Lính Trung Quốc bắn pháo, hành quân trên cao nguyên gần Ấn Độ
Binh sĩ Trung Quốc luyện bắn pháo, hành quân ở Tây Tạng để quen với điều kiện khắc nghiệt tại vùng núi cao hàng nghìn mét gần Ấn Độ.
Truyền thông Trung Quốc ngày 2/12 công bố video các hoạt động huấn luyện và diễn tập của binh sĩ ở vùng núi Tây Tạng, bao gồm buổi bắn đạn thật của lực lượng pháo binh ở độ cao 3.800 m.
Trong video, pháo binh Trung Quốc lần lượt khai hỏa lựu pháo để kiểm tra năng lực cá nhân, sau đó tới trình độ tác chiến của từng khẩu đội và khả năng phối hợp giữa các đơn vị.
Một sĩ quan cho biết pháo binh Trung Quốc tại Tây Tạng “sử dụng mọi loại lựu pháo” trong biên chế PLA, khẳng định cuộc diễn tập “kiểm tra khả năng tác chiến của đơn vị trong điều kiện băng giá tại cao nguyên”.
Lính Trung Quốc bắn pháo, hành quân đường dài trên núi cao hàng nghìn mét. Video: PLA .
Một video khác cho thấy nhóm binh sĩ PLA mang theo hàng chục kg trang bị hành quân đường dài ở khu vực cao 3.400 m trên dãy Nyenchen Tanglha. Các binh sĩ băng qua một khu rừng, sông băng và leo vách đá trên quãng đường 30 km.
Tian Jianmin, một phó lữ đoàn trưởng, cho biết các đơn vị tại đây muốn được trang bị tốt hơn để làm nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt. “Chúng tôi tận dụng môi trường độc đáo trên cao nguyên Tây Tạng cho buổi hành quân dã ngoại này”, Tian cho biết.
Trung Quốc những tháng qua đẩy mạnh hoạt động huấn luyện và trang bị thiết bị mới cho các binh sĩ tại khu vực biên giới, trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng phát từ đầu tháng 5 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15/6.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đưa nhiều khí tài mới tới khu vực biên giới, đồng thời triển khai các chiến dịch hậu cần lớn chưa từng có để chuyển nhu yếu phẩm dùng trong mùa đông cho các binh sĩ. Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chạy qua nhiều khu vực núi cao hiểm trở vốn bị cô lập với bên ngoài vào mùa đông.
PLA đã phân phối khẩn các bộ đồ mùa đông Type 20 cùng một số áo sưởi cho binh sĩ trên biên giới, xây nhà kiên cố với pin năng lượng mặt trời, đào hàng chục giếng sâu để đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định tại khu vực tranh chấp với Ấn Độ.
Trong khi đó, lục quân Ấn Độ cũng lắp đặt các ống bê tông cốt thép rộng khoảng 2 m trong các đường hầm được đào sẵn, phép binh sĩ dễ dàng di chuyển bên trong, cũng có thể là nơi sưởi ấm và trú ẩn cho họ trong thời tiết giá lạnh.
Ấn Độ chưa trao trả lính Trung Quốc
Ấn Độ cho biết sẽ trao trả lính Trung Quốc bị bắt vì đi lạc sau khi hoàn tất mọi thủ tục, nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên hôm nay cho biết hạ sĩ Trung Quốc Wang Ya Long vẫn "khỏe mạnh", nhưng cho biết việc thả binh sĩ này chỉ được thực hiện sau khi hoàn tất các thủ tục.
"Tới thời điểm hiện tại, thời gian cụ thể chưa được ấn định", quan chức này nói.
Ấn Độ ngày 19/10 cho biết hạ sĩ Wang bị bắt ở khu vực Demchok, phía đông Ladakh, sau khi vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Quân đội Ấn Độ thêm rằng Wang đã được trợ giúp y tế, cho thở oxy, ăn uống và mặc quần áo ấm "để chống chọi điều kiện khắc nghiệt ở độ cao lớn".
Đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển ở vùng Ladakh. Ảnh: Hindustan Times.
Đại tá Trương Thủy Lợi, một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, cho biết Wang bị lạc khi đi tìm gia súc cho một nông dân Tây Tạng. "Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ thực hiện đúng lời hứa bàn giao binh sĩ càng sớm càng tốt để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới", ông nói.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang dọc biên giới chưa phân định dài 3.500 km giữa hai nước từ đầu tháng 5. Đỉnh điểm là vụ ẩu đả hôm 15/6, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi không biết cụ thể con số thương vong của binh sĩ Trung Quốc. Quân đội hai nước đã triển khai hàng nghìn binh sĩ dọc theo LAC sau lần đụng độ đẫm máu nhất nhiều thập kỷ.
Các quan chức quốc phòng cao cấp của Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về biên giới tranh chấp và nhất trí "tránh gây hiểu nhầm và đánh giá sai", đồng thời "tránh đơn phương thay đổi tình hình thực địa", đồng nghĩa với không triển khai thêm quân đến biên giới. Tuy nhiên, hai bên không nhắc đến rút bớt lực lượng ở khu vực tranh chấp.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ những tháng qua. Đồ họa: Telegraph.
Ấn Độ cũng tìm kiếm quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các quốc gia khác để đề phòng trước sức mạnh quân sự ngày một lớn của Trung Quốc.
Australia hôm qua thông báo sẽ lần đầu tham gia tập trận hải quân cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Phó tổng tham mưu Ấn Độ S.K.Saini đã đến Mỹ để đàm phán và tìm kiếm sự hỗ trợ các thiết bị nhằm sử dụng cho cuộc đối đầu với Trung Quốc ở biên giới, theo nguồn tin chính phủ.
Căng thẳng giữa hai nước cũng lan sang đời sống dân sự, khi một số người theo chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ đòi tẩy chay hàng Trung Quốc, trong khi chính phủ cấm một loạt ứng dụng mạng xã hội của đối thủ.
Tung hỏa mù ở hồ Pangong, TQ chiếm trọn vùng đất chiến lược khác từ Ấn Độ? Có những mối lo ngại rằng Trung Quốc đang cố tình thu hút sự chú ý của Ấn Độ trong tranh chấp lãnh thổ quanh hồ Pangong Tso để âm thầm củng cố quyền kiểm soát vùng đất tranh chấp khác rộng 972km2. Quân đội Ấn Độ hiện không thể tiếp cận khu vực rộng 972km2 ở thung lũng Depsang, do bị lính...