Linh địa cổ của người Tày ở Lạng Sơn
Khu linh địa cổ trên đỉnh Mẫu Sơn ( Lạng Sơn) từng có ngôi đền thờ thần núi, là trung tâm của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bản địa.
Khu di tích linh địa cổ nằm ở độ cao 1.190 m so với mặt nước biển, lưng tựa vào đỉnh cao nhất của dãy núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Theo các nhà khảo cổ học, đây là trung tâm của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bản địa.
Có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau về khu di tích này, tuy nhiên theo tài liệu của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn thì khu linh địa cổ có từ lâu đời, do người Tày cổ xây dựng để thờ thần núi.
Trong khu di tích có 2 hầm mộ đá chôn cất thủ lĩnh người Tày, với cấu trúc có vòm che, được xếp bằng những phiến đá nhỏ bao bọc xung quanh, táng theo kiểu trong quan ngoài quách lợi dụng hai tảng đá lớn kê hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá lớn.
Hầm mộ được tạo thành bởi những tảng đá lớn đẽo gọt phẳng lắp ghép lại với nhau.
Phía trước hầm mộ có móng đá và chân cột là dấu tích nền của ngôi đền cổ, gồm tòa tiền tế phía trước và chính điện phía sau. Dựa vào các dấu tích còn lại thì ngôi đền có niên đại từ khoảng thế kỉ XVII đến XIX.
Chủ nhân của khu linh địa cổ này là người Tày, về sau có sự tham gia của người Nùng và người Dao.
Video đang HOT
Cối cửa bằng đá còn sót lại.
Phía trên khu linh địa có đập chắn nước.
Toàn bộ khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400 m2, lưng tựa vào núi Mẫu Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương – Lộc Bình, phía xa xa có sông nước, đồng ruộng bao la…
Người dân đến tham quan, thắp hương tại khu linh địa cổ Mẫu Sơn.
Theo Ban quản lí di tích tỉnh Lạng Sơn, khu linh địa Mẫu Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2013, nơi đây mang ý nghĩa của một di tích tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.
Hồng Vân
Theo VNE
Bánh phồng xứ Lạng vào mùa
Bánh phồng thường được làm vào những tháng cuối năm, như một món quà Tết ý nghĩa của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn.
Bánh phồng được người dân gọi theo tiếng địa phương là "pẻng khua", nghĩa là "bánh cười". Đây là món lương khô làm bằng gạo nếp ngâm với tro của cây Trà Dù và một số loại cây khác mọc trên rừng.
Người làm bánh phải giã thủ công thật mịn nếp, sau đó cho một bát rượu trắng pha khoai môn xay vào giã tiếp để tạo độ phồng cho bánh.
Việc giã bột được thực hiện đến khi nào khối bột nếp dai, dẻo, dính vào chày, nhấc chày lên mà bột không đứt mới đạt.
Ông Hoàng Văn Quyết (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) cho biết đây là nghề do cha ông truyền lại, trước đây chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, về sau có người đặt mua thì làm thêm để bán ra ngoài.
Sau khi giã, bột được cán thành những miếng tròn, mỏng để nguội.
Khoảng từ tháng 10 trở đi, người dân Tràng Định mới làm bánh phồng vì trước đó thời tiết quá nóng, bánh sẽ khô nhanh không có độ dẻo.
Công đoạn tiếp theo sau khi cán bột là gấp đôi bánh rồi cắt thành từng sợi to khoảng 2 đốt ngón tay.
Các sợi bánh được cắt thành những miếng nhỏ dài khoảng một ngón tay.
Theo ông Quyết, mỗi ngày nhà ông làm 2 mẻ bánh phồng, vì các công đoạn cần làm tỉ mỉ nên tốn nhiều thời gian. Các hộ làm bánh đều phải dậy từ 3h sáng để kịp nắng lên đem phơi.
Bánh phồng được xếp đều, phơi trên những mành tre chờ nắng lên để chống mốc.
Mỗi mẻ bánh phải phơi 3 nắng mới đủ khô. Chị Nông Thị Chiến (thị trấn Thất Khê, Tràng Định) cho hay, khi bánh khô sẽ đóng túi bán với giá 80.000 đồng/kg.
Thợ làm bánh cho hay, bánh phồng muốn ăn ngon phải chao trong chảo ngập mỡ, sau đó vớt bánh ra ngào với đường đã được thắng lên sẵn. Bánh đạt chuẩn là bên trong không bị rỗng mà có mạng xốp như xơ mướp.
Hồng Vân
Theo VNE
Sắp có cáp treo lên đỉnh Mẫu Sơn Dự kiến tuyến cáp treo có tổng chiều dài 5,7 km, công suất vận chuyển 2.000 người/giờ, kéo dài từ xã Bằng Khánh (huyện Lộc Bình) đến khu vực Chân Mây trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Ngày 10/12, dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Núi tuyết Mẫu Sơn với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng đã...