Lion Air – hãng hàng không có lịch sử bay thiếu an toàn
Hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia từng bị liên minh châu Âu (EU) cấm bay vào không phận các thành viên suốt 10 năm vì lịch sử bay thiếu an toàn.
Hãng hàng không Lion Air từng bị EU đưa vào “danh sách đen” trong suốt 10 năm từ năm 2006 đến 2016.
Sau vụ tai nạn thảm khốc ngày 29/10 xảy ra với máy bay JT610 chở 189 hàng khách rơi xuống biển, chính phủ Australia khuyến cáo các quan chức nước này và đối tác không sử dụng dịch vụ bay của hãng này.
Lion Air là hãng hàng không Indonesia giá rẻ từng liên quan đến nhiều sự cố hàng không nghiêm trọng trong suốt những năm qua.
Chỉ mới cách đây 6 tháng, một máy bay của Lion Air trượt khỏi đường băng ở sân bay Djalaluddin, Indonesia khiến hệ thống hạ cánh bị phá hủy, dù may mắn đã tới khi không ai trong số 174 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn bị thương.
Máy bay Lion Air lao ra biển Bali năm 2013. (Ảnh: AP)
Năm 2017, một máy bay Boeing của Lion Air va chạm với một máy bay Wings Air khi hạ cánh tại sân bay Kualanamu, đảo Sumatra, may mắn tiếp tục đến khi không có ai bị thương.
Tháng 5/2016, hai máy bay Lion Air va chạm tại sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta, khi trước đó một tháng máy bay của Batik Air – một chi nhánh của tập đoàn Lion – cũng gặp sự cố với một máy bay TransNusa.
Năm 2014, ít nhất 32 người chết và 61 người bị thương khi một máy bay Lion Air trượt khỏi đường băng tại Central Java khi hạ cánh trong thời tiết xấu.
Năm 2013, máy bay Lion Air với phi công mới vào nghề điều khiển đã trượt khỏi đường băng và rơi xuống biển ở Bali, thân máy bay chia làm đôi. Nhiều người bị thương trong tai nạn, không có ai thiệt mạng.
Nhiều văn bản khác xác nhận có những sự cố liên quan đến tính toán sai lầm đường băng, khiến máy bay Lion Air tổn hại nhẹ trong những năm 2012-2013.
Liên minh châu Âu cấm Lion Air bay vào không phận các nước thành viên năm 2006 do đánh giá không an toàn, và chỉ gỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2016.
Tháng 9/2018, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế dành cho hãng hàng không này đánh giá an toàn nằm trong top đầu.
Video: Mảnh vỡ máy bay JT610 trên mặt biển
Trong sự cố ngày 29/10, máy bay JT-610 của Lion Air được ghi nhận gặp “vấn đề kỹ thuật” trong chuyến bay trước vào ngày 28/10, nhưng đã được xử lý đúng quy trình, theo đại diện tập đoàn Lion. Dù vậy, đại diện này từ chối nói chi tiết vấn đề.
Máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing-727 Max 8, có khả năng tối đa chở theo 210 người. Đây là một trong số những mẫu máy bay mới nhất của Boeing, mới chỉ được đưa vào hoạt động tháng 5/2017. Lion Air nhận được máy bay vào tháng 8/2018, theo Flightradar24.
Máy bay gặp nạn mới chỉ có 800 giờ bay. Lion Air xác nhận máy bay đủ tiêu chuẩn bay và được đội ngũ phi hành đoàn có kinh nghiệm kiểm soát. Hai phi công đã có tổng cộng khoảng 11.000 giờ bay cùng nhau. Số giờ bay thông thường của một phi công là khoảng 1.000 giờ một năm.
Ngoài ra, máy bay đã yêu cầu hạ cánh khẩn cấp gần như ngay lập tức sau khi cất cánh, ông Sindu Rahayu từ Tổng cục vận tải hàng không Indonesia cho biết. Ông nói trạm kiểm soát không lưu mất liên lạc với máy bay 10 phút sau yêu cầu này.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn hàng không thảm khốc này vẫn đang được cơ quan chức năng Indonesia điều tra và chưa công bố chi tiết.
(Tổng hợp)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Phút cuối bất thường của máy bay Indonesia chở 189 người rơi xuống biển
Theo chuyên trang theo dõi máy bay Flightradar 24, dữ liệu ban đầu cho thấy, chiếc phi cơ của hãng hàng không Indonesia Lion Air chở 189 người trên khoang đã liên tục tăng giảm độ cao bất thường, thậm chí phi công còn xin quay đầu trước khi đâm xuống biển.
