Liệu Israel và Hamas có thực sự muốn chấm dứt xung đột?
Các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas dường như tập trung vào lợi ích riêng của mỗi bên hơn là giải quyết xung đột.
Cả hai bên đều không thể hiện sự mong muốn thực sự chấm dứt giao tranh, mà thay vào đó, tiếp tục muốn duy trì cuộc chiến.
Binh sĩ Israel gác tại Bờ Tây. Ảnh: THX/TTXVN
Bình luận trên tờ Arab News ngày 1/9, Yossi Mekelberg, Giáo sư quan hệ quốc tế và là cộng tác viên của Chương trình MENA tại Viện Chatham House cho rằng, về nguyên tắc, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas được cho là nhằm thu hẹp bất đồng và tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cuộc đàm phán ngừng bắn dường như phục vụ nhiều hơn cho lợi ích riêng của mỗi bên, thay vì ưu tiên cho một thỏa thuận lâu dài. Mặc dù các cuộc đàm phán diễn ra liên tục, cả hai bên không cho thấy họ thực sự mong muốn chấm dứt cuộc chiến, mà thay vào đó, dường như đều muốn tiếp tục xung đột, bất chấp những thiệt hại to lớn cho người dân.
Cụ thể, tình hình hiện tại cho thấy cả Israel và Hamas đều không thực sự sẵn sàng chấp nhận rằng kéo dài chiến tranh sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào. Đối với người dân Israel và Palestine, nhu cầu cấp thiết là lệnh ngừng bắn, không chỉ để giảm bớt thương vong mà còn để giải thoát những con tin bị giam giữ. Tuy nhiên, cảm giác cấp bách này không được chia sẻ bởi các lãnh đạo của hai bên, khiến xung đột ngày càng kéo dài và phức tạp hơn.
Video đang HOT
Cuộc xung đột kéo dài này cũng đã được quốc tế hóa, đẩy khu vực đến bờ vực của cuộc chiến lớn hơn. Do đó, một lệnh ngừng bắn ở Gaza là cần thiết để xoa dịu căng thẳng khu vực, ngay cả khi không giải quyết lập tức được những nguyên nhân sâu xa.
Theo Giáo sư Mekelberg, lập luận cho rằng cả hai bên đã hành động vì lợi ích riêng là khá thuyết phục. Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar không mặn mà với lệnh ngừng bắn vì ông hy vọng rằng các vụ ám sát gần đây của Israel ở Beirut (Liban) và Tehran (Iran) sẽ kích động một cuộc trả đũa mạnh mẽ, làm suy yếu Israel và cải thiện vị thế của Hamas.
Về phía Israel, những toan tính chiến lược của Thủ tướng Netanyahu lại phụ thuộc vào các thành phần cực hữu trong liên minh cầm quyền của ông.
Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn đã được nối lại tại Cairo (Ai Cập) và Doha (Qatar), thách thức thực sự đối với cả hai bên là tìm được tiếng nói chung để đi đến một thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng cả Israel và Hamas vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì cuộc xung đột, vì những động cơ chính trị nội bộ hơn là vì lợi ích chung của khu vực. Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực lớn từ cả phía trong và ngoài Israel để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng mối quan hệ với phe cực hữu đã tạo nên nút thắt cho tiến trình hòa bình.
Điều này không chỉ gây tổn thương cho xã hội Israel mà còn phá vỡ niềm tin giữa người dân và chính quyền. Vấn đề con tin là một ví dụ điển hình, khi việc kéo dài chiến tranh và trì hoãn các thỏa thuận đã làm mất đi niềm tin của người dân vào khả năng bảo vệ của chính phủ. Những toan tính đó đã khiến cho cuộc chiến khốc liệt này tiếp tục kéo dài thay vì kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn cần thiết.
