Lơ là diễn xuất vì… nghiện mạng xã hội
Thoạt nghe nguyên nhân này có vẻ khó hiểu và buồn cười nhưng chứng nghiện lướt mạng xã hội của diễn viên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng vai diễn của họ.
Một diễn viên khá nổi tiếng thừa nhận mình bị nghiện mạng xã hội nên kể cả khi ra phim trường, anh vẫn tranh thủ cập nhật: “Tôi có thói quen cập nhật thường xuyên thông tin về công việc và hình ảnh của mình lên mạng xã hội để mọi người theo dõi, nhất là trang cá nhân của tôi có hàng triệu người theo dõi nên nhu cầu chia sẻ thông tin là rất lớn”.
Thông thường, các diễn viên tranh thủ đến sớm, chờ bạn diễn hay chờ đợi quay giữa 2 phân đoạn để vào trang cá nhân. Chuyện vào mạng xã hội là quyền cá nhân mỗi người, nếu không tiêu tốn thời gian trên trường quay, mất tập trung vào diễn xuất. Thay vì thời gian đó, diễn viên dành nghiên cứu thêm kịch bản, học thoại, cách diễn sẽ bổ ích hơn rất nhiều cho vai diễn.
Một cảnh chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Nhâm Minh Hiền, người từng ra thông báo “cấm sử dụng mạng xã hội trên trường quay”. Ảnh: Đoàn làm phim.
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho rằng, tình trạng này đang xảy ra ở hầu hết các đoàn làm phim và đến mức đáng báo động. Nổi tiếng là một đạo diễn khó tính và nguyên tắc trên phim trường nên anh rất bức xúc khi chứng kiến các diễn viên vì nghiện mạng xã hội mà lơ là, chểnh mảng diễn xuất.
“Ngày xưa, diễn viên đến phim trường sớm để tranh thủ mang kịch bản ra đọc, học thoại; bàn bạc với đạo diễn, bạn diễn về cảnh quay sắp tới. Còn bây giờ, có được bao nhiêu thời gian là ôm điện thoại lướt mạng xã hội, chát chít với mọi người trên mạng, đến giờ diễn mới chịu buông điện thoại, ra quay. Có nhiều diễn viên khi quay cứ ngơ ngác như người mất hồn, không biết diễn cái gì” – đạo diễn Nhâm Minh Hiền ta thán.
Các diễn viên trẻ bây giờ ít đầu tư, chuẩn bị cho vai diễn trước khi bấm máy đã đành, đằng này ngay cả khi ra phim trường cũng không tập trung. Họ ỷ lại rằng có người nhắc thoại nên đâu cần quan tâm. Là người không sử dụng mạng xã hội, diễn viên Cao Minh Đạt cho rằng diễn viên cần phải có quá trình nuôi dưỡng tâm lý nhân vật, nhất là khi sắp quay phải thật sự tập trung mới có thể nhập vai, sống cùng vai diễn được. Bằng không sẽ diễn như cái máy không hơn không kém.Với các nghệ sĩ, diễn viên gạo cội khi thấy cách làm việc của diễn viên trẻ bây giờ cũng ngán ngẩm. Nghệ sĩ Phi Điểu cho biết: “Dù vai lớn hay vai nhỏ tôi cũng phải đầu tư nghiêm túc, khi nhận kịch bản phải hiểu cặn kẽ nhân vật, học thuộc thoại. Tôi luôn tranh thủ đến phim trường sớm để học lại lời thoại, dù tôi có khả năng nhớ lời thoại rất nhanh”. Vậy mà trên trường quay, trong khi bà chăm chú học thoại thì những diễn viên trẻ lại chẳng màng quan tâm, có bao nhiêu thời gian lại ôm điện thoại lướt mạng xã hội.
Nghệ sĩ Lê Thiện trăn trở: “Không khí làm phim ngày xưa và bây giờ khác nhau quá! Ngày xưa chúng tôi làm là làm, chơi là chơi, không có chuyện vừa làm vừa chơi. Khi ra phim trường là phải gạt bỏ tất cả mọi chuyện sang một bên, tập trung cao độ để nhập vai. Bây giờ môi trường làm phim cởi mở hơn, thoáng hơn nhưng dễ dãi hơn”.
