Liệu Newcastle có thể trở thành Chelsea, Man City hay PSG mới?
Newcastle đang ôm giấc mộng tìm lại ánh hào quang năm xưa khi sắp thuộc về tay của tỷ phú Saudi Arabia.
Tuy nhiên, liệu dưới hầu bao vô đáy của chủ mới, Chích chòe có thể thực sự trở thành Chelsea, Man City hay PSG mới? Câu trả lời là rất khó nếu không muốn nói là bất khả thi.
Mấy ngày qua, Antoine Griezmann, Edinson Cavani, Timo Werner, Dries Mertens, Mauricio Pochettino và Max Allegri có điểm gì chung? Đó là họ đều được cho đang lọt vào tầm ngắm của Newcastle, đội bóng sắp sửa đổi đời nhờ Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, nơi có tài sản ước tính khoảng 320 tỷ bảng Anh – một con số khổng lồ.
Cho tới nay, việc chuyển giao quyền lực này vẫn chưa hoàn tất, khi chủ sở hữu mới của Newcastle sẽ phải trải qua bài đánh giá từ Premier League nhằm đảm bảo những người được bổ nhiệm có thực sự phù hợp với CLB trên tư cách là lãnh đạo đội bóng hay không. Nếu giới chủ Saudi Arabia được bật đèn xanh, Newcastle chắc chắn sẽ có nguồn tài chính dồi dào để biến CLB trở thành một trong những vì tinh tú ở Ngoại hạng Anh cung như châu Âu.
Về lý thuyết đúng là như vậy, một viễn cảnh vô cùng đáng chờ đợi. Sau 13 năm trì trệ, không có nhiều bước tiến kể từ khi Mike Ashley tiếp quản CLB vào năm 2007, Newcastle có thể trở thành Man City hoặc PSG khác của bóng đá châu Âu. Đây là hai đội bóng được sở hữu bởi các ông chủ siêu giàu với tham vọng không chỉ thống trị ở giải quốc nội, mà còn chinh phục thế giới. Đó là lý do tại sao những Griezmann, Cavani và Werner, cùng một số HLV đình đám như Pochettino, Allegri… được liên hệ gia nhập St James’ Park.
Từ chỗ chỉ là một CLB tầm trung, Newcastle bỗng chốc trở thành điểm đến số 1 với các cầu thủ, HLV và “tay cò”, những người ưa thích dự án mới hấp dẫn và đầy béo bở. Tuy nhiên, mọi chuyện đâu đơn giản như vậy. Thời của các CLB được đầu tư núi tiền như Chelsea dưới triều đại Roman Abramovich, Man City dưới triều đại Sheikh Mansour hay PSG dưới triều đại Nasser Al-Khelaifi, đều đã qua. Giờ đây, các cơ quan bóng đá đã ban hành nhiều điều luật quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng “lấy tiền đè danh hiệu”.
Luật Công bằng tài chính (FFP) của UEFA hay Premier League ra đời, đồng nghĩa việc chi tiêu, sắm sửa tân binh giờ khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể để Newcastle tạo ra bước nhảy vọt tương tự như Chelsea, Man City và PSG. Nhờ FFP, các CLB hiện tại bị hạn chế chi tiêu so với những họ kiếm được dưới tư cách là một tổ chức thể thao, thay vì đơn giản là nhờ cậy hoàn toàn túi tiền không đáy của các ông chủ giàu có để thoải mái chiêu binh mãi mã hay trả những khoản tiền lương kếch xù.
Newcastle đang mơ đổi đời với dàn sao xuất sắc
Cả PSG lẫn Man City đều vi phạm luật FFP của UEFA, và riêng Man xanh đang cố gắng xoay chuyển tình hình sau khi lĩnh án cấm thi đấu ở cúp châu Âu trong hai mùa giải tới, một hình phạt được đánh giá nghiêm khắc cho những kẻ cậy tiền mà coi thường luật lệ. Các quy định FFP của UEFA phức tạp đến mức chúng là một bộ tài liệu dài tới 116 trang, song tóm gọn lại, nó gồm các biện pháp nhằm hạn chế các tổn thất do các CLB gây ra. Do đó, họ chỉ có thể báo cáo tổn thất hàng năm tối đa 30 triệu euro với “độ vênh chấp nhận được” của UEFA là 5 triệu euro.
