Lộ nhiều sai phạm khai thác mỏ than ở Tổng công ty Đông Bắc
Nhiều đơn vị thuộc Tổng công ty Đông Bắc thực hiện không nghiêm túc quy định pháp luật, chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đây là những nội dung được Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nêu rõ.
Qua kiểm tra, tổng diện tích đơn vị quản lý tài nguyên theo 3 giấy phép của UBND tỉnh Quảng Ninh cấp cho Công ty TNHH MTV 35, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) hiện nay là 424ha trên địa bàn TP.Cẩm Phả. Tổng diện tích đất đã được tỉnh cho thuê là 67,28ha, trong đó diện tích còn hạn thuê đất là 67,29ha. Diện tích đất sử dụng ngoài ranh giới thuê đất là 7,2ha.
Cụ thể: Tại khu mỏ Tây Nam, Khe Tam, ngoài diện tích 39,8ha đất đã được tỉnh Quảng Ninh cho thuê, do yêu cầu sản xuất công ty đã vượt quá ranh giới thuê đất là 3,8ha; tại khu mỏ Tây Bắc ngã hai, ngoài diện tích 12,14ha đất đã được tỉnh Quảng Ninh cho thuê, công ty cũng đã vượt quá ranh giới thuê đất là 0,4ha; tại khu mỏ Tây Bắc, Khe Tam, đơn vị cũng đã sử dụng vượt quá ranh giới thuê đất 3ha do nhu cầu sản xuất, trong khi tỉnh chỉ cho đơn vị thuê 15,54ha đất. Diện tích đất này công ty sử dụng từ năm 2017 và đã nộp thuế sử dụng đất năm 2017 và năm 2018…
Còn tại Công ty TNHH MTV 397, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), đơn vị đã và đang quản lý sử dụng đất được tỉnh cấp phép để triển khai thực hiện 4 dự án, gồm: Dự án Khai thác lộ thiên 9a, 9b cánh Nam khu Đồi Sắn; dự án Khai thác lộ thiên kết hợp cải tạo các hồ mỏ Nam Tràng Bạch; khu đất văn phòng, trụ sở Công ty TNHH MTV 397 và kho chứa đá xít thải tạm tại xã Hoàng Quế và Yên Thọ (TX.Đông Triều). Hiện nay, diện tích đất đơn vị sử dụng ngoài ranh giới tỉnh cho thuê đất khoảng 53ha tại khu vực mỏ Nam Tràng Bạch. Đơn vị đã thực hiện bốc xúc đất đá tại diện tích này.
Khai trường Công ty TNHH MTV 397.
Kiểm tra tại Công ty Cảng, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), hiện công ty cũng đang quản lý, sử dụng đất tại các khu vực, gồm: Tại khu vực Cẩm Phả với diện tích 718.641,8m2, ở các vị trí như: Cảng Khe Dây thuộc khu 1, phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả; khu đất tại văn phòng công ty ở phường Cửa Ông; đất xây dựng kho than tập trung và hệ thống băng tải than tại phường Mông Dương; đất dự án Đầu tư mở rộng kho chế biến than G9; Kho Công nghiệp G9. Tại khu vực Đông Triều và Uông Bí với tổng diện tích gần 395.000m2, ở các vị trí: Đất kho Tràng Lương và dự án Kho chế biến than, cảng, tuyến băng tải vận chuyển than từ kho chế biến than xuống cảng tại xã Hồng Thái Tây (TX.Đông Triều) và phường Phương Nam (TP.Uông Bí).
Hiện nay, chỉ riêng vị trí đất dự án Kho chế biến than, cảng, tuyến băng tải vận chuyển than từ kho chế biến than xuống cảng tại xã Hồng Thái Tây và phường Phương Nam đơn vị mới đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin thuê đất.
