Lộ diện NanoDragon: Vệ tinh “Make in Vietnam” sẽ phóng vào cuối 2020
Việc phóng vệ tinh NanoDragon sẽ đánh dấu một bước tiến mới của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh.
NanoDragon là mẫu vệ tinh siêu nhỏ được phát triển bởi chính đội ngũ kỹ sư Việt Nam. NanoDragon có khối lượng 10kg, thuộc loại vệ tinh có kích thước siêu nhỏ.
Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020.
Khi phóng lên vũ trụ, vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo. Bên cạnh đó, NanoDragon còn có chức năng thử nghiệm việc thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano.
Mô hình vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon.
Theo dự kiến, NanoDragon sẽ được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2020 theo Chương trình phóng tên lửa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản ( JAXA).
Vệ tinh NanoDragon được nghiên cứu và chế tạo bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – VNSC (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Đây là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ vệ tinh ở Việt Nam. Trước đó, VNSC đã nghiên cứu và chế tạo thành công vệ tinh PicoDragon (khối lượng 1kg) và vệ tinh MicroDragon (khối lượng 50kg).
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5% – 10 % tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP).
Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.
Mô hình vệ tinh MicroDragon – mẫu vệ tinh có khối lượng 50kg do Việt Nam chế tạo từng được phóng thành công vào năm 2019.
Sau khi từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo các loại vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ, Việt Nam sẽ phát triển các loại vệ tinh có công nghệ radar tiên tiến như vệ tinh LOTUSat-1, dự kiến được phóng vào năm 2023.
LOTUSat-1 có khả năng chụp ảnh Trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách của Việt Nam về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Theo GenK
Thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G bằng thiết bị Make in Vietnam
Việt Nam đang làm chủ được khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới. Mục tiêu từ nay đến năm 2021, Việt Nam phải làm chủ được việc sản xuất hoàn toàn tất cả các thiết bị viễn thông 5G.
Sáng 17/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel
Mạng di động 5G chính thức lần đầu tiên được kết nối thử nghiệm tại Việt Nam vào sáng 10/5/2019. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên một cuộc gọi 5G được thực hiện bằng thiết bị mạng do Việt Nam tự sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Đây là thiết bị do Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nghiên cứu và sản xuất.
Với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019).
Như vậy, sau khi thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G bằng thiết bị do Việt Nam sản xuất.
Hiện trên thế giới chỉ có 5 công ty là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G. Đáng chú ý khi trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất nhà mạng của Việt Nam vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng tự sản xuất các thiết bị mạng.
Viettel đặt mục tiêu đến 6/2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến Tháng 6/2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Tập đoàn này hướng tới mục tiêu xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên "Hệ sinh thái công nghệ 5G" phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G vào tháng 6/2020
Tại sự kiện, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhà mạng Viettel trong việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất thiết bị 5G.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc có một mạng lưới viễn thông bằng các thiết bị Việt Nam là ước mơ và khát vọng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo ngành Bưu điện. Hiện Việt Nam đang làm chủ được khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2021, Việt Nam phải làm chủ được việc sản xuất hoàn toàn tất cả các thiết bị viễn thông.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm quan gian trưng bày các sản phẩm chip dùng cho thiết bị viễn thông được phát triển bởi Viettel.
Năm 2020 sẽ là năm quốc gia về chuyển đổi số. Để hướng tới việc biến Việt Nam trở thành một quốc gia số, cần phải phát triển hạ tầng viễn thông. Do vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Viettel phải sớm thương mại hóa thiết bị 5G Microcell vào tháng 6/2020.
Đây cũng là khoảng thời gian Bộ TT&TT tiến hành cấp phép tần số dùng cho 5G. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào tháng 6/2020.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam.
Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, việc thử nghiệm cuộc gọi 5G lần đầu tiên bằng các thiết bị do Việt Nam sản xuất là minh chứng sinh động cho tinh thần bứt phá theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ chung tay cùng Bộ TT&TT trong việc hoàn thiện và tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thể chế. Bộ KH&CN sẽ tạo thuận lợi tối đa nhằm giúp Viettel nói riêng và các nhà sản xuất Việt Nam nói chung trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả và thành tựu R&D của mình.
Theo VietNamNet
Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Vietnam Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường...