Liverpool và giá trị của những đồng tiền khôn
Alisson Becker, Virgil Van Dijk hay Mohamed Salah, những bản hợp đồng đắt giá của Liverpool đều tỏa sáng để mang về chức vô địch một cách thuyết phục cho thầy trò Juergen Klopp.
Kết thúc 90 phút trên sân Wanda Metropolitano, Liverpool giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 2-0. Một màn trình diễn thuyết phục, một thắng lợi hoàn toàn xứng đáng của thầy trò HLV Juergen Klopp.
Divock Origi có thể được nhắc tới nhiều như người hùng kết liễu trận đấu, nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua màn thể hiện của những Alisson Becker, Virgil Van Dijk, Mohamed Salah hay Sadio Mane, những cái tên đã ngốn không ít tiền của ban lãnh đạo đội bóng trên thị trường chuyển nhượng.
65 triệu euro cho một thủ thành như Alisson Becker là cái giá quá hời.
Từ một “gã khờ” trong mỗi phiên chợ, Liverpool đang trở thành một kẻ đi chợ khôn ngoan, và những đồng tiền khôn đó của ban lãnh đạo The Kop cuối cùng cũng mang về trái ngọt cho đội bóng này.
Từ gã khờ trên thị trường chuyển nhượng
Mùa giải 2011/12, huyền thoại Liverpool Kenny Dalglish được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội bóng trong sự kỳ vọng lớn lao sẽ đưa The Kop tìm lại ánh hào quang xưa và có lần đầu tiên vô địch quốc nội trong kỷ nguyên Premier League.
Mùa hè năm đó, hơn 60 triệu bảng được “King” Kenny vung ra trên thị trường chuyển nhượng nhằm mang về hàng loạt tân binh như Stewart Downing, Jordan Henderson, Jose Enrique, Sebastian Coates hay Charlie Adam.
Kết quả, Liverpool cán đích ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng, HLV Dalglish mất việc, còn trong số những tân binh khi ấy, duy nhất Henderson có thể trụ lại tới nay.
Kenny Dalglish là người mở đầu cho phong trào mua sắm bừa bãi tại Liverpool.
Sau khi HLV Dalglish rời đi, Brendan Rodgers là cái tên được “chỉ mặt, điểm tên” cho chiếc ghế nóng tại sân Anfield. Thế nhưng, không những không giúp cải thiện thành tích đội bóng, vị thuyền trưởng người Ireland còn tiếp nối cả thói quen mua sắm bừa bãi mà người tiền nhiệm để lại.
Trong 3 năm gắn bó với nửa đỏ vùng Merseyside, HLV Rodgers đã chi tới hơn 252 triệu bảng để mua sắm. Tuy nhiên, thay vì những ngôi sao thực sự có giá trị, vị HLV này lại phí tiền vào những cầu thủ tầm trung như Oussama Assaidi, Fabio Borini, Rickie Lambert hay Alberto Moreno.
Bình quân, Liverpool chi ra hơn 80 triệu bảng mỗi mùa cho việc chiêu binh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai trong số này trụ lại được quá 2 năm. Và chính thói quen chi tiêu lắt nhắt, bừa bãi khiến đội bóng này trở thành một tập thể chắp vá, thừa lượng nhưng thiếu chất.
“Nếu cho Liverpool 100 triệu trong tay, thay vì chiêu mộ một siêu sao đích thực như Real Madrid, họ sẽ mang về 10 ngôi sao trị giá 10 triệu, hay thậm chí là 20 cầu thủ trị giá 5 triệu”, đó là những gì CĐV The Kop thường mỉa mai ban lãnh đạo đội bóng thời điểm đó.
Không chỉ mua phải hàng kém chất lượng, đội bóng này cũng phải nếm trái đắng với những bản hợp đồng hớ có thể kể tới như Adam Lallana, Lazar Markovic hay Mario Balotelli.
Trong cơn khát trở lại với ánh hào quang xưa, Liverpool bỗng hóa gã khờ trong mỗi “phiên chợ người”. Họ có thể có nhiều tiền, có thể mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng, nhưng những gì họ nhận lại chỉ là một “nồi lẩu thập cẩm”, không hơn không kém.
Adam Lallana (28 triệu bảng) là một trong những bản hợp đồng tệ hại nhất của Liverpool thời Rodgers.
