Liên hợp quốc cảnh báo tỷ lệ nghèo cùng cực trở lại
Ngày 17/10, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép: nghèo đói cùng cực trở lại sau 20 năm và khoảng cách bất bình đẳng ngày càng nới rộng.
Các em nhỏ được phát bữa ăn cứu trợ tại Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Trong Báo cáo Xã hội thế giới 2024 có tiêu đề “Phát triển xã hội trong thời kỳ khủng hoảng hội tụ: Lời kêu gọi hành động toàn cầu”, Cơ quan Kinh tế và Xã hội của LHQ cho biết sau những nỗ lực giảm nghèo trong nhiều thập kỷ, thế giới đã chứng kiến một sự đảo ngược đáng lo ngại. Năm 2022, tình trạng nghèo đói cùng cực đã quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19 ở hầu hết các nước, ngoại trừ những quốc gia có thu nhập thấp.
Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước thu nhập thấp vẫn cao, với chênh lệch việc làm tăng từ 20% năm 2018 lên 21% vào năm 2023. Xu hướng này đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và sở hữu tài sản hiện nay trên toàn cầu. Vào năm 2022, một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu chỉ sở hữu 2% tài sản của thế giới, trong khi 10% giàu nhất nắm giữ 76%. Theo báo cáo, các cuộc khủng hoảng liên tiếp có thể dẫn đến tổn thất sản lượng kinh tế tích lũy hơn 50.000 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030, phản ánh việc mất đi các cơ hội đầu tư vào phát triển xã hội.
Mặc dù tình hình hiện tại rất khó khăn, nhưng báo cáo cũng chỉ ra rằng đây là cơ hội để các quốc gia xây dựng lại một xã hội bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có những hành động quyết liệt và phối hợp trên toàn cầu. Báo cáo kêu gọi thế giới cần nhanh chóng để hỗ trợ các quốc gia đối phó với khó khăn do các tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây, tránh để các biến cố trở thành các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Video đang HOT
Báo cáo cũng nhấn mạnh cần xem xét các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng nợ cho các quốc gia đang phát triển, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước này.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách Kinh tế và Xã hội Li Junhua cho biết báo cáo này nêu bật tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Ông cho rằng việc hỗ trợ các quốc gia tìm kiếm các nguồn lực tài chính để chống đói nghèo, tạo việc làm và đảm bảo mọi người có cơ hội bình đẳng là điều vô cùng quan trọng.
Cùng xây ngôi nhà mơ ước
Nghèo đói là một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu năm 2023, có tới 1,1 tỷ trong số 6,1 tỷ người ở 110 quốc gia trên thế giới đang sống trong cảnh nghèo đói, chủ yếu ở các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Người dân tại trại tị nạn ở Gode, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong đó, 534 triệu người sống ở khu vực châu Phi cận Sahara, 289 triệu người ở Nam Á. Xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người là mục tiêu chủ chốt trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Liên hợp quốc khẳng định an cư và sinh kế là chìa khóa để thoát nghèo bền vững. Bởi vậy, Mục tiêu phát triển bền vững số 11 của Liên hợp quốc đề ra lộ trình đến năm 2030 đảm bảo khả năng tiếp cận nhà ở và dịch vụ cơ bản phù hợp, an toàn và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người, và nâng cấp các khu ổ chuột.
Nhiều năm qua, các nước trên thế giới cũng đã ưu tiên nguồn lực để bảo đảm quyền của người nghèo được tiếp cận nhà ở. Đơn cử như các nước Mỹ Latinh đã đầu tư từ 2 - 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các chương trình về nhà ở dành cho những người nghèo nhất. Theo báo cáo của Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, hơn 227 triệu người đã thoát khỏi các khu nhà ổ chuột, chủ yếu nhờ nỗ lực ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, những nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu đang gặp hàng loạt thách thức do nhiều yếu tố, từ đại dịch COVID-19 cho đến biến đổi khí hậu. Đại dịch đã đảo ngược tiến bộ lịch sử trong việc xóa nghèo đói ở hầu như tất cả các khu vực, khiến hơn 100 triệu người trên thế giới bị đẩy vào diện nghèo.
Xung đột, thiên tai, suy thoái kinh tế trở thành những cú sốc tiếp tục đảo ngược những nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu, trong đó có lộ trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 11. Bên cạnh đó, nỗ lực xóa nhà ổ chuột, nhà tạm cũng đối mặt với áp lực của tốc độ gia tăng dân số và làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị.
Số liệu cập nhật của UN-Habitat cho thấy vẫn còn hơn 1 tỷ người trên toàn cầu sống trong các khu ổ chuột, khu nhà tạm đông đúc, nơi họ trải qua cuộc sống bấp bênh và phải vật lộn để tiếp cận các tiện nghi cơ bản. Dân số khu ổ chuột thế giới dự kiến đạt 3 tỷ người vào năm 2050. Điều này đặt ra một thách thức lớn với nhiều chính phủ trên khắp thế giới.
UN-Habitat dự báo 50% mức tăng dân số khu ổ chuột này sẽ tập trung ở 8 quốc gia Nigeria, Philippines, Ethiopia, Tanzania, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập và Pakistan Hiện có hơn nửa tỷ người châu Á sống trong các khu nhà ổ chuột, nhà tạm và LHQ dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 do dân số và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Đơn cửa như tại Philippines, hàng nghìn người dân nghèo vẫn ăn ở, sinh hoạt tạm bợ giữa những ngôi mộ bê tông xếp chồng lên nhau trong các nghĩa trang.
Trong bối cảnh thế giới chỉ còn khoảng 5 năm để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ tới năm 2030, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức, giới doanh nghiệp và cả cộng đồng cùng nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu, trong đó có Mục tiêu số 11. Kinh nghiệm cho thấy ở các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ, việc đạt được các thành tựu về xóa đói giảm nghèo nói chung cũng gắn liền với nỗ lực an cư và tạo sinh kế cho người nghèo.
Tại Việt Nam, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, kết quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ. Năm 2023, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022 đạt và vượt mục tiêu. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu năm 2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.
Cùng với đó, công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo cũng đạt được những kết quả khả quan. Trong giai đoạn 2000-2023, với sự tham gia tích cực của các lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Cả nước cũng đang chung tay thực hiện chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động đầu tháng 10 này.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo (17/10) năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định công tác xóa đói giảm nghèo, hướng tới đạt các Mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi chính phủ các nước xây dựng những thể chế và hệ thống đặt người dân lên hàng đầu.
LHQ kêu gọi các nước thực thi đầy đủ Hiệp ước vì Tương lai bằng cách ủng hộ kế hoạch đẩy nhanh tiến bộ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc thực thi chính sách xã hội liên quan tới quyền tiếp cận nhà ở. Việc chung tay "xây ngôi nhà mơ ước" cho người nghèo không chỉ để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, mà còn để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong lộ trình hướng tới thịnh vượng.
Bế mạc Khóa họp 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, khóa họp lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ngày 11/10 đã kết thúc tại trụ sở Văn phòng LHQ, khép lại 3 Khóa họp thường kỳ và nhiều hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2024, đánh dấu sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực của Việt...