‘Lệnh Kế Hoạch sẽ chịu chung số phận với Bạc Hy Lai’
Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng dưới thời cựu Tổng bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, được dự đoán sẽ chịu chung số phận với cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, theo South China Morning Post ngày 24.12.
Ông Lệnh Kế Hoạch – Ảnh: Reuters
Ông Lệnh Kế Hoạch (58 tuổi) là “hổ lớn” gần nhất bị nhắm đến trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 22.12, Ủy ban thanh tra kỷ luật của Đảng cộng sản Trung Quốc thông tin ngắn gọn rằng ông Lệnh bị điều tra vì “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”.
Thông tin điều tra Lệnh Kế Hoạch nhận được sự tán đồng rộng rãi từ truyền thông Trung Quốc cũng như cộng đồng mạng, Global Times cho biết. Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay ông Lệnh “đang bị điều tra nhưng chưa chắc sẽ bị khởi tố”.
Dù vậy, South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời ông Trương Minh, một chuyên gia chính trị học tại Đại học Nhân dân, nhận định hầu như không thể có chuyện ông Lệnh chỉ bị xử lý kỷ luật đảng.
Thay vì đó, Lệnh Kế Hoạch có thể phải ra tòa như Bạc Hy Lai. Năm 2012, ông Bạc bị khai trừ khỏi đảng, sau đó bị kết án chung thân về tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền. Sau Bạc Hy Lai, đến phiên cựu Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang và cựu Phó chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu bị điều tra.
“Xét từ trường hợp Bạc Hy Lai, chắc chắn không thể có chuyện Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang chỉ nhận sự trừng phạt nội bộ. Nếu vậy, người ta đâu cần phải rùm beng những chuyện này làm gì”, South China Morning Post dẫn lời ông Trương.
Cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – Ảnh: Reuters
Những nhà phân tích khác thì cho rằng sự “sa cơ” của 4 nhân vật trên không đơn thuần là kết quả của những động thái chống tham nhũng. Điều này còn cho thấy sự xung đột quyền lực trong nội bộ đảng. South Morning China Post dẫn lời một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh rằng truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc là sử dụng các án kinh tế để loại trừ đối thủ chính trị.
Ngoài ra, cũng có những lời đồn đại rằng 4 ông Chu, Từ, Bạc và Lệnh liên quan chặt chẽ với nhau. Trong khi đó, South China Morning Post dẫn lại một phát biểu của ông Tập Cận Bình đăng trên Nhân dân Nhật báo rằng không thể có chuyện “bè cánh” trong nội bộ đảng.
Trong một động thái bất ngờ vào tuần trước, ông Lệnh Kế Hoạch có một bài viết đăng trên tạp chí lý luận đảng Cầu Thị và trích dẫn lời ông Tập những… 19 lần, theo The Diplomat. Đây là một nỗ lực được cho nhằm chứng tỏ sự trung thành cũng như ám chỉ bản thân đã “hạ cánh an toàn”.
Chính trị Trung Quốc có một quy luật “bất thành văn” rằng nếu một quan chức đến thăm một cơ quan chính trị, hoặc viết bài đăng trên báo đảng, điều ấy chứng minh rằng anh ta đang “an toàn”. Dù vậy, điều có vẻ không còn đúng dưới thời ông Tập Cận Bình, chuyên san The Diplomat nhận định.
Video đang HOT
Hà Chi
Theo Thanhnien
Đường thăng tiến của cựu 'đại tổng quản' Trung Nam Hải
Xuất thân trong gia đình bậc trung, Lệnh Kế Hoạch tiến thân nhanh chóng trong hệ thống đoàn thanh niên, rồi trở thành chánh văn phòng Trung ương đảng đầy quyền lực, nhưng lại thất thế sau tai nạn siêu xe của con trai.
Lệnh Kế Hoạch sinh năm 1956, trong một gia đình cán bộ bậc trung tại huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây. Cha Lệnh là ông Lệnh Hồ Dã, từng hoạt động cách mạng tại Diên An, căn cứ địa của đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi nắm chính quyền năm 1949.
Theo lời kể của anh trai Lệnh Kế Hoạch, gia đình này có 5 anh em, được bố đặt tên theo những danh từ phổ biến nhất trên báo chí thời đó là: Lệnh Phương Châm, Lệnh Chính Sách, Lệnh Lộ Tuyến, Lệnh Kế Hoạch và Lệnh Hoàn Thành. Trong gia đình, chỉ có Lệnh Kế Hoạch và Lệnh Chính Sách sau này đi theo con đường chính trị.
Những năm tháng ở quê
Lệnh Kế Hoạch (hàng hai, thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với huyện đoàn Bình Lục năm 1979, trước khi chuyển lên công tác tại Trung ương Đoàn. Ảnh:Wenxuecheng
Người dân cùng quê với nhà họ Lệnh nhớ lại rằng, ông Lệnh Hồ Dã rất nghiêm khắc với các con, yêu cầu phải đi làm ruộng, dù gia đình có điều kiện. Những khi nông nhàn, ông còn hướng dẫn con cái học cách hùng biện.
