Liệu có thể chặn máy bay lao vào chỗ chết từ mặt đất?
Công nghệ để ngăn ngừa thảm kịch Germanwings xảy ra bằng cách chiếm quyền kiểm soát trên không từ xa đã có từ nhiều năm song ngành hàng không từ chối sử dụng.
Cơ phó Lubitz ngồi trong khoang lái khi cố tình điều khiển chiếc máy bay lao xuống sườn dãy Alps (Ảnh: Dailymail)
DailyMail đưa tin, việc hỗ trợ giám sát các máy bay theo thời gian thực từ mặt đất đã bị ngừng lại trong bối cảnh các hãng hàng không sợ những đe dọa phát sinh từ việc lấy đi quyền điều khiển của phi công và khả năng bị khủng bố cướp máy bay qua mạng. Các công đoàn đại diện cho phi công cũng phản đối động thái này.
Vụ 11/9 , khi bọn khủng bố dùng máy bay mà chúng cướp được làm vũ khí, đã làm dấy lên những kêu gọi về việc phải có một hệ thống mới ngăn những sự kiện tương tự tái diễn.
Các nhà sản xuất ở châu Âu và Mỹ đã làm việc theo hướng tạo ra một máy bay chống bị không tặc. Năm 2006, Boeing được cấp bằng sáng chế về một hệ thống lái tự động không thể phá vỡ. Hệ thống này cho phép các phi công, kiểm soát mặt đất hoặc cơ quan an ninh như CIA kích hoạt hệ thống lái tự động, không thể làm cho ai trên máy bay tắt nó được.
Hệ thống này còn có thể tự bật nếu bọn khủng cố gắng xông vào buồng lái, với cảm biến sức ép trên cửa đáp lại một lực mạnh.
Đường bay của máy bay có thể được bộ phận kiểm soát dưới mặt đất phát tới máy bay qua sóng radio, và đưa máy bay hạ cánh an toàn tại một sân bay gần nhất bằng các trợ giúp hạ cánh tự động.
Các nguồn tin từ Boeing cho hay vào thời điểm đó rằng, các thiết bị chống không tặc có thể được lắp trên tất cả các máy bay vào năm 2010. Tuy nhiên, việc này không xảy ra do các phi công và hãng hàng không lo ngại về an toàn. Vì thế, tới giờ, công nghệ trên vẫn chưa được chứng minh.
Video đang HOT
Khả năng điều khiển máy bay không người lái từ mặt đất đã có từ lâu, máy bay không người lái quân sự đã được dùng từ lâu để phục vụ giám sát và tấn công.
Năm 2013, một máy bay 16 chỗ của hãng hàng không Jetstream đã trở thành máy bay chở khách đầu tiên bay không người lái trên không phận dân sự của Anh. Máy bay này được điều khiển từ xa – ở dưới mặt đất, cho hành trình 159km dù có một phi công trên máy bay điều khiển cất và hạ cánh.
Tuy nhiên, ý tưởng một chiếc máy bay chở hàng trăm khách thực hiện hành trình mà không có sự can thiệp của con người vẫn làm nhiều chuyên gia lo lắng.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet
Vụ rơi máy bay tại Pháp: Quy định về an toàn hàng không đã bị lợi dụng
Quy định an toàn hàng không áp dụng sau sự kiện 11/9 khiến các khoang lái máy bay trở thành các pháo đài kiên cố.
Với việc nhốt cơ trưởng bên ngoài buồng lái trước khi cho máy bay Đức đâm vào núi hôm 24/3, viên cơ phó đã tận dụng một trong các quy định an toàn hàng không được đưa vào áp dụng sau sự kiện 11/9, theo đó các khoang lái máy bay trở thành các pháo đài kiên cố.
