Liên minh đại gia Việt: Bắt tay hoành tráng, cái kết bẽ bàng chỉ vì đất
Cuộc bắt tay của 4 ông lớn bán lẻ trong nước cách đây một thập kỷ đã nhận được cái kết không mong muốn. Tương lai của những doanh nghiệp bán lẻ “nội” sẽ ra sao trước sức ép ngày một lớn của những “đại gia” bán lẻ nước ngoài?
Khi “liên minh” thất bại
Năm 2007, bốn ông lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam khi đó đã có một cú bắt tay ấn tượng. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
4 ông lớn ấy có hàng chuỗi siêu thị hợp lại thành lập một công ty có tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA).
Doanh nghiệp bán lẻ Việt đang muốn giành lại thị phần. Ảnh minh họa
Những doanh nghiệp kể trên “người Bắc kẻ Nam” nhưng cùng chung một tham vọng. Đó là mở hàng loạt đại siêu thị, tổng kho ở những vị trí đẹp tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng,…
Thế nhưng, đến nay, cú bắt tay ấy lại nhận một cái kết đầy bẽ bàng. Suốt gần chục năm tồn tại, “liên minh” ấy cũng chỉ triển khai được một phần việc mà ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái – một trong 4 DN tham gia vào “liên minh” đánh giá “chỉ làm được phần nhỏ”. Còn so với mục tiêu mong muốn xây dựng được hàng trăm siêu thị, các trung tâm phân phối, các chợ đầu mối lớn thì không làm được.
“Cách đây 1-2 năm, kế hoạch này chính thức dừng hoạt động”, ông Phạm Đình Đoàn cho hay.
Một trong những lý do dẫn đến thất bại này, theo ông Phạm Đình Đoàn, là không có mặt bằng.
“Khi đến thì xin đất ở các tỉnh thì đòi hỏi phải thế này thế kia, thủ tục này thủ tục kia. Là DN cổ phần, có thể làm gì sai pháp luật được”, ông Đoàn nói và cho rằng đó là ví dụ rất điển hình của việc 4 tập đoàn thương mại lớn, gồm nhà nước lẫn tư nhân, miền Bắc và miền Nam hợp tác mà “không làm được, không triển khai được”.
Video đang HOT
Cách đây hơn 1 năm, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lại có ý tưởng cho “hồi sinh” mô hình liên doanh kể trên khi mà cộng 4 ông lớn lại thì doanh thu cũng lên đến 4-5 tỷ đô. Nhưng sau cùng, đề xuất ấy cũng chưa đâu vào đâu.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam giờ đây nổi lên với sự hiện diện của hàng loạt ông lớn nước ngoài khác như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật), Central Group (Thái Lan)…
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng: Sự tham gia thị trường của các nhà phân phối nước ngoài, nhất là từ các nước ASEAN như Thái Lan, Nhật Bản, kéo theo là hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả đang là thách thức đối với hàng Việt.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trong cuộc đấu khốc liệt.
Doanh nghiệp “nội” ngập trong thua lỗ
Sức khỏe các DN bán lẻ “nội” được ông Phạm Đình Đoàn mô tả bằng những số liệu mà ông thừa nhận là đầy… u ám.
“Hệ thống phân phối hiện đại đa số là lỗ. Tất cả siêu thị tính ra đều lỗ hết. Cửa hàng tiện ích càng lỗ. Tất cả đều lỗ rất nhiều”, ông Đoàn nói. Ông tiết lộ, có doanh nghiệp làm thương mại điện tử cũng lỗ vài ngàn tỷ, còn trung bình lỗ 500-600 tỷ một năm.
Nhiều DN bán lẻ đã phải liên kết hoặc “bán mình” cho nước ngoài. Nhưng cũng có siêu thị “nội” đang vươn lên để lật ngược bàn cờ.
“Ông chủ” doanh nghiệp bán lẻ kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam này vẫn đánh giá, việc DN ngoại vào mua các DN nội hay mở rộng hoạt động ở Việt Nam nên được xem là điều bình thường, không có gì phải nghiêm trọng hóa, miễn là họ phục vụ được định hướng phát triển thương mại của Việt Nam về chất lượng hàng hóa, đáp ứng văn minh thương mại, giúp người tiêu dùng Việt Nam hưởng lợi ích.
Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: “Khi báo chí đưa tin là bán lẻ nội bị nước ngoài thâu tóm, tôi chủ trì cuộc họp giải trình với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi mất cả buổi chiều để giải trình những vấn đề như nếu DN nước ngoài vào thâu tóm hoạt động bán lẻ thì hàng Việt Nam không còn cơ hội vào siêu thị không. Thực tế chúng tôi đi kiểm tra cùng Chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam ở Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, thì thấy trong siêu thị hiện nay hàng Việt Nam chiếm trên 90%, có nơi 95% là hàng Việt Nam”.
“DN cứ thấy hàng hóa đem lại lợi nhuận là họ bán. Họ không quan tâm hàng nước nào. Bởi nếu nhập hàng từ nước ngoài vào có khi giá còn cao hơn’, ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Cách đây ít ngày, Bộ Công Thương tổ chức cả một Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035″. Lý do là đến nay, Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững.
