Liên tiếp rò rỉ tài liệu mật, Lầu Năm Góc báo động
Các tài liệu mật về an ninh quốc gia của Mỹ liên quan đến Ukraine, Trung Đông và Trung Quốc đã xuất hiện trên mạng hôm 7.4 sau khi một loạt tài liệu về Ukraine bị rò rỉ trước đó một ngày.
Quân đội Ukraine trên một chiếc xe tăng Nga đã được sửa chữa tại Kharkiv. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH POLITICO
Theo The New York Times, một lô tài liệu mật mới trình bày chi tiết các bí mật an ninh quốc gia của Mỹ, từ đánh giá liên quan đến xung đột Ukraine, Trung Đông đến Trung Quốc, đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội vào ngày 7.4.
Các quan chức Mỹ cho biết quy mô của vụ rò rỉ, có thể lên đến hơn 100 tài liệu, cùng với độ nhạy cảm của chính các tài liệu đó có thể gây thiệt hại nặng nề. Một quan chức tình báo cấp cao gọi vụ rò rỉ là “cơn ác mộng đối với liên minh Ngũ nhãn”, liên minh chia sẻ thông tin tình báo gồm 5 nước Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada.
Số tài liệu mới nhất xuất hiện trên Twitter và các trang khác ngày 7.4. Vụ rò rỉ xảy ra một ngày sau khi các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ đang điều tra việc lộ các kế hoạch mật trong xung đột Ukraine hôm 6.4. Các kế hoạch này bao gồm một đánh giá đáng báo động về khả năng phòng không yếu kém của Ukraine.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vụ rò rỉ và đang liên lạc với Bộ Quốc phòng nhưng từ chối bình luận thêm.
Cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc Mick Mulroy cho biết vụ rò rỉ các tài liệu mật cho thấy “một sự vi phạm an ninh nghiêm trọng” có thể cản trở kế hoạch quân sự của Ukraine. “Vì nhiều hình ảnh của các tài liệu được đăng lên, có vẻ như đó là một vụ rò rỉ có chủ ý được thực hiện bởi một người nào đó muốn gây tổn hại cho các nỗ lực của Ukraine, Mỹ và NATO”, ông Mulroy nói thêm.
Một nhà phân tích gọi những tài liệu đã xuất hiện cho đến nay chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.
Các vụ rò rỉ đáng lo ngại
Đầu ngày 7.4, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ phụ trách xử lý vụ rò rỉ hôm 6.4 cho biết họ lo ngại đó không phải là các thông tin tình báo duy nhất bị lộ.
Đến chiều 7.4, họ đã có câu trả lời. Trong lúc Lầu Năm Góc và các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang điều tra nguồn gốc của các tài liệu xuất hiện trên Twitter và Telegram thì một tài liệu khác lại xuất hiện trên 4chan, một diễn đàn ẩn danh. Tài liệu đăng trên 4chan là một bản đồ thể hiện tình hình ở thị trấn Bakhmut thuộc miền đông Ukraine, nơi diễn ra trận chiến khốc liệt đã kéo dài nhiều tháng.
Ukraine tìm cách ngăn rò rỉ thông tin quân sự về chiến dịch phản công
Tuy nhiên, không chỉ có các tài liệu về kế hoạch quân sự của Ukraine bị lộ. Các nhà phân tích an ninh cho biết kho tài liệu đang liên tục được tiết lộ thêm trên mạng cũng bao gồm các bản tóm tắt nhạy cảm về Trung Quốc, mặt trận quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố.
Hôm 6.4, Lầu Năm Góc cho biết họ đang xem xét vấn đề. Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa ra thêm tuyên bố nào vào ngày 7.4, khi các tài liệu mới nhất bị lộ. Tuy nhiên, The New York Times dẫn lời các quan chức trong một số cơ quan an ninh quốc gia thừa nhận họ đang gấp rút tìm ra nguồn rò rỉ thông tin.
Tòa nhà Lầu Năm Góc ở Arlington, bang Virginia. Ảnh REUTERS
Các tài liệu về quân đội Ukraine là những bức ảnh chụp biểu đồ số vũ khí dự kiến cung cấp, sức mạnh của quân đội và tiểu đoàn cũng như các kế hoạch khác. Các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận đây đúng là tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, các bản sao dường như đã bị chỉnh sửa một số phần.
Một tài liệu bị chỉnh sửa đã phóng đại ước tính của Mỹ về số người chết trong chiến tranh ở Ukraine và hạ thấp số binh sĩ Nga thiệt mạng. Tài liệu này cho biết 16.000-17.500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Song, các quan chức cho biết Mỹ ước tính đến khoảng 200.000 người Nga thiệt mạng và bị thương.
