chúng để lại để khép lại một giai đoạn.
Trong tương lai, cần nhanh chóng giảm thiểu bảo lãnh Chính phủ nói riêng, và đầu tư công nói chung, chỉ thực hiện trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bất khả kháng như thiên tai địch họa hay khủng hoảng đồng hành bởi các rủi ro đổ vỡ to lớn cho nền kinh tế làm cho không mấy nhà đầu tư nào còn dám tin tưởng bỏ vốn ra nữa.
Theo_Báo Đất Việt
Áp lực gia tăng, nợ công có thể áp sát mức trần?
Nếu tổng nợ công tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.
Áp lực gia tăng từ thâm hụt ngân sách khiến nợ công tăng cao
Đó là nội dung chính trong báo cáo cập nhật tháng 8/2016 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Theo BVSC, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao hơn so với dự toán.
Thâm hụt ngân sách ở mức cao
Vào cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.339.489 tỷ đồng, và bội chi là 249.362 tỷ đồng. So với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%. Đáng lưu ý, số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%.
Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4/2016 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.
Kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2016 theo mục đích sử dụng (đvt: tỷ đồng). Nguồn: Quyết định 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tính toán của BVSC.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao trong mấy năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6,6% trong năm 2013; 6,3% năm 2014; 6,1% năm 2015 và ước tính (theo dự toán) 5,5% năm 2016. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.
Theo tính toán của BVSC, áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Theo quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỷ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỷ đồng.
Trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ.
Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197,350 tỷ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm. Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỷ đồng (bằng tổng kể hoạch vay nợ trừ đi phần đảo nợ và trả nợ gốc, cộng với tổng bảo lãnh). Tổng áp lực gia tăng nợ công này có thể hiểu là mức tối đa tăng ròng nợ công trong năm 2016 theo kế hoạch, đặt trong giả thiết các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh hoàn toàn phát sinh mới và được cộng dồn vào năm trước (không có số liệu đáo hạn của những khoản này).
Kịch bản gia tăng nợ công 2016
BVSC đưa ra các kịch bản gia tăng nợ công 2016 trong mối liên hệ giữa thâm hụt ngân sách và tăng trưởng kinh tế.
Nợ công có thể đạt mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016, áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép cho đến năm 2020. Theo số liệu cập nhật gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP. So với con số GDP cập nhật của Tổng cục thống kê cho năm 2015, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm này là 2.607.960 tỷ đồng. Giả định là tổng nợ công sẽ tăng thêm 385.375 tỷ đồng theo tính toán ở trên, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.
Áp lực nợ công giai đoạn 2013-2016 (tỷ đồng). Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và tính toán của BVSC.
Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn con số dự báo ở trên nếu tăng trưởng được cải thiện, nhưng áp lực gia tăng bội chi ngân sách trên thực tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong quản trị nợ công. Theo thông báo kết quả phiên hợp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 7/2016, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% hoặc 6,5% trong năm 2016. Nếu ước tính này thành hiện thực, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn, bằng 64,1% (với tăng trưởng 6,3%) hoặc 63,9% (với tăng trưởng 6,5%) vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên theo tính quy luật các năm trước, nếu giả định thâm hụt ngân sách trên thực tế cao hơn 10% so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP có thể tăng lên 64,9% theo kịch bản tăng trưởng cẩn trọng của BVSC; 64,6% và 64,5% theo hai kịch bản của Chính phủ.
Theo Diên đan doanh nghiêp
Nợ công đang tiến sát trần? Nếu tổng nợ công tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP. Thâm hụt ngân sách cao hơn dự toán Cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng,...