Tới kẻ đi chợ khôn ngoan
Mùa giải 2015/16, Juergen Klopp cập bến Anfield. Lập tức, một cuộc thanh trừng lớn được tạo ra, và một loạt hàng thải như Christian Benteke, Joe Allen hay Mamadou Sakho phải khăn gói rời đội bóng.
Sau cuộc thanh trừng đó là cơn bão đổ bộ của những ngôi sao đắt giá, mở đầu bằng Sadio Mane (37,8 triệu bảng), Alex-Oxlade Chamberlain (34,2 triệu bảng), Mohamed Salah (38,2 triệu bảng) rồi tới những bom tấn như Naby Keita (54 triệu bảng), Alisson Becker (56 triệu bảng) hay Virgil van Dijk (75 triệu bảng).
Ba mùa giải, hơn 300 triệu bảng được bỏ ra. Một canh bạc tất tay của Klopp, bởi nếu không giành được danh hiệu, ông chắc chắn mất việc.
Liverpool có được những ngôi sao hạng A với những mức giá khá hời.
Người ta có thể gọi Klopp là “gã điên”, nhưng trong việc mua bán, “gã điên” đó đang cho thấy sự già dơ và biến Liverpool trở thành một kẻ khôn ngoan, lọc lõi trên thị trường chuyển nhượng.
Một Mane chỉ mới bước đầu thành công tại Southampton liệu có đáng giá như vậy? Một Chamberlain bị chê đã chạm trần tiềm năng tại Arsenal liệu có xứng với mức giá đó? Một Salah từng thất bại thảm hại tại Chelsea có cần thiết phải ngốn của đội bóng tới gần 40 triệu bảng? Rồi cả những Van Dijk, Alisson hay Keita, Klopp có quá “điên” khi chiêu mộ họ với mức giá điên rồ như vậy hay không?
Thực chất, đó chính là cái khôn của HLV Klopp. Cùng chi rất nhiều tiền, nhưng thay vì “mua chết bỏ” và mù quáng như Manchester United, vị HLV người Đức nhắm tới những cầu thủ tiệm cận ngôi sao và bỏ ra những khoản tiền được cho là lớn hơn giá trị thực của những cầu thủ này để đưa họ về Anfield.
Nhiều người cho đó là điên rồ, nhưng với Klopp, đó chính là những mảnh ghép cuối cùng cho cỗ máy chiến thắng của ông, và chúng ta đã thấy tiềm năng của họ phát huy khi đặt vào hệ thống chiến thuật của vị HLV này.
Chamberlain bị gọi là “tù trưởng” tại Arsenal, nhưng tại Liverpool, anh trở thành quân bài quan trọng.
Trong lối chơi giàu tốc độ và thể lực mà HLV Klopp xây dựng cho Liverpool, 2 chiếc “ xe đua” Mane – Salah hành hạ mọi hàng phòng ngự khốn đốn, còn Chamberlain “phổi bò” hiệu quả và bền bỉ ở khu trung tuyến.
Nơi hàng phòng ngự, vị trí bị coi là điểm yếu cố hữu trong mọi đội bóng của Klopp bởi sự mất tập trung, tâm lý yếu cùng lối đá tùy hứng, nay cũng trở nên vững chãi và bản lĩnh gấp bội phần với thủ lĩnh Van Dijk cùng “người nhện” Alisson.
Và không chỉ những ngôi sao, những bản hợp đồng giá rẻ, những cầu thủ trẻ, hay cả những cái tên miễn phí như Andrew Robertson, Xherdan Shaqiri, James Milner, Joel Matip hay Trent-Alexander Arnold cũng đều như cá gặp nước khi được đặt vào hệ thống vận hành của vị thuyền trưởng người Đức.
Với chỉ 8 triệu bảng, tìm được một cái tên xuất sắc hơn Robertson ở thời điểm này là điều không thể.
Tại chung kết Champions League năm ngoái, Liverpool chịu thất bại cay đắng trước Real Madrid bởi một hàng phòng ngự non kém, với đỉnh cao của sự xấu hổ chính là “thảm họa” Loris Karius.
Thế nhưng, càn khôn đã xoay vần ở mùa giải năm nay. “Máy quét” Fabinho dọn dẹp sạch sẽ khu trung tuyến và khóa chặt ngòi nổ Christian Eriksen. Còn trước khung thành, nỗi ám ảnh Karius đã được thay thế bằng một Alisson chắc chắn và đầy khôn ngoan.