Dự án Kho chế biến than, cảng, tuyến băng tải vận chuyển than từ kho chế biến than xuống cảng tại xã Hồng Thái Tây (TX.Đông Triều). (Ảnh: Trúc Linh)
Ông Nguyễn Xuân Ký – Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định: Một số đơn vị thuộc Tổng công ty Đông Bắc chưa chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Cụ thể: Đối với Công ty TNHH MTV 35, việc quản lý của đơn vị cũng như chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng chưa theo kịp với tình hình diễn biến; quy trình làm giá đất còn bất cập; việc chuyển giao quản lý sử dụng đất đai trong nội bộ Công ty TNHH MTV 35 và Tổng công ty Đông Bắc vẫn còn vướng mắc.
Video đang HOT
Tại một số vị trí thuộc Công ty TNHH MTV 397, đơn vị chưa có thủ tục thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đã tiến hành việc bốc xúc, đổ thải đất đá, cải tạo lòng hồ, khai thác, tận thu than, như: Dự án khai thác lộ thiên vỉa 9a, 9b cánh Nam khu Đồi Sắn (giai đoạn 2), phường Mạo Khê, TX.Đông Triều có tổng diện tích 16,16ha do Công ty TNHH MTV 397 đang khai thác khi chưa làm thủ tục cấp phép đầy đủ, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát và có kiến nghị cụ thể từ năm 2017; 53ha tại khu vực mỏ Nam Tràng Bạch cũng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai.
Đối với Công ty Cảng, đơn vị cũng đã tự triển khai thi công các hạng mục công trình thuộc dự án Kho chế biến than, cảng, tuyến băng tải vận chuyển than từ kho chế biến than xuống cảng tại xã Hồng Thái Tây và phường Phương Nam trong khi chưa được UBND tỉnh cho thuê đất, giao đất.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu: Các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Quảng Ninh, các địa phương như: TP.Cẩm Phả, TX Đông Triều cần phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, cần phải gắn việc quản lý đất đai với quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là các xã, phường nơi có các hoạt động khai thác khoáng sản cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc sử dụng đất khai thác khoáng sản để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng ranh giới. Đặc biệt, TP.Cẩm Phả và TX.Đông Triều cần xây dựng quy trình phối hợp cụ thể giữa địa phương với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần thực hiện nghiêm túc quá trình định giá đất để vừa đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý song vẫn phải đáp ứng được thời gian, không kéo dài quá lâu. Sở TN&MT và các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ quyết định thủ tục thuê đất cho Công ty TNHH MTV 35, Công ty TNHH MTV 397 và Công ty Cảng. Cần siết chặt quản lý về đất đai, gắn liền với quản lý khoáng sản, tài nguyên và hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than của Tổng Công ty Đông Bắc và các đơn vị thành viên.
Tổng công ty và các đơn vị thành viên phải tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sự chỉ đạo của tỉnh về việc lập lại trật tự trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, đặc biệt trong công tác chống than lậu. Các đơn vị thành viên của Tổng công ty cần chủ động báo cáo kịp thời số diện tích vượt quá so với diện tích ngoài hợp đồng thuê đất của tỉnh; chú ý tới việc quản lý tốt diện tích đất được giao, quản lý tài nguyên, ranh giới mỏ và diện tích đất được thuê. Ngoài ra, các đơn vị cần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển than…
Đoàn khảo sát sẽ tiếp tục làm việc với Tổng công ty Đông Bắc và có báo cáo cụ thể với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Đồng thời, tổng hợp kiến nghị các nội dung cần thiết để kịp thời khắc phục hạn chế yếu kém trong quá trình quản lý đất đai của các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Đông Bắc.
Theo Danviet
Phí tham quan Yên Tử được sử dụng hợp lý sẽ hợp lòng dân
"Nếu sử dụng nguồn kinh phí tham quan hợp lý chắc chăn sẽ hợp lòng dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị báo chí và người dân cùng tham gia giám sát việc thu, chi kinh phí thu được từ nguồn thu phí tham quan di tích Yên Tử", ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh nói trong buổi giao ban báo chí thường kỳ chiều nay (28.2).
Thu phí tham quan Yên Tử: Chưa yên!
Tính từ ngày 1.1.2018 đến nay, TP.Uông Bí đã bán tổng cộng 243.644 vé cho khách tham quan, tương đương số tiền 10,522 tỷ đồng. Đây cũng là mùa lễ hội đầu tiên Quảng Ninh tiến hành thu phí trở lại sau 10 năm miễn phí tham quan Yên Tử. Có không ít lời ca thán của du khách về việc thu phí ở nơi được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam này.
