Lỗ lũy kế gần 4.000 tỷ đồng, PVC có còn cơ hội gượng dậy?
Lỗ lũy kế ngấp nghé vốn góp chủ sở hữu, trích lập dự phòng hàng ngàn tỷ đồng…, liệu Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam còn có thể gượng dậy?
Thị trường bất động sản gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến PVC có kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong ảnh: Địa điểm xây dựng Dự án Tháp dầu khí của PVC hiện đã được chuyển giao cho dự án khác.
Lỗ lũy kế ngấp nghé vốn góp chủ sở hữu
Ngày 9/6 tới, 400 triệu cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX, sàn HNX) sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Lý do là Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2019 của PVC, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Bên cạnh đó, việc PVC ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 3 năm liên tiếp là điều kiện đủ để hủy niêm yết bắt buộc, lần lượt là 416 tỷ đồng, 414 tỷ đồng và 392 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2019 của PVC ghi nhận 3.899 tỷ đồng, gần bằng vốn góp chủ sở hữu là 4.000 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân hủy niêm yết, ông Lương Đình Thành, Tổng giám đốc PVC cho biết, những năm qua, các công ty con, liên kết và đầu tư dài hạn khác của PVC hầu hết có kết quả kinh doanh thua lỗ, do nguồn công việc rất hạn chế, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án dừng, giãn tiến độ. Vì không đủ bù đắp các chi phí như chi phí quản lý, chi phí lãi vay, công nợ tồn động khó thu hồi…, nên công ty mẹ phải trích lập các khoản dự phòng theo quy định.
Thua lỗ kéo dài, khó khăn về nguồn tiền dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn và nhiều vướng mắc, khó khăn khác đã nêu trong báo cáo tài chính kiểm toán. Do đó, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của PVC.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của PVC cho thấy, dự phòng giảm giá chứng khoán ghi nhận 50,7 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi ghi nhận 1.294 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho 149,7 tỷ đồng, đều giảm so với giá trị cuối năm 2019, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi không thay đổi là 30 tỷ đồng.
Những kỳ vọng hồi phục
Hoàn nhập, hồi tố, thoái vốn… là những thông tin tích cực được các cổ đông nắm giữ cổ phiếu PVX kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp hồi phục. Cụ thể, trước thềm hủy niêm yết, PVC thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ hơn 13 triệu cổ phần (tương ứng 16,06% vốn cổ phần) Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Dầu khí-Long Sơn (PVC Idico, mã PXL), dự kiến thực hiện trong quý II và quý III/2020.
Mục tiêu của PVC trong lần thoái vốn sắp tới là giá chuyển nhượng không thấp hơn nguyên giá đầu tư tính trên mỗi cổ phiếu là 10.280 đồng/cổ phiếu, đồng thời không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.
Từng giao dịch quanh ngưỡng 2.000 đồng/cổ phần những năm 2015, 2016, cổ phiếu PXL bắt đầu hồi phục từ năm 2019 và đạt thị giá 9.600 đồng/cổ phần (đóng cửa phiên 3/6), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất là gần 400.000 cổ phần/phiên.
Video đang HOT
Báo cáo tài chính của PVC ghi nhận khoản đầu tư này có nguyên giá 136 tỷ đồng, trích lập dự phòng tại thời điểm 31/3/2020 là 36,8 tỷ đồng, chiếm phần lớn trích lập dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn. Nếu thoái vốn thành công đúng như kế hoạch, thì khoản trích lập dự phòng này sẽ được hoàn nhập.
Đáng chú ý, tháng 4 năm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản chính thức cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình II vào vận hành. Đây là dự án do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư và PVC làm tổng thầu EPC.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của PVC cho thấy, khoản phải thu khách hàng ghi nhận giá trị 1.616 tỷ đồng tại Ban Quản lý Điện lực Dầu khí Thái Bình II. Như vậy, nếu “nút thắt” trên được tháo gỡ, PVC sẽ nhận về dòng tiền lớn để thanh toán cho các nhà thầu. Theo các chuyên gia tài chính, điều này sẽ giúp PVC và các công ty con hoàn nhập dự phòng, xóa lỗ lũy kế.
Tuy nhiên, PVC cho biết, Dự án Nhiệt điện Thái Bình II vẫn còn tiềm ẩn các rủi ro chưa lường hết, như rủi ro phát sinh chi phí do dự án chậm tiến độ và chậm điều chỉnh Hợp đồng EPC. Bên cạnh đó, PVC cũng có thể phải đối diện với việc bị phạt hợp đồng với các nhà thầu phụ do chậm thanh toán vì thiếu hụt dòng tiền và dự án chậm tiến độ.