Những điểm bất thường
Mảnh vỡ được cho là của máy bay xấu số Boeing 737 MAX 8 số hiệu JT610 của hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air được tìm thấy trên biển. Ảnh Straitstimes
Theo Straits Times, máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610 của hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air chở 189 hành khách khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, tới Pangkalpinang, tỉnh Bangka Belitung, mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 6h33 (giờ địa phương) sáng 29.10.
Ông Yusuf Latif, phát ngôn viên của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia cho hay, máy bay gặp nạn chỉ 13 phút sau khi cất cánh và lao xuống vịnh Karawang, cách khoảng 3,7 km từ vị trí mất liên lạc với đài không lưu. Chiếc máy bay được cho là đã rơi xuống vùng nước có độ sâu khoảng 30 - 35 m.
Chiến dịch tìm kiếm cứu hộ đang diễn ra ở vùng biển ngoài khơi Karawang, Tây Java
Theo chuyên trang theo dõi máy bay Flightradar 24, dữ liệu ban đầu cho thấy JT610 đã tăng độ cao lên khoảng 1.524 mét trước khi hạ thấp rồi bay lên lại và cuối cùng đâm xuống biển.
Lúc mất tín hiệu, phi cơ được cho là đang bay ở độ cao 1.113 mét và đã tăng tốc lên 345 hải lý/h (640 km/h).
Ông Yohanes Sirait, phát ngôn viên cơ quan hàng không Indonesia cho biết máy bay đã xin phép quay đầu lại sân bay trước khi mất liên lạc.
"Đài kiểm soát không lưu đã cho phép quay đầu nhưng sau đó mất liên lạc với máy bay", ông Sirait cho biết.
Chiến dịch tìm kiếm
Các thành viên của đội cứu hộ
Các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ chuyến bay JT610 gặp nạn đang được giới chức Indonesia gấp rút tiến hành ở vùng biển ngoài khơi Karawang, Tây Java. Đội cứu hộ tại hiện trường đã vớt được mảnh vỡ, điện thoại di động, túi, sách và nhiều vật dụng khác nổi khác trên biển song chưa phát hiện bất cứ người nào may mắn sống sót. Truyền hình Indonesia cũng đã đăng tải hình ảnh dầu loang và một khu vực đầy mảnh vỡ trên biển tại hiện trường vụ tai nạn.
Các nhân viên cứu hộ kiểm tra các vật thể phát hiện được tại vùng biển JT610 rơi
"Khi đến hiện trường, chúng tôi tìm thấy các mảnh vụn máy bay, phao, điện thoại di động và một số đồ vật khác. Chúng tôi đã điều tàu, máy bay trực thăng để tìm kiếm chiếc máy bay. Chúng tôi không rõ có ai sống sót không. Chúng tôi hy vọng, cầu nguyện nhưng chúng tôi chưa thể xác nhận điều gì", ông Muhammad Syaugi, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia cho hay.
Trong khi đó, theo Jakarta Post, các nguồn tin từ cảng Tanjung Priok, phía bắc Jakarta cho hay xác máy bay Boeing 737 MAX 8 đã được tìm thấy. Suyadi, nhân viên điều phối tàu ở cảng Tanjung Priok, kể rằng ông nhận được tin một tàu kéo phát hiện máy bay bị rơi sáng nay.
"Tàu kéo báo cáo rằng đã tiếp cận được hiện trường và thủy thủ đoàn đã nhìn thấy xác một máy bay", ông Suyadi nói với Jakarta Post, nhưng cho biết chưa rõ tình trạng của các hành khách trên khoang. Trong khi đó, Bộ Tài chính Indonesia cho biết ít nhất 23 quan chức nước này có mặt trên chuyến bay JT610 của Lion Air.
Máy bay gặp nạn là chiếc Boeing 737 MAX 8 đạt các tiêu chuẩn về an toàn, mới được chuyển giao cho Lion Air vào tháng 8 năm nay. Mẫu máy bay này có thể chở tới 200 hành khách.
Đây là tai nạn đầu tiên của dòng máy bay Boeing 737 MAX, phiên bản nâng cấp và tiết kiệm nhiên liệu của dòng Boeing 737 ra đời năm 1968. Chiếc 737 MAX đầu tiên được đưa vào vận hành năm 2017.
Hãng Boeing cho biết đã nhận được thông tin về vụ tai nạn và "đang theo dõi sát sao" tình hình.
Theo Danviet
Máy bay JT610 Indonesia vừa rơi là loại máy bay nào? Cơ quan cứu hộ Indonesia xác nhận, máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing-737 Max 8, mới được hãng hàng không Lion Air đưa vào sử dụng từ tháng 8 năm nay. Theo trang web của Boeing, 737 MAX là dòng máy bay hiệu quả, đáng tin cậy, hấp dẫn với khách hàng, bên cạnh đó khả năng linh hoạt khiến máy...