Nghi ngờ lẫn nhau
Các quan chức Ukraine và các blogger Nga cho rằng vụ rò rỉ là một phần trong nỗ lực lan truyền thông tin sai lệch của đối phương nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc phản công mùa xuân mà Ukraine đang lên kế hoạch.
Một quan chức cấp cao của Ukraine nói rằng vụ rò rỉ dường như là một âm mưu của Nga nhằm làm mất uy tín của một cuộc phản công. Trong khi đó, các blogger Nga cảnh báo không nên tin vào bất kỳ thông tin nào và cho rằng đây có thể là sản phẩm của “tình báo phương Tây nhằm đánh lạc hướng chỉ huy của chúng tôi”.
Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ vẫn đang cố gắng tìm ra thủ phạm. Một quan chức cho biết có khả năng các tài liệu không đến từ quan chức Ukraine vì họ không có quyền tiếp cận một số kế hoạch cụ thể. Một quan chức khác nói rằng việc xác định cách các tài liệu bị rò rỉ sẽ bắt đầu bằng việc xác định người nào có quyền truy cập chúng.
Nhà phân tích Aric Toler của nhóm báo chí điều tra Bellingcat (Hà Lan) cho biết đợt tài liệu đầu tiên dường như đã được đăng vào đầu tháng 3 trên Discord, một phần mềm nhắn tin trên mạng xã hội.
Trung tá Yurii Bereza, chỉ huy một tiểu đoàn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã chiến đấu ở miền đông nước này trong những tháng gần đây, phủ nhận thông tin về vụ rò rỉ.
Ông Bereza chỉ ra rằng chiến tranh thông tin đã trở nên căng thẳng đến mức “chúng ta không còn có thể xác định đâu là sự thật và đâu là lời nói dối”.
Các chuyên gia bên ngoài cho biết rất khó để đưa ra kết luận về việc ai đã tiết lộ thông tin mật và vì sao.
Ông Kyle Walter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty chuyên theo dõi thông tin sai lệch có trụ sở tại Anh Logically, cho biết nhiều nhân vật nổi bật trên các kênh Telegram của Nga đang gọi các bức ảnh gốc chưa qua chỉnh sửa về thương vong của Nga và Ukraine là hoạt động “gây ảnh hưởng của phương Tây”.
“Họ nghĩ rằng các ảnh gốc cho thấy tổn thất của Nga cao và tổn thất của Ukraine tương đối thấp là một nỗ lực nhằm làm lung lạc tinh thần ở Nga và các lực lượng Nga”, ông Walter nói.
Giám đốc điều hành Jonathan Teubner của FilterLabs AI, công ty chuyên theo dõi tin nhắn ở Nga, cho biết nhà phân tích chính của ông nghĩ rằng đây có thể là một hoạt động của Nga nhằm gieo rắc sự ngờ vực giữa Washington và Kyiv.
Theo ông Walter, đây là một chiến thuật tạo ra thông tin sai lệch Nga thường sử dụng. Moscow đã chỉnh sửa các tài liệu bị lộ, bao gồm một số tài liệu được cho là bị rò rỉ từ chính phủ Ukraine. Song vì chính phủ Ukraine cho biết các tài liệu đã bị chỉnh sửa hoặc không phù hợp với ngữ cảnh nên nhìn chung chúng không thu hút được nhiều sự chú ý.
“Tuy nhiên, chuyện đang xảy ra với các tài liệu của Mỹ vẫn chưa rõ ràng”, ông Walter nói thêm.
Tài liệu mật liên quan Ukraine của Mỹ bị rò rỉ, Lầu Năm Góc vào cuộc điều tra
Các tài liệu mật nêu chi tiết các kế hoạch bí mật của Mỹ và NATO nhằm xây dựng quân đội Ukraine trước cuộc phản công dự kiến vào mùa xuân này đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo tờ New York Times, Lầu Năm Góc đang điều tra xem ai có thể đứng sau vụ rò rỉ các tài liệu trên Twitter và Telegram.
Các nhà phân tích quân sự cho biết một số phần trong tài liệu dường như đã được chỉnh sửa so với bản gốc, phóng đại ước tính của Mỹ về số người chết ở Ukraine và ước tính thấp hơn về số binh sĩ Nga thiệt mạng.
Nhưng việc tiết lộ những thông tin trong tài liệu gốc là hành vi xâm phạm nghiêm trọng thông tin tình báo Mỹ về nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Các tài liệu này gồm các biểu đồ về cung cấp vũ khí dự kiến, sức mạnh của binh sĩ và các tiểu đoàn, cùng các kế hoạch khác.
Giới chức Mỹ vẫn đang nỗ lực xóa các tài liệu này trên mạng xã hội nhưng tính tới tối 6/4 (giờ Mỹ), họ chưa xóa được.