Đây là vấn đề mà chủ sở hữu mới của Newcastle phải đối mặt, nếu hoặc khi họ nắm quyền kiểm soát đội bóng. Nếu định ký hợp đồng với Griezmann, Werner và thuê Pochettino hoặc Allegri, họ sẽ phải tìm cách tăng nhanh doanh thu của Newcastle, vì đơn giản họ sẽ không được phép chi hàng trăm triệu bảng mà không chứng minh nguồn thu thông qua thu nhập thương mại và thể thao hợp pháp.
Tin tốt lành cho Newcastle là họ có nhiều cơ hội phát triển từ góc độ thương mại. Khi Ashley mua đội bóng năm 2007, thu nhập thương mại của Chích chòe lên tới 27,6 triệu bảng một năm. Trong những báo cáo tài chính gần đây, tính đến cuối tháng 6/2018, thu nhập thương mại của Newcastle giảm xuống 26,7 triệu bảng. Cùng giai đoạn, doanh thu thương mại hàng năm của Manchester United đã tăng từ 58,1 triệu bảng lên tới 276 triệu bảng.
Quay lại năm 1999, Deloitte & Touche đã xếp Newcastle ở vị trí thứ 5 trong danh sách các CLB giàu nhất thế giới, với doanh thu 49,2 triệu bảng, hơn cả Barcelona (48,57 triệu bảng), AC Milan (48,55 triệu bảng) và Liverpool (45,5 triệu bảng ). Newcastle là định nghĩa của một người khổng lồ đang ngủ, và chủ sở hữu mới của họ có thể nhanh chóng cải thiện doanh thu của đội bóng với các hợp đồng tài trợ sinh lợi hơn.
Nhưng ngay cả với sự tăng trưởng nhanh chóng từ thu nhập ngoài sân cỏ, Newcastle sẽ cần thời gian và sự quản lý tài ba để trở lại thành một thế lực. Họ chắc chắn không thể ăn xổi. Các vấn đề tài chính có thể được khắc phục nhanh chóng, nhưng việc thu hút các ngôi sao xuất chúng tới Newcastle sẽ là một vấn đề dài hạn.
Rõ ràng, một viễn cảnh tươi đẹp đang mở ra trước mắt Newcastle, nhưng để nó lung linh như trong tưởng tượng thì không hề đơn giản. Chích chòe có thể sở hữu rất nhiều tiền, song họ khó lòng trở thành Chelsea, Man City hay PSG mới của bóng đá châu Âu.
Đỗ Trung
Câu chuyện đằng sau vụ thôn tính Newcastle
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia là người đứng tên chi số tiền 300 triệu bảng để sở hữu 80% cổ phần tại Newcastle, nhưng nguồn gốc số tiền lại xuất phát từ Quỹ đầu tư công của quốc gia Trung Đông do ông nắm quyền điều hành. Điều này rõ ràng không bình thường.
Trong nhiều năm qua, tình hình chính trị tại Saudi Arabia diễn ra khá căng thẳng bởi cuộc chiến với Yemen (phe nổi dậy Houthi). Người đang nắm giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của quốc gia không ai khác chính là Thái tử Mohammed bin Salman.
Thể thao là công cụ thanh tẩy
Trước khi được phong tước Thái tử, ông Salman đảm nhận trách nhiệm dẫn dắt chiến dịch của Saudi Arabia không kích Yemen. Theo ông Felix Jakens, Trưởng ban Chiến dịch của Tổ chức Ân xá Quốc tế Vương quốc Anh, cho biết có rất nhiều bằng chứng liên quan tới việc Thái tử Salman phát động các cuộc tấn công bừa bãi vào nhà dân thường và bệnh viện. Không chỉ vậy, ông Jakens cũng chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman trên tờ The Independent vì bắt giữ nhiều nhà hoạt động nhân quyền tại Saudi Arabia, bao gồm Loujain al-Hathloul và những người vận động cho nữ quyền tại quốc gia này. Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi là hành động nổi bật bị lên án của Saudi Arabia thời gian qua.