"Tôi thường thấy con cái nhà họ tập hùng biện trước sân. Mọi người rất ngưỡng mộ vì gia đình đó có văn hóa", Caixin dẫn lời một người dân địa phương cho biết. "Được giáo dục trong môi trường như vậy, khiến cả 5 anh chị em đều có năng khiếu phát biểu".
Năm 1973, Lệnh Kế Hoạch khi đó 16 tuổi được điều đến Xưởng in Bình Lục làm công nhân in ấn. Hai năm sau, Lệnh được thuyên chuyển về văn phòng huyện đoàn, rồi từ một cán bộ thường thăng lên phó bí thư huyện đoàn chỉ sau một năm công tác.
Theo lời kể của ông Dương Tấn, bạn thời trẻ của Lệnh Kế Hoạch, Lệnh là người rất nhiệt tình, biết lễ nghĩa và khéo ăn nói. Bà Lương Tăng Hoa, cấp trên của Lệnh khi đó, cũng công nhận năng lực công tác phong trào của chính trị gia tương lai này.
"Lệnh Kế Hoạch là một đồng chí tốt. Mặc dù tôi là bí thư huyện đoàn, công việc lại do Kế Hoạch làm là chính. Cậu ấy có những ưu điểm đáng để học tập", bà Lương viết trong nhật ký năm 1976. Tập nhật ký này sau được xuất bản thành sách vào năm 2008.
Năm 1978, Lệnh Kế Hoạch được điều động lên đảng ủy khu Vận Thành thuộc tỉnh Sơn Tây và được cử đi học tại Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc). Sau khóa học, Lệnh được giữ lại công tác tại Ban Tuyên truyền của Trung ương Đoàn. Đây được cho là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Lệnh.
"Không nằm ngoài dự liệu, cậu ấy được Trung ương Đoàn giữ lại công tác. Công việc của huyện đoàn không rời được cậu ấy, nhưng Lệnh Kế Hoạch công tác tại cấp trung ương sẽ cống hiến được nhiều hơn và cũng có lợi hơn cho sự nghiệp tương lai", bà Lương viết trong nhật ký năm 1978.
Phát triển từ Trung ương Đoàn
Trong thời gian công tác tại Trung ương Đoàn, Lệnh Kế Hoạch quen và kết hôn với bà Cốc Lệ Bình (giữa). Ảnh: Wenxuecheng
Sau hơn 4 năm công tác tại Ban Tuyên truyền, Lệnh Kế Hoạch lại quay trở lại Trường Đoàn Trung ương để lấy bằng đại học chuyên ngành giáo dục chính trị, trong vòng hai năm 1983-1985.
Cũng trong thời gian này, Lệnh quen biết Cốc Lệ Bình, người vợ tương lai. Cốc, người gốc Sơn Đông, tốt nghiệp khoa luật thuộc cơ sở hai của Đại học Bắc Kinh danh tiếng. Sau khi hai người kết hôn, Cốc Lệ Bình cũng chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn giai đoạn 1984-1985 là ông Hồ Cẩm Đào. Cũng trong thời gian này, Lệnh làm thư ký cho ông Hồ. Tháng 8/1985, ông Hồ được điều động làm bí thư tỉnh ủy Quý Châu, thay cho ông Châu Hậu Tắc, người được cử làm trưởng ban Tuyên truyền Trung ương.
Tháng 7/1985, Lệnh Kế Hoạch được đề bạt làm phó phòng Lý luận thuộc Ban Tuyên truyền. Ba năm sau, Lệnh được thăng làm chủ nhiệm Văn phòng Ban Bí thư Trung ương Đoàn, kiêm trưởng ban Tuyên truyền và tổng biên tập báo Đoàn Thanh niên Trung Quốc.
Trong 16 năm công tác tại Trung ương Đoàn, Lệnh Kế Hoạch chủ yếu phụ trách công tác tuyên truyền. Theo lời kể của bạn bè và đồng nghiệp cũ, Lệnh rất có năng khiếu trong lĩnh vực này.
"Hồi còn ở huyện đoàn Bình Lục, Lệnh Kế Hoạch rất chịu khó luyện chữ. Mọi người đều nói rằng sở dĩ ông ấy phát triển tốt tại Trung ương Đoàn, cũng một phần bởi năng khiếu hùng biện và trình độ thư pháp cao", ông Bùi Đông, một người bạn cũ của Lệnh, cho biết.
Bước chân vào Trung Nam Hải
Cuối năm 1995, con đường hoạn lộ của Lệnh Kế Hoạch có bước phát triển quan trọng, khi ông này được luân chuyển sang làm tổ trưởng tổ ba thuộc Phòng Nghiên cứu Điều tra của Văn phòng Trung ương Đảng.
