Lính bắn tỉa: Những huyền thoại của chiến tranh
Chiến thuật bắn tỉa được phát huy cao độ trong Thế Chiến II, và đây cũng là thời kỳ sản sinh nhiều huyền thoại bắn tỉa nhất của thế giới.
Vasily Zaytsev (1915 – 1991)
Vasily Zaytsev có lẽ là tay súng bắn tỉa nổi tiếng nhất thế giới nhờ bộ phim Kẻ thù trước cổng (Enemy at the gate) khắc họa hình ảnh người lính bắn tỉa tài năng này của Hồng Quân Liên Xô.
Vasily Zaytsev sinh ra ở Yeleninskoye và lớn lên ở vùng núi Ural. Ngay từ nhỏ, ông đã làm quen với súng trong các cuộc săn bắn và đã thể hiện được tài thiện xạ xuất chúng của mình.
Khi trưởng thành, Vasily nhập ngũ và phục vụ trong Hải quân Liên Xô với vai trò là một nhân viên thư ký. Sau khi biết được Hồng Quân Liên Xô đang chiến đấu quyết liệt với phát xít Đức ở Stalingrad, anh đã tình nguyện xung phong ra tiền tuyến.
Tài năng kiệt xuất của Vasily được phát huy cực điểm trong trận chiến Stalingrad giữa Hồng Quân và phát xít Đức. Tại đây, anh được biên chế vào Sư đoàn 284 thuộc Quân đoàn 62 và trở nên nổi tiếng với tài thiện xạ của mình trong các trận đụng độ với quân Đức ở Stalingrad.
Tạo hình huyền thoại bắn tỉa Vasily Zaytsev
Một hôm, viên chỉ huy triệu tập Vasily đến và chỉ cho anh một tên sĩ quan Đức tại một cửa sổ cách đó 800 mét. Vasily đã giương khẩu súng trường tiêu chuẩn Mossin-Nagant của mình lên ngắm, và bằng một phát súng, anh đã hạ gục được tên sĩ quan Đức. Một lúc sau, 2 tên lính Đức ra kiểm tra tên sĩ quan bị bắn hạ, và chúng đều ngã gục sau 2 phát bắn của Vasily. Sau chiến công này, Vasily được thưởng Huân chương Dũng cảm và được trang bị một khẩu súng bắn tỉa đích thực.
Danh tiếng của Vasily nhanh chóng nổi như cồn trong quân đội Liên Xô. Từ ngày 10/11 đến ngày 17/12/1942, anh đã lập thành tích tiêu diệt được 225 tên địch, trong đó có 10 xạ thủ bắn tỉa của Đức. Hồng Quân Liên Xô nhanh chóng thành lập một trường huấn luyện bắn tỉa tại một nhà máy sản xuất thép, khởi đầu cho phong trào bắn tỉa rộng khắp trong Hồng Quân.
Vasily có tài ẩn nấp trên mọi địa hình, trên các mô đất cao, dưới những đống đổ nát hoặc trong các ống nước. Sau khi bắn vài phát, anh lại thay đổi vị trí của mình. Cùng với người đồng đội Nikolay Kulikov, Vasily liên tục ẩn nấp, nổ súng và thay đổi vị trí.
Một trong những chiến thuật quen thuộc mà Vasily thường huấn luyện là tổ chức 3 tổ bắn tỉa, mỗi tổ 2 người gồm một xạ thủ và một người quan sát trên một khu vực rộng lớn. Chiến thuật “bộ 6″ này đến nay vẫn được áp dụng rộng rãi và được quân đội Nga thực hiện trong suốt cuộc chiến tranh ở Chechnya.
Trong hồi ký của mình, Vasily đã kể về trận đấu súng sinh tử kéo dài suốt một tuần lễ với một tay súng bắn tỉa hàng đầu của Đức mà anh gọi là “siêu bắn tỉa”. Đó chính là Heinz Thorvald, hay còn gọi là Erwin Konig, một sĩ quan cấp cao của Đức, đồng thời là hiệu trưởng trường bắn tỉa Berlin.
