Liên quan đến Trường quốc tế Mỹ: Đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”
Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Mỹ (Trường quốc tế Mỹ) và Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng cũng như việc phụ huynh dễ đặt niềm tin mà không tìm hiểu kỹ.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng ký kết giữa Trường quốc tế Mỹ và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.
UBND cũng chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát quá trình thành lập, hoạt động của Trường quốc tế Mỹ; rà soát tính pháp lý của Công ty cổ phần quản trị Tài nguyên Tri thức và Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Mỹ AIS. Đồng thời, đánh giá tình hình cơ sở vật chất, tài chính, nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm xã hội…; rà soát, thẩm định tính pháp lý của các loại hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư/trường với phụ huynh học sinh.
Trường quốc tế Mỹ thuộc sở hữu của Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Mỹ AIS được xây dựng trên đất của Công ty cổ phần quản trị Tài nguyên Tri Thức.
Được biết, pháp nhân sở hữu Trường quốc tế Mỹ là Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Mỹ AIS được tách ra từ Công ty cổ phần quản trị Tài nguyên Tri Thức. Hiện tại, Trường quốc tế Mỹ đang được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần quản trị Tài nguyên Tri Thức. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo với UBND thành phố về quá trình chia tách doanh nghiệp của nhà đầu tư là chưa đúng quy định; dự án đầu tư có bổ sung nhiều mục tiêu hơn so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp, nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư báo cáo để xác định các hành vi vi phạm để tham mưu xử lý theo quy định.
Về nội dung lô đất xây dựng Trường quốc tế Mỹ đang thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần quản trị Tài nguyên Tri Thức, việc pháp nhân sở hữu Trường quốc tế Mỹ không sở hữu quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu cũng như xử lý nợ.
Video đang HOT
Như vậy, việc xây dựng ngôi trường đồ sộ có những sai phạm từ lâu nhưng đến nay, khi xảy ra sự việc mới biết cơ quan chức năng chưa xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, sự việc xảy ra tại Trường quốc tế Mỹ là lời cảnh tỉnh lớn cho phụ huynh, nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Về tâm lý, cha mẹ luôn mong muốn đầu tư chỗ học tốt, đảm bảo quá trình học tập lâu dài cho con, nếu nộp một khoản học phí mà sau đó được lấy lại thì đúng là rất hấp dẫn, nhưng phụ huynh cũng phải cân nhắc, tính toán và dự báo những tình huống không tốt xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, phụ huynh cần thận trọng trong việc đóng góp vốn, góp tài sản lớn mà không có tài sản đảm bảo; cần tìm hiểu kỹ đối tác, các điều khoản trong hợp đồng, ràng buộc bằng những đảm bảo rõ ràng.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, Sở GD&ĐT cần họp lại với các sở, ban, ngành liên quan để xem xét, rà soát các vấn đề phát sinh, quy định liên quan tới huy động vốn, đóng học phí dài hạn trong trường học như vậy có đảm bảo đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Từ đó, cơ quan quản lý cần kiểm tra, giám sát liên ngành để cảnh báo, kiểm soát nhằm tránh các tình huống xấu xảy ra.
Sau khi xảy ra sự việc, ngày 29/3, UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các sở, ban, ngành, Cục thuế, Bảo hiểm xã hội, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập. Quy chế có hiệu lực thực hiện trong 5 năm, từ 2024 đến 2029.
Với quy chế này, các sở, ban, ngành ở TP Hồ Chí Minh tuân thủ đúng quy định pháp luật, thực hiện trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với những tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT.
Việc phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức, cá nhân, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập và quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT hoạt động đúng quy định
Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders còn nợ học phí của phụ huynh hơn 93,8 tỷ đồng
Ngày 12/3, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa có báo cáo về tình hình hoạt động của các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở GD&ĐT thành phố đã phối hợp với Phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát tình hình hoạt động của 39 Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders đã bị đình chỉ hoạt động. Kết quả cho thấy, các trung tâm đều ngưng hoạt động, tháo bảng hiệu, một số địa điểm chuyển sang kinh doanh dịch vụ khác.
Ngày 26/2/2024, Sở GD&ĐT tiếp nhận báo cáo của Công ty cổ phần Anh ngữ Apax kiến nghị tiếp tục tạm dừng hoạt động trung tâm Anh ngữ Apax Leaders số 5 và 15 cho đến tháng 6/2024 (từ tháng 3 đến tháng 6/2024 thực hiện việc dạy trực tuyến cho học sinh), xin giải thể 26 trung tâm (do vướng thủ tục thanh lý mặt bằng nên chưa hoàn tất thủ tục giải thể), xin tạm đóng chờ cơ cấu lại và chuyển địa điểm 13 trung tâm.
Phụ huynh bức xúc, đến Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders đòi tiền nhưng vẫn không được.
Tổng số học sinh của các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn thành phố là 11.295 em, bao gồm số học sinh đang học trực tiếp 839 học sinh. Số học sinh bảo lưu kết quả 6.072 em, số học sinh rút học phí 4.384 em. Số tiền học phí phải hoàn trả trên 108 tỷ đồng (trong đó đã trả trên 14,2 tỷ đồng, còn nợ lại trên 93,8 tỷ đồng) .
Apax đề xuất phương án: "Từ tháng 1/2025 đến tháng 12/2025, mỗi quý trả 4 tỷ đồng, chia đều định mức cho phụ huynh đến khi hoàn thành, phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm sau. Từ tháng 1/2025: mỗi quý sẽ thanh toán 4,5 tỷ đồng cho đến hết".
Bên cạnh đó, Apax còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 trên 11,5 tỷ đồng và tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Cục thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/12/2023, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders 5 và Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders 15 còn nợ tiền thuế là trên 15 tỷ đồng. Cục thuế thành phố cũng đã ban hành nhiều biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, chi nhánh Công ty cổ phần Anh ngữ Apax còn chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn người lao động bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng (đối với người lao động Việt Nam) và trên 1,3 tỷ đồng (đối với người lao động nước ngoài).
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ ban hành quyết định giải thể đối với 26 Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, 13 địa điểm còn lại sẽ xem xét, giải quyết theo quy định sau khi rà soát các minh chứng có liên quan đến quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trung tâm của Công ty cổ phần Anh ngữ Apax, hồ sơ minh chứng thực tế do cơ quan quản lý địa phương cung cấp.
Theo lịch hứa hẹn chính thức của Apax là đến tháng 3/2024, phụ huynh nhận được 80% tiền hoàn học phí và tháng 4/2024 sẽ dứt điểm hoàn học phí xong hết 100%, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
Vụ Apax Leaders: Shark Thủy nói nợ phụ huynh 2 điều, chưa thể trả tiền ngay Cuộc đối thoại giữa ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch Tập đoàn Egroup cũng là chủ hệ thống Anh ngữ Apax Leaders, với rất đông phụ huynh ở TP HCM đã diễn ra căng thẳng. Chiều nay (15-3), lần đầu tiên kể từ khi lùm xùm đóng cửa hàng loạt trung tâm Anh ngữ, nợ học phí phụ huynh, nhân viên...