Cần gạt cửa có 3 nấc: Thông thường (mặc định), Mở khóa, và Khóa (đồ họa của New York Times)
Sự cố hàng không xảy ra với chuyến bay Airbus A320 của Đức cũng cho thấy rõ một khác biệt lớn giữa các quy định về khoang lái giữa châu Âu và Mỹ. Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) của Mỹ quy định rõ khi có 1 phi công bước vào khoang hành khách thì phải có một tiếp viên hàng không ngồi trong buồng lái, trong khi bên châu Âu lại không có quy tắc 2 người tương tự.
Phản ứng lại vụ việc xâm phạm an ninh hàng không, một số hãng hàng không thế giới, bao gồm Air Canada, Norwegian Air Shuttle và easyJet đã thông báo vào hôm 26/3 rằng họ sẽ lập tức áp dụng quy tắc 2 người trong buồng lái.
Mark Rosenker, cựu chủ tịch Ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ, nói: "Tôi thấy sốc khi không có một người thứ 2 trong buồng lái".
Ở Mỹ, việc tiếp cận buồng lái được quy định rất chặt chẽ. Hành khách không được tụ tập gần cửa buồng lái và hễ khi nào cửa buồng mở thì không được phép ở trong nhà vệ sinh phía trước và khi đó các tiếp viên hàng không thường chặn lối đi, đôi khi bằng xe đẩy chở thức ăn. Tuy nhiên quy định 2 người này không nhằm ngăn ngừa một phi công có mưu đồ xấu mà chỉ là để đề phòng một phi công bị ốm hoặc bất lực trong việc điều khiển máy bay.
Vụ Germanwings cũng chỉ ra các nguy cơ tiềm ẩn trong cách thức kiểm tra tình trạng tâm thần của các phi công - mối quan tâm thường trực của một ngành đòi hỏi sự tập trung và kỷ luật với yếu tố kỹ thuật và stress ngày càng tăng.
Peter Goelz, cựu giám đốc quản lý của Ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ, nói: "Tôi cho rằng sự cố này sẽ tác động sâu sắc lên ngành hàng không và cách thức kiểm tra tâm lý phi công".
Ông Mark Rosenker cho biết, vấn đề sức khỏe phi công là mối quan tâm lâu dài của ngành hàng không nhưng việc phát hiện ra các vấn đề tâm lý có thể vẫn là thách thức lớn.
Ở Mỹ, phi công được kiểm tra về mặt y tế và tâm lý trước khi được tuyển dụng. Sau đó họ phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế một lần mỗi năm nếu dưới 40 tuổi và hai lần/năm sau độ tuổi đó.
Mô phỏng những gì diễn ra trước lúc máy bay Germanwings rơi (đồ họa của Daily Mail)
Thế nhưng các cuộc khám sức khỏe này - thường do các nhân viên y tế phổ thông thực hiện -không phải lúc nào cũng kỹ càng. Các hãng hàng không và cơ quan quản lý hàng không dựa vào các phi công tự nguyện tiết lộ bất cứ vấn đề nào về thể chất hoặc tinh thần.
Các phi công mà không làm được điều này hoặc thậm chí làm giả thông tin, thì có thể chịu mức phạt lên tới 250.000 USD, theo FAA.
Tuy nhiên, một số phi công ngại tiết lộ các thông tin như vậy do sợ mất việc.
Ngoài việc khuyến khích "tự khai", các hãng cũng dựa vào các thành viên tổ bay báo cáo về các hành vi đáng ngờ hay theo dõi tình trạng sức khỏe của đồng nghiệp.
Rất may các vụ phi công cố ý gây tai nạn là khá hiếm./.
Trung Hiếu Theo New York Times
Theo_VOV
Những vụ tai nạn hàng không do phi công "tự sát" Thế giới đã bị sốc khi cơ quan điều tra Pháp khẳng định phi công Andreas Lubitz của hãng Germanwings có vẻ cố ý gây tai nạn, khiến 150 người tử nạn. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên một vụ tai nạn máy bay do phi công tự sát được ghi nhận. Tai nạn hàng không đang là nỗi ám ảnh...