Libya: Hàng trăm lính đánh thuê Nga tháo chạy, Pantsir S1 bị “vùi dập”
Hàng trăm lính đánh thuê Nga sơ tán khẩn cấp khỏi mặt trận ở thủ đô Libya, sau những thất bại ê chề của phe Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar chỉ huy.
Một tổ hợp phòng không Pantsir S1 do Nga sản xuất bị phe GNA đưa về thủ đô Tripoli.
Phe LNA đã cố gắng chiếm thủ đô Tripoli từ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận trong suốt 13 tháng qua. Gần đây, LNA liên tiếp hứng chịu thất bại dù được Nga hậu thuẫn mạnh mẽ.
Bằng chứng là các tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir S1 trứ danh của Nga bị phe GNA thu giữ và đưa về diễu hành ở thủ đô Tripolo, Libya.
Trong một diễn biến mới nhất, phe LNA do tướng Khalifa Haftar chỉ huy có dấu hiệu từ bỏ mặt trận ở thủ đô Tripoli. Ước tính hàng trăm lính đánh thuê Nga bắt đầu rút khỏi chiến tuyến trong ngày 25.5.
“Một chiếc máy bay vận tải Antonov 32 hạ cánh ở sân bay Bani Walid, sơ tán lính đánh thuê Nga thuộc tổ chức Wagner Group khỏi khu vực miền nam Tripoli. Không rõ điểm tập kết của các lính đánh thuê Nga là ở đâu”, phe GNA viết trên mạng xã hội Twitter.
Video đang HOT
Pantsir S1 hư hại nặng sau đòn không kích của máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ước tính của GNA, khoảng “1.500-1.600 lính đánh thuê, bao gồm lính đánh thuê Nga, đã rút khỏi chiến tuyến đến thành phố Bani Walid, cách Tripoli khoảng 150km về hướng đông nam.
Riêng trong ngày 25.5, 7 máy bay vận tải được nhìn thấy hạ cánh ở thành phố để vận chuyển người, đạn dược và vũ khí hạng nặng.
Video đăng tải trên kênh truyền hình al-Ahrar ở Tripoli, cho thấy cảnh lính đánh thuê Nga lên máy bay vận tải Antonov 23. Tổ hợp phòng không Pantsir S1 đóng vai trò cảnh giới ở sân bay, theo Al Jazeera.
Sự rút lui của người Nga khỏi mặt trận ở thủ đô Tripoli được coi là đòn giáng mạnh vào những toan tính của tướng Haftar. Cuộc nội chiến Libya đã kéo dài từ năm 2014 và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.
Muhammad Qanunu, phát ngôn viên lực lượng GNA, tuyên bố các tay súng LNA nếu không hạ vũ khí đầu hàng sẽ bị tiêu diệt. “Chúng tôi đang tích cực giải phóng các khu vực lân cận xung quanh Tripoli để người dân có thể quay trở lại. Chúng tôi đang theo dõi kỹ lưỡng hoạt động của đối phương và sẵn sàng đánh bại họ”, Qanunu nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên của phe LNA, Al-Mesmari tuyên bố các tay súng rút lui ở phía nam Tripoli để “ổn định lực lượng”.
Sự rút lui của lính đánh thuê Nga và tổn thất đối với các tổ hợp Pantsir S1 là bước lùi lớn đối với phe LNA.
Theo bản báo cáo trình lên Liên Hợp Quốc, công ty Wagner Group có trụ sở ở Moscow, đã huy động khoảng 1.200 lính đánh thuê là người Nga đến hỗ trợ phe của tướng Haftar.
Lực lượng này được nhận diện nhờ trang thiết bị vũ khí chuyên dùng cho quân đội chính quy Nga.
Emad Badi, chuyên gia về Libya ở tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, nói: “Trong 8 tháng qua, sự hiện diện của lính đánh thuê Nga đã giúp phe của tướng Haftar chiếm ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, những gì xảy ra cho thấy lực lượng do Nga hậu thuẫn không đủ sức chiếm thủ đô Tripoli do phe GNA kiểm soát”.
Một trong những nguyên nhân khiến phe LNA hứng chịu tổn thất nặng nề, thậm chí để mất các tổ hợp phòng không Pantsir S1 là sự can thiệp trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã vô hiệu hóa ít nhất 7 tổ hợp Pantsir S1 của phe LNA, trong đó có 3 tổ hợp bị thu giữ ở thực địa và được phe GNA đem về diễu hành ở thủ đô Tripoli.
Đức muốn ngừng cung cấp vũ khí cho Libya
Cần dừng lại việc cung cấp vũ khí cho Libya, nếu không nước này sẽ trở thành Syria thứ hai, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Haiko Maas.
"Đồng minh của các bên tham gia vào cuộc nội chiến nên dừng việc gửi vũ khí và binh lính tới Libya", ông Maas trả lời với tờ báo Bild am Sonntag, và nói thêm rằng "chúng ta phải ngừng việc cung cấp này để giúp Libya không trở thành một Syria thứ hai".
Đức, vào hôm thứ ba chính thức tuyên bố tổ chức một hội nghị về giải quyết tình hình ở Libya, sẽ diễn ra ngày 19 tháng 1 tại Berlin, trong đó, đại diện các nước Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, EU, Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác được mời đến. Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA), Fayez Sarraj, và người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA), Thống chế Khalifa Haftar, cũng đã xác nhận họ sẽ tham dự hội nghị Berlin.
Hội nghị Berlin sẽ được tổ chức sau cuộc hội đàm giữa các chính phủ Libya tại Moscow với sự tham gia của đại diện hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Haftar đã rời Moscow mà không ký thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền Tripoli. Phái đoàn GNA đã ký thỏa thuận, sau đó đến Istanbul.
Sau khi lật đổ và ám sát nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya gần như không còn hoạt động như một quốc gia thống nhất. Hiện tại, chính quyền kép đang được áp dụng trong nước. Ở phía đông là Quốc hội do người dân bầu chọn, và ở phía tây, tại thủ đô Tripoli, Chính phủ Đoàn kết dân tộc, được thành lập với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu. Chính quyền của khu vực phía đông của đất nước hoạt động độc lập với Tripoli và hợp tác với Quân đội Thống chế Khalifa Haftar của Libya.
Phương Thảo
Theo giaoducthoidai.vn/Ria.ru
Cơ hội nào cho Idlib sau cuộc gặp Nga Thổ? Chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tình hình leo thang căng thẳng tại Idlib. Mục tiêu lớn nhất của ông Erdogan? Chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh có thể nói hai bên đang có nhiều căng thẳng, bất đồng trong một số...