Lệnh trừng phạt không làm Nga thay đổi lập trường với Crimea
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm qua 28/1 tuyên bố Mátxcơva sẽ không thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine cũng như quyết định sáp nhập Crimea dù cho Mỹ và châu Âu tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. (Ảnh: RT)
Hãng tin Sputnik News dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 28/1 phát biểu: “Cái giá mà nước Nga đang phải trả là tương đối cao. Vì thế, chúng tôi sẽ không thay đổi bất kỳ quyết định nào, bao gồm cả việc sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Nga. Các đối tác phương Tây đã quá ngoan cố và đôi khi thiếu sáng suốt khi cho rằng những lệnh trừng phạt này có thể tạo áp lực khiến chúng tôi thay đổi lập trường”.
Tuyên bố này được Phó Thủ tướng Rogozin đưa ra tại Hội nghị toàn Nga tổng kết công tác của Hệ thống quốc gia thống nhất về phòng chống và khắc phục các trường hợp bất thường khẩn cấp. Trước đó, cùng ngày đã có thông tin dự thảo Tuyên bố chung trong Hội nghị các Ngoại trưởng châu Âu, tổ chức vào ngày 29/1, quyết định các lệnh trừng phạt sẽ được kéo dài thêm 6 tháng và tăng một số khoản mục đối với Mátxcơva.
Video đang HOT
Các Ngoại trưởng EU cũng sẽ “luận tội” Nga về vụ pháo kích tại thành phố cảng Mariupol (Ukraine), làm 30 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương hôm 24/1 dù Mátxcơva luôn phủ nhận có liên qua đến vụ tấn công đẫm máu này.
Trong khi đó, Mỹ hôm qua đã ký thỏa thuận cung cấp khoản vay đảm bảo 2 tỷ USD giúp Ukraine “chi tiêu xã hội ngắn hạn” và thông báo Washington đã chuẩn bị các biện pháp để trừng phạt kinh tế đối với Mátxcơva nếu cần thiết.
Thoa Phạm
Theo dantri/Sputnik News
EU có thể kéo dài cấm vận Nga thêm 6 tháng
Tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) hôm nay 29/1, các Ngoại trưởng châu Âu nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, các lệnh trừng phạt này đã được thông qua với thời hạn 1 năm.
Nền kinh tế Nga đã gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của EU. (Ảnh:RT)
Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/1 (giờ địa phương) nhóm họp ở Brussels (Bỉ), để thảo luận về khủng hoảng tại Ukraine và đối sách với Nga.
Hãng thông tấn Spunik News cho biết theo dự thảo Tuyên bố chung do Cơ quan Ngoại vụ EU (EEAS) soạn thảo, các Ngoại trưởng châu Âu dự định sẽ kéo dài các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng đối với Nga do tình hình chiến sự tại Ukraine hiện đang leo thang ở mức đáng báo động.
Dự thảo trên nêu rõ: "Xét thấy tình hình ngày một xấu đi, hội đồng các ngoại trưởng đồng ý nới rộng các biện pháp cấm vận nhằm vào các tổ chức, cá nhân có hành vi đe dọa hay hủy hoại nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Bên cạnh gia hạn về thời gian, có thể sẽ có thêm các biện pháp cấm vận tăng cường của EU nhằm vào Nga được đưa ra tại Hội nghị này. Dự thảo trên tiếp tục khẳng định việc nới lỏng, dỡ bỏ trừng phạt sẽ chỉ được xem xét nếu như Mátxcơva thể hiện trách nhiệm trong việc thực thi đầy đủ các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk ký kết hồi tháng 9 năm ngoái.
Các Ngoại trưởng EU cũng sẽ "luận tội" Nga về vụ pháo kích tại thành phố cảng Mariupol (Ukraine) làm 30 người thiệt mạng hôm 24/1 dù Mátxcơva luôn phủ nhận. Dự thảo tuyên bố chung cho hay hội đồng ghi nhận có bằng chứng về việc Nga tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho phe ly khai và vì thế Nga phải chịu trách nhiệm về vụ pháo kích tại Mariupol.
Trước đó, hôm 25/1, Tổng thống Obama đã tuyên bố ông sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp gây áp lực lên Mátxcơva sau khi phe ly khai thân Nga tiến hành vụ pháo kích Mariupol. Ông cho hay sẽ xem xét tất cả các lựa chọn bổ sung mà nước này có thể thực hiện với Nga, ngoại trừ đối đầu quân sự để có thể giải quyết vấn đề ở đông Ukraine.
Hồi đầu tuần này Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk cũng nói trên mạng xã hội Twitter về Nga rằng: "Đây là thời điểm cần tăng cường các chính sách dựa trên những sự thật đã xảy ra, thay vì dựa trên những ảo tưởng".
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Cơ hội hòa bình cho Ukraine đi vào ngõ cụt Quốc hội Ukraine hôm 27/1 chính thức bỏ phiếu xác định các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông là "các tổ chức khủng bố" và từ chối đàm phán với Nga. Cơ hội tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine đã rơi vào ngõ cụt khi xung đột giữa quân chính phủ và các lực lượng đối lập...