Trước thực trạng này, đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết anh phải ra thông báo: “Cấm diễn viên sử dụng mạng xã hội khi ra phim trường”. Nhưng không phải ai cũng làm được như đạo diễn Nhâm Minh Hiền, bởi “không chỉ có diễn viên mà đạo diễn, các bộ phận khác của đoàn phim cũng nghiện mạng xã hội. Thử hỏi làm phim như vậy sao có thể bảo đảm tiến độ, năng suất, chất lượng phim” – một đạo diễn nhìn nhận.
Video đang HOT
Theo Hạ Nguyên/Người lao động
Bữa cơm cuối của người vợ 50 năm và nhạc sĩ Phan Nhân
Lúc còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân thường đàn hát những ca khúc do mình sáng tác cho vợ nghe.
Ông hâm nóng tình cảm bằng những buổi cùng bà sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, đi làm từ thiện. Đáp lại, người vợ hiền là nghệ sĩ Phi Điểu cũng rất tâm lý. Bà thường dậy sớm đi chợ, mua cá lóc để nấu món cháo chồng ưa thích, ân cần chăm sóc ông bằng tình cảm như hồi còn son. Tình yêu "đôi bạn già" dành cho nhau, đến tận ngày ông vĩnh viễn ra đi, khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.
Gặp nhau trong thời chiến
"Ông vẫn thường nói với tôi, người nghệ sĩ mà không có tác phẩm để đời chẳng khác nào chết chưa chôn. Tôi biết ông vẫn canh cánh trong lòng, vẫn nặng lòng với sáng tác. Tôi khuyên ông nhiều lắm, muốn ông thoát khỏi giấc mơ con chữ đang đè nặng", NSƯT Phi Điểu tâm sự.
Tình yêu của "đôi bạn già" được thử thách qua chiến tranh, bom đạn. Họ ngưỡng mộ tài năng, hết mực tôn trọng nghề nghiệp của nhau. Tình yêu đôi lứa có sự hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước. Vì vậy, sống với nhau hơn nửa thế kỷ, tình yêu ấy chưa một phút giây thôi nồng nhiệt. Họ chỉ chịu chia xa khi nhạc sĩ Phan Nhân không cưỡng nổi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" đầy nghiệt ngã.
Cho đến khi nhạc sĩ Hà Nội niềm tin và hy vọng nằm xuống, vợ ông vẫn nấu bữa cơm đạm bạc, với đầy đủ món ăn mà sinh thời ông ưa thích. Bà cầm chiếc gậy gỗ mộc mạc mà khi còn sống, ông coi là vật bất ly thân. Chứng kiến tình cảm sắc son nghệ sĩ Phi Điểu thể hiện, không ít người vừa cảm động, vừa nghiêng mình thán phục.
Vợ chồng nghệ sĩ Phan Nhân - Phi Điểu.
Hàng chục năm qua, triệu triệu tâm hồn yêu nhạc của nhiều thế hệ biết đến tác phẩm Hà nội niềm tin và hy vọng với âm hưởng trầm hùng, bi tráng. Đây chính là sáng tác để đời của nhạc sĩ Phan Nhân. Ông viết bài hát vào năm 1972, khi quân và dân ta vừa chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Sáng tác này đã đưa tên tuổi một người viết nhạc gốc Nam Bộ nổi tiếng khắp miền Bắc lúc đó.
Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Từ nhỏ, ông đã có năng khiếu nhạc. Lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, cậu thanh niên Phan Nhân đã theo con đường văn nghệ phục vụ cách mạng. Những tháng ngày năng nổ, nhiệt huyết thời chiến đã ảnh hưởng đến những sáng tác của Phan Nhân, định hình phong cách nhạc của ông sau này. Phần lớn những sáng tác của nhạc sĩ có tính quần chúng, cổ động phong trào, mang âm hưởng trầm hùng, bi tráng của dân tộc. Có thể nói quãng thời gian tuổi trẻ, Phan Nhân sống và viết hết mình, đó là giai đoạn đẹp nhất của sự nghiệp của nhạc sĩ.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Phan Nhân gia nhập đoàn văn công, đây chính là nơi ông gặp người phụ nữ cuộc đời. Phi Điểu cũng quê gốc An Giang, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Những năm tháng sơ tán, Phi Điểu lại lớn lên ở Campuchia.
