Liên minh Libra nhóm họp lần đầu tiên bất chấp sự tẩy chay của nhiều công ty tài chính
Ngày 14/10, Liên minh Libra, tổ chức giám sát đồng tiền số Libra của Facebook, đã tiến hành cuộc họp hội đồng đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ, bắt chấp sự “quay lưng” của nhiều công ty tài chính.
Đồng tiền số Libra được giới thiệu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự kiến, trong cuộc họp này, Liên minh Libra sẽ thông báo về các thành viên sáng lập của tổ chức cũng như cung cấp những chi tiết về cách thức hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận này.
Đây là cuộc họp đầu tiên của liên minh này kể từ khi Facebook công bố dự án Libra. Tuy nhiên, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh một số thành viên như Visa và Mastercard, eBay, công ty thanh toán điện tử Stripe, mới đây là công ty thanh toán điện tử PayPal đã quyết định rút khỏi liên minh “chống lưng” cho đồng tiền Libra của mạng xã hội Facebook. Bên cạnh đó, đồng Libra đối mặt với nhiều bất lợi khi vấp phải sự chỉ trích của các nhà quản lý cũng như những cảnh báo từ Nhom 7 nước công nghiệp phát triển (G7) về mối đe dọa của đồng tiền điện tử này đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Liên minh Libra khẳng định bất chấp sự “quay lưng” của nhiều công ty, tổ chức này tiếp tục xây dựng một liên minh gồm các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và một số tổ chức khác nhằm thực hiện kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử Libra. Hồi tháng trước, liên minh này còn kỳ vọng dự án Libra sẽ thu hút thêm nhiều công ty tham gia, từ con số ban đầu là 28 công ty lên tới hơn 100 công ty.
Việc loạt công ty rút khỏi Liên minh Libra diễn ra sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ gửi thư cho một số công ty tài chính lưu ý rằng các công ty này có thể phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý tài chính nếu tham gia dự án tiền số của Facebook. Trong khi đó, trong một dự thảo báo cáo, Nhóm G7 đã chỉ ra 9 nguy cơ lớn mà các đồng tiền điện tử có thể gây ra.
Video đang HOT
Theo đó, dù không chỉ đích danh Libra, song các nước G7 cho rằng đồng tiền ổn định giá (stablecoins), một dạng thức mới của tiền ảo và được coi là có giá trị ổn định hơn các đồng tiền điện tử như Bitcoin, có thể gây trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết lập lãi suất, đe dọa sự ổn định tài chính nếu người dùng không còn niềm tin vào đồng tiền này.
Tháng 6 vừa qua, Facebook công bố kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của một rổ tài sản tiền tệ giúp đồng tiền này có giá trị ổn định hơn so với Bitcoin hay các đồng tiền ảo khác. Facebook tin tưởng Libra sẽ trở thành đồng tiền số toàn cầu, ổn định, lưu hành trên các điện thoại thông minh và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống tham gia vào hệ thống tài chính. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg dự kiến sẽ ra điều trần trước Hạ viện Mỹ về dự án này trong ngày 23/10 tới.
Thanh Hương (TTXVN)
Sức ép với tiền ảo của Facebook gia tăng
Tiền ảo Libra của Facebook không được phát hành cho đến khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này chứng minh được nó an toàn và đảm bảo, theo báo cáo của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sức ép quản lý có thể khiến việc phát hành tiền ảo Libra của Facebook bị trì hoãn. Ảnh: BBC.
Báo cáo của nhóm G7 vừa cảnh báo rằng, các đồng tiền kỹ thuật số như Libra gây rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu, BBC đưa tin ngày 14/10. Các loại tiền ảo như vậy gây ra 9 rủi ro lớn.
Theo báo cáo của G7, dù các đơn vị ủng hộ Libra giải quyết được các mối quan ngại, dự án phát hành cũng có thể không được các cơ quan quản lý chấp thuận.
Cảnh báo của G7 được đưa ra sau khi các hãng thanh toán lớn như Mastercard, Visa rút khỏi dự án Libra.
Nhóm lập báo cáo của G7 bao gồm quan chức cấp cao của các ngân hàng trung ương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) - cơ quan điều phối quy tắc, quy định đối với các nền kinh tế G20.
Họ nói rằng, các đồng tiền kỹ thuật số như Libra phải ổn về mặt pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm rằng chúng không được dùng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Theo báo cáo của G7 (sẽ được trình bày trước các bộ trưởng tài chính tại cuộc gặp thường niên IMF trong tuần này), các loại tiền ảo như Libra có thể tạo ra nhiều vấn đề rắc rối.
Không giống các loại tiền ảo khác như Bitcoin, tiền kỹ thuật số giống như Libra được neo giá với các loại tiền phổ biến như đô-la, euro. Việc neo giá nhằm giúp hạn chế sự biến động quá lớn về giá trị của tiền ảo. Tuy nhiên, nó khiến các nhà lập chính sách phải tính toán về mặt tỷ giá.
Libra có thể khiến các nhà cung cấp các loại tiền ảo khác phải tính toán lại bài toán cạnh tranh, thậm chí Libra có thể đe dọa sự ổn định nếu người dùng đột nhiên phải đối mặt tình trạng "mất niềm tin" vào đồng tiền kỹ thuật số, báo cáo của G7 nêu.
"G7 tin rằng, không có dự án tiền ảo nào được hoạt động cho đến khi các nguy cơ và thách thức về pháp lý, quản lý và giám sát được giải quyết thỏa đáng", báo cáo viết. Theo báo cáo, dù các tổ chức ủng hộ Libra giải quyết được các mối quan ngại của các chính phủ, ngân hàng trung ương, dự án này cũng chưa chắc được cấp phép.
Có thể hoãn phát hành Libra
Facebook đang đối mặt sức ép ngày càng tăng đối với dự án tiền ảo của hãng.
Một báo cáo của FSB (công bố hôm 13/10) cảnh báo rằng, việc tung ra các loại tiền ảo kiểu như Libra sẽ gây ra nhiều thách thức về mặt quản lý. Trong một bức thư gửi các bộ trưởng tài chính G20, chủ tịch FSB Randal Quarles cho rằng, những thách thức này "phải được ưu tiên đánh giá và giải quyết".
FSB đang làm việc với các quan chức khắp thế giới để xác định các khoảng trống quản lý có thể có và sẽ công bố báo cáo chi tiết về vấn đề này vào mùa hè sang năm.
Facebook nói rằng việc soi xét về mặt quản lý có thể làm trì hoãn, thậm chí cản trở việc phát hành Libra.
Hiệp hội Libra, bao gồm Facebook sẽ tổ chức họp ban quản trị tại Geneva ngày 14/10. Giống Mastercard và Visa, Stripe, eBay và Paypal cũng đã rút khỏi dự án Libra. Trong khi đó, các hãng gọi xe công nghệ như Uber, Lyft... ủng hộ dự án này.
Và báo cáo của G7 cũng công nhận rằng, tiền ảo có khả năng đem lại một cách thức nhanh hơn, rẻ hơn để chuyển tiền và thanh toán. Hệ thống hiện nay thường "chậm, đắt và không minh bạch". Hiện có 1,7 tỷ người tiêu dùng chưa được sử dụng các dịch vụ tài chính-ngân hàng.
TÙNG GIA
Theo tienphong.vn
Không dễ để fintech được áp dụng cơ chế sandbox Để được phép tham gia sandbox, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ phải đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí khắt khe... Ảnh minh họa. Chia sẻ tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ...