Liên tục quy hoạch nhiều khu công nghiệp lớn, Thái Bình có gì?
Thái Bình vừa duyệt quy hoạch phân khu nhiều khu công nghiệp lớn như Thụy Trường, Thái Thượng, Tiền Hải 2…
Loạt dự án được duyệt quy hoạch
Thời gian gần đây, tỉnh Thái Bình thông qua nghị quyết phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng với hàng loạt khu công nghiệp (KCN) trong Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, tổng diện tích hàng nghìn ha.
Trước hết, tỉnh thông qua đề án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Thụy Trường, huyện Thái Thụy. Tổng diện tích lập quy hoạch 256,7 ha. Trong đó, khu công nghiệp có diện tích 227 ha, còn lại là đất khác.
Cũng tại huyện Thái Thụy, KCN Thái Thượng với diện tích hơn 782 ha được duyệt quy hoạch 1/2000. Trong đó, diện tích thuộc ranh giới hành chính xã Thái Thượng hơn 695 ha và gần 90 ha thuộc xã Thái Đô.
Tại huyện Tiền Hải, tỉnh duyệt quy hoạch 1/2000 KCN Tiền Hải 2, diện tích gần 325 ha. KCN này nằm ở địa bàn xã Đông Cơ và xã Đông Minh.
Video đang HOT
Các KCN trên đều được quy hoạch làm KCN tổng hợp đa ngành, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm; công nghiệp hậu cần khu bến cảng; dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics; ưu tiên các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh và các ngành nghề phù hợp với Quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình.
Cùng với các KCN này, Thái Bình còn duyệt quy hoạch 1/2.000 khu bến cảng Diêm Điền, thuộc xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy. Diện tích lập quy hoạch 221,3 ha, trong đó vùng đất là 132 ha còn vùng biển hơn 89 ha. Đây là khu cảng tổng hợp, cảng hàng hóa chuyên dùng có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 tấn (phía trong sông) và 50.000 tấn (phía biển).
Hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái trong Khu kinh tế Thái Bình được đẩy mạnh. Ảnh: Báo Chính Phủ
Động lực từ Khu kinh tế Thái Bình
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên hơn 1.500 km2, dân số gần 2 triệu người. Địa phương này nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc, gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Để đẩy mạnh hệ thống giao thông liên kết vùng, tỉnh lên kế hoạch xây dựng các tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn, hệ thống đường trục trong KKT Thái Bình, tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư để thực hiện các dự án: đường Thái Bình – Hà Nam (giai đoạn 2); đường Vành đai phía Nam TP Thái Bình; khu cảng biển Ba Lạt…
“Quê lúa” Thái Bình trong những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 8,7%/năm, vượt mức tăng trưởng theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra (8,6%/năm) và cao hơn tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 (6,7%/năm).
Năm 2021, GRDP đạt mức tăng 6,68% và đứng thứ 14 về tốc độ tăng GRDP so với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Công nghiệp – xây dựng đạt 23.388 tỷ đồng, tăng 12,04%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ ngày càng tăng.
Công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn được Thái Bình quy hoạch phát triển. Theo đó, đến năm 2025, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu, giá trị tăng thêm tăng nhanh. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt trên 50%. Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 10 – 12%/năm. Về giá trị, năm 2025 sản xuất công nghiệp đạt khoảng 125.110 tỷ đồng, gấp khoảng 1,65 lần so với năm 2020.
Do đó, tỉnh Thái Bình chủ trương xây dựng KKT Thái Bình thành trọng điểm, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút 5 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phấn đấu mỗi năm thu hút vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD…
KKT Thái Bình được thành lập từ năm 2018, diện tích hơn 30.580 ha, thuộc địa phận 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và một phần giáp biển. Định hướng đến 2025, đất KCN, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ đạt khoảng 8.020 ha. Trong đó, 4.058 ha thuộc huyện Thái Thụy, còn lại ở Tiền Hải.
KKT này có vị trí thuận lợi, tiếp giáp TP Hải Phòng, cách sân bay quốc tế Cát Bi 25km, cảng Lạch Huyện 30 km và khu bến cảng Nam Đồ Sơn chỉ 15 km… Một số dự án lớn, trọng điểm trong KKT như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng, cảng Diêm Điền… KCN đầu tiên được thành lập trong KKT là KCN Liên Hà Thái, diện tích gần 600 ha với vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng.
Để KKT Thái Bình thuận lợi trong kết nối, tỉnh có kế hoạch xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh với tổng nhu cầu vốn đầu tư gần 10.500 tỷ đồng.
Khởi công tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An
Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế (26/3/1975 - 26/3/2022), ngày 26/3, tại xã Hải Dương, thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi công tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An.
Dự án sẽ góp phần mở ra không gian phát triển mới cho khu vực ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mô phỏng cầu qua cửa biển Thuận An sau khi hoàn thiện.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 của dự án có chiều dài hơn 7,7 km, từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao thông giữa quốc lộ 49A và quốc lộ 49B thuộc thị trấn Thuận An, thành phố Huế. Trong đó, cầu qua cửa biển Thuận An dài hơn 2,3 km, bề rộng mặt cầu cầu là 20m; mặt cắt ngang của tuyến đường là 26m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 1.600 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương; thời gian thi công là 3 năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đây là dự án trọng điểm của tỉnh và quốc gia. Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển của cả nước đã được quy hoạch; tạo sự liên kết với các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung; góp phần củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, dự án còn tạo ra quỹ đất ven biển rộng lớn khoảng 1.500 hecta, qua đó thu hút những nhà đầu tư lớn để phát triển đô thị, các dự án du lịch nghỉ dưỡng...
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thừa Thiên - Huế đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế, xã hội, với mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ Khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời hạn hoạt động của khu công nghiệp... là một trong các điều kiện. Ảnh minh họa. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Đáng chú ý, nghị định này...