Sau năm 1954, bà tập kết ra Bắc, rồi vào đội văn công phục vụ quần chúng. Cảm mến tài năng của Phan Nhân, hai người tiến tới hôn nhân. "Đám cưới được tổ chức giữa lán trại trong rừng, chỉ có ít nước chè và bánh kẹo. Toàn anh em văn nghệ tham gia nên đám cưới giản dị mà vui", nghệ sĩ Phi Điểu nhớ lại.
Dù đã là vợ chồng nhưng cả hai hoạt động phục vụ kháng chiến nên thường ở hai đơn vị khác nhau. Thời gian ở bên nhau ít nhưng những cánh thư hỏi han vẫn đều đều được gửi đi, nhận về trong tháng năm bom đạn. Tình cảm vợ chồng của Phan Nhân và Phi Điểu được thử thách qua những tháng năm bom rơi đạn lạc.
Phi Điểu còn nhớ, những năm 1970, chiến tranh leo thang khốc liệt ở miền Bắc, vợ chồng bà xa nhau triền miên. Trong khi ông rong ruổi khắp miền đất nước để gây dựng phong trào văn nghệ hoặc đi nước ngoài học tập thì bà ở lại nơi tập kết, vừa nuôi con đầu lòng, vừa tiếp tục nhiệm vụ người lính. Bà cho biết, lúc đó chỉ có lý tưởng cao cả vì cách mạng, vì đất nước mới có thể giúp tình cảm hai người vượt qua cám dỗ, thử thách.
Là phụ nữ trẻ, lại phải nuôi con đầu lòng nhưng Phi Điểu là người mạnh mẽ. Bà vẫn còn nhớ lúc đó chồng bận bịu, bà vừa nuôi con nhỏ, vừa làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam. Khi chiến tranh leo thang, Phi Điểu lại phải gửi con thơ đi sơ tán vì nhiệm vụ đất nước. Nhưng khó khăn ấy vẫn không thể làm ý chí người phụ nữ kiên trung gục ngã. "Trong chiến tranh, tình yêu quê hương đất nước cao hơn tình cảm cá nhân. Chúng tôi đã động viên nhau, gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để gia đình sớm đoàn tụ. Tôi viết thư cho chồng và thấy ấm lòng khi nhận lại sự động viên từ những cánh thư nơi tiền tuyến", nghệ sĩ Phi Điểu bồi hồi nhớ lại.
Viết trọn bản tình ca thời bình
Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Nhân - Phi Điểu quay lại Sài Gòn công tác trong Đài phát thanh TP HCM. Lúc này, nhạc sĩ vẫn ôm đàn đi khắp các tỉnh Nam bộ gây dựng phong trào văn nghệ những ngày đầu giải phóng. Chỉ đến khi gần về hưu, làm công tác biên tập âm nhạc cho đài phát thanh, ông mới có nhiều thời gian bên gia đình.
Nhạc sĩ Phan Nhân từng chia sẻ cả cuộc đời ông chưa có sáng tác nào dành riêng cho vợ. Ông nói: "Thế hệ chúng tôi ngại những cách bày tỏ tình cảm trực tiếp. Chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ, tôn trọng công việc, sở thích của nhau, vậy là đủ". Vì suy nghĩ đó, ông cũng yên tâm và ủng hộ Phi Điểu theo đuổi những việc yêu thích như đóng phim, làm từ thiện... Theo nhạc sĩ, chính sự đảm đang cùng tấm lòng yêu thương, chung thủy của nữ nghệ sĩ tạo nên sợi dây kết nối hai vợ chồng. Nhờ vậy nên dù sống xa nhau nhiều, họ vẫn có nhau trong tâm tưởng.
Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời ở tuổi 85.
Không xuất hiện trong sáng tác của chồng, nhưng Phi Điểu luôn là người đầu tiên lắng nghe, cho ý kiến mỗi khi ông hoàn thành một ca khúc mới. Sự hào hứng của bà chính là nguồn cảm hứng dồi dào để ông viết những tác phẩm được khán giả yêu thích, trong đó có bài Tình bạn già. Đây được xem là ca khúc khái quát mối tình bền chặt trải qua hơn 60 năm của vợ chồng nghệ sĩ.