Kết thúc quý I/2020, doanh thu thuần hợp nhất của PVC giảm 57%, về 265 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 28,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 23,3 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình, PVC cho biết, đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2020, PVC đặt mục tiêu đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cố gắng giảm lỗ tối đa.
Kiểm toán ra tay, doanh nghiệp bay khỏi sàn
Yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi số liệu tuân theo các chuẩn mực kế toán, chấp nhận toàn phần nhưng vẫn nhấn mạnh để người đọc lưu ý về những vấn đề tiềm tàng, đưa ý kiến ngoại trừ, thậm chí từ chối đưa ra ý kiến là những nét vẽ khác trong mỗi mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của doanh nghiệp. Tiếng nói của kiểm toán là điều mà nhà đầu tư cần nhất bởi nhà đầu tư thì không thể, còn kiểm toán thì được thực thi vai trò giám sát, phản biện thông tin tài chính của các doanh nghiệp trên sàn.
Rời sàn vì kiểm toán từ chối đưa ý kiến
Ngày 12/05/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam từ ngày 9/6/2020.
Nguyên nhân là do tại Báo cáo kiểm toán ký ngày 31/03/2020 do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC hợp nhất và riêng năm 2019 của PVX. Theo đó, cổ phiếu PVX rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Có tới 11 căn cứ được Deloitte đưa ra về việc không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán, như Tổng công ty có lỗ lũy kế lớn, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán nợ đến hạn...
BCTC của một số công ty con không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán về các số liệu cũng như ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ năm trước lên BCTC kiểm toán của PVX...
Như vậy, PVX là cổ phiếu thứ hai tại sàn HNX bị hủy niêm yết do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến sau khi công bố BCTC kiểm toán 2019.
Trước đó, ngày 08/05/2020, HNX cũng đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu DNY của CTCP Thép Dana - Ý từ ngày 05/06/2020, do bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Cụ thể, tại Báo cáo kiểm toán độc lập số 690/2020/BCKT-AAC ký ngày 08/04/2020 do Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC thực hiện, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến do không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về tính hiện hữu của 489 tỷ đồng hàng tồn kho đến cuối năm 2019.
Ngoài ra, DNY có 397,8 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình và 297,1 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang đã bị hoen rỉ và suy giảm chất lượng, công năng do tác động của môi trường sau khi Công ty đã ngừng hoạt động trên 12 tháng và kiểm toán viên không thể định lượng được giá trị.
Cùng với đó, còn khoản 15,8 tỷ đồng nợ phải trả của DNY cũng chưa được đối chiếu xác nhận tại thời điểm 31/12/2019.
Tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (VIETVALUES) cũng đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC hợp nhất và riêng năm 2019 của CTCP Landmark Holding (LMH).
Nguyên nhân được đưa ra là đến thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán chưa nhận được thư xác nhận của hàng loạt khoản mục như: phải thu ngắn hạn của khách hàng (53,5 tỷ đồng), trả trước cho người bán ngắn hạn (214,2 tỷ đồng), người mua trả tiền trước ngắn hạn (134,8 tỷ đồng),...
Cùng với đó, LMH chưa hạch toán khoản lãi phát sinh do chậm thanh toán của Công ty TNHH TM DV Nam Song Anh với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. Nếu hạch toán sẽ làm chi phí tài chính hợp nhất tăng lên và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ giảm với số tiền tương ứng.
Với quy chế niêm yết hiện nay, án hủy niêm yết với LMH là chuyện khó tránh.
Các cấp độ lên tiếng của kiểm toán
Đối với nhà đầu tư trên TTCK, việc một BCTC bị kiểm toán viên "Từ chối đưa ra ý kiến" là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao về chất lượng tài sản, dòng tiền, lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố là không đủ độ tin cậy, tương ứng rủi ro lớn khi đầu tư vào những doanh nghiệp này.
Bên cạnh những doanh nghiệp bị đưa ý kiến từ chối, trường hợp phổ biến hơn là kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ, hoặc nhẹ hơn nữa là chấp nhận toàn phần nhưng vẫn nhấn mạnh để người đọc lưu ý về những vấn đề tiềm tàng, có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp...