Thái tử Mohammed bin Salman được nhiều chuyên gia chính trị nhận định là người kế vị lý tưởng tại Saudi Arabia bởi những lập trường cứng rắn trong quốc phòng và an ninh, đặc biệt mối quan hệ đối đầu với Iran. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, hình ảnh của ông Salman và Saudi Arabia đang không thân thiện trong mắt nhiều người. Chính bởi vậy, ông Felix Jakens cho rằng, việc ông Salman mua lại Newcastle thông qua nguồn tiền của Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia được coi là hành động dùng thể thao để thanh tẩy danh tiếng. Nói cách khác, Premier League sẽ trở thành một công cụ để PR hình ảnh của Thái tử lẫn quốc gia Saudi Arabia. Thực tế, cách thức này vốn đã được Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahayan và Hoàng gia Abu Dhabi (đế chế hùng mạnh nhất trong 7 quốc gia thuộc UAE) thực hiện thông qua Man City trong nhiều năm.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, ông chủ mới của Newcastle
"Đó là nỗ lực thay đổi hình ảnh của đất nước và cố gắng tạo dấu ấn tốt đẹp và thân thiện hơn với các nước phương Tây nhằm thu hút đầu tư. Giờ đây, mọi người thường nói "Đúng là UAE có những vấn đề nhưng họ đang tốt dần lên, nhiều nhà cửa đã xuất hiện trở lại. Chúng ta có thể liên kết với họ". Saudi Arabia rõ ràng đang cố gắng đi theo hướng này", Adam Coogle, đại diện Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tại Trung Đông chia sẻ.
Premier League bị ảnh hưởng?
Bóng đá thế giới và đặc biệt là Premier League không còn xa lạ với những ông chủ tỷ phú lấn sân sang lĩnh vực mới. Họ bắt đầu làm quen với Roman Abramovich tại Chelsea rồi tới Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahayan tại Man City. Thái tử Mohammed bin Salman có thể sẽ chỉ là một trong nhiều cái tên nữa tìm tới giải đấu cấp cao nhất nước Anh ở thời gian sắp tới.
Không ít chuyên gia chính trị đã lên tiếng cảnh báo Ban Tổ chức Premier League cần siết chặt quy định sở hữu CLB tại giải đấu hơn sau khi Thái tử Salman mua lại Newcastle bởi những lo ngại liên quan đến chính trị. Tuy nhiên, công bằng mà nói, cho tới nay Premier League vẫn chưa chịu nhiều tác động chính trị. Trên thực tế, nếu Premier League không thận trọng thì vẫn còn đó Chính phủ Anh.
Đương cử như tình hình căng thẳng giữa Anh và Nga trong thời gian qua đã cản trở việc nhập cảnh của ông chủ Roman Abramovich. Qua đó, ảnh hưởng tới không ít các vấn đề tài chính của Chelsea. Nhưng nhìn về khía cạnh bảo đảm an toàn cho giải đấu thì rõ ràng nước Anh đang làm tốt công việc của mình.
Trên thực tế, Premier League cũng có những quy định về việc tiếp quản, sở hữu CLB thuộc giải đấu. Tuy nhiên, yếu tố tài chính được ưu tiên hơn. Dẫu vậy, đối với những vi phạm pháp luật hoặc có những hành động không phù hợp với chuẩn mực đều sẽ không được Premier League kiểm tra cẩn thận một cách khách quan.
Vấn đề lớn hơn đối với Premier League khi Thái tử Salman sở hữu Newcastle nằm ở mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Hoàng gia Abu Dhabi. Câu hỏi được đặt ra rằng, liệu sẽ có sự liên minh, giúp đỡ nhau trong chuyển nhượng xảy ra giữa Newcastle và các CLB mà Hoàng gia Abu Dhabi sở hữu hay không. Nếu có, việc giữ công bằng cho giải đấu là điều rất khó khăn.
Quý Dậu
Newcastle nhắm siêu HLV cho ghế nóng sau khi đổi đời Cựu HLV Mauricio Pochettino của Tottenham hiện là một trong những cái tên sáng giá có thể dẫn dắt Newcastle dưới thời chủ mới. Gần đây, truyền thông Anh đồng loạt đưa tin thái tử Mohammad bin Salman (Saudi Arabia) chuẩn bị mua lại 80% cổ phần của Newcastle để sở hữu đội bóng. Chính điều này khiến các cổ động viên Chích...