Tóm lại, Giáo sư Mekelberg nhấn mạnh rằng, trong khi các bên tiếp tục sử dụng xung đột để đạt được mục tiêu chính trị riêng, người dân Israel và Palestine là những người chịu tổn thất lớn nhất. Việc chấm dứt xung đột không chỉ là một thách thức về mặt quân sự mà còn là bài toán về lòng tin, đạo đức và sự sẵn lòng đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Liệu Israel và Hamas có thực sự muốn chấm dứt xung đột hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng, nhưng điều chắc chắn là, hòa bình sẽ không thể đạt được nếu các bên không thay đổi cách tiếp cận hiện tại.
Xung đột Hamas- Israel: Ai Cập thảo luận với Mỹ, Iran về cuộc khủng hoảng khu vực
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong cuộc điện đàm ngày 24/8, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các bên liên quan cam kết vượt qua các trở ngại và thể hiện sự linh hoạt nhằm hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Xe quân sự Israel được triển khai ở biên giới miền Nam Israel với Dải Gaza. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Ai Cập Ahmed Fahmy cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza là yếu tố vô cùng quan trọng vào thời điểm quyết định hiện nay. Nhà lãnh đạo Ai Cập nêu bật tính cấp thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Gaza và hạ nhiệt xung đột trong khu vực.
Ông El-Sisi và ông Biden cũng đã điểm lại những diễn biến liên quan trong vòng đàm phán ngừng bắn mới nhất do Cairo chủ trì. Cuộc điện đàm diễn ra giữa lúc Ai Cập, Qatar và Mỹ đang phối hợp thúc đẩy các nỗ lực hòa giải chuyên sâu nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi tù nhân giữa Israel và Hamas.
Theo thông báo của Nhà Trắng hôm 23/8, vòng đàm phán ở Cairo đã đạt được tiến triển và tiến trình đàm phán sẽ tiếp tục vào cuối tuần này. Nguồn tin báo chí cho biết Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Trung Đông và Bắc Phi Brett McGurk đã đến Cairo tham gia vòng đàm phán.
Trong khi đó, theo truyền thông Trung Đông, Ai Cập đã tổ chức các cuộc thảo luận sâu rộng trong hai ngày 23-24/8 để chuẩn bị cho vòng đàm phán gián tiếp mới diễn ra trong ngày 25/8 để đi tới lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận trao đổi con tin, sau khi các cuộc đàm phán tại Doha thất bại vào tuần trước. Tại cuộc thảo luận, phái đoàn Israel đã trao cho Ai Cập bản đồ đề xuất các điểm đồn trú của quân đội Israel dọc theo hành lang Philadelphi trên biên giới Ai Cập-Gaza. Đây là một trong những điểm bế tắc chính trong cuộc đàm phán hiện nay và cũng là điều kiện tiên quyết của phong trào Hamas trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel. Cho đến nay, Hamas vẫn duy trì quan điểm bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, trong đó có hành lang Philadelphi, và những người di tản phải được trở về nhà.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Iran Abbas Araghchi đã điện đàm để thảo luận về các cuộc khủng hoảng khu vực, trong đó có những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza cùng các nỗ lực đi tới thỏa thuận ngừng bắn. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Ngoại trưởng Abdelatty đã bày tỏ hy vọng về khả năng đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận trao đổi con tin giữa Israel và Hamas để giúp giảm căng thẳng trong khu vực, ngăn bạo lực và xung đột leo thang hơn nữa.
Trong cuộc điện đàm, hai ngoại trưởng nhất trí tiếp tục tham vấn để theo dõi tiến trình cải thiện quan hệ song phương và các diễn biến mới trong khu vực.
Hamas nêu quan điểm về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza Ngày 18/8, lực lượng Hamas của Palestine đã tiếp tục đổ lỗi cho phía Israel về việc không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, sau hai ngày đàm phán ở Doha (Qatar) kết thúc vào ngày 16/8, mà lực lượng này không trực tiếp tham gia. Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 14/8/2024....