Công ty kiểm toán chắc chắn không dễ dàng gì khi đưa ra các ý kiến ngược về những ghi nhận tài chính tại doanh nghiệp.
Trường hợp CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) là một ví dụ. Sau khi lợi nhuận trên BCTC được Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam thực hiện có chênh lệch lớn với báo cáo tự lập, CII giải trình cho biết: "Bản thân Công ty cũng rất bất ngờ về kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán. Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán, đã có khá nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí, nếu CII giữ nguyên quan điểm, chấp nhận cho đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với CII và các cổ đông của CII".
Với vị trí là bên độc lập kiểm tra, đánh giá số liệu tài chính, kế toán của doanh nghiệp, công ty kiểm toán có vai trò giúp thị trường nhìn ra bức tranh thực về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Những trường hợp kiểm toán đưa ý kiến buộc doanh nghiệp phải thay đổi như tại CII, đưa ý kiến ngoại trừ hay thậm chí từ chối đưa ý kiến như tại PVX, LMH hay DNY, là những thông tin thiết thực với nhà đầu tư, cho thấy đơn vị kiểm toán đã thực thi được vai trò giám sát, phát hiện và nêu ra những điểm bất thường trên báo cáo tài chính tự lập của các doanh nghiệp.
Từ câu chuyện kiểm toán lên tiếng, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi có bao nhiêu DN thực sự làm nghiêm túc và chuẩn mực báo cáo tài chính? Có nhiều công ty kiểm toán chỉ ra những câu chuyện bất thường tại doanh nghiệp hay không và có nên coi đó như một thông số đánh giá mức độ minh bạch và liêm chính của TTCK hay không?
Tháng 2/2017, cổ phiếu ATA của CTCP NTACO đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE do Công ty Kiểm toán A&C từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2015. Cũng trên báo cáo này, khoản hàng tồn kho 400 tỷ đồng tồn tại từ nhiều năm trước đã bốc hơi về 0 đồng, Công ty ghi nhận lỗ trên 426 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng.
Tháng 7/2016, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đột ngột báo lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016 khi Công Ty TNHH Ernst & Young Việt Nam phát hiện những sai lệch trong kiểm kê hàng tồn kho với giá trị lên đến 1.051 tỷ đồng và BCTC 2015 bị điều chỉnh hồi tố một số khoản mục.
Sai sót trong số liệu của ATA hay TTF được đánh giá không thể diễn ra trong một sớm một chiều, tuy vậy trong các báo cáo kiểm toán, soát xét trước đó bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đất Việt (với ATA) Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam (với TTF) đều đưa ý kiến chấp nhận toàn phần.
Đáng kể hơn là trường hợp CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) bị phát hiện gần như không có hoạt động kinh doanh, thực hiện buôn bán hóa đơn với nhiều công ty khác sai lệch tài chính... nhưng vẫn được kiểm toán chấp thuận toàn phần làm cơ sở đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
ATA hay TTF, MTM hay trước đó là câu chuyện tại Dược Viễn Đông chỉ là những ví dụ đơn cử, còn rất nhiều trường hợp báo cáo dù đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần, nhưng sau đó doanh nghiệp vỡ ra những sai lệch trọng yếu và gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi tin theo những số liệu trên các BCTC đã được kiểm toán.
TTCK Việt Nam hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đại chúng, có cổ phiếu đang giao dịch trên 3 sàn, nhưng số lượng các báo cáo bị phát hiện có vấn đề còn rất thấp.
Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của các công ty kiểm toán chủ động nói ngược với báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp, nhà quản lý cần có thêm những giải pháp thúc đẩy tính chuẩn mực và liêm chính trong việc ra báo cáo kiểm toán đánh giá doanh nghiệp đại chúng hàng năm.
Những nỗi đau quá khứ cho thấy, khi để sai sót chồng lên sai sót, hậu quả cho thị trường, cho nhà đầu tư đại chúng là rất lớn. Thị trường mất uy tín, còn nhà đầu tư, cổ đông đại chúng mất trắng khoản đầu tư vào các DN bị che đậy sức khỏe thật.
PXS: Quý 1 có lãi sau 9 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ Sau 2 năm thua lỗ, năm 2020 PXS đặt kế hoạch có lãi 700 triệu đồng, lợi nhuận quý 1 đã giúp công ty hoàn thành 45% mục tiêu này. CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã CK: PXS) đã công bố BCTC quý 1/2020. Theo đó doanh thu thuần trong kỳ đạt 178,6 tỷ đồng cao gấp 3...