Liên tục uống nước ngọt, chàng trai bị tiểu đường rơi vào hôn mê
Bị bệnh đái tháo đường nhưng anh N.T.T (27 tuổi, Bình Dương) thèm uống nước ngọt, không kiêng khem…
dẫn đến hôn mê, nhập viện cấp cứu.
Ngày 13.6, bác sĩ CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu (BVĐK Tâm Anh TP.HCM), cho biết ngay khi vào cấp cứu, người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân bị đái tháo đường (tiểu đường) loại 2 nhưng không điều trị thường xuyên.
Liên tục uống nước ngọt, chàng trai bị tiểu đường rơi vào hôn mê
Để chạy đua thời gian cứu người bệnh, các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch bồi hoàn nước điện giải và truyền insuline liên tục cho bệnh nhân để điều chỉnh đường huyết. Song song đó, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm phân tích khí máu động mạch (pH), toan ceton để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhằm sớm cứu người bệnh thoát khỏi nguy kịch.
Bệnh nhân hôn mê sau khi liên tục uống nước ngọt để giải khát. Ảnh BVCC
Kết quả khí máu động mạch của bệnh nhân rất thấp, độ pH chỉ 6.88. Ở người bình thường, chỉ số pH bình thường của máu nằm trong khoảng 7.35 đến 7.45, chỉ cần pH ở mức 7.00, người bệnh đã rơi vào nguy kịch. Đồng thời, bệnh nhân còn bị nhiễm toan ceton nặng. Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể người bệnh sản sinh quá nhiều axit trong máu. Những yếu tố trên cho thấy chỉ cần nhập viện trễ 60 phút, anh T, có thể tử vong.
Khi cấp cứu ổn định, người bệnh được chuyển đến khoa ICU, khoa Nội tiết tiếp tục điều trị rối loạn điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm toan máu, truyền insuline kiểm soát đường huyết và các chỉ số hiệu sinh.
Bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy thăm khám cho bệnh nhân sau khi phục hồi. Ảnh BVCC
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết mắc bệnh đái tháo đường 2 năm nay nhưng do nghĩ bản thân còn trẻ, còn khỏe nên không uống thuốc đều đặn. Thay vào đó, anh thường xuyên uống nước ngọt, bia, rượu, không kiêng khem bất kỳ món ăn nào.
Gần đây, anh liên tục khát nước, tiểu nhiều, người mệt mỏi. Để giải tỏa cơn khát, anh uống nhiều nước ngọt, càng uống càng thấy lã người. Anh T. rơi vào hôn mê, được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh.
Sau nỗ lực của ê kíp cấp cứu, hiện bệnh nhân đã hết nhiễm toan, ăn uống bình thường, tuy nhiên cần tiếp tục điều chỉnh đường huyết bằng insuline.
Nguy cơ tử vong nếu người bệnh đái tháo đường không tuân thủ chế độ ăn uống, điều trị
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy (Khoa Nội tiết, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) cảnh báo: trường hợp của anh T. như hồi chuông cảnh tỉnh cho những bệnh nhân đái tháo đường khác, nhất là nhóm người trẻ, chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mình.
Bệnh đái tháo đường ngày càng tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là đái tháo đường loại 2 ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều thức ăn nhanh, các sản phẩm chứa nhiều carbohydrat như nước ngọt có ga, nước uống đóng chai… và lối sống ít vận động, làm tăng tỷ lệ người mắc béo phì cũng như các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Người bệnh phải điều trị bằng thuốc để kiểm soát đường huyết và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Trong khi đó, ở độ tuổi thanh niên, do đặc thù công việc cũng như tâm sinh lý, chế độ ăn khó kiểm soát ở mức cân bằng cũng như sử dụng thuốc đều đặn. Điều này dẫn đến các biến chứng cấp tính: tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton,… đối mặt với tử vong như trường hợp của bệnh nhân.
Ngoài ra, nếu người bệnh không kiểm soát đường huyết trong thời gian dài có thể mắc các biến chứng mạn tính: xơ vữa mạch máu và tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng và hoại tử chân, tổn thương võng mạc, tổn thương thận,…
Do đó, ngay khi thấy các triệu chứng khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn mệt mỏi,… người bệnh phải đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết cùng bác sĩ nhiều kinh nghiệm để bệnh không tiến triển nặng. Đồng thời, phải tuân thủ uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện chế độ ăn hợp lý để vừa đảm bảo dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể vừa kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống 2 nữ bệnh nhân trẻ tuổi bị tắc động mạch phổi cấp
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực- chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng vừa cứu sống thành công 2 nữ bệnh nhân trẻ tuổi bị tắc động mạch phổi cấp bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) và phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Trước đó, bệnh nhân Trần Thị T.N. (38 tuổi), trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng vào cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đau bụng dữ dội và buồn nôn, chẩn đoán viêm tụy cấp. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Nội tiêu hóa. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân N., dần ổn định, đỡ đau bụng, tỉnh và đi lại được.
Tuy nhiên, bệnh nhân lại đột ngột có biểu hiện co cứng chân tay, môi tím, thở ngáp, hôn mê, ngưng tim và ngưng thở. Ngay lập tức, bệnh nhân được kích hoạt quá trình "báo động đỏ", ê kíp bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực- chống độc khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cho bệnh nhân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp và lập tức áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cứu sống người bệnh.
Bác sĩ chăm sóc cho nữ bệnh nhân N.
Sau 1 tiếng đồng hồ thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp và kỹ thuật ECMO, các bác sĩ tiến hành chụp mạch máu phổi trên máy cắt lớp vi tính cho thấy, huyết khối lấp đầy các nhánh lớn của động mạch phổi. Bệnh nhân N., được ê kíp Khoa Ngoại tim mạch phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức, phẫu thuật lấy huyết khối trong lòng động mạch phổi. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng huyết động và tim bệnh nhân ổn định, tri giác cải thiện, cai được ECMO. Hiện tại, bệnh nhân N., đã cai được máy thở hoàn toàn và được xuất viện.
Bệnh nhân Trần Thị T. N. đang tích cực thở máy.
Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực- chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cũng cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị T.H., (17 tuổi), trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa thiên Huế bị tắc động mạch phổi cấp bằng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết. Bệnh nhân H., vào cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng tức ngực, khó thở, suy tim cấp, có tiền sử mắc Covid-19. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, điện tim, chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi cho thấy bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi cấp 2 bên và được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực- chống độc.
Sau 12 giờ nhập viện, bệnh nhân H., đột ngột chuyển biến nặng, sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp. Các bác sĩ đã quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm phá hủy cục máu đông) cứu sống bệnh nhân. Sau 30 phút, tình trạng bệnh nhân cải thiện rất nhanh, các chức năng hô hấp và tuần hoàn được cải thiện. Sau khi điều trị hồi sức tích cực 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, tự thở tốt, hết đau tức ngực.
Vì sao 'ma túy nước biển' đáng sợ? Ngày 24/5, khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kịp thời cứu sống trường hợp bị ngộ độc Gama Hydroxybutyrate - còn gọi là ma túy nước biển. Bệnh nhân K, sinh năm 1984, địa chỉ ở TP.HCM cấp cứu vào BV Chợ Rẫy hôm 1/5 trong tình trạng lơ mơ, vật vã. Người nhà cho biết, tối 30/4, bệnh...