LHQ cảnh báo các vùng lãnh thổ Thái Bình Dương đối mặt với ’sự hủy diệt’
Ngày 22/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo một số vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ “ hủy diệt” từ bão, các đợt nắng nóng, mực nước biển dâng – vốn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cảnh ngập lụt khi bão Harold đổ bộ vào quốc đảo Vanuatu, tháng 4/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu trong chuyến thăm Samoa, Tổng thư ký LHQ cho biết “số phận” của các đảo trên Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc giới hạn ngưỡng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Gần 200 quốc gia đã cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu này trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, theo ước tính của LHQ, thế giới đang “không đi đúng hướng” để đạt mục tiêu trên.
Ông Guterres nêu rõ dù khu vực Thái Bình Dương chỉ tạo ra 0,02% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng các quốc đảo trong khu vực đang “ở tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải ứng phó với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các cơn bão nhiệt đới mạnh đến các đợt nắng nóng kỷ lục ở đại dương.
Bên cạnh đó, mực nước biển tại Thái Bình Dương đang dâng cao, thậm chí nhanh hơn mức trung bình trên toàn cầu, đe dọa tới hàng triệu người dân tại các quốc đảo nơi đây. Ông nhấn mạnh tình trạng này khiến người dân, các nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng, toàn bộ các vùng lãnh thổ đối mặt với nguy cơ “hủy diệt”.
Trước tình hình này, ông Guterres hối thúc các nước thu nhập cao thực hiện cam kết về hỗ trợ giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu, tình trạng đánh bắt cá quá mức và ô nhiễm rác thải nhựa trên Thái Bình Dương.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi hành động trước khủng hoảng khí hậu
Ngày 10/5 (giờ Kenya), Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng toàn cầu hỗ trợ hành động đối với cuộc khủng hoảng khí hậu và xung đột dân sự đang làm suy yếu nỗ lực tìm kiếm hòa bình, ổn định và tăng trưởng bền vững ở châu Phi.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, tại một cuộc họp ngắn bên lề Hội nghị Xã hội Dân sự LHQ, kết thúc cùng ngày tại thủ đô Nairobi của Kenya, ông Guterres nhấn mạnh châu Phi vẫn là tâm điểm của các trường hợp khẩn cấp về khí hậu mặc dù đóng góp không đáng kể của nước này vào việc phát thải khí làm hành tinh nóng lên. Nhà lãnh đạo LHQ nhận định: "Lục địa này đang bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt, với một cuộc khủng hoảng khí hậu khắc nghiệt từ lũ lụt chết người ở phía Đông đến hạn hán chết người ở miền Nam". Ông khẳng định châu Phi có thể vượt qua những thay đổi thất thường về khí hậu một khi lục địa này nhận được phần đầu tư hợp lý vào năng lượng tái tạo và các biện pháp thích ứng khác.
Ông Guterres nêu rõ: "Châu Phi có thể là một gã khổng lồ về năng lượng tái tạo", đồng thời lưu ý rằng lục địa này là nơi chứa 30% khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và 60% tài nguyên năng lượng mặt trời của thế giới". Ông bày tỏ tin tưởng LHQ sẽ thúc đẩy công lý khí hậu ở châu Phi, lục địa này chỉ nhận được 2% đầu tư vào năng lượng sạch trong những thập kỷ gần đây.
Người đứng đầu LHQ kêu gọi các nền kinh tế lớn tôn trọng cam kết tài trợ cho hành động về khí hậu ở châu Phi, đồng thời tăng cường đóng góp cho Quỹ Thiệt hại và Tổn thất mới thành lập.
Ngoài ra, ông Guterres cho biết việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương là cấp thiết nhằm tăng cường dòng vốn cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển, phần lớn trong số đó là ở châu Phi.
Mực nước biển dâng nhanh do El Nino và biến đổi khí hậu Ngày 21/3, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết mực nước biển đã dâng 76mm trong giai đoạn 2022 - 2023, gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2021 - 2022, do hiện tượng thời tiết El Nino mạnh và khí hậu ấm lên. Sóng tràn lên lối đi bộ lát ván tại Bãi biển Mission ở San...