Liên tiếp tai nạn lao động gây tử vong
Từ đầu tháng 7.2012 đến nay, trên địa bàn HN xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm khiến nhiều người bị tử vong. Nguyên nhân là do ý thức của người lao động kém, thêm vào đó là sự lơ là của chủ đầu tư.
Làm việc trong môi trường thiếu những thiết bị bảo hộ khiến nguy hiểm luôn “rình rập” người lao động. Ảnh: P.L
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động
Vào 5h ngày 19.7, người dân phát hiện anh Nguyễn Lương Du (SN 1969, trú tại xóm Nhật Tân, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) làm gạch thuê cho một trang trại ở huyện Ứng Hoà (HN) chết dưới ao. CA huyện qua điều tra được biết 4h cùng ngày, anh Du ra bờ ao bơm nước, trong lúc cắm ổ điện do sơ suất đã bị điện giật. Cũng nguyên nhân do điện giật, vào 13h45 ngày 18.7, tại biệt thự số 24 (đường Hoa Sữa, KĐT Vincom, quận Long Biên), anh Phạm Hùng Thuật (SN 1982, trú tại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đang lắp đặt đường điện tầng hầm khu nhà trên, do bất cẩn nên bị điện giật, dù được đưa đi cấp cứu cũng đã tử vong.
Riêng ngày 16.7 xảy ra hai vụ tai nạn lao động thương tâm. Lúc 16h, tại công trình 163 Thái Hà (quận Đống Đa), anh Đồng Khắc Tài (SN 1995, trú tại Xóm Vàng, Nghĩa Hoà, Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang) đang đẩy bêtông thì bị ngã từ tầng 15 xuống và bị tử vong. Trước đó, vào lúc 9h15, tại xưởng đúc gang của Cty Formach thuộc xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), anh Đỗ Đăng Mười (SN 1976, trú tại cụm I, Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì – là lao động tự do) đang lợp mái tôn thì bị rơi xuống đất và chết trên đường đi cấp cứu.
Trước đó, 16h30 ngày 13.7, tại công trường 229 Tây Sơn, có 3 nhân viên đang vận chuyển tời thì bị đứt dây cáp rơi từ tầng 5 xuống đất, khiến cho chị Lê Thị Phấn (SN 1971, trú tại Thiệu Phú, Thiệu Hoá, Thanh Hoá) bị tử vong và 2 người khác bị thương là Phan Thanh Tiến (SN 1968, trú tại Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) và Bùi Công Chánh (SN 1991, trú tại Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình).
Vào 10h20 ngày 10.7, tổ điện lực (Cty TNHH MTV xây lắp điện 4) đang thi công dự án hạ ngầm cáp điện, bên dưới đường điện cao thế 220kV trên tuyến 471E1 do Điện lực Sóc Sơn quản lý. Khi anh Nguyễn Văn Tụ (SN 1988, trú tại Chấn Yên, tỉnh Yên Bái) đang làm việc tại chân cột 18 thuộc tuyến 471E1 bị một đường dây điện cao thế ở xà sứ đỡ rơi xuống, cách vị trí của anh Tụ 1m khiến anh này bị xung điện chết. Ngày 9.7, tại địa phận xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), ôtô tải BKS 29C-070.72 do Hoàng Kiên (SN 1982, trú tại Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) điều khiển xe lùi vào bãi cát đã chèn vào người anh Trần Văn Phú (SN 1973, trú tại TP.Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) đang đứng phía sau xe, khiến anh Phú chết tại chỗ…
Nguyên nhân đến từ nhiều phía
Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Quốc Việt – Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐTBXH Hà Nội) – cho biết: Các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra trong ngành xây dựng, trong đó các vụ tai nạn ngã từ trên cao, có tính chất nghiêm trọng chiếm từ 55 – 60% tổng số vụ. Qua những lần thanh, kiểm tra trên địa bàn, chúng tôi thấy nguyên nhân chủ yếu được bắt nguồn từ việc họ sử dụng lao động phổ thông chủ yếu chưa được qua đào tạo, nên những kiến thức tối thiểu về an toàn lao động với họ gần như không có. Bên cạnh đó, trang thiết bị bảo hộ tại các công trình xây dựng vẫn còn rất ít, thiết bị thì lạc lậu, nhiều khi không đủ cung cấp cho số lao động làm việc tại công trình.
Trên thực tế, một trong những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư không chịu đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho công nhân bắt nguồn từ những quy định, chính sách của các cơ quan nhà nước. Nếu như ở nước ngoài, nếu muốn xây một công trình xây dựng thì chủ đầu tư phải trích một số tiền nhất định chi trả cho an toàn lao động, còn ở VN thì quy định này hoàn toàn không có, vì vậy các chủ đầu tư thường lờ việc này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi vừa trang bị thiết bị bảo hộ cho người lao động, nhưng vài ngày sau, lao động này lại tìm được việc khác có lương cao hơn nên đã bỏ đi, mang theo cả bộ đồ bảo hộ khiến chủ đầu tư cũng mất đi một khoản chi phí. Ngoài ra, việc để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động cũng có một phần lỗi lớn của chính quyền địa phương khi chưa thực sự sát sao trong việc kiểm tra mất an toàn tại các công trình xây dựng, để mặc cho chủ đầu tư “tự xử” và việc kiểm tra chỉ mang tính chất hình thức… khiến cho tai nạn vẫn có cơ hội rình rập, đe dọa tính mạng của người lao động.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2012, Hà Nội xảy ra 129 vụ tai nạn lao động làm 20 người chết, 58 người bị thương nặng (trong đó có 13 người chết vì bị ngã từ trên cao). Theo thống kê của chúng tôi từ đầu tháng 7.2012 đến nay, số người chết do tai nạn lao động là gần 10 người.
Theo Lao Động