Salah và Origi có thể là những người ghi bàn, nhưng chiến thắng là của cả một tập thể, với kiến trúc sư trưởng mang tên Juergen Klopp. Những đồng tiền khôn ngoan của ông cùng ban lãnh đạo Liverpool đã cho thấy hiệu quả, và giờ đây, người hâm mộ The Kop có quyền hướng tới một chu kỳ thành công rực rỡ mới của đội bóng.
Khoảnh khắc biển người tại Anh ăn mừng chức vô địch của Liverpool. Cổ động viên Liverpool ăn mừng cuồng nhiệt khi theo dõi Divock Origi ghi bàn thắng kết liễu Tottenham Hotspurs, đem về chiếc cúp Champions League thứ 6 cho “The Kop”.
Theo Zing
Kỷ nguyên Liverpool bây giờ mới bắt đầu
Được dẫn dắt bởi HLV người Đức và sở hữu dàn cầu thủ đến từ Bundesliga, Liverpool giành chức vô địch Champions League cùng với niềm tin về kỷ nguyên thống trị.
Họ có thể cùng nói tiếng Anh, chơi cho đội bóng Anh, thưởng thức ẩm thực Anh, hít thở bầu không khí nước Anh, nhưng dòng máu cuộn chảy trong họ mang chất Đức rất điển hình. Với huấn luyện viên Juergen Klopp, Roberto Firmino (Hoffenheim), Joel Matip (Schalke), Naby Keita (RB Leipzig), Xherdan Shaqiri (Bayern Munich) và Divock Origi (Wolfsburg), chất Đức trong Liverpool sẽ khiến nhiều đội bóng nhìn ra con đường tiến tới đỉnh cao.
Người hâm mộ cho rằng dòng máu Đức này chỉ là sự trùng hợp thì nhầm hoàn toàn. Truyền thông có lý do tin "The Kop" ấp ủ kế hoạch xây nên triều đại chất lượng Đức từ khá lâu.
Juergen Klopp mang tới Liverpool cá tính Đức, định hình cho đội bóng giá trị bền vững. Ảnh: AP.
Cái bắt tay giữa Liverpool và Bundesliga
Năm 1977, Liverpool quyết định bán tiền đạo Kevin Keegan cho Hamburg với mức giá 500.000 bảng. Đó là kỷ lục chuyển nhượng ở cả Anh và Đức lúc đó. Keegan được nhiều ông lớn tại châu Âu theo đuổi, nhưng lại bất ngờ chọn gia nhập Hamburg - đội bóng suốt 2 thập kỷ không xếp cao hơn vị trí thứ 6 ở giải vô địch quốc gia.
Thành công đầu tiên của Kevin Keegan trên đất Đức là tạo ra xu hướng để tóc mới cho các cầu thủ Đức. Mái tóc xoăn của Keegan được bắt chước rất nhiều khắp làng bóng đá Đức.
Tuy nhiên, dấu ấn vĩ đại nhất mà Keegan tạo ra là giúp Hamburg vô địch Bundesliga mùa 1978/79. Bản thân ông trong 2 năm gắn bó với Hamburg đã ẵm luôn Quả bóng vàng năm 1978 và 1979. Kevin Keegan trở thành một trong những bản hợp đồng người Anh thành công nhất lịch sử Bundesliga.
Giới chuyên môn tin thành công của Kevin Keegan chính là nền tảng cho mối quan hệ bền chặt giữa Liverpool và làng túc cầu Đức. Sau Keegan, Liverpool từng tặng cho người Đức nhiều cầu thủ chất lượng cao như Sami Hyypia, Pepe Reina, Emiliano Insua, Peter Gulasci và đáng nhớ nhất là Xabi Alonso.
Ở chiều ngược lại, "Lữ đoàn đỏ" vùng Merseyside cũng nhập khẩu hàng loạt món hàng chất lượng Đức như Karl-Heinz Riedle (1997, Borussia Dortmund), Sean Dundee (1998, Karlsruhe), Erik Meijer (1999, Bayer Leverkusen) và Markus Babbel (2000, Bayern Munich).
Kinh điển và đáng nhớ nhất trong những dòng máu Đức chảy vào Anfield là huyền thoại Dietmar Hamann. Anh gắn bó với Liverpool ở giai đoạn 1999-2006, thi đấu 328 trận và là một trong những mảnh ghép quan trọng tạo nên chức vô địch Champions League vĩ đại năm 2005.
