Liên hợp quốc thúc đẩy nỗ lực bảo đảm quyền của trẻ em ở mọi quốc gia
Ngày 14/3, phát biểu tại cuộc họp về quyền trẻ em trong khuôn khổ kỳ họp thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Nada Al-Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền LHQ khẳng định bảo trợ xã hội toàn diện là điều cần thiết để đảm bảo quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện ở mọi quốc gia, dân tộc.
Điều này cũng góp phần hỗ trợ tiến trình hướng tới Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, giúp trẻ em thoát khỏi đói nghèo trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, phức tạp và bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Theo bà Nada Al-Nashif, Công ước về quyền trẻ em và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nêu rõ tất cả trẻ em ở mọi nơi đều có quyền được hưởng an sinh xã hội và các biện pháp bảo trợ xã hội phải sẵn có, đầy đủ và dễ tiếp cận.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hơn 1,77 tỷ trong số 2,4 tỷ trẻ em trên toàn thế giới không được tiếp cận với bảo trợ xã hội, có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội trong thời thơ ấu có tác động lâu dài đến hạnh phúc, sự phát triển, sức khỏe và kết quả học tập của trẻ em. Điều này ảnh hưởng đến việc trẻ em được hưởng các quyền con người, bao gồm quyền sống, quyền được giáo dục, sức khỏe, mức sống đầy đủ và quyền được vui chơi.
Phó Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết đã có thêm các mô hình tích cực về bảo trợ xã hội tuân thủ quyền trẻ em để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột vũ trang. Các quốc gia đã mở rộng hệ thống phúc lợi trẻ em quốc gia để bảo vệ trẻ em di cư hay buộc phải di dời. Một số quốc gia đã chia sẻ những thực tiễn đầy hứa hẹn về đầu tư vào bảo trợ xã hội như Argentina đã xây dựng chế độ trợ cấp phổ cập cho trẻ em được chăm sóc thay thế; Paraguay triển khai hệ thống bảo trợ xã hội tích hợp các dịch vụ bao gồm tập trung vào giáo dục mầm non; Slovakia đã phát triển một kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các quyền của trẻ em, bao gồm các hoạt động bảo trợ xã hội cốt lõi, giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí…
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Húc (Chen Xu), đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva và các tổ chức quốc tế khác ở Thụy Sĩ đã kêu gọi thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) chất lượng cao để giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Trong bài phát biểu tại kỳ họp, ông Trần Húc nhấn mạnh trẻ em là tương lai và niềm hy vọng của nhân loại, thế hệ mới sẽ là đối tượng sử dụng và hưởng lợi chính của công nghệ AI.
Ông Trần Húc nêu 3 đề xuất bao gồm ưu tiên lợi ích của trẻ em và tận dụng vai trò quan trọng của AI trong việc tư vấn sức khỏe tinh thần của trẻ em; ủng hộ sự công bằng và toàn diện, tăng cường trao đổi và hợp tác, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; tôn trọng chủ quyền, luật pháp, điều kiện quốc gia, nền tảng lịch sử, tôn giáo và văn hóa của tất cả các quốc gia, đồng thời tăng cường quản trị AI quốc tế theo tiền đề này.
Khoảng cách giới về việc làm không thay đổi trong 20 năm qua
Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 6/3 cho thấy khả năng tiếp cận việc làm, điều kiện làm việc và chênh lệch lương của phụ nữ hầu như không được cải thiện trong 2 thập kỷ qua.
Người lao động tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo nêu rõ tình trạng mất cân bằng giới trong tiếp cận việc làm và điều kiện làm việc đang nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ trước đây và tốc độ giải quyết vấn đề này chậm một cách đáng thất vọng trong giải đoạn 2005-2022. Theo dữ liệu mới công bố, phụ nữ vẫn gặp khó khăn hơn nhiều khi tìm việc làm so với nam giới. Dữ liệu cho thấy khoảng cách giới trong thị trường lao động khi 15% phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn cầu muốn đi làm nhưng không có việc làm, so với 10,5% ở nam giới. Sự chênh lệch này hầu như không thay đổi trong 2 thập kỷ qua.
Khoảng cách về việc làm đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ phụ nữ không thể tìm được việc làm lên tới 24,9% ở các nước có thu nhập thấp. Tỷ lệ tương ứng của nam giới trong cùng nhóm là 16,6%, mức cao đáng lo ngại nhưng thấp hơn đáng kể so với nữ giới.
Báo cáo chỉ ra rằng trách nhiệm cá nhân và gia đình, bao gồm cả công việc chăm sóc không được trả lương, ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ. Những hoạt động này có thể ngăn cản họ được tuyển dụng, tích cực tìm việc làm hoặc sẵn sàng làm việc trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể về thu nhập giữa nam giới và nữ giới. Trên toàn cầu, với mỗi USD thu nhập lao động mà nam giới kiếm được, phụ nữ chỉ kiếm được 51 cent. Ngoài ra, có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, phụ nữ kiếm được lần lượt 33 cent và 29 cent so với 1 USD mà nam giới kiếm được. Tại các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao, thu nhập lao động tương đối của phụ nữ lần lượt là 58 và 56 cent.
Báo cáo mới làm sáng tỏ mức độ chênh lệch giới tính trong thị trường lao động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện sự tham gia chung của phụ nữ vào việc làm, tăng cường khả năng tiếp cận việc làm giữa các ngành nghề và thu hẹp khoảng cách rõ ràng về chất lượng công việc mà phụ nữ phải đối mặt.
Bài học từ người nông dân cổ đại trong thích ứng với biến đổi khí hậu Qua khám phá khảo cổ học trên khắp thế giới, các nhà khoa học nhận thấy phương pháp canh tác cổ xưa đã giúp các nền văn minh vượt qua thời kỳ khó khăn bởi tác động khó lường từ khí hậu. Hình thức tưới tiêu cổ đại của người Moor được hồi phục tại Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images Người nông...