Lở đất chôn vùi ngôi làng Na Uy
Trận lở đất lớn phá hủy nhiều ngôi nhà tại làng Ask gần thủ đô Olso, Na Uy đêm 29/12, khiến 10 người bị thương và 12 người mất tích.
Video từ hiện trường cho thấy toàn bộ sườn đồi đổ sập xuống làng Ask, thuộc khu đô thị Gjerdrum, cách thủ đô Oslo 24 km về phía đông bắc. Nhiều ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn đen.
Tuyết rơi suốt buổi sáng ngày 30/12 khi cơ quan khẩn cấp sơ tán người bị thương và nỗ lực đảm bảo các ngôi nhà trụ vững. Một số ngôi nhà bị nghiêng ra rìa miệng hố hình thành sau vụ sạt lở, một số nhà sau đó bị sạt xuống hố.
Hiện trường vụ sạt lở đất khiến nhiều ngôi nhà bị “nuốt chửng” ở Na Uy sáng 30/12. Video: Twitter/Disaster News .
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, người đến thăm ngôi làng có khoảng 1.000 người sinh sống, mô tả đây là “một trong những trận lở đất lớn nhất” mà đất nước từng chứng kiến.
“Đó là trải nghiệm bi thảm”, bà Solberg nói với các phóng viên, bày tỏ mối lo ngại đặc biệt đối với tình trạng của những người mất tích. “Tình hình vẫn chưa ổn định và chưa thể làm gì khác ngoài giải cứu bằng trực thăng”.
Truyền thông Na Uy đưa tin 700 người đã được sơ tán, và thành phố cảnh báo khoảng 1.500 người có thể rời khỏi khu vực do lo ngại về an toàn.
Đến tối 30/12, 12 người vẫn mất tích. “Chúng tôi không biết liệu những người này có ở trong khu vực sạt lở hay không, hoặc họ mất liên lạc do đi nghỉ hoặc lý do nào đó khác”, cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
10 người bị thương, trong đó một người được chuyển đến Oslo với vết thương nghiêm trọng. “Cảnh sát đang coi đây là thảm họa”, người đứng đầu chiến dịch tìm kiếm cứu nạn Roger Pettersen nói.
Nhiều cuộc gọi khẩn cấp thông báo có những ngôi nhà đang bị dịch chuyển. “Có nhiều báo cáo nguy cấp và tình hình rất nghiêm trọng”, ông nói thêm.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên Nước và Năng lượng Na Uy (NVE), lở đất xảy ra khi khoảng đồi dài 300-700 mét bị trượt và sụp xuống do hiện tượng “đất sét chảy”.
“Đây là vụ lở đất lớn nhất trong thời gian gần đây ở Na Uy, xét về số lượng nhà dân và số người phải sơ tán”, phát ngôn viên của NVE Laila Hoivik nói.
Đất sét chảy là loại đất sét nền xuất hiện ở Na Uy và Thụy Điển, có thể chuyển thành chất lỏng khi chịu sức ép quá mức. “Khu vực này đã được khảo sát trước đó, và được biết là có chứa đất sét chảy. Khả năng xảy ra các vụ sạt lở lớn tương tự trong khu vực hiện tại ở mức thấp”, Hoivik nói.
Nhật báo Thụy Điển Aftonbladet đưa tin Thụy Điển đã cử nhân viên được đào tạo đặc biệt để tới Na Uy hỗ lực giải cứu người mất tích và bảo vệ các ngôi nhà. Vua Harald của Na Uy đã gửi lời chia buồn với người dân trong khu vực thảm họa.
Ảnh chụp từ trực thăng cứu hộ cho thấy miệng hố lớn hình thành sau vụ sạt lở ở làng Ask, Na Uy sáng 30/12. Ảnh: Reuters .
Na Uy sơ tán hàng trăm người sau vụ lở đất
Đã có ít nhất 9 người bị thương và 200 người đã phải sơ tán sau khi xảy ra trận lở đất lúc rạng sáng 30/12 tại một thị trấn nhỏ phía Bắc thủ đô Oslo của Na Uy.
Hiện trường vụ lở đất ở thị trấn Ask, cách thủ đô Oslo của Na Uy 40 km về phía đông bắc, ngày 30/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo cảnh sát địa phương, trận lở đất trên đã làm sập một số ngôi nhà ở khu Gjerdrum, nơi có khoảng 5.000 dân và cách Oslo 25 km về phía Đông Bắc. Lực lượng cứu hộ và quân đội đã nhanh chóng được huy động, triển khai hoạt động cứu hộ và sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
* Cũng liên quan đến lở đất, tại Papua New Guinea, ngày 30/12, chính phủ nước này thông báo đã xảy ra một trận lở đất chôn vùi 15 người, trong đó có 3 trẻ em.
Trận lở đất xảy ra đêm 29/12 tại huyện Goilala ở Papua New Guinea và vùi lấp nhiều lán trại của những người khai thác vàng. Theo chính quyền sở tại, hiện lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm thấy hai thi thể. Mưa lớn đã cản trở nghiêm trọng hoạt động cứu hộ, tìm kiếm người mất tích.
Dịch COVID-19 ngăn chủ nhân Nobel Hòa bình 2020 tới Oslo nhận giải Ngày 18/11, Viện Nobel Na Uy thông báo Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ không tới thủ đô Oslo của Na Uy để nhận giải Nobel Hòa bình 2020 vào tháng 12 tới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới (WFP)...