LHQ phối hợp mở lộ trình vận chuyển lương thực ở Ukraine
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng thông tấn quốc gia Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết nước này cùng với Nga, Ukraine và Liên hợp quốc (LHQ) đang chuẩn bị lộ trình mở một hành lang để các tàu vận tải lương thực rời khỏi Ukraine một cách an toàn.
Ngũ cốc sau khi được thu hoạch tại một nông trang ở vùng Odessa, Ukraine, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận LHQ đã đề nghị thiết lập nhóm tiếp xúc 4 bên – gồm Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ – nhằm giải quyết hoạt động di chuyển của các tàu chở ngũ cốc từ các cảng của Ukraine và Ankara đã đồng ý về mặt nguyên tắc với đề nghị của LHQ.
Các bên đang có kế hoạch nhóm họp tại Istanbul trong vài ngày tới để thảo luận chi tiết về lộ trình di chuyển an toàn cho những con tàu chở lương thực. Hội nghị cũng dự định thiết lập một nền tảng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm duy trì liên lạc giữa Nga và Ukraine liên quan tới hoạt động di chuyển an toàn của các tàu chở lương thực, với dự kiến khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc được xuất khẩu ra các thị trường thế giới.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 2/6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các tàu chở ngũ cốc có thể rời khỏi các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen thông qua “các hành lang nhân đạo” và Moskva sẵn sàng đảm bảo an toàn cho những con tàu này.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 1/6 đã đưa ra cảnh báo rằng xung đột Nga – Ukraine có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước đang phát triển.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ở thủ đô Stockholm, Tổng Thư ký Guterres cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính. Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến người dân, quốc gia và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất. Ông ví đây như “một cơn bão” đe dọa phá hủy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga, cũng như của Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới. Do đó, ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu trên toàn cầu.
Tại Ukraine – nơi được coi là “vựa” lúa mỳ của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thể thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính, sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%.
Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và tình trạng này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau đó.
Nga hối thúc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/5 cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng tăng hiện nay phụ thuộc vào phương Tây và Ukraine.
Ngũ cốc sau khi được thu hoạch tại một nông trang ở vùng Odessa, Ukraine, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Bahrain, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng phương Tây đã gây ra "nhiều vấn đề" bằng cách đóng cửa các cảng đối với tàu, thuyền của Nga, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tài chính. Theo ông, các nước phương Tây cần "cân nhắc nghiêm túc giữa việc nêu ra các vấn đề an ninh lương thực với việc tiến hành các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi Ukraine rà phá bom, mìn tại các vùng lãnh hải của nước này để các tàu có thể đi lại an toàn qua Biển Đen và Biển Azov. Ông nêu rõ, nếu vấn đề này được giải quyết, Hải quân Nga sẽ đảm bảo việc đi lại thông suốt của các tàu đến Địa Trung Hải cũng như các điểm đến.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Phát biểu trong cuộc điện đàm ngày 30/5 với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva sẵn sàng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bao gồm ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Ông Putin tái khẳng định Nga có thể xuất khẩu lượng lớn phân bón và thực phẩm nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva được dỡ bỏ.
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết cơ quan này đang nỗ lực tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lương thực từ Ukraine, đặc biệt là đối với hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang bị kẹt tại các kho của nước này.
Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thiết lập cái gọi là "làn đường đoàn kết" nhằm đảm bảo Ukraine có thể xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa mà nước này cần, từ viện trợ nhân đạo đến thức ăn gia súc và phân bón, trong bối cảnh các cảng của Ukraine bị phong tỏa do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết EU cũng sẽ đẩy mạnh việc tự sản xuất lương thực và dự kiến lượng xuất khẩu ngũ cốc sẽ đạt mức kỷ lục 40 triệu tấn vào năm 2022 và 2023. Bà kêu gọi tất cả đối tác không hạn chế thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp.
Giải pháp nào để kho lương thực chất đầy ở Ukraine ra được thị trường thế giới? Không có nhiều lựa chọn dễ dàng để ngũ cốc chất đầy trong kho tại Ukraine đi ra thị trường toàn cầu. Odessa là cảng biển huyết mạch đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Ukraine. Ảnh: Getty Images Trận đánh Gallipoli năm 1915 trong Chiến tranh thế giới thứ nhất có một phần nguyên nhân là do khủng hoảng lương thực...