Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý III?
Thị trường chứng khoán (TTCK) có tuần khởi động tháng 10-2020 khá thuận lợi khi VN Index tăng 1,5% (tính đến 8-10). Sau 2 tháng liên tiếp trước đó giữ ngôi vị mạnh nhất thế giới, TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn công bố thông tin kết quả kinh doanh quý III, liệu có kỳ vọng tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới?
Giá CP phản ánh sớm thông tin
Cùng với việc kiềm chế thành công dịch Covid-19 và tăng trưởng GDP cả nước trong quý III bất ngờ đạt 2,62%, lợi nhuận doanh nghiệp (DN) niêm yết trong quý III cũng được kỳ vọng sẽ tiếp đà khởi sắc từ quý II. Giữa bối cảnh các quốc gia khác – nhất là những khu vực có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như EU và Mỹ – vẫn đang phải đối mặt với sự căng thẳng dịch bệnh hay yếu tố rủi ro từ TTCK Mỹ, khi cơ hội có gói kích cầu lần hai đã chính thức khép lại ít nhất là tới sau cuộc bầu cử, thì kết quả kinh doanh quý III của DN niêm yết sẽ là lực đỡ chính trong ngắn hạn.
Mặc dù thời điểm hiện tại vẫn chưa có các con số chính thức được công bố, nhưng không ít DN đã đưa ra con số ước tính lợi nhuận quý III sớm. Tuy vậy thị trường không phải lúc nào cũng thể hiện phản ứng tương xứng khi xuất hiện thông tin. Sự vận động của giá cổ phiếu (CP) dựa trên định giá tương lai và yếu tố kỳ vọng nên trong nhiều trường hợp còn xảy ra phản ứng ngược.
Không ít CP trong những ngày qua đang thể hiện phản ứng ngược dạng này khi xuất hiện dự báo kết quả kinh doanh. Chẳng hạn con số gây sốc nhất là dự kiến lợi nhuận quý III của DBC gấp 20 lần cùng kỳ được đưa ra từ đầu tháng 10, nhưng giá CP này ngay lập tức lao dốc 4 phiên, giảm hơn 4%. Thực tế từ đầu tháng 6 đến nay CP DBC gần như đi ngang, dù tất cả các nhà đầu tư đều biết rõ lợi nhuận 2020 của DBC sẽ thuộc hàng “khủng”. Thực vậy, những con số ước tính cho thấy lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của công ty này tới trên 1.100 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ.
Thế nhưng, toàn bộ kỳ vọng lẫn hiện thực nói trên đã được phản ánh vào sóng tăng giá tới 312% của CP DBC trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 6-2020. Thị trường đã định giá trước CP này ngay từ khi giá thịt lợn gia tăng chóng mặt, do gần như biết chắc chắn yếu tố này sẽ phản ánh lên kết quả kinh doanh các quý sắp tới.
Một “ông lớn” khác là VNM công bố ước tính lợi nhuận quý III có thể tăng 16%, nhưng đúng thời điểm thông tin được đưa ra và công ty thực hiện phát hành CP thưởng, trả cổ tức bằng tiền mặt thì giá bắt đầu giảm. Con số lợi nhuận ngàn tỷ quý III liệu có đủ tạo sức bật thêm cho giá CP nữa hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời, vì trong 2 tháng qua CP VNM cũng đã tăng gần 30% và giá đang tương đương đỉnh cao nhất 18 tháng.
Có thể kể ra nhiều trường hợp tương tự khi thông tin ước tính lợi nhuận rất tốt được tung ra thì giá CP kiệt sức không tăng thêm được hoặc quay đầu giảm. DPM, KDC, DCM… đều đã chứng kiến con sóng tăng giá cực mạnh trong tháng 8 và tháng 9 để đến khi công bố thông tin, thị trường không có phản ứng gì.
Sóng kết quả kinh doanh đã muộn?
Một quy luật trên TTCK là suy luận của nhà đầu tư luôn đi trước tất cả các thông tin chính thức. Như trường hợp của DBC, mô hình kinh doanh đơn giản giúp các dự phóng về lợi nhuận dựa trên các yếu tố đầu ra dù không thể chính xác tuyệt đối về con số, nhưng gần như chắc chắn về xu hướng. “Giá thịt lợn” là từ khóa nóng nhất trong nửa đầu năm 2020 nhưng vài tháng gần đây đã nhạt đi đáng kể. Vì thế mối quan tâm của nhà đầu tư cũng nhạt đi theo. Những gì thị trường đã biết, tức là không còn mới, thì cũng sẽ bị bỏ qua. CP hàng không cũng là một ví dụ tốt như HVN của Vietnam Airlines, không thể sử dụng kết quả kinh doanh hay số liệu kế toán hay kỳ vọng lợi nhuận quý III để lý giải việc giá CP cũng tăng 26% trong 2 tháng qua.
