Lịch sử Ferrari – “ngựa chồm” vĩ đại và hành trình trở thành thương hiệu siêu xe tỷ đô
Ra mắt từ năm 1947, biểu tượng chú ngựa chồm Ferrari là đại diện của tốc độ và sự sang trọng. Hiện nay, hãng vẫn là một trong những thương hiệu xe có giá trị cao nhất thế giới.
Năm 2017, giá trị của Ferrari chạm ngưỡng 21 tỷ USD (khoảng 478 nghìn tỷ đồng). Hành trình từ công ty sản xuất xe đua non trẻ, đến hãng xe hơi lừng danh như hiện nay quả là một kỳ tích, và kỳ tích đógắn liền với cái tên người sáng lập Enzo Ferrari.
Năm 2015, Ferrari IPO trên Thị trường Chứng khoán New York với giá trị gần 10 tỷ USD. Hai năm sau, giá trị của công ty này tăng gấp đôi, lên 21 tỷ USD. Điều này khiến họ trở thành một trong những thương hiệu xe hơi có giá trị nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Biểu tượng chú ngựa đứng bằng hai chân sau, ưỡn ngực, giương cao hai chân trước của họ đại diện cho sự quyến rũ, tiền bạc và cuộc sống cao sang.
Ferrari không phải sinh ra đã là thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu hào nhoáng với cổ phiếu đang được giao dịch tại New York. Những ngày đầu, họ hoạt động với tư cách một công ty sản xuất xe đua quy mô nhỏ và có trong đội đua của mình tay đua sáng giá người Mỹ gốc Ý mang tên Chinetti. Cũng chính Chinetti đã góp phần đưa Ferrari lột xác thành một hãng cung cấp những chiếc siêu xe xa xỉ cho giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Thành công của Ferrari khiến Ford muốn đầu tư vào họ nhưng không thành công. Sau này, Ferrari trở thành một phần của FIAT và Ford là đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất với họ trên các đường đua.
Mời các bạn cùng nhìn lại hành trình tuyệt vời kéo dài 70 năm của Ferrari.
Năm 1908, Enzo Ferrari khi đó 10 tuổi được chứng kiến cuộc đua xe hơi đầu tiên và cậu nhanh chóng bị nó cuốn hút. Khi tới tuổi thanh niên, Enzo buộc phải nhập ngũ để phục vụ quân đội Ý cho Thế chiến thứ nhất.
Enzo Ferrari khi còn là một tay đua
Sau chiến tranh, Enzo đã rất vất vả khi tìm việc trong ngành công nghiệp ô tô. Ông xin vào FIAT nhưng bị từ chối do họ đã nhận quá nhiều cựu chiến binh thất nghiệp. Cuối cùng, ông tìm được việc ở một hãng sản xuất xe hơi nhỏ hơn.
Đầu những năm 1920, Enzo bắt đầu làm việc tại Alfa Romeo dưới tư cách một tay đua. Đội đua của Alfa Romeo bao gồm cả huyền thoại Tazio Novolari, người đã từng giành tới 24 giải Grands Prix cùng nhiều danh hiệu khác.
Năm 1929, Enzo thành lập đội đua Scuderia Ferrari (Team Ferrari). Chưa có công ty nào được thành lập để sản xuất xe và điều hành đội đua, Scuderia là một từ dùng để chỉ những đội đua mà các tay đua sử dụng chính những chiếc xe mà họ sở hữu. Và đội đua này chủ yếu sử dụng xe của Alfa Rome. Tới năm 1933, Scuderia Ferrari trở thành mảng phụ trách xe đua của Alfa.
Năm 1937, Enzo đóng cửa Scuderia Ferrari và trở thành giám đốc Alfa Corse, nhà máy sản xuất xe đua của Alfa. Tuy nhiên, Enzo không cảm thấy hạnh phúc và sớm bỏ việc.
