Leo lẻo chối tội tại tòa
Biết rõ nguồn gốc các xe máy tay ga đắt tiền là đồ ăn cắp, nhưng Phạm Thị Lan Anh vẫn hợp tác làm ăn. Khi đường dây bị triệt phá và bị đưa ra luận tội tại tòa, nữ bị cáo này lại luôn mồm nói không biết.
Ổ nhóm tiêu thụ xe tay ga tại phiên tòa
Trước tòa, Vũ Đăng Khoa (SN 1960), trú ở phường Dư Hàng Kênh, Hải Phòng; Nguyễn Văn Tuấn (SN 1968), ở phường Phương Đông, TP Uông Bí; Nguyễn Tiến Dũng (SN 1969), trú tại phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh; Phạm Thị Lan Anh (SN 1985), trú tại xóm 18, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội lần lượt bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo các khoản 2, 3, Điều 250-BLHS. Tài sản mà ổ nhóm tội phạm này tiêu thụ đều là các xe máy tay ga đắt tiền trộm cắp từ nhiều nơi khác nhau, sau đó được đưa xuống Hải Phòng “chế lại” giấy tờ, rồi đưa lại địa bàn Thủ đô tiêu thụ.
Cùng với cáo trạng truy tố, Vũ Đăng Khoa khai nhận đối tượng vốn hành nghề “xe ôm” ở Hải Phòng. Trong một lần tình cờ chạy xe chở Bùi Đình Dũng và Vũ Khánh Trình (đều trú ở Hải Phòng), đối tượng được hai vị khách cho biết họ có nguồn xe máy tay ga trộm cắp, nhưng đã được làm lại giấy đăng ký để sử dụng. Bộ đôi Dũng, Trình dặn Khoa nếu có ai muốn mua thì thông báo lại. Nhận thấy đây là một mối làm ăn rất hời, Khoa bàn với Nguyễn Văn Tuấn và thống nhất nếu có khách mua xe thì cả hai cùng tham gia giao dịch. Mạng lưới tiêu thụ xe gian tiếp tục được Tuấn phát triển khi bắt mối làm ăn với Nguyễn Tiến Dũng. Và rồi đối tượng này lại “gà” thêm Phạm Thị Lan Anh cùng gia nhập.
Phi vụ đầu tiên Lan Anh đặt mua của Tiến Dũng một chiếc xe máy Honda Lead, BKS 16P6-0668, chủ sở hữu mang tên Nguyễn Huy Mạnh (trú ở quận Lê Chân, Hải Phòng) với giá 16,5 triệu đồng vào tháng 10-2011. Ngay trước đó, Dũng đã thông báo để Tuấn cung cấp hàng với giá 16 triệu đồng. Sau một thời gian sử dụng, Lan Anh bán chiếc xe này cho một phụ nữ ở quận Đống Đa để hưởng lãi 4 triệu đồng. Tháng 7-2012, Lan Anh lại trực tiếp liên hệ với Tuấn hỏi mua một chiếc xe máy SH với giá 60 triệu đồng. Vào thời điểm hai đối tượng thỏa thuận mua bán với nhau, chiếc SH này mang biển số 30X2-1617 với người đứng tên trong giấy đăng ký là Lê Duy Quang, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lan Anh sau đó đã nhờ em gái bán cho một người quen ở huyện Sóc Sơn với giá 72 triệu đồng.
Video đang HOT
Tài liệu truy tố ổ nhóm buôn bán xe gian xác định, từ tháng 10-2011 đến tháng 8-2012, Phạm Thị Lan Anh đã tiêu thụ 7 chiếc xe máy phạm pháp với tổng giá trị gần 275 triệu đồng, bỏ túi 45,5 triệu đồng. Tiếp đến, Nguyễn Văn Tuấn tiêu thụ 6 xe gian, Vũ Đăng Khoa mua bán trót lọt 5 chiếc và ít nhất là Nguyễn Tiến Dũng đã đưa vào sử dụng 3 chiếc xe máy mang biển số và giấy đăng ký giả… Quá trình điều tra cho thấy Bùi Đình Dũng và Vũ Khánh Trình có dấu hiệu trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản phạm pháp, song hai đối tượng này đã bỏ trốn nên cơ quan tiến hành tố tụng tách rút hồ sơ, xử lý sau. Tại tòa, Phạm Thị Lan Anh thừa nhận toàn bộ các phi vụ mà bị cáo tham gia song nữ quái lại liên tục lấp liếm rằng việc mua bán các xe máy giữa đối tượng với đồng bọn là ngay thẳng và hoàn toàn không biết chúng là tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, lời khai trên đã bị chính các bị cáo trong vụ án bác bỏ. Là một mắt xích của đường dây, Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, ngay từ đầu Lan Anh đã được nói cho biết tài sản đem ra mua bán đều có nguồn gốc trộm cắp.