Sau Đại hội 15 của đảng Cộng sản Trung Quốc, Lệnh được đề bạt làm chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Điều tra vào tháng 6/1998. Một năm sau, chính trị gia này được thăng lên chức phó chánh văn phòng Trung ương đảng.
Tại Đại hội 16 năm 2002, Lệnh Kế Hoạch được bầu làm ủy viên dự khuyết trung ương. Một năm sau, Lệnh trở thành phó chánh văn phòng Trung ương thường trực, kiêm chủ nhiệm Văn phòng Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và phó chánh văn phòng Ủy ban Biên chế các cơ quan Trung ương.
Lệnh Kế Hoạch đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị tại Đại hội 17 năm 2007. Tại kỳ đại hội này, Lệnh bước vào hàng ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước, khi chính thức trở thành bí thư trung ương đảng kiêm chánh văn phòng Trung ương. Năm đó, Lệnh 51 tuổi. Chức danh này thường được gọi là "đại tổng quản" của Trung Nam Hải, nơi làm việc và sinh sống của giới lãnh đạo tối cao Trung Quốc.
"Văn phòng Trung ưởng đảng có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Việc Lệnh Kế Hoạch trở thành người đứng đầu cơ quan này khiến mọi người khi đó đều kỳ vọng vào tương lai chính trị của ông", Takungpao dẫn lời bình luận viên chính trị Mã Hạo Lượng cho biết.
Những người tiền nhiệm của Lệnh như Vương Cương, Tăng Khánh Hồng, Ôn Gia Bảo đều trở thành ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí là thường vụ Bộ Chính trị, trung tâm quyền lực tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau khi Lệnh Kế Hoạch trở thành lãnh đạo Văn phòng Trung ương đảng, anh trai của ông là Lệnh Chính Sách (trái) đã có những bước thăng tiến nhanh chóng trên quan trường tỉnh Sơn Tây. Ảnh: Caixin
Sau khi Lệnh Kế Hoạch trở thành lãnh đạo Văn phòng Trung ương đảng, người thân của chính trị gia này hoặc có những bước tiến xa trong sự nghiệp, hoặc trở nên vô cùng giàu có.
Anh thứ hai của Lệnh là Lệnh Chính Sách được thăng chức phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Phát triển và Cải cách tỉnh Sơn Tây vào năm 2003, rồi trở thành chủ nhiệm chỉ một năm sau đó. Lệnh Chính Sách cũng được cử làm đại diện thuộc đoàn tỉnh ủy tham dự Đại hội 17, rồi được bầu làm phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh, mang hàm thứ trưởng.
Anh rể của Lệnh Kế Hoạch là Vương Kiện Khang được đề bạt làm phó chủ tịch thành phố Vận Thành thuộc tỉnh Sơn Tây vào năm 2009. Bà Lệnh Lộ Tuyến, vợ của Vương, là phó giám đốc Bệnh viện trung tâm của thành phố này.
Em trai út của Lệnh, Lệnh Hoàn Thành, vốn là phóng viên của Tân Hoa Xã, nhưng đã bỏ nghề báo chí làm kinh doanh vào năm 2003. Năm đó, Lệnh Hoàn Thành trở thành tổng giám đốc một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc, dưới cái tên Vương Thành. Từ năm 2008, Lệnh Hoàn Thành dựa vào uy thế của anh trai, hợp tác với một số thương nhân Sơn Tây thành lập Quỹ đầu tư Hội Kim. Trong vòng hai năm, quỹ này đã đầu tư và giúp hàng chục công ty lên sàn chứng khoán, thu lợi 1,2 tỷ nhân dân tệ (200 triệu USD).
Tuy nhiên, sau vụ tai nạn dẫn đến cái chết của Lệnh Cốc, con trai duy nhất của Lệnh Kế Hoạch, hồi tháng 3/2012, sự nghiệp của chính trị gia này đã hoàn toàn thay đổi. Ngay trước thềm Đại hội 18, Lệnh được chuyển sang làm trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, cơ quan có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn. Thay thế ông làm chánh văn phòng Trung ương đảng là Bí thư tỉnh ủy Quý Châu Lật Chiến Thư, đồng nghiệp cũ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau Đại hội 18 hồi tháng 11/2012, Lệnh mất chức bí thư trung ưởng đảng, chỉ còn là ủy viên trung ương bình thường. Hai năm sau, ngày 22/12, Lệnh Kế Hoạch bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra do bị nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ thường được dùng để ám chỉ cáo buộc tham nhũng.
Đức Dương
Theo VNE
TQ: Trợ lý cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị điều tra Thêm một quan chức cấp cao của Trung Quốc chính thức bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày 22/12, Tân Hoa Xã đưa tin Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa thông báo vụ điều tra chống tham nhũng đối với một trợ lý cấp cao của cựu Chủ tịch Hồ...