Lĩnh vực chế tạo tại châu Á phân hóa theo hai chiều trái ngược
Bức tranh trong lĩnh vực chế tạo của khu vực châu Á trong tháng Năm đan xen giữa hai gam sáng và trầm, khi tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục tăng nhiệt.
PMI của ngành chế tạo do Caixin công bố ghi nhận mức tăng nhẹ lên 50,2. (Nguồn: FXStreet)
Những diễn biến leo thang đã dẫn đến lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và tạo áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong khu vực này phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.
Theo đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) đều xuống dưới 50 – ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Tại Philippines, PMI của nước này khởi sắc trong tháng Năm nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và nền kinh tế ít dựa vào thương mại.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất của châu Á, PMI của ngành chế tạo do hai công ty tư nhân Caixin và Markit công bố ghi nhận mức tăng nhẹ lên 50,2 từ mức 50,1 của tháng Tư. Song con số này vẫn khả quan hơn với dự đoán giảm xuống mức 50 của giới quan sát.
Video đang HOT
Điều này phần nào xoa dịu tâm lý nhà đầu tư sau khi số liệu của Chính phủ công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số này giảm xuống 49,4.
Tuy nhiên, triển vọng của ngành chế tạo Trung Quốc vẫn ảm đạm khi đà tăng trưởng sản xuất giảm, giá tại xưởng hầu như không tăng và tâm lý của các doanh nghiệp tỏ ra bi quan nhất kể từ khi khảo sát này được bắt đầu vào tháng 4/2012.
Chỉ số PMI của ngành chế tạo Ấn Độ trong tháng 5/2019 bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong ba tháng là 52,7 so với mức 51,8 hồi tháng trước và cao hơn dự báo của thị trường là 51,3.
Đây cũng đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 22 liên tiếp của chỉ số này, khi cả sản lượng và số đơn hàng mới đều mở rộng với tốc độ nhanh hơn còn doanh số xuất khẩu tăng mạnh nhất trong sáu tháng.
Theo giới chuyên gia, các chỉ số có thể sẽ xấu đi hơn nữa trong những tháng tới vì thuế quan cao hơn sẽ ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, làm suy yếu lòng tin của người tiêu dùng và giới kinh doanh.
Một số nhà quan sát dự đoán kinh tế thế giới có thể sẽ suy thoái và các ngân hàng trung ương sẽ chạy đua cắt giảm lãi suất nếu những căng thẳng thương mại không được hạ nhiệt tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng Sáu tới.
Chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi Aidan Yao tại công ty tư vấn đầu tư AXA Investment Managers cho biết việc gia tăng những cú sốc từ căng thẳng thương mại leo thang sẽ không có lợi cho thương mại toàn cầu.
Nếu nhu cầu ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tiếp tục đi xuống, rất có thể đó sẽ là “điềm xấu” cho toàn bộ các nền kinh tế châu Á.
Cũng theo chuyên gia này, các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng với diễn biến nêu trên thông qua việc cắt giảm lãi suất.
Các ngân hàng trung ương ở Australia và Ấn Độ được dự báo sẽ hạ lãi suất trong tuần này, còn những ngân hàng khác trên khắp thế giới được cho là sẽ có động thái tương tự trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Jingyang Chen của ngân hàng HSBC cho biết với số liệu PMI mới nhất, Trung Quốc sẽ càng nỗ lực nới lỏng chính sách tài chính cho khu vực doanh nghiệp tư nhân./.
H.Thủy
Theo vietnamplus.vn
Chứng khoán Hàn Quốc "vạ lây" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Thị trường chứng khoán với quy mô vốn hóa 1,3 nghìn tỷ USD của Hàn Quốc đã trở thành "nạn nhân" mới nhất của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đến phiên giao dịch ngày thứ Tư, chứng khoán Hàn Quốc đã trở thành thị trường thứ hai ở khu vực châu Á mất hết thành quả tăng từ đầu năm.
Chốt phiên với mức giảm 1,3%, chỉ số Kospi còn 2.023,32 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1. Khối ngoại bán ròng 360 tỷ Won, tương đương 301 triệu USD, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Seoul trong phiên này.
Trước chứng khoán Hàn Quốc, thị trường Indonesia đã mất hết thành quả tăng từ đầu năm vào hôm 14/5. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số Jakarta Composite Index của chứng khoán Indonesia đã giảm 1,5% so với đầu năm.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây tâm lý bi quan cho giới đầu tư chứng khoán Hàn Quốc, nhất là đối với cổ phiếu công nghệ, cũng như những cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu tiêu dùng có mối liên hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc.
Biến động của chứng khoán Hàn Quốc trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được cho là dễ hiểu, bởi gần 2/3 xuất khẩu thiết bị bán dẫn của Hàn Quốc có đích đến là Trung Quốc. Thiết bị bán dẫn chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trong tháng 5, khối ngoại đã bán ròng khoảng 2,3 nghìn tỷ Won trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Cùng với đó, đồng Won của nước này giảm xuống mức thấp nhất 2 năm và trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Trong phiên ngày thứ Tư, cổ phiếu Samsung - cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong Kospi - giảm 1,9% do lo ngại hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới này sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu suy giảm do xung đột Mỹ-Trung.
"Rất khó để kỳ vọng một đợt hồi phục thực sự của Kospi trừ phi Mỹ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận thương mại", nhà phân tích J.J. Park của JPMorgan Chase nhận định.
Theo vneconomy.vn
Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm vì nỗi lo suy thoái toàn cầu Các thị trường chứng khoán chủ chốt tại khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong khi giá trái phiếu chính phủ tăng mạnh, do nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung không có dấu hiệu...