Liệu pháp miễn dịch cải thiện thời gian sống thêm ở bệnh nhân ung thư
Theo một nghiên cứu quan sát mới, liệu pháp miễn dịch có liên quan đến việc cải thiện thời gian sống thêm ở những bệnh nhân có di căn não đã trải qua phẫu thuật cắt toàn bộ khối u nguyên phát.
Liệu pháp miễn dịch đã cho thấy có thể kiểm soát được di căn não ở bệnh nhân ung thư hắc tố, tuy nhiên TS. Chi Lin và các đồng nghiệp từ Trung tâm Y tế Đại học Nebraska ở Omaha, Hoa Kỳ cũng cho biết, liệu pháp này có hiệu quả trong các bệnh ung thư khác hay không thì vẫn chưa chắc chắn. Do đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu ung thư quốc gia, bao gồm hơn 3.100 bệnh nhân được chẩn đoán mắc các bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, u hắc tố, ung thư vú, ung thư đại trực tràng hoặc ung thư thận.
Trong số này, 6% được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, 6% được dùng hóa trị cùng với liệu pháp miễn dịch, 8% được xạ trị cùng với liệu pháp miễn dịch, 5% được hóa trị cộng với liệu pháp miễn dịch, 10% được hóa trị đơn thuần, 25% được xạ trị đơn thuần và 45% được hóa xạ trị.
Liệu pháp miễn dịch giúp kéo dài thời gian sống thêm ở bệnh nhân ung thư di căn não.
Video đang HOT
Thời gian sống thêm trung bình là 22,6 tháng ở những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch so với 15,1 tháng ở những người không được điều trị. Tương tự, thời gian sống thêm trung bình lâu hơn đáng kể ở những bệnh nhân được xạ trị cùng với liệu pháp miễn dịch (20,5 tháng) so với những người được xạ trị đơn thuần (10,1 tháng) và ở những bệnh nhân được xạ trị cùng với liệu pháp miễn dịch (28,5 tháng) so với những người chỉ được xạ trị (20,2 tháng).
Các tác giả kết luận, trong tương lai cần các thử nghiệm lâm sàng điều tra mối liên quan của hóa trị, xạ trị và hóa xạ trị kết hợp với liệu pháp miễn dịch với sự sống còn của những bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt toàn bộ khối u nguyên phát.
Tại sao người béo phì dễ mắc ung thư?
Cơ thể người béo phì có nhiều chất béo có thể dẫn đến rối loạn, nguồn gốc gây ung thư, nhất là ung thư đại tràng, thận, vú, tử cung...
Ảnh minh họa
Bác sĩ Trần Thu Hạnh, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, một số loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, thực quản, tuyến tiền liệt...
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 2017, béo phì là nguyên nhân thứ hai gây ung thư sau hút thuốc lá và được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong thập kỷ tới.
Hàng năm có khoảng 1,7 triệu người Mỹ được chẩn đoán ung thư, trong số đó 40% thừa cân, béo phì. Tại Anh, cứ 20 người được chẩn đoán ung thư thì có một người bị béo phì. Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh (Cancer Research UK), béo phì là nguyên nhân gây ra 18.100 ca ung thư mỗi năm và dự báo tăng lên 670.000 ca trong 20 năm tới.
Trong một kết quả khảo sát khác, 40% ung thư cổ tử cung liên quan đến béo phì. Tỷ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tử cung ở người béo phì là 4-7 lần so với người bình thường; ung thư thực quản từ hai đến 4 lần; ung thư dạ dày, gan, thận tăng cấp đôi. Ngoài ra, ung thư vú trước mãn kinh tăng 15%, sau mãn kinh tăng 20-40%; ung thư buồng trứng tăng 10%; ung thư tuyến giáp chỉ tăng nhẹ 10%.
Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 165.000 ca ung thư mới, 115.000 ca tử vong, chủ yếu là ung thư phổi, gan và dạ dày. Chưa có ghi nhận nào về bệnh nhân ung thư liên quan đến thừa cân, béo phì.
Lý giải cơ chế gây ung thư ở những người béo phì, bác sĩ cho biết, chất béo trong cơ thể có hai chức năng chính bao gồm dự trữ năng lượng và liên tục lan truyền thông tin, chỉ dẫn đến phần còn lại của cơ thể. Khi có quá nhiều chất béo trong cơ thể, những tín hiệu được truyền đi xung quanh cơ thể có thể gây ra các rối loạn, là nguồn gốc chính gây ung thư.
Cụ thể, khi có nhiều tế bào mỡ trong cơ thể, các tế bào miễn dịch chuyên biệt tăng tiết cytokine, từ đó thúc đẩy quá trình viêm mạn tính, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra tổn thương DNA dẫn đến ung thư. Ngoài ra, quá nhiều chất béo trong cơ thể có thể làm tăng lượng insulin và các yếu tố tăng trưởng khác giống như insulin-1 làm cho các tế bào phân chia thường xuyên hơn. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung.
Đặc biệt, sau thời kỳ mãn kinh, mô mỡ trong cơ thể tạo ra lượng estrogen dư thừa, làm cho tế bào phân chia nhanh hơn ở vú và nội mạc tử cung, gây bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo phòng chống béo phì cũng chính là phòng chống ung thư. Quan trọng nhất là duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, kiểm soát cân nặng, lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và chế độ ăn cân bằng.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ động vật, đồ ăn nhiều năng lượng như thức ăn nhanh, đồ ăn và đồ uống nhiều đường, đồ rán xào.
Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá thuốc lào. Tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, lao động chân tay... Tập thể dục ít nhất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Thường xuyên tầm soát, sàng lọc phát hiện sớm ung thư để kịp thời điều trị, khả năng chữa khỏi cao hơn.
Xác định loại vi khuẩn đường ruột giúp con người chống lại ung thư Những vi khuẩn này tiết ra 1 loại phân tử nhỏ có tên inosine. Chất này sẽ trực tiếp tương tác với các tế bào T, vốn được xem là đội quân tinh nhuệ của hệ miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Snyder (Canada) đã phát hiện một số loại vi...