Chiếc AAC 815, mẫu xe đầu tiên do Ferrari sản xuất
Năm 1939, một tuần sau khi rời Alfa Corse, Enzo đã thành lập Auto Avio Costruzioni. Và AAC 815 là chiếc xe đầu tiên mà Ferrari tự phát triển. Năm 1940, AAC sản xuất được hai chiếc 815 nhưng cả hai đều bị cấm mang tên Ferrari vì một thỏa thuận không cạnh tranh giữa Enzo và những hãng mà ông từng làm việc trước đây. Thỏa thuận này cấm Ferrari sử dụng tên của mình trên những chiếc xe đua hoặc xe có liên quan tới xe đua trong ít nhất bốn năm.
Mặc dù Thế chiến thứ hai buộc Ferrari phải giảm bớt những hoạt động liên quan tới đua xe nhưng công ty đã trở lại hoạt động ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, Ferrari trình làng động cơ V12 mới, thứ có thể trở thành một trong những đặc trưng của hãng.
Năm 1947, Ferrari trình làng chiếc 125 và đây là chiếc xe đầu tiên mang tên Ferrari bởi thỏa thuận giữa họ với Alfa đã chấm dứt.
Luigi Chinetti, áo da màu đen, người đề xuất với ý tưởng bán xe thể thao cho mọi người
Cuối những năm 1940, Luigi Chinetti, một tay đua thành công sinh ra tại Ý và vừa được nhập quốc tịch Mỹ, đã gợi ý cho Ferrari về triển vọng sản xuất những chiếc xe thể thao cho mọi người.
Ferrari đã do dự trước ý tưởng của Chinetti vì mục đích chính của họ là giành chiến thắng trong các cuộc đua. Vào thời điểm đó, Ferrari chỉ sản xuất và bán xe cho những đội đua xe. Chinetti đã bắt đầu đua bằng xe của Ferrari và giành chiến thắng tại rất nhiều giải đua trên khắp thế giới.
Đầu những năm 1950, Luigi Chinetti đã nhận được những chiếc xe thể thao mà ông muốn và mở một trong những đại lý Ferrari đầu tiên tại Mỹ. Showroom bán xe của Chinetti nằm ở Manhattan nhưng sau này lại chuyển tới Connecticut. Mỹ đã trở thành một thị trường màu mỡ cho Ferrari. Thậm chí hiện tại, xứ cờ hoa vẫn là thị trường mang lại cho Ferrari nhiều lợi nhuận nhất.
Điều này mở ra một hướng kinh doanh hoàn toàn mới và cực kỳ triển vọng cho Ferrari. Những mẫu xe huyền thoại như California Spider, GTO và Testarossa đã mau chóng xuất hiện.
GT40, mẫu xe huyền thoại giúp Ford lật đổ sự thống trị của Ferrari tại Le Mans 1966
Những năm 1960, xe của Ferrari còn thể hiện sức mạnh vượt trội trên các đường đua. Năm 1963, CEO Henry Ford II của Ford đã quyết định hỏi mua mảng sản xuất xe đường phố của Ferrari. Thương vụ thất bại sau khi Enzo phát hiện ra rằng nếu hợp tác họ sẽ phải xin tiền từ Ford để có thể tiếp tục tham dự các cuộc đua.
Tức giận vì không thể hoàn thành thương vụ béo bở, Ford quyết tâm đánh bại Enzo trong giải đua 24 Hours of Le Mans.
Trong giai đoạn đó, Ferrari thống trị Le Mans. Enzo và nhóm của ông đã vô địch giải đua thể thao kéo dài 24 tiếng này tới 6 lần liên tiếp, từ năm 1960 tới 1965. Tới năm 1966, con bài mà Ford dùng để thách thức Ferrari đã sẵn sàng. Chiếc GT40 huyền thoại đã được đăng ký để lăn bánh trên đường đua Le Mans.
