Liên hợp quốc: Thời gian đang cạn dần để giải quyết khủng hoảng khí hậu
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ khởi xướng, Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh 2021 phải là năm hành động để bảo vệ mọi người trước những hậu quả “thảm khốc” của biến đổi khí hậu.
TTK LHQ Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
LHQ cảnh báo thời gian đang cạn dần một cách nhanh chóng để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch COVID-19 cũng không góp phần phanh lại được biến đổi khí hậu. Kêu gọi từ tổ chức đứng đầu thế giới này được đưa ra cùng một báo cáo quan trọng trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì trong 2 ngày 22-23/4 dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới.
Báo cáo “Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020″ của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 19/4 cho biết năm ngoái là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch COVID-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định báo cáo cho thấy 2020 là một năm “thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa”.
Ông Guterres nhấn mạnh: “Năm nay phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050… Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ”.
Mỹ tuyên bố hành động 'mạnh mẽ' trong vấn đề khí hậu
Ngày 31/3, Đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry cho biết nước này sẽ sớm đưa ra các cam kết mới đầy tham vọng để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Khói bay lên từ Nhà máy điện than đá AEP ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp ở Paris do Cơ quan năng lượng quốc tế tổ chức, ông Kerry nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden sẽ công bố các khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD để thúc đẩy kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định là biện pháp mà các quốc gia đưa ra để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức khoảng 1,5C. Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào Ngày Trái đất 22/4.
Người tiền nhiệm Donald Trump đã rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris, nhưng ngay thời điểm vừa nhậm chức, ông Biden ngay lập tức tuyên bố tái tham gia khuôn khổ pháp lý này. Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 thế giới gây hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo ông Kerry, Mỹ thực sự nóng lòng muốn hợp tác để cung cấp tài chính, hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ với các đối tác trên toàn thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc, còn gọi là COP26, sẽ được tổ chức tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới. Trong khi một số quốc gia đã công bố kế hoạch đạt được trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này, người đứng đầu COP 26 Alok Sharma cho biết "phải làm nhiều hơn nữa từ bây giờ để biến các mục tiêu xa thành các hành động ngay lập tức". Ông nói cần phải từ bỏ dùng than đá làm nguồn sản xuất điện, phát triển ô tô không khí thải và chống phá rừng.
Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp Mỹ - Canada: Phục hồi và mở rộng mối quan hệ lịch sử Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau diễn ra hôm 24/2, hai nhà lãnh đạo đã củng cố "quan hệ hữu nghị sâu sắc và bền vững" song phương bằng cam kết thực hiện một lộ trình đầy tham vọng nhằm phục hồi và mở rộng mối quan hệ lịch sử...