Ca khúc mang những ca từ giản dị: "Tóc bạc trắng mà vẫn bước đường xa/ Qua phong ba nhưng tình nghĩa đậm đà/ Vẫn nồng ấm nhựa sống trong lòng ta/ Yêu thương nhau tình đồng đội/ Yêu thương nhau tình đồng hương/ Vui bên nhau đời còn dài/ Vui bên nhau đường còn xa...".
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phan Nhân còn dí dỏm ví mình giống như một đứa trẻ, lúc nào cần sự chăm sóc, động viên của vợ. Còn Phi Điểu càng tâm lý với chồng khi biết món ăn yêu thích nhất là cháo cá lóc, những ngày không hoạt động văn nghệ, bà lại đạp xe đi chợ, mua cá về nấu cho ông ăn. Những khi ấy, lão nhạc sĩ già ngồi ngắm vợ nấu ăn, vừa loanh quanh giúp bà việc vặt. Rồi ông ân cần gọi bà là "má", bà cũng trìu mến gọi chồng bằng "ba". Ngoài ra lúc còn nhau, nghệ sĩ Phi Điểu và chồng còn hay hâm nóng tình yêu bằng các hoạt động xã hội như tham gia văn nghệ, làm từ thiện để tinh thần thoải mãi, yêu đời, sống hòa nhã hơn.
Bước sang tuổi 85, sức khỏe nhạc sĩ Phan Nhân yếu đi nhiều. Ông bị bệnh tim, phổi và nhiều căn bệnh tuổi già khác. Những ngày chồng nhập viện, NSƯT Phi Điểu tạm gác việc quay phim, tự tay chăm miếng ăn, giấc ngủ cho người bạn đời. Bà cũng giữ bình tĩnh, đích thân chu toàn việc chăm sóc cho chồng trong những ngày cuối đời khi ông được chuyển từ bệnh viện về nhà.
Rồi như nhận ra quy luật sinh tử tuổi già đã cận kề, đôi bạn già cũng thanh thản chờ đợi cuộc phân ly sớm muộn cũng phải đến. Ngày ngày, nghệ sĩ Phi Điểu luôn túc trực bên chồng để chăm sóc, động viên. Nhạc sĩ Phan Nhân dường như cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc viên mãn khi có một người vợ tâm lý, hết lòng yêu thương mình.
Ngày ông trút hơi thở cuối cùng, nghệ sĩ Phi Điểu tiếc thương vô hạn vì không còn sánh đôi với chồng trên đường đời. Tuy nhiên, người ta thấy trên khuôn mặt phúc hậu của nghệ sĩ Phi Điểu một sự mạnh mẽ. Bà nén đau thương tự tay nấu một bữa cơm gồm những món ưa thích của chồng lúc còn sống để tiễn biệt. Trong buổi tang lễ bà vận áo tang, tay mang chiếc gậy gỗ mà lúc còn sống được xem là vật bất ly thân của chồng. Nhiều người chứng kiến cảnh ấy đã không khỏi cảm động.
Giờ đây nghệ sĩ Phan Nhân đã đi xa, trái tim gần một thế kỷ thổn thức vì nhạc đã ngừng đập, nhưng cảm hứng về tình yêu, về cuộc sống của cố nhạc sĩ vẫn còn đó. Người ta nói, tình yêu của vợ chồng ông xứng đáng là bản tình ca bất diệt cũng là vậy.
Theo Phong Vân/Báo Gia đình & Xã hội
NSƯT Phi Điểu thất thần đưa tiễn nhạc sĩ Phan Nhân Mặc dù luôn giữ sự bình thản để lo hậu sự cho chồng nhưng trong ngày đưa tiễn bạn đời về đất mẹ, nữ diễn viên lão làng như muốn ngã quỵ. Sáng sớm 2/7, người thân, đồng nghiệp có mặt tại Nhà tang lễ Thành phố làm lễ động quan nhạc sĩ Phan Nhân. Linh cữu ông được đưa đi hỏa táng...