Đội đua của Ford vô địch liên tiếp 4 năm sau đó
Henry Ford II đã báo thù thành công. GT40 giành chiến thắng tại Le Mans khi chiếm cả 3 vị trí dẫn đầu, kết thúc sự thống trị của Ferrari. Trên đà chiến thắng, Ford vô địch Le Mans 4 năm liên tiếp, từ 1966 tới 1969.
Năm 1969, Enzo nhận thấy công ty của ông cần thêm nguồn lực không chỉ để thành công mà còn để tồn tại. Năm đó, Enzo đã bán tới 50% cổ phần của Ferrari cho FIAT, công ty đã từng từ chối tuyển ông.
Enzo Ferrari qua đời năm 1988
Enzo Ferrari qua đời vào năm 1988 ở tuổi 90. Trước khi chết, ông đã ký phê duyệt chiếc xe đặc biệt, được sản xuất để kỷ niệm 40 năm thành lập Ferrari. Chiếc xe này mang tên F40.
Sau khi Enzo Ferrari qua đời, giám đốc gắn bó lâu năm với hãng Luca di Montezemolo đã đảm nhận vị trí Chủ tịch. Dưới sự dẫn dắt của ông, Ferrari đã phát triển thành một thương hiệu sang trọng trên toàn cầu.
F40, chiếc xe cuối cùng được Enzo phê duyệt
Hiện tại, các mẫu siêu xe của Ferrari được bán với giá hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu USD. Ngoài ra, Ferrari còn bán cả quần áo lẫn trang sức.
Trên đường đua, Ferrari vẫn thống trị hầu hết giải đấu. Kể từ khi Enzo qua đời tới nay, đội đua Formulla One của Ferrari, vẫn mang tên Scuderia Ferrari, đã giành tới 8 chức vô địch thế giới.
Luca di Montezemolo, người kế tục sự nghiệp của Enzo Ferrari
Sau đợt IPO thành công vào năm 2015, Ferrari đã chính thức chuyển từ một startup sản xuất xe đua thành một thương hiệu toàn cầu trị giá tỷ đô. Nhưng đúng với cội nguồn của mình, Ferrari niêm yết chứng khoán trên sàn New York với mã RACE.
Theo người thành công, genk
Từ cuộc chiến của 2 "vĩ nhân" này, chiếc xe đua vĩ đại nhất nước Mỹ đã "ra lò"
Không chỉ giúp Ford lật đổ ách thống trị của Ferrari cũng như các tên tuổi châu Âu trên đường đua Le Mans, GT40 còn là một trong những cỗ xe đua thành công nhất trong lịch sử giải đấu này.
Mọi chuyện bắt đầu khi Henry Ford đệ nhị mong muốn công ty của mình góp mặt trên đường đua. Tuy nhiên, có một vấn đề không nhỏ là Ford Motor Company khi ấy không hề có trong tay một mẫu xe thể thao. Để có được một chiếc xe như vậy trong thời gian ngắn nhất, Henry Ford II đã tính tới việc mua lại Ferrari, một thương hiệu đã nổi tiếng trên toàn thế giới với những chiếc xe đường phố và cả xe đua. Ông đã gửi một phái viên tới Modena, Italia để tiến hành thương thảo với Enzo Ferrari.
Những người Mỹ đã ra giá 10 triệu USD và mọi thứ chuẩn bị đi đến hồi kết. Nhưng Ferrari bất ngờ không đồng ý với một điều khoản trong hợp đồng cho phép Ford quản lý ngân sách cũng như ra quyết sách cho đội đua của ông. Vì không muốn mất đi quyền tự chủ, Ferrari đã gửi cho Henry Ford II một tin nhắn mà nhân vật quyền lực này không mấy khi được nghe. Đó là có những thứ mà tiền của ông không thể mua.
