Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Quảng bá bối cảnh quay phim
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với sự đa dạng, đặc sắc về bối cảnh quay phim, Việt Nam có thể tự tin phát triển thành điểm đến của thế giới về phim trường.
Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 chủ trì hội thảo. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng về sinh thái, văn hóa, tạo thành những bối cảnh quay phim vô cùng đặc sắc, hấp dẫn, suốt chiều dài đất nước. Với sự đa dạng, đặc sắc về bối cảnh quay phim, Việt Nam có thể tự tin phát triển thành điểm đến của thế giới về phim trường.
Ông Hà Văn Siêu nhận định như vậy tại hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ngày 24/11.
Hội thảo có sự góp mặt của các nghệ sỹ, nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim; đại diện các tổ chức điện ảnh, công ty điện ảnh và truyền thông có phim dự thi và phim được trình chiếu trong Liên hoan phim, cùng các khách mời là đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, Viện phim đến từ các nước khu vực châu Á, châu Âu.
Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hội thảo là dịp để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của bối cảnh quay phim tại Việt Nam, là dịp để các nhà sản xuất điện ảnh trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lựa chọn bối cảnh và quay phim thực tế tại Việt Nam, trong đó có các địa danh du lịch nổi tiếng.
Là đất nước có bờ biển dài và đẹp ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có nhiều danh lam, thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và có bề dày không gian văn hóa vùng miền độc đáo. Nhiều địa danh nổi tiếng, những miền đất xinh đẹp của Việt Nam đã được các nhà làm phim Việt chọn làm bối cảnh, tạo nên những thước phim gây ấn tượng với khán giả.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch hơn bao giờ hết phải tiếp tục phối hợp với ngành điện ảnh để quảng bá Việt Nam thành một điểm đến. Trong chương trình quốc gia của Tổng cục Du lịch, Tổng cục sẽ đề xuất với Cục Điện ảnh đưa các đoàn làm phim đi khảo sát các thắng cảnh của Việt Nam, cập nhật thành bộ dữ liệu số hóa các điểm đến để cung cấp cho các nhà làm phim quốc tế, giúp họ lựa chọn được những bối cảnh quay tốt nhất trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đẩy mạnh các chương trình quảng bá dựa vào phim ảnh, dùng công cụ điện ảnh để tạo thành những clip quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và trên cơ sở dữ liệu của ngành du lịch. Chính những phim ngắn quảng bá du lịch sẽ là công cụ hiệu quả nhất vì phim ảnh có thể tác động mạnh đến người xem, làm tăng thêm giá trị của những thắng cảnh.
Rất nhiều tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt như “ Mùa len trâu,” “Áo lụa Hà Đông,” “ Cánh đồng bất tận”… được bạn bè quốc tế biết đến và khen ngợi với bối cảnh quay phim kỳ công, thổi hồn vào đó những nét tinh túy riêng của Việt Nam.
Video đang HOT
Không những vậy, các nhà làm phim nước ngoài từ xưa đến nay cũng luôn “để mắt” tới thắng cảnh của Việt Nam. Bộ phim “ Đông Dương” từng đoạt giải Oscar năm 1993 của nhà làm phim Régis Wargnier đã gây xúc động lòng người với hàng loạt địa điểm quay phim từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, Đình Bảng, Huế, Phát Diệm…
Phim trường ‘Kong: Skull Island’ khi còn hoạt động phục vụ khách tham quan. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Ngoài ra, việc một bộ phim khác gần đây – “ Kong: Skull Island” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts – chọn bối cảnh tại Ninh Bình là tín hiệu đáng mừng, góp phần tạo động lực to lớn cho việc tìm cách thu hút nhiều hơn sự quan tâm của giới làm phim quốc tế tới Việt Nam.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, sau năm 1995, khi đoàn làm phim “ James Bond 007” bị từ chối tại Việt Nam thì 20 năm sau (năm 2015), đoàn làm phim “ Kong: Skull Island” đặt vấn đề đến Việt Nam để sản xuất phim. Có thể thấy khi những bộ phim như “ Đông Dương,” “Người tình,” “Người Mỹ thầm lặng“… lên màn ảnh thì Việt Nam trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với khán giả quốc tế.