Vasily phải mất một tuần mới tiêu diệt được “siêu bắn tỉa” của Đức
Konig được cử đến Stalingrad để tiêu diệt Vasily, người đã gây ra quá nhiều thương vong cho quân Đức khiến binh lính Đức suy sụp tinh thần và giảm sút nhuệ khí đáng kể. Vasily kể rằng Konig là một tay súng bắn tỉa siêu việt rất khó phát hiện, và hắn ta đã bắn hạ 2 người đồng đội của Vasily.
Trong khi Vasily và người trợ thủ Kulikov của mình lần theo dấu vết của Konig và tìm kiếm trên một khu vực rộng lớn, Vasily đột nhiên nhìn thấy ánh sáng lấp lánh phát ra từ một mẩu kim loại, anh đã phán đoán được vị trí của Konig.
Để chắc ăn, anh đã cho Kulikov dùng một cái gậy nâng chiếc mũ sắt của mình lên từ một cửa sổ, và ngay lập tức Erwin Konig nổ súng trúng vào chiếc mũ sắt, nhưng đồng thời cũng làm lộ vị trí của mình khi nhô đầu lên quan sát xem mục tiêu đã bị tiêu diệt hay chưa. Đúng lúc đó Vasily ngắm bắn, và viên đạn găm thẳng vào đầu của Konig.
Vasily vừa tiếp tục huấn luyện lính bắn tỉa cho Hồng Quân vừa phát huy khả năng “thần sầu” của mình trong việc tiêu diệt quân Đức cho đến tháng 1/1943, khi anh bị thương nặng vì trúng đạn cối của địch và bị mù. Anh được đưa đến Moscow và được giáo sư Filatov mổ để phục hồi thị lực. Trong thời gian anh điều trị tại bệnh viện, khẩu súng bắn tỉa của anh được trao lại cho học viên xuất sắc nhất trong trường bắn tỉa. Các học trò được ông đào tạo đã tiêu diệt hơn 6000 lính Đức trong suốt Thế Chiến II.
Tướng Chuikov gặp gỡ Vasily Zaytsev trên chiến trường Stalingrad năm 1943
Sau khi phục hồi thị lực, Vasily trở lại chiến trường và tiếp tục huấn luyện bắn tỉa, chỉ huy một trung đội cối và trở thành chỉ huy trung đoàn. Khi kết thúc chiến tranh, anh được phong quân hàm đại úy.
Video đang HOT
Sau chiến tranh, Vasily chuyển tới sống ở Kiev, theo học một trường đại học dệt và làm kỹ sư rồi giám đốc của một nhà máy dệt ở đây. Ông mất năm 1991 và được chôn cất ở Kiev, sau đó thi hài ông được chuyển về mai táng ở Stalingrad theo đúng nguyện vọng của ông. Khẩu súng bắn tỉa huyền thoại của ông hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng thủ Stalingrad.
Trong thời gian từ năm 1942-1943, Vasily được xác nhận đã tiêu diệt được 242 lính Đức, tuy nhiên con số thực tế có thể lên tới 500. Với thành tích này, Vasily Zaitsev đã được trao tặng những huân chương danh giá nhất của Liên Xô, trong đó có Huân chương Anh hùng Xô Viết.
Nữ xạ thủ Lyudmila Pavlichenko (1916 – 1974)
Tháng 6/1941, khi phát xít Đức phát động Chiến dịch Barbarossa tấn công xâm lược Liên Xô, cô gái Pavlichenko mới chỉ 24 tuổi và đang là sinh viên Khoa Sử của Đại học Kiev. Cô là một trong những người đầu tiên xung phong ra tiền tuyến và được biên chế vào lực lượng lục quân.
Sau khi được điều tới sư đoàn bộ binh 25 của Hồng Quân, cô tham gia trường huấn luyện bắn tỉa và trở thành một trong 2000 lính bắn tỉa nữ của Liên Xô. Đây là lực lượng nữ bắn tỉa đầu tiên trên thế giới và ba phần tư lực lượng này đã hy sinh trong suốt cuộc chiến.
Chiến công đầu tiên của cô được thực hiện ở gần Belyayevka với khẩu súng trường tiêu chuẩn Mosin-Nagant gắn kính ngắm P.E 4 khi cô tiêu diệt 2 tên lính Đức. Sau đó cô được điều đến Odessa, nơi cô đã hạ được 187 tên địch trong 2 tháng rưỡi.