Sau gáo nước lạnh từ huyền thoại sống nước Ý, người đàn ông có biệt danh 'Hank the Deuce' như bị chạm vào lòng tự ái. Ông nung nấu ý tưởng báo thù bằng việc dồn mọi nguồn lực của công ty, bao gồm cả tiền bạc và tiềm lực kỹ thuật để hạ bệ 'ngựa chồm'. Ông ra lệnh Ford phải có một đội đua của riêng mình để thực hiện một mục tiêu duy nhất: đánh bại Ferrari tại cuộc đua tốc độ danh giá nhất thế giới - Le Mans 24 Giờ.
Henry Ford II
A.J.Baime - tác giả của cuốn sách Go Like Hell: Ford, Ferrari, and Their Battle for Speed and Glory at Le Mans (tạm dịch là 'Lao điên cuồng: Ford, Ferrari và cuộc chiến tốc độ và vinh quang tại Le Mans') đã có một nhận định thú vị về màn đọ sức giữa hai nhân vật kiệt xuất này. Ông nói: "Hai người đàn ông này đều là những tâm điểm chú ý. Ở đây bạn có vị CEO quyền lực và nổi tiếng nhất tại Mỹ, Henry Ford II đối đầu Enzo Ferrari - người đàn ông ái kỷ nhất trên đời, nhưng xứng đáng như vậy bởi ông là một thiên tài."
Và từ chính cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ, một biểu tượng mới đã xuất hiện để rồi trở thành chiếc xe đua vĩ đại nhất mà người Mỹ từng tạo ra. Ford GT40 là một bản phối giữa đặc tính của xe đua hot-rod California với tinh hoa trên đường đua tốc độ cao NASCAR. Thế nhưng, chiếc xe này lại thất bại trong việc hoàn thành cuộc đua Le Mans trong hai năm 1964 và 1965.
Dù vậy, bằng những đột phá thử nghiệm và một chiến thuật phanh chưa từng có, GT40 đã xuất sắc cán đích đầu tiên tại Le Mans 1966. Chỉ vài tuần trước khi sự kiện này diễn ra, Henry Ford II đã gửi cho Leo Beebe - người đứng đầu dự án xe đua của Ford một đoạn viết tay ngắn ngủi nhưng đầy sức mạnh: "Tốt hơn là ông phải thắng".
Enzo Ferrari
Với vị thế là một gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Ford đã không mấy khó khăn để đánh bại Ferrari - một thương hiệu nhỏ bé trên đường đua. Đó là một kết cục đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, những gì mà Ford làm được vẫn rất đáng ngưỡng mộ. Bởi lịch sử đã chứng minh rằng tiền bạc chưa chắc đã được chuyển hóa thành chiến thắng.
Quan điểm này đã được nhấn mạnh bởi Preston Lerner - tác giả của cuốn Ford GT: How Ford Silenced the Critics, Humbled Ferrari and Conquered Le Mans (tạm dịch là Ford GT: Cách Ford dập tắt chỉ trích, hạ bệ Ferrari và chinh phục Le Mans). Ông nói họ đã đổ cả đống tiền nhưng không có gì đảm bảo cho một thắng lợi trong cuộc đua. Ford cần có những con người thích hợp cho nhiệm vụ này. Đó là những người thợ cơ khí, điều hành đua cũng như các tay đua.
Điều đó đã được thể hiện trong hai năm 1964 và 1965. Chiếc xe đua của Ford tỏ ra rất nhanh nhẹn song họ không thể tìm ra cách để giúp nó trụ vững trong suốt một ngày đêm. Hộp số thì hỏng trong khi vòng đệm bị nổ. Không những vậy, khí động học cũng là một vấn đề lớn khi mà lực nâng được sản sinh ra quá nhiều ở vận tốc 320km/h. Sau khi hai chiếc GT40 gặp tai nạn trong khi thử nghiệm vào năm 1964, tay lái Roy Salvadori đã tuyên bố rời cuộc chơi. Lý do mà ông đưa ra là vì muốn bảo vệ mạng sống của mình.