Sau quá trình thẩm vấn, HĐXX xét thấy cáo trạng truy tố các bị cáo hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời lời khai của tất cả những người liên quan cũng phù hợp với nhau. Do đó, kết thúc phiên tòa hôm qua (9-8), TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Thị Lan Anh, Nguyễn Văn Tuấn cùng mức 5 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cùng tội danh, Vũ Đăng Khoa phải nhận 4 năm tù và Nguyễn Tiến Dũng cũng phải lĩnh 3 năm tù giam.
Minh Long
Theo ANTD
Cám cảnh chuyện "nồi da nấu thịt"
Từ chuyện cái áo, cái quần, nhưng rồi cuộc đối thoại giữa hai cô cháu nhanh chóng biến thành sự thóa mạ lẫn nhau. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, án mạng đã xảy ra. Tệ hại hơn nữa là mối thù hận giữa hai đại gia đình trong cùng một dòng tộc chẳng biết đến khi nào mới được hóa giải...
Từ mâu thuẫn nhỏ Nguyễn Hữu Chuẩn cùng hai chị họ phải ra chốn pháp đình
Cuộc chiến từ "cái kim sợi chỉ"
Sáng qua (16-7), Nguyễn Hữu Chuẩn (SN 1983) bị dẫn giải tới tòa án Hà Nội để xét xử theo tội "Giết người", quy định tại khoản 2, Điều 93-BLHS. Trước vành móng ngựa, Chuẩn đứng sát vào hai người chị họ là Nguyễn Thị Nghê (tức Hảo, SN 1980) và Nguyễn Thị Ngà (tức Nhài, cũng SN 1983), tất cả đều trú ở cụm 8, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Tuy nhiên, hai người chị con bác họ của Chuẩn chỉ bị xem xét về tội "Gây rối trật tự công cộng" và ở thế đối địch với cậu ta vào thời điểm xảy vụ án. Phiên tòa có rất đông người đến dự, trong đó hầu hết đều có quan hệ họ hàng, thân thích với cả ba bị cáo.
Câu chuyện đau lòng đẩy Chuẩn cùng hai người chị họ phải ra chốn pháp đình bắt nguồn từ một việc cỏn con. Chập tối 7-6-2012, Nghê sang nhà cô họ tên Nguyễn Thị Huyền (cô ruột Chuẩn), ở cùng thôn để may quần áo. Bất đồng về "đường kim mũi chỉ", hai cô cháu Nghê sinh ra xích mích. Và rồi những lời cay độc, thóa mạ nhau cứ thế văng ra, bất chấp mối quan hệ họ hàng dòng tộc. Khoảng 18h cùng ngày, Chuẩn đi làm về biết chuyện liền chạy ngay sang nhà bác chửi bới om sòm. Ít phút sau, bố con Nghê, Ngà lại dẫn nhau qua nhà Chuẩn đáp trả bằng những lời xúc xiểm tương ứng. Lúc này, bà Nguyễn Thị Ba (cô ruột của Nghê, Ngà và là bác họ Chuẩn) chạy ra van nài hai bên, nhưng không có kết quả. Tận tai nghe rõ Ngà chửi bới cả bà nội Chuẩn, người chẳng hề liên quan gì đến vụ việc nên bà Ba buộc phải "dạy bảo" đứa cháu hỗn láo bằng hai cái tát. Sự việc tạm thời lắng dịu.
Nhưng chỉ ngay sau đó, hai anh trai của Nghê, Ngà là Nguyễn Huy Tôn (tức Hiệp) và Nguyễn Huy Hùng, ở cùng thôn lại hùng hổ dẫn các em gái sang nhà Chuẩn cà khịa để đánh nhau. Khi một số phụ nữ trong nhà Chuẩn và bà Ba chạy ra khẩu chiến và can ngăn liền bị Tôn dùng điếu cày đánh không thương tiếc. Xót người thân, một số đàn ông của nhà Chuẩn và cậu ta đành phải xông ra ngoài ngõ giải cứu cũng bị anh em Nghê đánh tơi bời. Trong lúc bị Tôn dùng điếu cày nện tới tấp, Chuẩn đã vớ được chiếc kéo cắt may của chị Huyền đâm hai nhát vào ngực, bụng anh họ làm anh này tử vong.
Hậu quả lâu dài
Khai báo lại hành vi gây ra cái chết của anh họ, Nguyễn Hữu Chuẩn thừa nhận khi biết chuyện Nghê thóa mạ cô ruột và bà nội, anh ta đã không giữ được bình tĩnh nên sang nhà bác "khẩu chiến". Khi những người trong gia đình anh Tôn cầm điếu cày, gậy gỗ hùng hổ kéo sang gây sự, Chuẩn vẫn kiên nhẫn chịu trận với mong muốn sự việc dừng lại ở đây. Nhưng khi thấy các em gái của mình lần lượt bị những người trong gia đình anh Tôn quây đánh, Chuẩn không thể tiếp tục kiềm chế được nữa.
Trước tòa, Chuẩn quả quyết, mục đích của mình là tự vệ chứ không hề có ý định giết hại anh họ. Trả lời vị chủ tọa phiên tòa về việc cửa hàng may mặc của chị Huyền còn có một cửa ra phía sau, hoàn toàn có thể chạy thoát ra hướng ấy, nhưng tại sao bị cáo lại không chọn cách giải quyết này thì Chuẩn ấp úng, "do bị cáo hoảng loạn và không thể bỏ mặc người thân của mình bị đánh".
Tại tòa, hàng loạt nhân chứng được HĐXX cho phép trình bày về những gì liên quan đến vụ án mà họ tận mắt chứng kiến. Nhưng ngay cả chị Nguyễn Thị Huyền - một trong hai người là nguyên nhân phát sinh ra vụ "nồi da nấu thịt" từ đầu đến cuối cũng khẳng định không nhìn thấy Chuẩn "ra tay" với anh Tôn như thế nào, ở trạng thái ra sao. Phần lớn các nhân chứng chỉ chỉ ra được việc trước khi bị đâm chết, nạn nhân đã dùng điếu cày đánh nhiều người, trong đó có bị cáo.
Với diễn biến của vụ án như trên, vị đại diện VKSND TP Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm truy tố Chuẩn theo cáo trạng. Song luật sư bào chữa cho Chuẩn lại chỉ ra rằng, Chuẩn đã giết người là khá rõ, song tính chất của hành vi ấy lại bắt nguồn từ chính hành vi vi phạm pháp luật của bị hại nên thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Từ đó, luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét lại về mặt tội danh cũng như hình phạt áp dụng đối với bị cáo.
Do sự bất hòa, thù hận giữa hai đại gia đình trong cùng một dòng tộc, nên trước tòa bố mẹ và vợ nạn nhân kiên quyết yêu cầu HĐXX xử lý Chuẩn nghiêm khắc theo pháp luật. Về phía bà Ba, dù rằng đến tòa chỉ với tư cách nhân chứng, nhưng khi được đứng lên trình bày một số tình tiết về vụ án luôn xưng hô với hai nữ bị cáo bằng những từ ngữ không còn chút gì thân thích. Phòng xử án vô tình đã bị chính những người trong cuộc phân chia thành hai "giới tuyến".
Sau một ngày xét xử, nhận thấy các tình tiết của vụ án vẫn rất phức tạp nên HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án. Dự kiến, chiều nay (17-7), TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với các bị cáo.
Theo ANTD
Từ bi xin "tha chết" cho kẻ giết mẹ mình Trước lúc tòa rút vào nghị án, con trai của bà Bùi Thị Vân đã ngập ngừng đứng lên. Và thật bất ngờ là anh lại trùng giọng xin tòa mở cho hung thủ một con đường sống... Hung thủ giết hại bà chủ quán nước chè tại phiên tòa Giết người, phóng hỏa phi tang Hôm qua (12-7), TAND TP Hà Nội...