Pavlichenko cùng khẩu súng bắn tỉa huyền thoại của mình
Khi quân Đức chiếm được thành phố Odessa, đơn vị của Pavlichenko chuyển tới Sevastopol. Cho đến tháng 5/1942, trung úy Pavlichenko được ghi nhận đã tiêu diệt tổng cộng 257 lính Đức. Khi kết thúc Thế Chiến II, thành tích của bà được ghi nhận là 309 lính và sĩ quan Đức, trong đó có 36 lính bắn tỉa của đối phương.
Tháng 6/1942, Pavlichenko bị thương vì đạn súng cối. Sau khi hồi phục và trở lại chiến đấu chưa đầy một tháng, Pavlichenko được lệnh rút khỏi tiền tuyến vì cấp trên lo ngại sẽ mất đi nữ xạ thủ tài năng đã trở thành biểu tượng của Hồng quân và khiến lính Đức sợ mất mật này.
Sau khi được rút về hậu phương, Pavlichenko được cử sang Mỹ và Canada để thực hiện các cuộc thăm viếng chính thức, và bà trở thành công dân Xô viết đầu tiên được Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tiếp kiến tại Nhà Trắng.
Nữ xạ thủ Pavlichenko cùng một đồng đội nữ
Sau khi trở về Liên Xô, bà được thăng hàm thiếu tá và được giữ lại hậu phương để làm huấn luyện viên cho các xạ thủ Xô Viết cho đến cuối chiến tranh. Năm 1943, Pavlichenko được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được xuất hiện trên tem thư của nước này.
Sau chiến tranh, Pavlichenko tiếp tục theo học tại Đại học Kiev và trở thành một nhà sử học trong Hồng Quân. Từ năm 1945 đến 1953, bà làm việc tại Bộ tư lệnh của Hải quân Liên Xô và hoạt động trong Hội cựu chiến binh Xô viết.
Lyudmila Pavlichenko mất năm 1974 và được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichy nổi tiếng ở Moscow.
Simo Hyh (1905 – 2002)
Simo Hayha là một người lính trong quân đội Phần Lan có biệt danh “Tử thần trắng” với số mục tiêu bị bắn hạ được xác nhận là 705 người (trong đó có 505 mục tiêu bị diệt bằng súng trường, 200 mục tiêu bị diệt bằng súng tiểu liên). Với vũ khí ưa thích là khẩu súng trường không có kính ngắm, Hayha đã phá vỡ mọi kỷ lục về số lượng mục tiêu bị tiêu diệt bằng vũ khí bắn tỉa trong tất cả các cuộc chiến tranh từ trước tới nay.
Hayha sinh ra ở vùng Rautjarvi gần biên giới giữa Phần Lan và Nga ngày nay, và bắt đầu nhập ngũ vào năm 1925. Tuy nhiên ông chỉ bắt đầu làm lính bắn tỉa trong cuộc “chiến tranh mùa đông” (1939-1940) giữa Liên Xô và Phần Lan.
Tử thần trắng Simo Hayha (ngoài cùng bên phải)
Trong cuộc chiến này, tay súng bắn tỉa Hayha tham gia bảo vệ vùng Kollaa và bằng một khẩu súng trường M28 cũ kỹ không có ống ngắm và thường xuyên phải chịu đựng thời tiết lạnh giá đến -40 độ C.
Chỉ trong vòng chưa đầy 100 ngày tham chiến, Hayha được ghi nhận đã tiêu diệt được 505 đối thủ, tuy nhiên các con số thống kê không chính thức trên chiến trường cho rằng số nạn nhân bị Hayha bắn hạ bằng súng bắn tỉa phải lên đến 800 người.
Ngoài việc diệt địch bằng súng bắn tỉa, Hayha còn sử dụng súng tiểu liên Suomi KP/31 để tiêu diệt thêm khoảng 200 binh lính đối phương khác nữa, nâng tổng số quân địch bị Hayha hạ gục lên con số 705.
Để thực hiện được kỳ tích này, Hayha đã áp dụng một chiến thuật bắn tỉa vô cùng kỳ lạ. Anh hầu như hoạt động một mình suốt cả ngày, vùi mình trong tuyết để chờ đợi và bắn hạ đối phương trong suốt 3 tháng trời ròng rã.