Ford GT 40 Mk II
Phanh là một vấn đề thường trực. Các ký sư của Ford đã tính toán rằng khi tài xế đạp phanh ở phía cuối Mulsanne Straight (đoạn đường thẳng dài 6km trên trường đua Le Mans), các rotor của phanh trước có thể bị đốt nóng lên tới 815 độ C chỉ sau vài giây. Do đó, kìm hãm GT40 ở vận tốc 337km/h đã trở thành một thách thức cho người cầm lái bởi mỗi lần như vậy là họ lại phải đối mặt với nguy cơ kết thúc cuộc đua sớm vì phanh bị hỏng.
Dan Gurney, một thành viên trong đội đua của Ford đã nói với Lerner rằng mọi thứ ông làm trong cuộc đua là nhằm bảo vệ phanh. Khi đến đoạn cuối của Mulsanne, ông sẽ nhả ga ngay trước khu vực hãm phanh rồi thả trôi thay vì giảm tốc đột ngột bằng phanh.
Nhưng đến khi Phil Remington, một kỹ sư trong đội nghĩ ra hệ thống phanh thay nhanh, cho phép các kỹ thuật viên thay mới má phanh và rotor trong lúc đổi tay đua. Từ đó, nỗi lo thường trực về tuổi thọ của phanh đã không còn ám ảnh các tay đua của Ford. Ghen tỵ với lợi thế đó, các đội đua khác đã phàn nàn rằng Ford đã phá luật. Nhưng sự thật là chẳng có luật lệ nào ở đây cả. Và đó không phải là khu vực duy nhất mà Ford áp dụng các tuyệt chiêu.
Để đảm bao rằng những "quả tim sắt" có thể trụ vững trong suốt cuộc đua, Ford đã cho chúng chạy trên một thiết bị đo đạc được điều khiển bằng chương trình mô phỏng hiệu năng và sức bền. Họ xác định tốc độ vòng tua máy và thời điểm sang số của chiếc xe trên một vòng đua Le Mans. Sau đó, họ dùng hệ thống servo điều khiển bởi máy tính thực hiện màn chạy động cơ theo đúng dữ liệu ghi lại trong phòng thí nghiệm.
Từ đây, các kỹ sư có thể cho động cơ hoạt động đến khi phát nổ để tìm ra lỗi và khắc phục ở loạt động cơ tiếp sau. Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi cỗ máy 8 xi-lanh này có thể trụ được gần hai kỳ mô phỏng cuộc đua Le Mans liên tiếp. Đến lúc này, họ mới cho rằng động cơ đã đủ sức chịu đựng để tham gia cuộc đua khắc nghiệt nhất hành tinh.
Trong màu áo của đội Shelby American Inc, Ford GT40 đã mang về chức vô địch đầu tiên Le Mans đầu tiên cho một hãng xe Mỹ. Chiếc xe về đích sớm nhất mang số hiệu #2 do Bruce McLaren - người khai sinh ra thương hiệu siêu xe Anh quốc sau này và Chris Amon điều khiển. Xếp thứ hai và ba vẫn là những chiếc xe của Ford.
Đến năm 1967, Ford quay lại nước Pháp và bảo vệ được ngôi vị quán quân của mình tại Le Mans. Quá mãn nguyện với thành tích này, Henry Ford II quyết định ngừng hỗ trợ chính thức cho dự án. Dù vậy, trong hai năm 1968 và 1969, chức vô địch vẫn không thoát khỏi tay GT40 nhưng là của đội đua J.W. Automotive Engineering (Anh).
Tạp chí công nghệ uy tín Popular Mechanics cho biết Ford GT40 là một chiếc xe êm ái hơn nhiều người vẫn nghĩ. Được thiết kế để phục vụ những chuyến đi dài, ghế ngồi cho thấy sự mềm mại và có khả năng thoát hơi. Tầm nhìn hướng về phía trước được đánh giá là xuất sắc. Và bằng cách nào đó, không gian bên trong là rất rộng rãi, thoải mái, trái ngược với kích thước tổng thể tương đối nhỏ của chiếc xe.