Video đang HOT
Ở thời điểm giữa tháng 10 lúc này, nếu nói thị trường trông đợi một con sóng kết quả kinh doanh quý III có lẽ là đã muộn. Sóng kết quả kinh doanh – hay đúng hơn là sóng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III – đã xuất hiện từ 2 tháng trước và chính là yếu tố được viện dẫn để lý giải sức mạnh dẫn đầu thế giới của VN Index trong tháng 8 và 9.
Thống kê các khuôn mẫu phản ứng của thị trường với chu kỳ kết quả kinh doanh quý III có thể thấy khá rõ, nếu thị trường đi trước thông tin thì khi tin ra, phản ứng ngược lại sẽ xuất hiện, hoặc ít nhất là gần như không có phản ứng. Trong 10 năm qua, diễn biến lặp lại là nếu tháng 9 thị trường tăng tốt, sang tháng 10 mức tăng thường rất kém, thậm chí giảm và ngược lại. Cá biệt duy nhất là tháng 9 và tháng 10-2017 khi cả 2 tháng đều tăng rất tốt và đó là một thời điểm đặc biệt khi thị trường trong giai đoạn bùng phát tương tự thời điểm 2006 để rồi đạt đỉnh đầu năm kế tiếp. Thực tế VN Index cũng thiết lập đỉnh lịch sử tương đương tháng 3-2007 vào tháng 3-2018.
Dạng phản ứng này chỉ là yếu tố xác nhận chiến lược đầu cơ phổ biến trên TTCK. Nhà đầu tư sẽ phân tích dự đoán trước các DN có triển vọng lợi nhuận tốt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh gần kề và “đãi cát tìm vàng” mua trước CP. Trong 10 năm qua có tới 8 năm thị trường đều tăng trong tháng 9. Thậm chí nếu các nhóm nhà đầu tư có tiềm lực mạnh có thể nắm bắt sát sao hoạt động kinh doanh của DN thông qua các mối quan hệ. Con số lợi nhuận hàng quý chưa bao giờ là một yếu tố có thể gây sốc.
Sóng kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III thực ra đã xuất hiện từ 2 tháng trước và chính là yếu tố được viện dẫn để lý giải sức mạnh dẫn đầu thế giới của VN Index trong tháng 8 và 9.
Ngân hàng hối hả chào sàn
Nhiều nhà băng đang chạy nước rút hoàn tất hồ sơ để có thể đưa cổ phiếu lên UPCoM hoặc chuyển sang sàn niêm yết trong năm nay. Điều này có tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu "vua".
Nam A Bank chào sàn ngày 9/10/2020, mang đến cơ hội mới cho nhà đầu tư. Ảnh: Dũng Minh.
Mục tiêu cuối năm
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán không có thêm cổ phiếu "vua" lên niêm yết, nhưng trong thời gian tới, hoạt động này dự kiến sẽ tấp nập. Gần đây, thị trường liên tục ghi nhận động thái thực hiện kế hoạch đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), hiện giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán LPB, là ngân hàng đầu tiên được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chấp thuận nguyên tắc niêm yết trong năm 2020.
Với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), ngân hàng này đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM để sắp tới sẽ chuyển sàn. Ngày 31/8, HOSE nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 924,5 triệu cổ phiếu của VIB.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Đặng Khắc Vỹ chia sẻ, nếu được cơ quan quản lý thông qua, Ngân hàng sẽ niêm yết trong tháng 11 tới, sau khi toàn tất tăng vốn điều lệ.
Giữa tháng 9/2020, VIB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ gần 9.245 tỷ đồng lên gần 11.094 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đang thực hiện các bước cuối để có thể chuyển sàn từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE trong quý IV/2020.
ACB vừa hoàn tất phát hành gần 500 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên trên 21.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa nộp lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên HOSE. 8 tháng đầu năm 2020, MSB đạt lợi nhuận trước thuế trên 1.404 tỷ đồng, bằng gần 98% kế hoạch cả năm (1.439 tỷ đồng).