Dù đã áp dụng thu phí tham quan nhưng lượng người đến Yên Tử trong những ngày đầu khai hội vẫn rất đông. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trước đó, ngày 13.12.2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP.Uông Bí. Theo nghị quyết này, từ ngày 1.1.2018, tỉnh sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lượt/người lớn và 20.000 đồng/lượt/trẻ em. Việc miễn, giảm phí được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại Yên Tử trong những ngày đầu khai hội, mặc dù lượng người đông nhưng ít xảy ra ùn tắc. Số người tập trung đông nhất là tại vị trí bán vé và cửa soát vé vào khu di tích. Trong số đó, không ít người tỏ ra ngạc nhiên, bất bình trước việc phải bỏ tiền mua vé tham quan Yên Tử.
Chị Nguyễn Thị Xuyến (xã Liên Vị, TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) bày tỏ: "Hầu như năm nào vợ chồng tôi cũng đến Yên Tử vào dịp xuân, chưa năm nào phải mua phí tham quan nên thực sự bất ngờ. Số tiền thực ra không nhiều, nhưng với số lượng hàng triệu khách lại là rất lớn, liệu có quản lý chặt chẽ được không? Di tích có được trùng tu từ nguồn này không hay lại phải dùng ngân sách?".
Khách xếp hàng qua cửa soát vé khu vực đi bộ (Ảnh: Nguyễn Quý).
Theo chị Xuyến, việc phải bỏ ra số tiền 40.000 đồng để mua phí tham quan Yên Tử là "nhỏ" nhưng đối với bà Lê Thị Thanh (xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương), thì: "Ta đi chùa để cầu an cầu phúc đầu năm cho bản thân và gia đình, dùng dịch vụ nào trả tiền dịch vụ ấy, sao lại còn phải thu phí tham quan? Đừng thương mại hóa quá nhiều làm mất đi sự tôn nghiêm nơi đất Phật!".
"Em làm du lịch, mọi năm đưa được không biết bao nhiêu đoàn về đây nhưng năm nay thì khác. Họ không vì tiếc 40.000 đồng đâu, nhưng là vì họ thấy vô lý khi đi bái Phật lại mất phí. Có khách còn nói với em ngày trước vì đâu mà Vua về đây tu ẩn, giờ thì kinh doanh trên từng bước chân của kẻ tu hành. Nghe cũng buồn lắm anh ạ!",một hướng dẫn đoàn khách du lịch Nghệ An (xin giấu tên) chia sẻ.
Tiền công đức: Khó quản lý?
Trong một diễn biến khác, tại diễn đàn trên mạng xã hội của nhóm người Uông Bí, việc thu phí tham quan Yên Tử là đề tài "nóng bỏng" nhất mấy ngày qua.
Khó kiểm soát tiền công đức tại Khu di tích Yên Tử (Ảnh minh họa).
Bạn Bùi Thanh Thảo nêu ý kiến: "Năm 2007, để kêu gọi các mạnh thường quân góp tiền làm chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban tôn tạo Yên Tử và giao tiền công đức tại Yên Tử cho Ban Trị sự quản lý nhằm phục vụ cho 2 công trình trên. Việc xây dựng chùa Đồng và làm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hoàn thành từ lâu, nhưng đến nay Ban này vẫn nắm giữ, quản lý tiền công đức.
Tiền công đức thì chính quyền khó giám sát, rồi tiền đấy họ cũng không chịu bỏ ra tái đầu tư nên Quảng Ninh và Uông Bí cực chẳng đã phải tiến hành thu phí tham quan Yên Tử. Ngành than khó khăn, Uông Bí mấy năm rồi bị hụt thu ngân sách, nếu không thu phí Yên Tử thì không biết lấy tiền đâu để quản lý, trùng tu chùa chiền. Nhưng theo tôi thu như trên là hơi đắt và nên giảm chút cho dân địa phương".