Với tổng quãng đường có thể lên tới hơn 4800km, Ford GT40 chính là thứ mà bạn muốn đồng hành trong suốt chuyến đi. Nhưng khi khởi động cỗ máy V8 đặt giữa, bạn sẽ nhớ ra rằng đây là một cỗ xe đua, có khả năng đạt tới vận tốc hơn 320km/h, một con số kinh hoàng ở thập niên 60. Không có trợ lực lái, không trợ lực phanh và cũng không có các hệ thống an toàn điện tử.
Lao đi với vận tốc 160km/h ở số 3 giống như khi bạn đang ở trong một chiếc sidecar được buộc vào tàu du hành vũ trụ Space Shuttle. Và phải hơn gấp đôi như thế mới đạt đến tốc độ cực đại. Điều khiển chiếc xe ở vận tốc gần 340km/h tại đoạn Mulsanne trong đêm tối sau 4 giờ hành xác liên tục - những người cầm cương chắc hẳn phải rất dũng cảm hoặc bị điên. Hoặc có lẽ là cả hai.
Chỉ trong vòng vài năm với sự ra đời của ngựa hoang Mustang cùng những chiến thắng áp đảo tại Le Mans 24 Giờ đã giúp Ford đánh bóng tên tuổi của mình. Rất nhiều bài học từ chương trình Le Mans đã được Ford áp dụng cho những chiếc xe đường phố sau này, đặc biệt là phương pháp thử nghiệm độ bền điều khiển bằng máy tính. Thế nhưng, Ford chỉ coi chương trình này là một công cụ marketing thay vì là một cuộc chinh phạt hướng đến sự đột phá.
Ngày nay, nhiều thương hiệu xe hơi vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới các dự án xe đua bằng việc chi ra rất nhiều tiền. Ví dụ như Audi - kẻ thường xuyên thống trị Le Mans kể từ đầu thế kỷ 21 vẫn đầu tư khoảng 250 triệu USD mỗi năm cho đội đua của mình. Còn với Ferrari, hãng này được cho là chi tới 500 triệu USD mỗi năm cho chương trình xe đua F1.
Nếu quy ra doanh số, khoản tiền trên tương đương với một lượng xe khổng lồ. Thế nhưng, chẳng mấy khách hàng biết đến R18 e-tron quattro, chiếc xe đua cuối cùng của Audi vô địch tại Le Mans. Dù sao, các cuộc đua vẫn là một phần không thể tách rời với những thương hiệu như Ferrari, còn với các brand phổ thông như Audi hay Toyota, không dễ để bào chữa cho những khoản đầu tư đắt đỏ vào các dự án dành cho đường đua.
Theo ước tính, Ford đã tốn ít nhất 25 triệu USD vì ham muốn thi thố của 'the Deuce'. Đấy là còn chưa kể 1 triệu USD đã bị nướng sạch trong năm 1968 trước khi chính thức ngừng hỗ trợ tài chính cho dự án Le Mans. GT40 trở thành món đồ phế liệu kể từ năm 1970 nhưng bản trường ca về cỗ máy biểu tượng này vẫn còn tiếp diễn.
Ford GT
Superformance GT40 Mk II là một model nối tiếp - phiên bản tái sản xuất và được di chuyển hợp pháp trên đường phố của chiếc xe từng ôm trọn bục trao giải tại Le Mans 1966. Giống như hai thế hệ GT đường phố (2005-2006 và 2017), chiếc xe do Superformance hồi sinh đều gợi nhớ về cuộc chiến của cái tôi giữa hai vĩ nhân cứng đầu. Mới đây, chiếc xe này đã được sử dụng trong bộ phim 'Ford v. Ferrari', chuyển thể từ câu chuyện huyền thoại trên.