Chức vô địch Champions League năm 2005 của Liverpool cũng có dấu ấn của một cầu thủ Đức là Dietmar Hamann. Ảnh: Firmastella.
Kỷ nguyên mới của Liverpool
Juergen Klopp xuất hiện trong bối cảnh niềm tin của Liverpool vào các huấn luyện viên (HLV) bị xói mòn nghiêm trọng. Kỷ nguyên của Brendan Rodgers kết thúc trong sự hoài nghi không phải vì yếu tố thành tích, mà vì Rodgers bị kết tội âm mưu tẩy sạch truyền thống Liverpool để xây dựng tầm ảnh hưởng của mình.
Ông loại những biểu tượng tạo nên giá trị truyền thống của Liverpool như Jamie Carragher, Steven Gerrard, âm mưu xóa bản sắc của "The Kop" bằng nỗ lực "cấy ghép" vào gen Liverpool những yếu tố mang tính cá nhân. Đây là một trong những lý do biến Rodgers thành kẻ thù với nhiều fan Liverpool và cũng phần nào băm nát niềm tin của fan "The Kop" vào những người mang danh thuyền trưởng.
Một cá tính Đức xuất hiện kéo theo những cá tính khác. Roberto Firmino là món hàng Bundesliga đầu tiên gia nhập Liverpool trong kỷ nguyên Klopp, và đến mùa hè 2017, cơ thể Liverpool được truyền dòng máu Đức một cách ồ ạt.
Giới chuyên môn tin Klopp đã định hình cho Liverpool cá tính mạnh đúng kiểu Đức điển hình, và sự xuất hiện của những Alisson, Virgil van Dijk sau đó cũng hòa hợp với giá trị cốt lõi mà Klopp muốn hướng tới.
Những nền tảng vững chãi như Virgil van Dijk tiếp thêm niềm tin cho Liverpool tiếp tục vươn cao hơn trong tương lai. Ảnh: Premierleague.
Khi Juergen Klopp quyết định bán Coutinho - tiền vệ xuất sắc nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro trong tương lai đến từ sự ngẫu hứng và thất thường đặc trưng của cầu thủ Nam Mỹ - ông có lẽ đã tính ra đường đi nước bước tiếp theo. Người Đức mất 10 năm để xây dựng nên đội hình vô địch thế giới mà không cần ngôi sao lớn tầm cỡ Messi hay Ronaldo, và đây cũng chính là hình mẫu mà Klopp muốn hướng tới.
Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết tạo nên hy vọng cho người hâm mộ Liverpool, bởi "Lữ đoàn đỏ" sẽ không chỉ lóe lên một mùa bóng rồi vụt tắt như Porto, Monaco. Họ cũng không coi chức vô địch Champions League này là cú vồ chớp nhoáng như sư tử vồ mồi.
Vinh quang được tạo nên từ những giá trị bền vững, chắc chắn, và ngai vàng là phần thưởng cho tập thể đủ khao khát, đẳng cấp để nhắm tới vinh quang cao nhất. Nhiều người cho rằng chức vô địch Champions League 2018/19 đánh dấu sự trở lại của Liverpool hùng mạnh trong quá khứ. Cá tính của nhà vô địch lẩn khuất trong gen của "The Kop" đã được khơi dậy.
Chức vô địch hôm nay tách biệt hoàn toàn với quá khứ vinh quang, bởi nó đánh dấu kỷ nguyên mới bây giờ thật sự bắt đầu.
Khoảnh khắc biển người tại Anh ăn mừng chức vô địch của Liverpool. Cổ động viên Liverpool ăn mừng cuồng nhiệt khi theo dõi Divock Origi ghi bàn thắng kết liễu Tottenham Hotspurs, đem về chiếc cúp Champions League thứ 6 cho "The Kop".
Theo Zing
"Khả năng dứt điểm của cậu ấy là hoàn hảo" Tiền vệ James Milner mới đây đã lên tiếng dành những lời có cánh cho một người đồng đội của mình tại Liverpool. Như đã biết, vừa qua châu Âu đã chứng kiến nhà vua mới sau chiến thắng 2-0 của Liverpool trước Tottenham trong trận chung kết Champions League. Rõ ràng, hàng công của The Kop mùa này tỏ ra cực kỳ...