Ý kiến trên đã nhận được nhiều sự đồng tình. Bạn Nguyễn Thùy Linh viết: "Yên Tử bao năm không thu phí rồi, nên giờ thu phí mọi người nói lên nói xuống. Sang các chùa khác ở nhiều nơi họ thu phí từ lâu rồi ấy!".
Bạn Nguyễn Khánh nêu quan điểm: "Tốt nhất là tu tâm tu tại gia. Phật ở trong tâm mỗi con người chúng ta, không cứ phải đến chùa mới là tu. Mua sách kinh và thỉnh Phật về mà tu mà niệm. Đi chùa 80% là đi vãn cảnh, và người ta xây dựng để vãn cảnh thì thu phí là lẽ tất nhiên. Nếu đi lễ chùa mà mất phí gây ức chế thì không nên đi".
Nhà tu hành, Phật tử và khách du lịch bộ hành lên đỉnh thiêng Yên Tử (Ảnh: Đỗ Giang).
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề quản lý tiền công đức, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì Khu di tích Yên Tử - cho biết: "Hiện nay, tiền công đức vào Yên Tử vẫn do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh quản lý. Các chùa trên cả nước trực thuộc Giáo hội quản lý, giám sát tiền công đức như thế nào thì ở Yên Tử chúng tôi quản lý như thế. Riêng Yên Tử từ xưa đến nay chính quyền vẫn cùng với Ban trị sự kiểm tra cụ thể. Tiền công đức hàng năm được dùng vào việc xây dựng, trùng tu chùa chiền, nuôi tăng ni, tiếp khách...".
Trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Việc thu phí tại Yên Tử đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ trước năm 2008 và đã dừng thu phí 10 năm. Trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã cùng các doanh nghiệp, người dân đầu tư rất nhiều kinh phí để xây dựng, trùng tu, cải tạo các công trình trong khu di tích để có được một Yên Tử như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng phải sử dụng một lượng ngân sách lớn để chi thường xuyên cho các hoạt động như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong các dịp lễ hội và trong cả năm để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến thăm quan Yên Tử và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh tại đây.
"Nếu sử dụng nguồn kinh phí tham quan hợp lý chắc chăn sẽ hợp lòng dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị báo chí và người dân cùng tham gia giám sát việc thu, chi kinh phí từ nguồn thu phí tham quan di tích Yên Tử. Tỉnh Quảng Ninh cam kết quản lý chặt chẽ cũng như kiên quyết sẽ xử lý những trường hợp sử dụng kinh phí không đúng", ông Vũ Văn Hợp nói.
Qua khảo sát, toàn bộ Khu di tích và danh thắng Yên Tử thời điểm hiện tại có một số loại dịch vụ và phí như sau: Giá vé bus 16 chỗ từ chùa Trình vào Yên Tử 20.000 đồng/lượt; giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000 đồng/lượt; phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000đồng/phòng; phòng ngủ tập thể: từ 100.000 đến 180.000 đồng/giường; dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000đồng/suất ăn (có cả ăn chay & ăn thường).Giá vé cáp treo Yên Tử: Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 500m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt hơn. Tuyến 1 (Giải Oan - Hoa Yên): một chiều 120.000 đồng - khứ hồi 200.000 đồng; tuyến 2 (Một Mái - An Kỳ Sinh): một chiều 120.000 đồng - khứ hồi 200.000 đồng. Cả 2 tuyến: một chiều 120.000 đồng - khứ hồi: 280.000 đồng; phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng /lần/trẻ em; phí gửi xe máy 10.000 đồng/lượt, xe ô tô 50.000 đồng/lượt.
Theo Danviet
Quảng Ninh: Hàng vạn người đội mưa phùn dự khai hội xuân Yên Tử Sáng 25.2, Lễ hội xuân Yên Tử năm 2018 đã chính thức khai mạc. Mặc dù sáng nay, trời có mưa phùn kèm gió lạnh nhưng hàng vạn người vẫn vén sương mù, giá lạnh để lên thắp hương tại đỉnh Chùa Đồng. Ngay từ sáng sớm, mọi công tác chuẩn bị cũng như đoàn người dồn về khu Trung tâm Lễ hội...