LHQ cảnh báo nhiệt độ Trái Đất vẫn có nguy cơ tăng 3 độ C
Ngày 9/12, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nhiệt độ Trái Đất vẫn có nguy cơ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm nay giảm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như các nước cam kết giảm phát thải.
Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại thị trấn Walgett, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đánh giá thường niên về mức phát thải do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) thực hiện, lượng khí thải carbon trong năm nay giảm 7% sẽ tác động không đáng kể trong việc kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất nếu thế giới không nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng khác “xanh” hơn thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch như hiện nay.
Báo cáo mang tên “Khoảng cách phát thải” của UNEP cho rằng sự “phục hồi xanh” sau đại dịch COVID-19, trong đó các nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0, có thể giúp cắt giảm 25% lượng khí thải vào năm 2030. Điều này có thể giúp thế giới tiến gần hơn đến mục tiêu dài hạn nhằm kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C theo như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015.
Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho biết báo cáo trên cho thấy kế hoạch “phục hồi xanh” sau đại dịch có thể giúp giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Video đang HOT
Năm ngoái, UNEP cho rằng từ nay đến năm 2030, mỗi năm thế giới phải giảm 7,6% lượng khí thải để đạt mục tiêu mức tăng nhiệt độ Trái Đất tham vọng hơn là 1,5 độ C. Năm nay có thể chứng kiến lượng khí thải giảm ở mức này sau khi hoạt động công nghiệp, đi lại và sản xuất đã giảm mạnh chưa từng thấy do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ giúp làm giảm 0,01 độ C sự nóng lên của Trái Đất vào năm 2050.
Các chuyên gia lo ngại rằng lượng khí thải carbon có thể tăng trở lại trong năm 2021. Tuần trước, LHQ còn cho biết các nước đã lên kế hoạch tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch thêm 2% mỗi năm trong thập kỷ này. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, thế giới phải giảm sản lượng dầu mỏ, khí đốt và than đá 6% mỗi năm.
UNEP cho rằng thế giới cần phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hỗ trợ trực tiếp công nghệ và cơ sở hạ tầng không phát thải, đồng thời giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, không xây dựng các nhà máy than đá mới, và tái trồng rừng quy mô lớn.
LHQ: Năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất lịch sử
Năm 2020 đang trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, thậm chí có thể vượt cả mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2016.
Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại thị trấn Walgett, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Nội dung này được đề cập trong báo cáo Thực trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2020 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ công bố ngày 2/12.
Theo báo cáo mới nhất của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 - 10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850-1900. Theo đó, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019, tính từ năm 1850.
Báo cáo cho biết năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão. Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển. Các năm nắng nóng trên Trái Đất thường có liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, năm nay lại trùng với thời điểm hiện tượng La Nina mạnh lên.
Dự kiến, WMO sẽ công bố báo cáo xác nhận dữ liệu trên vào tháng 3/2021.
Cũng trong báo cáo công bố ngày 2/12, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khẳng định biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các di sản thiên nhiên của thế giới được Liên hợp quốc công nhận như sông băng, rạn san hô, vùng đầm lầy.
Theo báo cáo, IUCN cho biết những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra hiện đe dọa đến hơn 30% trong tổng số 252 di sản thiên nhiên được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trên thế giới.
Cụ thể, 94 trong số các di sản thiên nhiên đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng hoặc nguy cấp do nhiều yếu tố như du lịch, hoạt động săn bắn, cháy rừng và ô nhiễm nguồn nước. Con số này tăng so với con số 62 di sản được đề cập trong nghiên cứu được công bố năm 2017.
Tổng Giám đốc IUCN Bruno Oberle nhấn mạnh báo cáo trên cho thấy biến đổi khí hậu đang phá hủy các di sản thiên nhiên của thế giới, từ hiện tượng sông băng giảm cho đến san hô bị tẩy trắng, các vụ cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng ngày càng gia tăng tần suất, điều này đỏi hỏi các nước cần cùng nhau giải quyết những thách thức về môi trường ở quy mô toàn cầu.
* Cùng ngày 2/12, Đài quan sát địa vật lý miền Trung Ukraine cho biết Kiev đã trải qua mùa Thu ấm nhất trong lịch sử gần 140 năm. Nền nhiệt độ trung bình trong mùa Thu (kết thúc ngày 30/11) đã tăng lên 11,6 độ C, cao hơn 3,6 độ C so với mức thông thường. Đây là mùa Thu Kiev ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1881.
Ngày 30/11 vừa qua là ngày lạnh nhất vào mùa Thu tại Kiev khi nhiệt độ vào buổi sáng xuống -3,8 độ C. Ngày 1/9 trở thành ngày ấm nhất trong mùa Thu và cũng là ngày nóng nhất trong cả năm tại Ukraine khi ghi nhận nhiệt độ lên tới 34,7 độ C.
Ukraine đã hứng chịu nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát. Trong tháng 4 năm nay, cháy rừng đã thiêu rụi 66.000 ha tại khu vực rừng bỏ hoang gần Chernobyl ở miền Bắc Ukraine. Các nhà khoa học dự báo tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu.
LHQ: Lũ lụt và lở đất ảnh hưởng đến 3,6 triệu người ở Đông Phi Lũ lụt đã khiến cuộc sống của nhiều người tại khu vực Đông Phi - vốn phải đối mặt với xung đột, bạo lực, nạn châu chấu sa mạc, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - càng trở nên khó khăn hơn. Cảnh ngập lụt do mưa lũ tại khu vực Al-Kadaro, phía Bắc thủ đô Khartoum, Sudan ngày 31/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)...