Theo tìm hiểu, những bản sao GT40 của SPF có sự tương đồng rất lớn với những chiếc Ford GT40 Mk II nguyên bản. Thậm chí, Popular Mechanics còn khẳng định có tới 2/3 thành phần bệ khung gầm của những model bản sao có thể được trao đổi với xe gốc. Khách hàng có thể lựa chọn động cơ của thế giới hiện đại hoặc chính cỗ máy V8 7,0 lít để gia tăng hương vị lịch sử. Ngoài ra, những người có thân hình cao lớn vẫn ngồi bên trong chiếc xe một cách thoải mái với tùy chọn mui 'Gurney bubble'. Được biết, SPF sản xuất các phiên bản tiếp nối GT40 với sự cấp phép của Safir Spares LLC - công ty đang nắm giữ bản quyền đối với thương hiệu GT40.
Vào giữa thập niên 2000, Ford đã tung ra một siêu xe mang cảm hứng của GT40. Để phát triển model này, Ford đã mời gọi Carroll Shelby, người đứng đầu Shelby American từng có rất nhiều đóng góp vào thành công của GT40. Ở dạng concept, chiếc xe vẫn mang tên GT40 nhưng vì các vướng mắc với bên nắm giữ bản quyền nhãn hiệu này, Ford đã quyết định đổi tên chiếc xe thành GT.
Ford GT thế hệ thứ 2
So với GT40, siêu xe này không có một điểm chung nào về mặt cấu trúc. GT40 vẫn được cung cấp năng lượng từ khối động cơ V8 nhưng có dung tích 5,4 lít và được tăng lực bằng hệ thống siêu nạp. Với công suất 550 mã lực, cỗ máy này cho phép Ford GT tăng tốc từ 0-97km/h trong vòng 3,3 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 330km/h.
Dù có tốc độ rất tốt trên đường thẳng song GT không có nhiều đặc tính của một chiếc xe đua thuần chủng. Popular Mechanics cho biết GT nằm trong số ít những model hiện đại đi ngược lại quy luật mất giá. Ở trạng thái mới cứng, chiếc xe có giá 150.000 USD. Nhưng sau 15 năm, giá trị của nó không dưới 216.000 USD. Một thập kỷ sau, thế hệ thứ hai của Ford GT được trình làng. So với thế hệ đầu tiên, chiếc xe giờ đây được cải tiến mạnh cả về thiết kế cũng như nền tảng cơ khí.
Đến lúc này, những khối động cơ 8 xi-lanh đã phải nhường chỗ cho cỗ máy V6 nhỏ bé hơn. Tuy nhiên, công suất của GT đã được đẩy lên 647 mã lực ở bản tiêu chuẩn và lên tới hơn 700 mã lực ở model Mk II dành riêng cho đường đua. Giá bán tương ứng là 500.000 và 1,2 triệu USD. Như vậy, GT Mk II trở thành chiếc xe xuất xưởng đắt giá nhất trong lịch sử của Ford.
Ford GT LM
Có một chi tiết đặc biệt là tròn 50 năm sau chiến thắng lịch sử của GT40, mẫu supercar mới ra mắt đã mang về một danh hiệu tại Le Mans, cụ thể là ở thể thức GT. Và một lần nữa, Ford lại đánh bại Ferrari.
"Câu chuyện về Ford GT40 vượt qua tất cả những nhân vật tâm điểm: Enzo, Lee Iacocc, Shelby, Henry Ford." - Baime nhận định. "Nhưng chiếc xe cũng là một nhân vật và nó cũng là một tâm điểm chú ý. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn nói về GT40 trong suốt 53 năm qua.
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Hé lộ siêu phẩm Aston Martin V12 Speedster phiên bản giới hạn 88 chiếc Không để Mclaren và Ferrari "trọn vẹn niềm vui", Aston Martin vừa công bố sẽ sản xuất chiếc Speedster phiên bản giới hạn với tên gọi "V12 Speedster". Không để Mclaren và Ferrari "trọn vẹn niềm vui", Aston Martin vừa công bố sẽ sản xuất chiếc Speedster phiên bản giới hạn của riêng mình, với tên gọi "V12 Speedster". Chiếc xe được thiết...