Liều thuốc chữa bách bệnh của kinh tế Mỹ
Giữa bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi từng bước sau đại dịch, Quốc hội nước này đã cân nhắc về các lựa chọn chi tiêu hạ tầng để thúc đẩy những động lực tăng trưởng tiềm năng.
Quang cảnh bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC., ngày 27/8/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong những năm gần đây, đầu tư vào hạ tầng luôn là ưu tiên hàng đầu trong các khuyến nghị chính sách của chuyên gia kinh tế Mỹ.
Chính vì thế, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi từng bước sau đại dịch, Quốc hội nước này đã cân nhắc về các lựa chọn chi tiêu hạ tầng để thúc đẩy những động lực tăng trưởng tiềm năng.
Bài viết của hai tác giả Laura Tyson – cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ – và Lenny Mendonca – Đối tác danh dự cao cấp tại McKinsey & Company đồng thời là cựu Cố vấn kinh tế và kinh doanh cho Thống đốc Gavin Newsom của bang California – được đăng trên tạp chí Project Syndicate đã có những nhận định về vấn đề này.
* Những con số đầy tham vọng
Bất chấp sự chia rẽ sâu sắc, Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua Đạo luật Việc làm và Đầu tư Hạ tầng (IIJA) trị giá 1.000 tỷ USD, với đa số đồng thuận. Qua ải Thượng viện, dự luật tiếp tục cần được Hạ viện thông qua.
Mặc dù vậy, đây không phải là bước dễ dàng bởi dự luật thiếu hoàn toàn sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện, trong khi sự chia rẽ cũng đang diễn ra giữa các thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện.
Đạo luật IIJA tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất truyền thống, với cam kết đầu tư khoảng 550 tỷ USD vào các hạng mục như cầu đường, hạ tầng cấp nước và băng thông rộng. Dự luật cũng bao gồm các khoản đầu tư liên quan đến bảo vệ khí hậu như nâng cấp hạ tầng truyền tải năng lượng sạch và xe điện.
Các khoản đầu tư này sẽ được chi trả thông qua quỹ cứu trợ khẩn cấp chưa sử dụng, phí sử dụng do doanh nghiệp đóng, việc tăng cường thực thi thuế và nguồn thu từ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Video đang HOT
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cảnh báo IIJA có thể làm tăng thâm hụt tài khóa của Mỹ thêm 256 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, các khoản vay bổ sung để tài trợ cho hạ tầng đã được đảm bảo, do chi phí thực của khoản vay liên bang hiện nằm trong khoảng 2%, trong khi lợi tức đầu tư vào hạ tầng vật chất dự kiến ở mức khoảng 7%.
Mặc dù vậy, IIJA chỉ đầu tư vào các tài sản hữu hình, trong khi việc nâng cao nguồn nhân lực cũng là rất cần thiết để đạt được tăng trưởng đồng đều và bền vững. Do đó, Quốc hội Mỹ cần một kế hoạch lớn và táo bạo hơn, tập trung vào phát triển các yếu tố như con người, sự năng động của nền kinh tế cùng khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này, Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua một nghị quyết chi ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD cho 10 năm tới, trong đó bao gồm những khoản đầu tư vào các yếu tố kể trên. Tuy nhiên, tương lai của nghị quyết này tại Hạ viện một lần nữa được đặt dấu hỏi, bởi hiện vẫn còn nhiều chi tiết cần được bàn thảo, trong khi các cuộc đàm phán đầy gai góc về tài chính và các hạng mục đầu tư phi cơ sở hạ tầng (bao gồm cả nhập cư) cũng còn chưa ngã ngũ.
Nghị quyết chi ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD dự kiến bao gồm những khoản đầu tư phát triển nhân lực. Ảnh: THX/TTXVN
* Li ều thuốc chữa bách bệnh?
Khi thế giới đang từng bước thoát khỏi khủng hoảng cũng là lúc các chính phủ, doanh nghiệp, học giả và người dân hướng đến những lộ trình phát triển mới, với mục tiêu ngày càng tham vọng cho toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ lại đang phục hồi dựa trên những nền tảng mỏng manh. Khi phục hồi kinh tế diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng cùng các gói chi tiêu kích thích.
Trong khi đó, sự lan rộng của biến thể Delta đã một lần nữa làm giảm nhu cầu chi tiêu trong các lĩnh vực nhạy cảm với đại dịch như du lịch, lữ hành và khách sạn. Hơn nữa, sự phục hồi dường như vẫn chưa lan tỏa đến những người lao động từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc “suy thoái kép”, đặc biệt là những người không có trình độ đại học, phụ nữ có mức lương thấp và người da màu ở các khu vực dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia lực lượng lao động vẫn ở mức thấp, phần lớn do việc đóng cửa trường học đã buộc nhiều phụ huynh (chủ yếu là phụ nữ) phải ở nhà để chăm sóc con cái. Trong khi đó, các gói trợ cấp thất nghiệp của chính phủ cũng đã hết hạn trong tháng này.
Kết quả là, nền kinh tế phải đối mặt với sự bất bình đẳng gia tăng. Sự phục hồi kinh tế đã mang lại những làn gió mới. Chứng khoán Mỹ tăng cao kỷ lục, giá nhà tăng 25% so với năm trước đó. Tổng tài sản của các tỷ phú Mỹ đã cộng thêm đến 62% kể từ năm 2020. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra tình trạng bất bình đẳng, trong khi tính năng động về kinh tế suy giảm, khiến ngày càng nhiều người Mỹ bị tụt hậu.