Bà Sabrina Singh, Phó thư ký báo chí tại Lầu Năm Góc cho biết: "Chúng tôi biết về các thông tin liên quan các bài đăng trên mạng xã hội và Bộ Quốc phòng đang xem xét vấn đề này".
Các tài liệu bị rò rỉ không có các kế hoạch chiến đấu cụ thể, như cách thức, thời gian và địa điểm mà Ukraine dự định tiến hành cuộc tấn công. Do các tài liệu đã có từ 5 tuần trước, nên nó phản ánh quan điểm của Mỹ và Ukraine về những gì quân đội Ukraine có thể cần cho chiến dịch tính tới 1/3.
Tuy nhiên, với phía Nga, các tài liệu chắc chắn sẽ mang lại nhiều manh mối và thông tin. Ví dụ, các tài liệu liên quan tốc độ sử dụng đạn dược cho hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS. Lầu Năm Góc đã không công khai về vấn đề này.
Các thông tin có giá trị với Nga có thể là thời gian chuyển giao vũ khí, số lượng quân Ukraine và các chi tiết quân sự khác.
Ngày 6/4, các nhà phân tích cho biết có thể khó đánh giá tác động của vụ rò rỉ các tài liệu trên đối với cuộc chiến ở tiền tuyến hiện tại và trong những tháng tới.
Hiện chưa rõ tại sao các tài liệu lại xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho biết các kênh ủng hộ chính phủ Nga đã chia sẻ và lan truyền các trang tóm tắt.
Trong số các tài liệu bị rò rỉ, có một tài liệu dán nhãn tuyệt mật, nói về "Tình trạng xung đột tính tới ngày 1/3". Vào ngày hôm đó, các quan chức Ukraine có mặt tại một căn cứ của Mỹ ở Weisbaden (Đức) để tham gia các diễn tập sa bàn. Một ngày sau, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, cũng tham dự.
Một tài liệu khác gồm các cột liệt kê các đơn vị quân đội, thiết bị và công tác huấn luyện của Ukraine, kèm lịch trình từ tháng 1 đến tháng 4. Tài liệu chứa một bản tóm tắt về 12 lữ đoàn chiến đấu đang được tập hợp, trong đó có 9 lữ đoàn dường như do Mỹ và các thành viên NATO huấn luyện và cung cấp trang thiết bị. Trong số 9 lữ đoàn đó, các tài liệu nói rằng 6 lữ đoàn sẽ sẵn sàng vào ngày 31/3 và số còn lại sẵn sàng vào ngày 30/4. Một lữ đoàn Ukraine có khoảng 4.000 đến 5.000 binh sĩ.
Tài liệu nói rằng thời gian giao vũ khí sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và tư thế sẵn sàng. Theo đó, tổng số thiết bị cần thiết cho 9 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng và hơn 350 phương tiện cơ giới.
Các tài liệu bị rò rỉ vào thời điểm Nga dường như đang bị Mỹ vượt mặt trong thu thập thông tin tình báo ở Ukraine.
Trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine thông tin về các sở chỉ huy, kho đạn dược và các địa điểm quan trọng khác trong các tuyến quân sự của Nga. Thông tin tình báo thời gian thực như vậy đã giúp Ukraine tấn công lực lượng Nga, buộc Nga chuyển các nguồn cung cấp đạn dược ra xa tiền tuyến.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết ngay từ đầu cuộc chiến, các quan chức Ukraine đã không muốn chia sẻ với Mỹ kế hoạch chiến đấu của mình vì sợ bị rò rỉ. Vào mùa hè năm ngoái, các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ hiểu rõ các kế hoạch quân sự của Nga hơn là của Ukraine.
Lo Mỹ sẽ mất động lực hỗ trợ nếu biết được điểm yếu của quân đội Ukraine sau khi xem các kế hoạch, phía Ukraine đã bảo vệ những kế hoạch này rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Ukraine và Mỹ đã tăng cường chia sẻ thông tin tình báo đáng kể vào mùa thu năm 2022 và hai nước đã hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra các lựa chọn cho một cuộc tấn công của Ukraine.
Dù vậy, một vụ rò rỉ thông tin tình báo như vừa xảy ra chắc chắn sẽ gây tổn hại cho quá trình chia sẻ thông tin tình báo giữa Ukraine và Mỹ.
Mục đích của Ukraine khi công bố kế hoạch chiếm lại Crimea bất chấp cảnh báo về 'giới hạn đỏ' của Nga Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói rằng Crimea là "lằn ranh đỏ" đối với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Nhưng gần đây, Ukraine lại công bố kế hoạch 12 điểm nhằm tái chiếm Crimea. Ukraine đưa ra kế hoạch 12 điểm trong đó có mục tiêu chiếm lại Crimea. Ảnh: Reuters Theo kênh truyền hình France24 của Pháp, Ukraine mới...