Hayha có kỹ năng ẩn mình trong tuyết siêu việt
Khi các chỉ huy Hồng quân Liên Xô biết được rằng có rất nhiều binh lính dưới quyền của họ bị tiêu diệt, họ đã nghĩ rằng đó là những tổn thất chấp nhận được của chiến tranh. Thế nhưng khi các vị tướng nhận được thông tin cho biết toàn bộ những người này đều thiệt mạng dưới họng súng của một người lính Phần Lan, họ đã quyết định phải hành động.
Ban đầu phía Hồng quân điều đến một tay súng chống bắn tỉa để tiêu diệt Hayha. Thế nhưng khi thi thể của tay súng chống bắn tỉa này được đưa về, Hồng quân quyết định cử hẳn một đội bắn tỉa xuống để giải quyết vấn đề nhức nhối này.
Một thời gian sau, khi cả đội bắn tỉa này “một đi không trở lại”, họ quyết định tung ra cả một tiểu đoàn bắn tỉa để truy lùng tay súng bắn tỉa bí ẩn này của đối phương. Thế nhưng cả tiểu đoàn bắn tỉa đó đã phải gánh chịu thương vong nặng nề mà vẫn không tìm ra tung tích của Hayha.
Cuối cùng Hồng quân quyết định gọi pháo dập xuống khu vực này, thế nhưng vẫn không hiệu quả. Hayha quá khôn ngoan, và khả năng ngụy trang của người lính bắn tỉa này thì không ai địch nổi. Trong thời tiết giá lạnh và mặt đất phủ đầy tuyết, Hayha mặc bộ đồ ngụy trang trắng toát. Hayha sử dụng khẩu súng trường với thước ngắm kim loại để giảm tiết diện bộc lộ của bản thân, bởi việc sử dụng kính ngắm đòi hỏi xạ thủ phải vươn đầu lên để ngắm bắn.
Hayha còn sử dụng một chiến thuật rất khôn ngoan là nén chặt tuyết ở ngay phía trước nòng súng để khi bắn tuyết không bị tung lên khiến anh bị lộ vị trí. Anh cũng ngậm tuyết ở trong miệng để hơi thở không bị ngưng đọng và bộc lộ vị trí của xạ thủ.
Tuy nhiên trong một trận đánh vào tháng 3/1940, Hayha đã bị trúng một viên đạn lạc vào hàm. Tai nạn khủng khiếp này đã khiến Hayha bị mất nửa khuôn mặt và được các đồng đội tìm thấy trên chiến trường. Mặc dù vậy Hayha vẫn không chết và tỉnh lại trong bệnh viện sau đó 13 ngày, đúng ngày hòa bình được công bố.
Theo Khampha
Lính bắn tỉa: Nỗi kinh hoàng của Thế Chiến 2
Từ những chiến thuật sơ khai trong Thế Chiến I, lực lượng bắn tỉa đã phát huy cao độ uy lực và hiệu quả của mình trên các chiến trường trong Thế Chiến II.
Trong Kỳ I, chúng ta đã biết rằng chiến thuật bắn tỉa đã có từ thế kỷ 18, và có những người lính bắn tỉa đã xoay chuyển cục diện trận chiến chỉ bằng một phát bắn. Chiến thuật bắn tỉa bắt đầu được hình thành một cách có hệ thống trong quân đội các nước trong cuộc Thế Chiến I, tuy nhiên sau khi cuộc chiến tranh này kết thúc, lực lượng bắn tỉa không được chú trọng đúng mức trong thời bình, thậm chí có nhiều nước còn giải tán lực lượng bắn tỉa chuyên nghiệp của mình.
Tuy nhiên khi Thế chiến II nổ ra, lính bắn tỉa lại một lần nữa chứng tỏ mình là một lực lượng không thể thiếu trên chiến trường. Trong các chiến dịch tấn công của Đức năm 1940, chỉ riêng những người lính bắn tỉa của Pháp và Anh đã có thể ghìm chân quân Đức để tạo lợi thế về thời gian. Chẳng hạn như trong trận truy kích Dunkirk, lính bắn tỉa Anh đã trì hoãn đáng kể tốc độ tiến quân của bộ binh Đức.
