Lìm Mông – tứ đại hiểm địa
Bản Lìm Mông xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải -Yên Bái từ bao đời nay vẫn ẩn mình trong mây. Xưa nay, dân xê dịch vẫn thường rỉ tai nhau tứ đại hiểm địa Tây Bắc bởi độ khó hiểm trở của đường đi và cả bởi đó cũng là nơi… tận cùng, và Lìm Mông là một trong số ấy, đầy hấp lực đầy mời gọi và cũng đầy thách thức.
Gốc mai già ở Bản Lìm Mông
Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 32 tới Tú Lệ, qua Tú Lệ chừng 5km bạn sẽ gặp lối rẽ đi Lìm Mông. Bản Lìm Mông với những sống trâu, sống ngựa đan xen hiện ra đầy thách thức. Con đường đất đỏ này trong cái nắng hanh hao sẽ gợn lên những lớp bụi mờ, còn vào những ngày mưa sẽ trơn trượt vô cùng. Những góc cua gấp, dốc ngược sẽ khiến bạn có cảm giác như đang bị trôi tuột về phía chân dốc dù cho xe đã gài số 1 và tay lái đã gồng hết sức. Nhưng cảnh vật dọc đường lại kì thú vô cùng, bạn sẽ thấy mình như đang đi giữa biển vàng, bị thôi miên bởi những gợn sóng lúa lan tỏa khắp các triền núi và nghe thấy những mênh mang đất trời đang hòa khúc khèn sáo rộn vang.
Ngược con đường dốc ngược vắt vẻo quanh sườn núi chừng 3km, bản Lìm Mông hiện ra yên bình với những gốc mai, gốc đào già cỗi uốn lượn với những thế những hình nom đến lạ. Tới Lìm Mông nghĩa là bạn cũng đã đến nơi tận cùng rồi, bởi từ đây trở đi sẽ không có đường dân sinh nữa, chỉ là những con đường đi nương đi rừng mà thôi. Lìm Mông là bản của người Mông, những con người tự do chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất. Dừng xe bắt chuyện với một ông cụ người Mông, ông chỉ về phía nơi xa và kể rằng, cánh đồng ấy vốn của người Mông từ lâu đời rồi, nhưng khi người Thái chuyển về đây xây dựng thủy điện Sơn La thì người Mông nhường một phần cánh đồng cho người Thái. Thế mới biết dù ở đâu chăng nữa anh em các dân tộc vẫn luôn đùm bọc bao dung nhau bởi tất cả đều là con một nhà, từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ mà ra cả.
Từ đỉnh Lìm Mông, nhìn về phía Cao Phạ nơi dừng chân của biết bao chuyến viễn du, một cảm giác đầy mới lạ về những nơi tưởng đã quá thân quen hẳn sẽ khiến không ít người phải sững lại trước bức tranh thiên nhiên kì vĩ. Bức tranh tuyệt mĩ ấy được tô điểm bởi những sắc xanh sắc vàng của lúa, của những bàn tay lao động ngày này qua tháng khác, năm nối năm cứ tích lũy, chắt lọc để tạo nên cuộc sống thanh bình và no ấm. Tới Lìm Mông rồi, bạn sẽ không khỏi xao lòng trước những nét mộc mạc đơn sơ của đất trời, của con người nơi thâm sơn để rồi xếp lại trong hành trang của mình một kí ức về miền đất đầy những mến thương.
Theo ANTD
Dòng sông tiên nữ
Thấp thoáng trong nắng chiều, thiếu nữ Thái mềm mại chải tóc dưới dòng Púng Hon ở Mường Lèo khiến con suối trở nên huyền ảo, có lẽ thế nên người ta gọi đó là dòng sông tiên nữ. Những ai đã đến với sông Mã, được ngắm nhìn những đường nét kiêu kỳ đó thường bảo, đây là tiên cảnh. Dòng suối Púng Hon chắt chiu nguồn mạch của mây núi để dệt cho dòng sông Mã thêm hùng vĩ, hoang sơ.
Hình ảnh cô gái Thái chải tóc bên dòng Púng Hon, thế thôi mà cứ như mê hoặc cả núi rừng lẫn lữ khách ngang qua. Dòng suối miệt mài chảy. Cô gái e ấp, chải vuốt mái tóc mềm mại như dòng suối cho đến khi bóng chiều hạ ánh sáng xuống núi. Khói lam chiều bảng lảng đưa ta lạc vào xứ sở yên bình đến mơ màng. Cơm tối với cá bống suối Púng Hon nấu lá chua rừng. Và mâm cơm có giản dị đến mấy cũng không thể thiếu sâu chít chao lá chanh và côn trùng chiên giòn thơm nức.
Là bản du lịch sinh thái, thế nên cộng đồng bà con người Thái đã biết tiếp cận với "nhịp đập" của "dân du mục" tìm đến khám phá. Chợt nhớ ra, trên dọc hành trình đến Mường Lèo ban chiều, qua những con suối bên khe núi thường bắt gặp những cô gái Thái tắm mình trong dòng sông để chải tóc, đó là cách làm đẹp hay chỉ để khỏa những nhọc nhằn sau một ngày dài lao động? Người chủ nhà không trả lời mà lại kể, xưa người Thái đen ở Mường Lèo đi săn thấy một con tê giác có 3 sừng, phường săn đuổi mãi, qua những ngọn núi quanh năm mây phủ, qua những tán rừng nguyên sinh thì thấy một vùng đất bằng phẳng. Ở giữa vùng đất đó ở có một con suối nước trong xanh mà chiều chiều hươu, nai kéo từng đàn xuống uống nước. Biết là vùng đất tốt, tộc người ăn theo nước mới di dân đến khai khẩn dựng mường. Thời ấy, con người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác...
Có rất nhiều truyền thuyết khiến ta đặt câu hỏi mãi không thôi, như loài tê giác 3 sừng kia có nguồn gốc từ đâu... Song, những gì ta được tận "mục sở thị" gom lại trong mắt, trong trí nhớ, đã có thể cho ta câu trả lời, đó là sự yên bình và hoang sơ.
Theo ANTD
Thần dược phòng the của người Mông Tin đồn về một loại biệt dược phòng the của người Mông ở vùng Tây Bắc đã bay đi khắp nơi và làm náo nức bao người muốn đạt được phong độ đỉnh cao trong "món ấy". Bí quyết "phòng the" "học" theo... thú rừng Hiếm có con đường nào gian nan như đường lên bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp...