LHQ: Bạo lực leo thang gây thảm họa nhân quyền ở Myanmar
Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết bạo lực leo thang khắp Myanmar và cảnh báo nước này rơi vào “ thảm họa nhân quyền”.
“Chỉ trong hơn 4 tháng, Myanmar từ một nền dân chủ mong manh trở thành thảm họa nhân quyền”, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho biết trong thông cáo ngày 11/6. “ Giới lãnh đạo quân sự Myanmar phải chịu trách nhiệm đặc biệt đối với cuộc khủng hoảng”.
Bachelet cho biết hoạt động quân sự gia tăng tại một số khu vực tại Myanmar, đồng thời kêu gọi ngừng leo thang bạo lực để ngăn chặn “thiệt hại nhân mạng ngày càng lớn” và “tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ngày một sâu sắc”.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn từ khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hồi tháng 2. Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 11/6 cho biết ít nhất 860 dân thường thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa lực lượng Myanmar và người biểu tình.
Giao tranh bùng phát tại một số cộng đồng dân cư, đặc biệt tại các thị trấn nơi nhiều người thiệt mạng trong các vụ đụng độ với cảnh sát Myanmar. Tại một số địa phương, dân chúng thành lập “lực lượng phòng vệ” để đối đầu với quân đội và cảnh sát Myanmar.
Video đang HOT
Cao ủy Bachelet cho biết bạo lực gia tăng tại nhiều địa phương Myanmar, gồm bang Kayah, Chin và Kachin. “Bạo lực đặc biệt dữ dội tại khu vực nơi các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số sinh sống”, Bachelet cho biết.
“ Lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục sử dụng vũ khí hạng nặng, bao gồm các cuộc không kích, nhằm vào các nhóm vũ trang, dân thường và các đối tượng dân sự khác, trong đó có nhà thờ đạo Kito”, Bachelet cho biết. “Dường như không có nỗ lực nào nhằm giảm leo thang, thay vào đó quân đội tăng thêm lực lượng ở các khu vực”.
Bachelet cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar pháo kích nhà dân và nhà thờ, chặn đường tiếp cận nhân đạo và thậm chí “tấn công” nhân viên cứu trợ. “Hơn 108.000 người phải rời bỏ nhà cửa tại bang Kayah trong ba tuần qua, nhiều người chạy vào rừng và không có thức ăn, nước uống, vệ sinh hoặc chăm sóc y tế. Đây là những người cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp”, Bachelet cho biết.
Cao ủy Bachelet nhấn mạnh quân đội Myanmar “có nhiệm vụ bảo vệ dân thường”, đồng thời cho biết cộng đồng quốc tế cần khẩn trương “thống nhất yêu cầu quân đội Myanmar ngừng sử dụng pháo hạng nặng tập kích dân thường cùng các mục tiêu dân sự, tôn trọng nguyên tắc phân biệt trong giao tranh”. Bachelet cũng kêu gọi các nhóm phiến quân Myanmar “thực hiện mọi biện pháp khả thi để bảo vệ dân thường”.
Bachelet chỉ trích việc quân đội Myanmar bắt thành viên phe đối lập và các nhà báo, cho biết ít nhất 4.804 người đang bị giam. “Ban lãnh đạo quân đội Myanmar là bên chịu trách nhiệm duy nhất trước cuộc khủng hoảng và họ phải giải trình”, Bachelet cho biết.
Quân đội Myanmar phản kích phiến quân
Quân chính phủ Myanmar dùng pháo và trực thăng tấn công nhóm phiến quân ở khu vực miền đông đất nước, sau khi lực lượng này tập kích binh sĩ.
Người dân sống ở khu vực gần biên giới của Myanmar với Thái Lan cho biết các đơn vị quân đội chính phủ ngày 31/5 pháo kích từ vị trí bên trong thủ phủ Loikaw của bang Kayah nhằm vào thị trấn Demoso, cách đó 14,5 km.
Đòn phản kích được thực hiện sau khi Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Karenni, một nhóm phiến quân dân tộc thiểu số ở bang Kayah, trước đó thông báo tấn công một đơn vị quân chính phủ tại Demoso. Nhóm này tuyên bố toàn bộ binh sĩ chính phủ bị giết trong cuộc tập kích, trong khi phiến quân chỉ mất một tay súng.
Một người tại Demoso nói phần lớn cư dân đã rời thị trấn chạy vào rừng để tránh pháo kích. "Tôi có thể nhìn thấy vệt đạn pháo trên bầu trời, gần 50 phát. Tiếng pháo long trời lở đất", một người ở Loikaw nói.
Binh sĩ Myanmar đứng gác tại một chốt kiểm soát an ninh ở thủ đô Naypyidaw ngày 17/2. Ảnh: AFP .
Quân đội Karen (KIA), nhóm phiến quân hoạt động ở bang Kayah, trên trang Facebook của mình cũng cho biết đã đụng độ với quân chính phủ. Hai trực thăng của quân đội Myanmar sau đó thực hiện các cuộc không kích nhằm vào vị trí của phiến quân vào tối 31/5.
Quân đội và chính quyền quân sự Myanmar chưa bình luận về thông tin.
Biểu tình và đình công bùng phát tại Myanmar sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hồi tháng 2, khiến quốc gia Đông Nam Á bị tê liệt trên nhiều lĩnh vực.
Xung đột hàng thập kỷ giữa quân chính phủ Myanmar và các nhóm phiến quân thiểu số gần đây bùng phát trở lại. Nhóm dân quân liên minh với phe đối lập tấn công quân chính phủ Myanmar, khiến họ đáp trả bằng vũ khí hạng nặng và các cuộc không kích, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Liên Hợp Quốc cho biết giao tranh tại bang Kayah khiến khoảng 37.000 người tại đông nam Myanmar phải di tản trong những tuần gần đây, nhiều người trốn vào rừng và cần lương thực cùng thuốc men.
Vị trí thị trấn Demoso (đánh dấu đỏ). Đồ họa: Google .
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 800 dân thường thiệt mạng từ khi quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực. Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết số người thiệt mạng là gần 300 và khó có khả năng xảy ra nội chiến ở Myanmar
Myanmar trả tự do nhà báo Nhật Myanmar cho phép Yuki Kitazumi, nhà báo bị bắt trong lúc đưa tin về biểu tình chống đảo chính, trở về Nhật Bản sau khi hủy cáo buộc với ông. Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi xác nhận Kitazumi đã rời Myanmar để trở về Nhật vào chiều nay, đồng thời cho biết Tokyo đã sử dụng "các kênh khác nhau" giúp nhà báo...