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sau nhiều năm trì hoãn lên sàn cũng đang tăng tốc hoàn tất hồ sơ niêm yết trên HOSE. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đẩy mạnh triển khai kế hoạch đưa cổ phiếu lên UPCoM.
Một cổ phiếu ngân hàng vừa chào sàn UPCoM ngày 9/10 là NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, đăng ký giao dịch trên UPCoM nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ quy định tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng phê duyệt, đồng thời giúp cổ phiếu tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế Ngân hàng trên thị trường...
Một trong những mục tiêu của đề án trên là cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường chứng khoán, trong đó thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, 100% ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Bên cạnh các nhà băng đang rốt ráo lên sàn, một số nhà băng lại chưa có động tĩnh đối với kế hoạch này như Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank). Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) cũng vậy, dù trước đó Hội đồng quản trị đã nhiều lần nhắc đến kế hoạch lên sàn trong các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Riêng Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đang trong quá trình sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đang trong diện kiểm soát đặc biệt, nên câu chuyện lên sàn có thể còn xa.
Hiệu ứng chuyển sàn
Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Theo đó, việc chuyển sàn từ HNX và UPCoM sang HOSE sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn, do yêu cầu niêm yết cao và được nhà đầu tư quan tâm hơn.
Ngoài các cổ phiếu chuyển sàn, nhiều cổ phiếu "vua" khác có giá và thanh khoản tăng.
Chẳng hạn, với khả năng sắp chuyển sàn, gần đây, giao dịch cổ phiếu LPB trên UPCoM sôi động hơn hẳn với không ít phiên đạt khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị và giá đạt gần 12.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 2 năm qua
Hay cổ phiếu VIB hiện có mức tăng gần gấp đôi so với đầu năm, giao dịch quanh ngưỡng 33.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng cao. 6 tháng đầu năm 2020, VIB đạt 2.356 tỷ đồng lợi nhuận; kế hoạch cả năm là lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, chủ tịch ngân hàng này chia sẻ, VIB sẽ dành 1.800 tỷ đồng lợi nhuận để phân phối cho cổ đông hiện hữu, nâng số lượng cổ phiếu lên thêm 20%.
Cổ phiếu SHB cũng khởi sắc trước thông tin sẽ chuyển sang sàn HOSE, gần đây giao dịch trên mức 15.000 đồng/cổ phiếu, tăng 24% so với tháng trước.
Tương tự, cổ phiếu ACB thu hút dòng tiền nhà đầu tư, giá và thanh khoản tăng. Đây là là cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa hàng đầu trên HNX, dự kiến sau khi chuyển sàn 6 tháng sẽ đủ điều kiện để được đưa vào các bộ chỉ số của HOSE như VN30, VNDiamond, hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Ngân hàng này đạt 3.819,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019; kế hoạch cả năm là đạt 7.636 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngoài các ngân hàng chuyển sàn, nhiều cổ phiếu "vua" khác có sự khởi sắc như MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội, CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam,TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong, TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NVB của Ngân hàng TMCP Nam Việt, KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long...
Trong đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín được hỗ trợ bởi thông tin Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienongbank) sẽ bán gần 174 triệu cổ phiếu STB khách hàng thế chấp để thu hồi nợ xấu, với giá không dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu "vua" lấy lại phong độ, trở thành nhóm dẫn dắt thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị, nhà đầu tư cần xem xét cổ phiếu của ngân hàng có nền tảng tốt, khả năng tăng trưởng và có mức định giá hợp lý.
Không chỉ quan tâm tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản, bởi nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng, chưa kể các khoản nợ xấu tiềm ẩn khi ngân hàng được phép cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 17 ngân hàng niêm yết tăng lên mức 1,71% so với mức 1,44% cuối năm 2019. Giới phân tích tài chính nhận định, nếu không thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2020 dự kiến ở mức 2,41%, tăng 0,78% so với cuối năm 2019. Trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 dự kiến ở mức 2,16%, tăng 0,5% so với cuối năm 2019.
Doanh nghiệp kiệt sức, mong chờ gói giải cứu mới Hầu hết doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid 19. Doanh thu giảm sút mạnh, mất cân đối dòng tiền, sức khỏe ngày càng kiệt quệ và giảm niềm tin. Kiệt sức Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, khảo sát gần đây của Hiệp hội chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp đã...