Mục tiêu đưa ra là giai đoạn từ nay tới năm 2020, GDP lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP của cả nước; tốc độ tăng bình quân của ngành đạt khoảng 12,6 %/năm; tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu DV tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10,7%/năm. Đến năm 2030, GDP lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 15% vào GDP.
PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện chính sách và phát triển, cho rằng: Mọi thứ giờ thay đổi nhanh. Cả tập đoàn bán lẻ lớn nhất lại không có cửa hàng nào như Alibaba. Hãng taxi lớn nhất lại không sở hữu cái xe nào. Cho nên, một chiến lược đưa ra thì cũng phải tiên đoán được hoặc dự đoán được sự tác động của công nghệ đến chính sách.
Ông Phạm Đình Đoàn nói thẳng: Trong thời đại thay đổi nhanh thế này, việc xây dựng chiến lược thương mại trong nước đến 2025, tầm nhìn 2035 thì rất khó chính xác. Chưa kể, nhiều chính sách ban hành nhưng để triển khai được thì cực kỳ khó khăn, không khả thi.
“Trước đây mấy DN chúng tôi liên doanh với nhau thành một tập đoàn bán lẻ nhưng xuống đến các tỉnh thì địa phương đưa ra đủ điều kiện nên rất khó triển khai”, ông Đoàn nhắc lại “liên minh” năm nào.
Cho nên, ông Đoàn quan điểm, chính sách cho thương mại phải từ doanh nghiệp đi lên, để DN đề xuất. Còn nếu chỉ dựa vào chiến lược thì có cũng được, không có cũng được.
Lương Bằng
Theo Vietnamnet
Thị trường hàng Việt: Tạo sức hút và hiệu ứng lan tỏa
Sau hơn 9 năm phát động, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp... Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với hàng nhập khẩu cùng phân khúc từ các nước trong khu vực, doanh nghiệp "nội" cần tổ chức chuyên nghiệp các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ, tận dụng ưu thế của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang lan tỏa mạnh mẽ.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực.
Chuyển biến tích cực
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đã phối hợp đồng bộ với các đơn vị thành viên, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, tạo sức lan tỏa, góp phần khuyến khích và định hướng tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng, mua sắm hàng Việt.
Nói về những chuyển biến rõ rệt đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các chương trình bán hàng bình ổn giá, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức thường xuyên đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo đảm bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân... Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" được duy trì hằng năm, ngày càng nâng cao chất lượng bình chọn qua mỗi năm.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành chức năng đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động đối thoại, giao ban, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả công tác khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu...; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, thành phố đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, qua đó hỗ trợ đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi thực phẩm trên địa bàn thành phố; đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt của nhà nước để trục lợi.
Với sự vào cuộc của các ngành liên quan, nhất là doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa đã được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn và giá thành ngày càng cạnh tranh. Chị Nguyễn Thu Anh (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Trước đây, tôi hầu như không để ý đến các thương hiệu trong nước, vì nhiều sản phẩm không đẹp, không tinh tế, chất lượng không đồng đều, giá thành lại đắt hơn so với mặt hàng từ Thái Lan, Trung Quốc... Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng đầu tư mẫu mã, cải tiến chất lượng, nên không chỉ tôi mà nhiều người tiêu dùng đã có thiện cảm hơn với hàng hóa sản xuất trong nước".
Nâng cao sức cạnh tranh
Theo các chuyên gia kinh tế, dù hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nhưng nếu không có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt có thể mất vị thế ngay tại sân nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh, nhiều thương hiệu Việt đang dần được chuyển giao cổ phần cho các nhà đầu tư, thương hiệu ngoại, thì các thương hiệu Việt liệu còn giữ được bản sắc, được nâng lên tầm cao mới, hay đang đánh mất mình trong cạnh tranh và hội nhập?
Bà Huỳnh Thị Huệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm nhựa Kim Hằng (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, để giữ thị phần tiêu thụ nội địa, ngoài các sản phẩm gia dụng thông thường, công ty đã đa dạng các sản phẩm tiện dụng cho người sử dụng như nồi cơm điện đa năng kết hợp chức năng hầm, nấu súp, luộc...; nồi điện chuyên sử dụng cho các món hầm; bếp nướng than không khói... nhằm thu hút người tiêu dùng.
Đánh giá cao nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ đa dạng hóa sản phẩm, mà còn không ngừng đổi mới sản xuất để đạt những chứng nhận về tiêu chuẩn khắt khe như ISO 22000 (yêu cầu về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng), HACCP (hệ thống phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát trọng yếu nhằm giảm nguy cơ rủi ro an toàn trong thực phẩm) hay GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)...
Qua đó, giúp doanh nghiệp tạo dựng được uy tín, chất lượng sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ kiểm soát và giải quyết những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ để tận dụng ưu thế của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Thanh Hiền
Theo hanoimoi.com.vn
TP.HCM: Diện tích mặt bằng bán lẻ, cho thuê tăng lên gần 1,3 triệu/m2 Giá thuê trung bình của cả thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM trong quý 3/2018 tăng 5,6% so với quý 2, xấp xỉ 1,27 triệu đồng một mét vuông mỗi tháng, tương đương 54,5 USD một mét vuông mỗi tháng. Theo Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ TP.HCM trong quý 3/2018 hơn 1,26 triệu m2, tăng 2,2%...