Lịch sử hình thành và phát triển của son môi
Son môi từng bị cấm ở Anh một thời gian dài và những người thoa son bị xem như phù thủy. Khoảng 100 năm trở lại đây, Hollywood đã đưa chúng quay lại.
Son môi từ lâu đã là món đồ không thể thiếu trong túi xách của chị em phụ nữ. Tô son là bước cuối cùng trong trang điểm, tạo sự tự tin, gợi cảm. Ngay cả với người không biết hoặc ít có thời gian trang điểm, chỉ cần một thỏi son bóng hay son lì đỏ đã giúp gương mặt rạng rỡ hơn. Có nhiều người không bao giờ ra khỏi nhà nếu chưa thoa son.
Mối quan hệ mật thiết giữa phụ nữ và son môi nảy sinh từ rất lâu, khi người Ai Cập “nhuộm” miệng của mình bằng đất sét đỏ và oxit sắt. Ở Hy Lạp, vào năm 1.000 trước Công Nguyên, son đỏ được gái mại dâm sử dụng để phân biệt với những người phụ nữ có đẳng cấp trong xã hội. Trong nhiều thế kỷ, dấu son đỏ được xem như một điểm đánh dấu tội lỗi.
Vào thế kỷ 17, nhà thờ tin rằng trang điểm là việc làm của ma quỷ và những ai dùng son được xem như phù thủy. Trong thời đại Victoria ở thế kỷ 19, việc dùng son bị cấm tại Anh. Đến thế kỷ 20, son môi mới thịnh hành trở lại.
Son môi dạng ống xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 20.
Phá vỡ nhiều điều cấm kỵ, Hollywood đã dần đem son môi trở lại với phái đẹp. Khi các diễn viên thoải mái dùng son trên màn ảnh cũng là lúc nhiều phụ nữ bắt đầu bí mật thoa son tự pha chế tại nhà. Diễn viên Sarah Bernhardt, người được mệnh danh là “nữ diễn viên nổi tiếng nhất mọi thời đại”, thường xuất hiện trên và ngoài thảm đỏ với đôi môi đỏ mọng. Hình ảnh này của bà được người hâm mộ dần bắt chước, làm theo.
Cho đến đầu những năm 1900, son môi được làm chủ yếu từ thuốc nhuộm, chiết xuất của các loại côn trùng sấy khô và thoa lên môi bằng chổi nhỏ. Khoảng năm 1915, cây son dạng ống, hình trụ bắt đầu xuất hiện. Vài năm sau, các thương hiệu như Estée Lauder, Chanel hay Elizabeth Arden bắt đầu bán son dạng thỏi.
Vào năm 1936, tờ New York Times tuyên bố, “son môi thiết yếu như quần áo” và “quan trọng gần như thực phẩm hàng ngày”. Theo thống kê, năm 1940, 90% phụ nữ Mỹ dùng son môi. Veronique Vienne, giám đốc và biên tập của các tờ báo dành cho phụ nữ như Harper’s Bazaar, Redbook, Elle, cho biết: “Nó không chỉ là son môi mà còn là một biểu tượng”.
Marilyn Monroe gắn liền với hình ảnh đôi môi đỏ mọng quyến rũ. Ngày nay, màu son đỏ vẫn được xem là biểu tượng của sự gợi cảm dù các người đẹp Hollywood thích thử nghiệm những màu sắc son mới để tạo sự cá tính.
Khi thời trang và trang điểm phát triển như hiện nay, son môi được thiết kế theo một bảng màu đa dạng. Thành phần của son thường chứa sáp, dầu, mỡ, chất làm mềm da và sắc tố. Chất làm mềm thường bao gồm vitamin E, lô hội… hoạt động như một loại kem dưỡng ẩm. Sắc thái màu son được sản xuất bằng cách tổng hợp các khoáng chất hoặc thuốc nhuộm tổng hợp.
Theo VNE