Liên tiếp cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ
Các bác sĩ trong tỉnh vừa liên tiếp cứu sống nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân cách vận động sau điều trị. Ảnh: H.Dung
Đáng lưu ý, bên cạnh những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền, còn có cả những bệnh nhân trẻ tuổi.
* Bệnh nhân hồi phục kỳ diệu
BS CKII Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân T.T.T., 68 tuổi, ngụ P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) sau hơn 1 ngày được cấp cứu, điều trị đã hồi phục kỳ diệu, tỉnh táo, sức cơ cải thiện gần như hoàn toàn.
Theo đó, sáng 28-2, bà T. được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng hôn mê, mạch và huyết áp đều không đo được. Các bác sĩ đánh giá tình trạng đột quỵ rất nặng. Đáng lưu ý, bệnh nhân có bệnh nền là bệnh hẹp van tim, rung nhĩ.
Lúc này, mặc dù mới 4 giờ sáng nhưng ê-kíp đột quỵ được khởi động ngay lập tức. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở. Đồng thời, chụp MRI sọ não cho kết quả bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền. Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đây 4 năm, bà T. từng bị đột quỵ và hiện đang điều trị bằng thuốc kháng đông.
Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã đồng thời thực hiện lấy huyết khối bằng dụng cụ mạch máu và sử dụng thuốc tiêu huyết khối. 45 phút sau khi được can thiệp, mạch máu của bệnh nhân đã được tái thông hoàn toàn.
Một bệnh nhân khác cũng kịp thời được cứu sống là anh T.C.Đ., 25 tuổi, ngụ xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch). Anh Đ. được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn, kích thích đau đáp ứng. Người thân cho biết, anh Đ. trước đó khỏe mạnh, không có bệnh nền, buổi tối hôm trước vẫn bình thường, đến sáng hôm nhập viện thì lơ mơ, không tỉnh.
Các bác sĩ đã chụp MRI sọ não và cho kết quả bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền gây hôn mê. Các bác sĩ đã tiêm thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông, đồng thời lấy các mảng huyết khối bằng dụng cụ. Kết quả, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn chỉ sau thời gian ngắn được cấp cứu. Chân tay đã cử động được, giao tiếp bình thường, đã được xuất viện.
Video đang HOT
Trong khi đó, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đã phối hợp cứu sống bệnh nhân M.V.N. (59 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị đột quỵ tim cấp.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội kèm khó thở. Sau hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ đã chụp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân và phát hiện cả 3 mạch máu nuôi tim của bệnh nhân đều hẹp nghẽn. Trong đó, động mạch vành bên phải bị tắc hoàn toàn, nhánh động mạch gây ra nhồi máu cơ tim khiến cơ tim hoại tử.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đã nhanh chóng phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành tái thông mạch máu cho bệnh nhân bằng cách nong bóng đặt 2 stent phủ thuốc vào động mạch vành phải.
Kết quả, bệnh nhân hết đau ngực ngay sau đó và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân khỏe dần, có thể đi lại và không còn đau ngực hay khó thở nữa.
* Đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Theo BS CKII Nguyễn Đình Quang, tắc động mạch thân nền là một dạng của đột quỵ não. Mặc dù tỷ lệ mắc ít hơn so với các dạng khác nhưng mức độ nguy hiểm rất cao do động mạch thân nền là nơi nuôi sống thần kinh trung ương và các chức năng sống khác. Nếu hệ thần kinh trung ương bị tổn thương thì gần như bệnh nhân sẽ mất hết chức năng sống và dẫn đến tử vong.
Do đó, khi bản thân hoặc người thân phát hiện người nhà mình có những biểu hiện bất thường như: bỗng dưng mệt mỏi, méo miệng, nói khó, nói đớ, tay chân không cử động được, đau đầu, thị lực giảm, hôn mê…, cần ngay lập tức đến/đưa đến bệnh viện để được cấp cứu càng sớm càng tốt.
“Với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian chính là não. Mất thời gian đồng nghĩa với mất não, dẫn đến bệnh nhân tử vong hoặc bị các di chứng không mong muốn” – BS Quang nhấn mạnh.
Cũng theo các bác sĩ, thời gian gần đây, số trường hợp bệnh nhân bị bệnh đột quỵ có xu hướng tăng. Bên cạnh những đối tượng dễ mắc bệnh đột quỵ là người trên 55 tuổi, bị các bệnh nền còn có những bệnh nhân trẻ tuổi, khỏe mạnh.
Để phòng tránh bệnh đột quỵ, người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều loại rau, củ, quả, ngũ cốc, ăn nhiều thịt trắng, trứng, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, hạn chế các thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; uống nhiều nước lọc, nước trái cây, hạn chế đồ uống có ga, chứa nhiều đường. Ngoài ra, cần tập thể dục hằng ngày, giữ ấm cơ thể nếu trời lạnh, thời điểm giao mùa; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, khám sức khỏe định kỳ.
Vì sao thời tiết giao mùa khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao?
Các chuyên gia cảnh báo, thời tiết giao mùa thay đổi nóng lạnh thất thường rất dễ dấn đến nguy cơ đột quỵ, nhất là người cao tuổi và người có bệnh tim mạch.
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não, nuôi các cơ quan đặc biệt là não đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn ra ngoài đè ép vào các tế bào não.
Khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.
Nguyên nhân
Theo các chuyên gia, nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi. Bên cạnh đó, đường trong gan sẽ được huy động tăng cường để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch, mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, lòng mạch bị thu hẹp, các cục máu đông hình thành khiến lưu lượng máu qua não giảm đến 20%. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.
Dấu hiệu
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:
Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên cũng khó nhận ra.
Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt, khi người bệnh nói, hoặc cười sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.
Phòng tránh đột quỵ từ sớm
Theo nghiên cứu, 90% bệnh nhân phải chịu nhiều di chứng nặng nề về vận động và thần kinh do đột quỵ gây ra như liệt nửa người, suy giảm trí nhớ... Tuy nhiên, 80% người bệnh đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu có kiến thức và quan tâm đến sức khỏe.
Trong thời tiết giao mùa, mọi người cần giữ ấm, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả khi đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Điều này cũng dễ làm tăng huyết áp đột ngột, gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát có thể vỡ mạch máu dẫn tới đột quỵ.
Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Chú ý ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối và mỡ trong chế biến món ăn.
Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chủ động khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì... nhằm kiểm soát sức khỏe của mình tốt hơn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách sử dụng sản phẩm hỗ trợ sức khỏe có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, chất lượng... cũng là giải pháp cần và đủ để "nói không với nỗi ám ảnh" về đột quỵ mỗi khi thời tiết chuyển mùa.
Nếu người thân trong gia đình có các triệu chứng của bệnh đột quỵ như méo miệng, nói khó, liệt tay, chân, hôn mê, đau đầu, nôn mửa... người nhà cần liên hệ ngay với trung tâm cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi, cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn ói, cần để đầu nghiêng sang một bên, lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Tuyệt đối tránh cạo gió, châm cứu hay bấm huyệt.
Bác sĩ Nhật khuyên ăn chuối để đào thải natri, hạ axit uric và ngăn ngừa đột quỵ Chuối không chỉ ngọt, ngon mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, chuối được người dân nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Các bác sĩ Nhật Bản chỉ ra rằng, chuối giàu kali không chỉ giúp bài tiết lượng muối dư thừa trong cơ thể, giúp máu lưu thông thuận lợi hơn, giảm nguy cơ tắc nghẽn...