Trong bối cảnh đó, kế hoạch chi ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD dự kiến tập trung vào các khoản đầu tư hạ tầng “mềm”. Trong đó, 726 tỷ USD tập trung nâng cao các dịch vụ mầm non, chăm sóc trẻ em cho các gia đình lao động, miễn học phí, tăng tài trợ cho các trường đại học và cao đẳng dành cho người da đen, đồng thời mở rộng các khoản trợ cấp Pell (trợ cấp liên bang cho các sinh viên có thu nhập thấp) và chăm sóc sức khỏe từ sớm.
Ngoài ra, hơn 300 tỷ USD sẽ được sử dụng để nâng cấp các dịch vụ nhà ở công cộng, Quỹ Tín thác Nhà ở, nâng cao khả năng chi trả mua nhà, vốn chủ sở hữu và quỹ đất cộng đồng.
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, công bằng, kế hoạch cũng bao gồm gần 200 tỷ USD phát triển năng lượng sạch và 135 tỷ USD để giải quyết nạn cháy rừng, hạn hán và các thách thức khác do khí hậu gây ra.
Kế hoạch 3.500 tỷ USD sẽ được tài trợ bằng các chính sách thu thuế mới, bên cạnh việc tăng cường thực thi thuế, tiết kiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng thu từ triển vọng phát triển dài hạn.
Một báo cáo gần đây của Moodys Analytics kết luận rằng trong thập kỷ tới, kế hoạch chi ngân sách 3.500 tỷ USD cùng với IIJA của Chính phủ Mỹ sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi, đưa kinh tế Mỹ lên mức toàn dụng, tạo ra 20 triệu việc làm và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Trong đó, lợi ích chủ yếu dành cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Hơn nữa, ngay cả khi các kế hoạch này làm tăng thâm hụt ngân sách nhiều hơn dự đoán, đây vẫn là thời điểm đặc biệt thuận lợi để chính phủ liên bang vay đầu tư vào hạ tầng, giữa bối cảnh môi trường lãi suất đang ở mức đặc biệt thấp.
Cuối bài viết, hai tác giả cho rằng đầu tư vào hạ tầng sẽ giúp kinh tế Mỹ hưởng lợi theo hai hướng. Đầu tiên, trong ngắn hạn, đầu tư sẽ giúp kích thích nhu cầu chi tiêu thông qua hiệu ứng số nhân tài khóa mạnh mẽ, từ đó củng cố các thành phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, về dài hạn, các kế hoạch hạ tầng cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế vĩ mô theo hướng thúc đẩy sự công bằng và khả năng chống chịu với khí hậu.
Quốc hội Mỹ hiện đang nắm giữ “chiếc chìa khóa vạn năng” để mở ra một tương lai tăng trưởng đồng đều và bền vững cho đất nước./.
Thị trường ngóng đợi hội nghị thường niên của Fed
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, thị trường tài chính toàn cầu có nhiều đồn đoán xung quanh bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) Jerome Powell trong ngày 27/8 (theo giờ Mỹ) về khả năng ngân hàng này thu hẹp chương trình nới lỏng tiền tệ.
Trụ sở Fed tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, mối lo ngại về sự lây lan nhanh của biến thể Delta và những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế có thể khiến kỳ vọng về một thông báo mang tính bước ngoặt tại hội nghị chuyên đề thường niên của Fed tại Jackson Hole trở nên quá sớm. Chuyên gia Mickey Levy tại công ty môi giới Berenberg Capital Markets (Mỹ) cho rằng bài phát biểu sắp tới của ông Powell sẽ chưa đưa ra bước đột phá nào.
Khi đại dịch COVID-19 "phủ mây đen" lên nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm ngoái, Fed đã có động thái can thiệp để ngăn chặn một cuộc suy thoái lớn, với việc hạ lãi suất xuống 0 vào tháng 3/2020 và mua một lượng lớn trái phiếu để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính.
Những chương trình trên đã giúp nước Mỹ thoát khỏi một thời kỳ suy thoái tồi tệ, song sẽ không kéo dài. Fed đã thông báo sẽ giảm tốc chương trình mua trái phiếu quy mô lớn và tiến hành nâng lãi suất, song chưa tiết lộ thời điểm cụ thể.
Chương trình tiêm chủng trên diện rộng đã cho phép các doanh nghiệp nước Mỹ mở cửa trở lại hoàn toàn, qua đó khôi phục hàng triệu việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 5,4% trong tháng trước, không cách quá xa mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát là 3,5%.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động và các khó khăn trong vận chuyển hàng hóa đã làm tắc nghẽn nguồn cung và đẩy lạm phát tăng vọt lên khoảng 4%.
Các nhà lãnh đạo Fed trong những ngày gần đây cho biết họ ủng hộ việc bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD/tháng hiện tại, dù một số quan chức cảnh báo sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có thể gây ra sự chậm trễ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business Network, Chủ tịch Fed chi nhánh thành phố Kansas, Esther George, nhận định số liệu kinh tế khả quan đã đem đến cơ hội để bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản, song các chi tiết cụ thể có thể phải chờ đến cuộc họp vào tháng Chín.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hội nghị thường niên của Fed sẽ được tổ chức trực tuyến năm thứ hai liên tiếp.
Goldman Sachs điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ ngày 6/9 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nền kinh tế số 1 thế giới trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng sẽ chi tiêu ít đi do biến thể Delta đang khiến đại dịch COVID-19 tái bùng phát. Container hàng hóa được xếp tại cảng...