Lính bắn tỉa Anh đã gây nhiều tổn thất cho quân Đức trên đường tiến quân
Vì lẽ đó, quân đội Anh lại một lần nữa tăng cường huấn luyện các đơn vị bắn tỉa chuyên nghiệp. Lính bắn tỉa Anh không chỉ được huấn luyện kỹ năng xạ kích mà còn được đào tạo về khả năng ngụy trang bằng các loại quần áo ngụy trang đặc biệt. Tuy nhiên vì quân đội Anh chỉ huấn luyện bắn tỉa cho các sĩ quan nên hiệu quả của lực lượng bắn tỉa trên chiến trường bị giảm đi đáng kể.
Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của những người lính bắn tỉa, và cũng là trận đánh khiến người Đức phải xem xét lại việc huấn luyện bắn tỉa của mình là trận Stalingrad. Những người lính bắn tỉa Liên Xô ẩn nấp trong các tòa nhà ở thành phố Stalingrad đã gây ra thiệt hại nặng nề cho quân Đức.
Do đặc điểm tác chiến trong đô thị nên những người lính bắn tỉa Liên Xô này rất khó phát hiện, và họ đã làm suy giảm đáng kể tinh thần của quân Đức. Người lính bắn tỉa Hồng Quân đã tỏa sáng trong trận chiến này với những chiến công hiển hách là Vasily Zaytsev, người tạo cảm hứng cho bộ phim Enemy At the Gates (Kẻ thù trước cổng) sau này.
Một tổ bắn tỉa của Hồng Quân Liên Xô trên mặt trận Stalingrad
Trong trận chiến này, lính bắn tỉa Đức được trang bị súng Cacbin 98 và súng trường Gewehr 43, tuy nhiên số lượng thường không đủ, và một số lính bắn tỉa Đức phải sử dụng những khẩu Mosin-Nagant 1891/30, SVT hoặc Mauser của Séc.
Sau thất bại tại trận chiến này, quân Đức tái lập trường huấn luyện bắn tỉa vào năm 1942 và tăng đáng kể số lượng lính bắn tỉa cho mỗi đơn vị bằng cách thành lập thêm 31 đại đội huấn luyện bắn tỉa vào năm 1944. Đức cũng là nước duy nhất trên thế giới vào thời gian đó trang bị cho lính bắn tỉa của mình loại đạn bắn tỉa chuyên dụng sS có nhiều thuốc phóng hơn và đầu đạn nặng hơn.
Lính bắn tỉa Đức sử dụng kính ngắm Zeiss Zielvier 4x có hệ thống bù độ rơi cho đạn ở các khoảng cách khác nhau với tầm bắn lên tới 1000 hoặc 1200 mét. Vào tháng 2/1945, lính bắn tỉa Đức được trang bị kính ngắm hồng ngoại chủ động Zielgerat 1229 để có thể bắn đêm bằng súng trường StG 44.
Lính bắn tỉa Đức sử dụng súng Karabiner 98k trang bị kính ngắm Zeiss Zielvier 4x
Về phía Hồng Quân, họ đã huấn luyện cho 428.335 người về chiến thuật bắn tỉa, trong đó có 9.534 người được qua các khóa huấn luyện bắn tỉa nâng cao. Những khóa huấn luyện bắn tỉa ngắn hạn được tổ chức vào năm 1942 đã đào tạo cho gần 55.000 nữ xạ thủ bắn tỉa Hồng Quân. Trong quân đội Liên Xô trung bình cứ một trung đội bộ binh lại có ít nhất một lính bắn tỉa. Một số lính bắn tỉa Hồng Quân sử dụng súng trường chống tăng PTRD với kính ngắm đặc biệt để phá hủy các phương tiện chiến đấu của đối phương.
Trong quân đội Mỹ, thời kỳ này lính bắn tỉa chỉ được huấn luyện cơ bản và chú trọng vào khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa. Lính bắn tỉa được yêu cầu bắn trúng thân địch ở cự ly 400 mét và bắn trúng đầu ở cự ly 200 mét. Hồi đó quân đội Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến khả năng ngụy trang của lính bắn tỉa. Nguyên nhân là trước khi tham chiến vào Thế chiến II, quân đội Mỹ chủ yếu chỉ được triển khai ở Bắc Phi và Ý, nơi những trận chiến diễn ra trong khu vực rừng núi khô cằn, hạn chế khả năng ẩn nấp và hoàn toàn trái ngược với địa hình ở Tây Âu và Trung Âu.
Chính điều này đã gây nên thảm họa cho quân Mỹ trong trận chiến Normandy và chiến dịch ở Tây Âu, nơi họ phải đụng độ với những tay súng bắn tỉa được huấn luyện kỹ càng của Đức. Trong trận Normandy, lính bắn tỉa Đức ẩn nấp trong những khu rừng rậm rạp đã bao vây các đơn vị Mỹ và hạ gục từng người một từ mọi hướng.
Nhiều lính Mỹ thiệt mạng vì trúng đạn bắn tỉa của quân Đức trên chiến trường Normandy
Quân Mỹ và Anh đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến khả năng tiếp cận ở cự ly gần cũng như khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 1000 mét của lính bắn tỉa Đức. Một sai lầm khủng khiếp của lính Mỹ là nằm rạp xuống đất và chờ đợi, để rồi trở thành những mục tiêu "ngon lành" cho lính bắn tỉa Đức. Lính bắn tỉa Đức thường xâm nhập sâu vào phòng tuyến của phe Đồng minh và có những khi bị mất chiến tuyến, họ vẫn chiến đấu từ vị trí của mình mà không chịu đầu hàng cho đến khi hết đạn.
Chiến thuật bắn tỉa táo bạo này là kết quả những thay đổi trong chính sách quân dịch của Đức. Sau những thiệt hại nặng nề trên mặt trận phía đông, quân đội Đức buộc phải chú trọng hơn vào việc tuyển những người lính thanh niên trẻ tuổi. Vì không được huấn luyện đầy đủ về các chiến thuật chiến đấu phân đội phức tạp nên những người lính trẻ này thường trở thành những lính bắn tỉa hoạt động đơn độc.
Trong khi những lính bắn tỉa dày dạn kinh nghiệm thường chỉ bắn vài phát tiêu diệt mục tiêu rồi rút về vị trí an toàn thì những người lính trẻ bất chấp cả tính mạng nhưng lại thiếu kinh nghiệm chiến thuật này lại thích trụ lại và chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng hoặc bị đối phương hạ gục.
Mặc dù chiến thuật này thường dẫn tới cái kết bi thảm cho xạ thủ bắn tỉa nhưng nó cũng gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cho đối phương. Bởi vậy những người lính bắn tỉa có biệt danh "Thanh niên Tự sát" này là một vấn đề nhức nhối cho quân Đồng minh trên đường tiến quân.
Một xạ thủ bắn tỉa cảm tử của Đức
Sau khi Thế chiến II kết thúc, rất nhiều phương pháp huấn luyện và học thuyết bắn tỉa của Đức đã được quân đội các nước trên thế giới sao chép và học hỏi.
Còn ở chiến trường Thái Bình Dương, quân đội Nhật cũng huấn luyện những người lính bắn tỉa, và họ thực sự trở thành mối đe dọa khôn lường cho quân Mỹ, Anh, Canada và Úc trong những khu rừng rậm ở châu Á và các hòn đảo trên Thái Bình Dương.
Lính bắn tỉa Nhật Bản mặc quần áo ngụy trang kiểu cây cỏ và đào những công sự được ngụy trang vô cùng khéo léo kết nối với những chiến hào nhỏ. Khi chiến đấu trong rừng rậm, họ không cần độ chính xác ở tầm xa bởi những trận chiến thường chỉ diễn ra ở cự ly vài trăm mét. Lính bắn tỉa Nhật nổi tiếng với sự kiên nhẫn và khả năng ẩn nấp trong một thời gian dài. Họ hầu như không bao giờ rời khỏi nơi ẩn nấp được ngụy trang kỹ càng.
Tuy nhiên điều đó lại đồng nghĩa với việc vị trí của người lính bắn tỉa này có thể bị phát hiện chỉ sau vài phát bắn. Để chống lại lính bắn tỉa của Nhật Bản, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng huy động những người lính bắn tỉa của mình sử dụng súng trường Springfield M1903 ở mặt trận Thái Bình Dương.
Theo Khampha
Lính bắn tỉa: Tử thần giấu mặt trên chiến trường Lính bắn tỉa là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong quân đội các nước trên thế giới, và là nỗi kinh hoàng mà tất cả những người lính đều không muốn đối mặt trên chiến trường. Lính bắn tỉa là những người lính được đào tạo đặc biệt để hoạt động một mình hoặc theo cặp và đội nhằm liên tục theo...