Ông Trần Nhất Hoàng cho biết thêm, sau “ Kong: Skull Island,” có rất nhiều đoàn làm phim và các kênh truyền hình nổi tiếng trên thế giới tìm đến Việt Nam để làm phim.
Để làm tốt hơn nữa, các cơ quan chức năng của Việt Nam còn phải làm rất nhiều điều, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chính sách. Chúng ta phải có chính sách dành riêng cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước, những quy định tạo thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim khi làm việc tại Việt Nam, ông Trần Nhất Hoàng nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải đào tạo nguồn nhân lực về điện ảnh phù hợp với xu thế của điện ảnh quốc tế; phát triển “ngành công nghiệp phục vụ quay phim,” khuyến khích tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với các hãng phim, các đại lý lớn của thế giới; khuyến khích các ngôi sao điện ảnh Việt Nam quảng bá bối cảnh quay phim tại Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…
Ông Lee Ha Jun, thiết kế mỹ thuật phim “ Ký sinh trùng” (phim Hàn Quốc vừa công chiếu tại Việt Nam) chia sẻ: “Tôi thích những bối cảnh thực tế hơn là những bối cảnh dàn dựng. Tuy nhiên, với phim “ Ký sinh trùng,” ngay từ đầu, đạo diễn cho biết cần những bối cảnh quay cụ thể để diễn tả đúng thực trạng lúc này trong phim. Do đó, việc tìm kiếm những bối cảnh quay phù hợp rất khó nên chúng tôi đành phải dàn dựng bối cảnh quay cho bộ phim. Việc dàn dựng những cảnh quay như thế rất tốn kém chi phí.”
Theo ông Lee, những cảnh quay ở Việt Nam có thể sử dụng nhiều cảnh tự nhiên, vì vậy ông Lee cho biết sẽ quay lại Việt Nam tìm hiểu những địa danh nhằm tìm kiếm những cảnh quay vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính hiện thực để sử dụng trong các dự án sắp tới.
Tại hội thảo, các nhà sản xuất điện ảnh đã đề xuất, kiến nghị các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong quá trình lựa chọn cảnh quay tại Việt Nam.
Theo vietnamplus.vn
Dương Cẩm Lynh: Vai chính xứng đáng được ưu ái
Nhắc về câu chuyện phân bì chính - phụ trên phim trường, nữ diễn viên 8x cho rằng các nghệ sĩ được giao những vai diễn quan trọng thường cũng phải trải qua cả một quá trình dài phấn đấu và ở thời điểm này, họ xứng đáng nhận được điều đó.
Tối 23/11, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 đã chính thức diễn ra tại Vũng Tàu. Đây là một trong những sự kiện lớn, được tổ chức thường niên của nền điện ảnh Việt Nam nên nó luôn quy tụ đông đảo các nghệ sĩ tham dự. Xuất hiện tại sự kiện, nữ diễn viên Dương Cẩm Lynh gây ấn tượng với bộ trang phục áo dài trắng cách tân với điểm nhấn là họa tiết thêu chỉ vàng của NTK Linh San.
Góp mặt tại liên hoan phim với vai trò khách mời nên Dương Cẩm Lynh có nhiều thời gian hơn dành cho truyền thông. Tại đây, nữ nghệ sĩ 8x đã có những chia sẻ thú vị liên quan đến sự nghiệp diễn xuất của bản thân. Cụ thể, đó chính là chủ đề về việc vai diễn chính - phụ của các nghệ sĩ khi tham gia đóng phim.
Chia sẻ về vấn đề này, Dương Cẩm Lynh cho biết, bản thân luôn biết ơn những vai phụ đầu tiên mà mình đảm nhận khi mới chập chững theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Bởi nếu không có những vai diễn đó thì sẽ khó mà có được một Dương Cẩm Lynh của ngày hôm nay.
'Năm 2008, qua người quen giới thiệu, tôi được đạo diễn Xuân Phước mời đóng vai Hồng trong phim Sóng đời. Đây là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp nên tôi rất trân trọng, dù chỉ là một vai phụ với vỏn vẹn 40 phân đoạn. Bộ phim cuối cùng mà tôi đóng vai phụ trước khi chuyển qua vai chính là "Những ông bố độc thân" (năm 2010) với 120 phân đoạn.
Tôi nhớ hồi đó cát xê cho vai phụ chỉ khoảng 300-400 ngàn đồng/phân đoạn, đóng xong cả bộ phim chỉ được hơn 10 triệu. Nhưng lúc đó, mình cũng giống như các bạn sinh viên mới ra trường đi làm vậy, quan trọng là để lấy kinh nghiệm, và được thử sức chứ không quan tâm nhiều đến tiền. Và tôi nghĩ điều lớn nhất là mình đã chiến thắng được cảm xúc, nỗi sợ hãi, những phân vân về bản thân để từ đó có thể tự tin nhận vai thứ hai'. - Dương Cẩm Lynh chia sẻ.
Là một diễn viên tay ngang nên khi bén duyên với môn nghệ thuật thứ 7, Dương Cẩm Lynh cũng gặp không ít khó khăn và trắc trở. Một trong những khó khăn ở thời điểm đó mà đến bây giờ cô vẫn không quên được đó chính là: 'Khi đó mỗi lần đạo diễn gọi đến tên là run, lúc thoại thì dễ bị khớp, thậm chí có lúc không thể mở miệng trước ống kính. Có cảnh cần khóc thì tôi không khóc được, và rất đau khổ vì nghĩ 'nếu không khóc được thì sao có thể làm diễn viên'. Nói chung có rất nhiều cảm xúc tiêu cực muốn dìm mình xuống. Nhưng may mắn là tôi được các đạo diễn tận tình chỉ dạy, được các anh chị đi trước truyền đạt kinh nghiệm và bản thân mình cảm thấy thực sự bị cuốn hút bởi bộ môn nghệ thuật này nên đã hết lòng học hỏi, rèn luyện để tiến bộ dần qua từng vai diễn'.
Khi được hỏi về quan điểm của Dương Cẩm Lynh như thế nào với ý kiến cho rằng đa số nghệ sĩ sau nhiều năm lăn lội trong nghề thường sẽ ngại đóng các vai phụ? Trước vấn đề này, bà mẹ một con thẳng thắn cho biết: 'Nếu là một vai phụ xuất sắc, tôi nghĩ rằng những nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng cũng sẽ cân nhắc. Còn nếu là một vai phụ bình thường thì họ sẽ không lãng phí thời gian đâu'.
Ngoài ra, Dương Cẩm Lynh cũng cho hay, đối với nghề diễn câu chuyện phân bì chính - phụ cũng khó tránh được vì nhân vật chính luôn được đoàn phim ưu ái hơn. Bởi các nghệ sĩ được giao những vai diễn quan trọng thường cũng phải trải qua cả một quá trình dài phấn đấu và ở thời điểm này họ xứng đáng nhận được điều đó.
'Trong mỗi đoàn làm phim nhân vật chính luôn được ưu ái hơn là vì họ đã có cả một quá trình xây dựng tên tuổi, hoặc vì họ có khả năng diễn xuất đặc biệt, hơn người. Ngay cả lịch quay nhiều khi cũng phải phụ thuộc vào lịch của vai chính. Tôi nghĩ rằng câu chuyện tế nhị này đã, đang và sẽ còn diễn ra, chúng ta nên học cách sống chung với nó thôi'. - Dương Cẩm Lynh chia sẻ.
Hiện tại, Dương Cẩm Lynh đang đảm nhận vai diễn Tuyết Ngọc trong bộ phim Tiệm ăn Dì ghẻ do VFC sản xuất vào lúc 21h30, tối thứ 2 - thứ 3 hàng tuần trên sóng VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam.
Tuấn Lê
Stylist: Trần Nhật Duy
Photo: Mr Bill
Makeup: Minh Lộc
Costume: Linh San
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI: Mùa sen vàng trở lại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI sẽ diễn ra từ ngày 23 - 27/11 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập". Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI là hoạt động lớn của Điện ảnh Việt Nam,...