Liên hợp quốc quan ngại về vòng xoáy xung đột Israel-Palestine
Ngày 4/7, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk đã bày tỏ lo ngại về vòng xoáy bạo lực gần đây nhất tại Israel và khu Bờ Tây bị chiếm đóng, đồng thời kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực gây thiệt mạng và thương vong.
Xe quân sự Israel được triển khai gần thành phố Jenin ở Bờ Tây, ngày 4/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố, ông Volker Turk nói: “Chiến dịch quân sự gần đây ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng và vụ tấn công xe ở Tel Aviv cho thấy tình trạng bạo lực trở nên tồi tệ hơn”.
Thông điệp trên được đưa ra sau vụ một ô tô đã lao vào đám đông tại thành phố Tel Aviv vào ngày 4/7, làm 7 người bị thương. Sau đó, nghi phạm tấn công bị bắn chết. Vụ tấn công này diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Bờ Tây. Theo số liệu cập nhật mà Palestine công bố, 13 người đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành ở trại tị nạn tại thành phố Jenin hôm 3/7. Hiện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố các lực lượng quốc phòng nước này đã kết thúc chiến dịch chống khủng bố ở thị trấn Jenin. Trước đó ít ngày, lực lượng Israel cũng từng tiến hành một cuộc truy quét tại thành phố Jenin, khiến 6 người Palestine thiệt mạng.
Video đang HOT
Ông Turk cho rằng một số phương pháp và vũ khí sử dụng trong vụ truy quét ở Jenin giống với hành động thù địch trong xung đột có vũ trang, chứ không phải hành động thực thi pháp luật.
Bày tỏ quan ngại về khả năng tiếp cận y tế, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Christian Lindmeier cho biết cơ sở hạ tầng bị hủy hoại đã khiến đội ngũ y tế gặp khó khăn để tiếp cận và điều trị những người bị thương. Trong khi tổ chức Bác sĩ Không biên giới lên án việc đội ngũ nhân viên y tế của họ không thể tiếp cận được thành phố Jenin thì Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi các lực lượng an ninh Israel cần đảm bảo thành phố này không cản trở tiếp cận đối với các dịch vụ y tế cũng như các dịch vụ thiết yếu khác.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về chiến dịch quân sự lớn nhất trong nhiều năm mà Israel tiến hành ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Ngày 4/7, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi Israel bảo vệ thường dân Palestine mặc dù tái khẳng định sự ủng hộ của Vương quốc Anh đối với quyền tự vệ của Israel. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức cho rằng Israel có quyền tự vệ trong bối cảnh bùng phát chiến dịch quân sự tại vùng Bờ Tây bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Berlin kêu gọi quốc gia Do Thái cần tuân thủ nguyên tắc về sự tương xứng trong luật pháp quốc tế trong vấn đề trại Jenin. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bangladesh ngày 4/7 ra tuyên bố chỉ trích các cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn ở Jenin, khiến 13 người Palestine thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương. Dhaka kêu gọi quốc tế nỗ lực chấm dứt xung đột, kéo các bên vào bàn đàm phán để khôi phục Tiến trình hòa bình Trung Đông. Bộ Ngoại giao Maroc cũng phản đối chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành ở Bờ Tây, cho rằng chiến dịch này không góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để xúc tiến quá trình đối thoại đem lại hòa bình cho khu vực.
Một đại diện của phái bộ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tổ chức các cuộc tham vấn kín về tình hình của thị trấn Jenin ở Bờ Tây vào ngày 7/7.
Liên hợp quốc lo ngại bạo lực ở Bờ Tây có thể vượt tầm kiểm soát
Ngày 23/6, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cảnh báo tình trạng bạo lực mới bùng phát tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng có thể khiến vòng xoáy bạo lực ở đây vượt tầm kiểm soát.
Khói bốc lên trong xung đột giữa binh sĩ Israel và người biểu tình Palestine gần biên giới Gaza-Israel ngày 19/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố, ông Volker Turk nhấn mạnh tình trạng bạo lực, cùng những lời lẽ kích động "sẽ chỉ đẩy người Israel và Palestine rơi thêm vào hố sâu ngăn cách". Ông cho rằng bạo lực xấu đi nghiêm trọng đang gây hậu quả nặng nề đối với cả người Israel và người Palestine. Theo đó, ông kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực.
Cao ủy Nhân quyền LHQ nhấn mạnh theo luật nhân quyền quốc tế, nhà chức trách Israel cần đảm bảo mọi hoạt động được lên kế hoạch và thực thi không gây thiệt hại về người. Theo đó, cần điều tra minh bạch tất cả trường hợp thiệt mạng. Bên cạnh đó, Israel cần khẩn trương xem xét và thiết lập lại chính sách, cũng như "tuân thủ luật nhân đạo quốc tế nhằm đảm bảo trật tự và an toàn công cộng ở các khu vực bị chiếm đóng của người Palestine".
Các bên xung đột cũng cần giải quyết những yếu tố cơ bản dẫn đến bạo lực và điều này đòi hỏi ý chí chính trị của tất cả các bên trong đó có Israel, Palestine cũng như cộng đồng quốc tế.
Theo thống kê của hãng tin AFP, kể từ đầu năm đến nay, hơn 200 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến xung đột giữa Israel và Palestine, trong đó đa số là người Palestine. Đụng độ bạo lực tại Bờ Tây trong tuần này đã làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng quan ngại về tình hình bạo lực tại vùng lãnh thổ này.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án tất cả những hành động bạo lực nhằm vào dân thường, trong khi "kêu gọi nhà chức trách Israel dừng bạo lực ngay lập tức, bảo vệ dân thường Mỹ và Palestine, đồng thời truy tố những đối tượng gây ra tình trạng bạo lực". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập gần đây nhấn mạnh sự cần thiết chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công đẫm máu để không hủy hoại những nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực này.
Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu phủ bóng tương lai nhân loại Ngày 3/7, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Người dân đi lấy nước sinh hoạt dưới trời nắng gắt tại Bishkek, Kyrgyzstan ngày 8/6/2023....