Lênh đênh nghề mực
Những ngày cuối năm, tôi theo tàu đánh bắt mực của ngư dân tỉnh Kiên Giang ra biển nhiều ngày. Lênh đênh trên thuyền tận thấy cuộc sống gắn đời với biển cả của ngư dân, mới cảm nhận được rõ những buồn vui với biển.
Cha con anh Huy thả luồng ốc. ẢNH: TÙNG HUYÊN
Dùng ốc bắt mực tuột
Anh Huỳnh Văn Huy, 47 tuổi, ở ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ (Kiên Lương, Kiên Giang) là người có tiếng dùng ốc bắt mực tuột, vui vẻ cho tôi lên ghe ra biển. Từ Hòn Nghệ, chiếc ghe 4 tấn chở luồng ốc 3.800 con phăm phăm ra hướng Phú Quốc, chạy gần tiếng, khi cách Hòn Nghệ chục cây số, anh Huy cho ghe chạy chậm tìm bãi.
Anh Huy cho biết, mực tuột là loại mực có 8 râu hai càng. Loài mực này có đặc tính là luôn tìm nơi trú ẩn chắc chắn vì sợ loài khác ăn thịt, nên ngư phủ đã dùng ốc giá để chiêu dụ. Ốc giá mỗi ký 12.000- 15.000 đồng, mua về cắt bớt vỏ cho gọn, khoan lỗ, dùng dây nylon loại 8 ly cột vào, cứ cách 3 – 4 m, cột một con ốc, cứ thế cột dài đến 3.000 – 5.000 con. Dây ốc của anh Huy có 3.800 con.
Ngồi trên phao xốp thả luồng ốc
Khi tìm được bãi san hô và đá, sâu khoảng 6 – 8 m, Minh con trai anh Huy lượm từng vỏ ốc quăng xuống biển. Cứ thả được khoảng 300 con ốc Minh lại thả một cây cờ phao để báo hiệu địa điểm đánh mực và làm dấu cho ghe cào tránh. Luồng ốc có 3.800 con, thả mười mấy cây cờ khoan. Thả xong, ngồi chờ vài tiếng đồng hồ cho mực tuột chui vào vỏ ốc thì kéo lên.
“Mặt mày đen nhẻm, bơi lặn thì giỏi còn chữ nghĩa mù tịt như người đi đêm. Thấy con gian khổ nơi đầu sóng mà buồn đứt ruột”. Ông Huy thở dài
Trong thời gian chờ đợi, giữa mênh mông biển cả, với giọng trầm trầm, anh Huy kể chuyện đời, chuyện người trên đầu sóng ngọn gió nghe đến nao lòng. Tuổi trẻ đi làm mướn cho chủ ghe đánh lưới rút, đến 25 tuổi dành dụm chút đỉnh cưới vợ, hai vợ chồng trắng tay, mướn đất cất nhà, vợ đi làm đủ mọi công việc, nào xẻ mực, làm cá, phơi cá. Con gái thì đi vá lưới mướn, hai thằng con trai đi lặn mò ốc cờ, ốc nhảy, ốc nón quanh mé gềnh.
Cuộc sống biển cả đã dạy cho biết nhìn trời, nhìn gió, nhìn trăng, nhìn sao để đoán thời tiết. Biết được con tôm, con cá, tháng ở bãi này, tháng ở bãi kia. Biết trời thế nào là gió sắp thổi mạnh để đưa ghe đi trốn bão. Anh đưa tay qua thằng con trai: Đây là thằng Minh 20 tuổi, còn thằng Tư 16 tuổi. “Mặt mày đen nhẻm, bơi lặn thì giỏi còn chữ nghĩa mù tịt như người đi đêm. Thấy con gian khổ nơi đầu sóng mà buồn đứt ruột”, ông Huy thở dài.
Đã đến lúc kéo vỏ ốc lên. Mực tuột nằm trong vỏ ốc từ từ bò ra vì khô nước, anh Huy bắt cho vào thùng nước lạnh. Mẻ này thu hoạch được chừng chục ký. Minh cho biết: “Mực tuột đánh bắt trong ngày không cần muối đá nhưng ghe đánh ngoài khơi nhiều ngày thì phải đem theo nước đá để dự trữ nước ngọt”. Anh Huy kể thêm, mực ngâm trong nước nặng ký nhưng thịt bở, còn pha nửa nước ngọt nửa mặn mực tuột sống rất lâu. Mực tuột có quanh năm, luồng ốc của anh bắt mỗi ngày 30 – 40 ký. Giá mỗi ký dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng.
Thu xong luồng ốc, ngồi nghỉ một lát, hai cha con anh Huy tiếp tục chạy ghe đem ốc đánh bãi khác.
Câu mực thẻ
Tôi lại theo ghe của anh Tư Minh đi câu mực thẻ. Mực thẻ có giá cao hơn mực tuột. Thấy ghe cứ chạy lòng vòng, tôi băn khoăn, anh Tư Lực giải thích đang tìm bãi để buông câu. Mực luôn quần tụ ở bãi gạn là bãi cát. Muốn xác định, anh Tư Lực cột miếng sắt vào sợi dây thả xuống đáy biển, kéo lên dính bùn là bãi trũng, dính cát là bãi gạn. Trên ghe câu mực có mười người gồm ngư phủ, chủ ghe, tài công. Ngư phủ câu mực ăn chia với chủ ghe tỷ lệ 7-3, cơm của chủ ghe.
Video đang HOT
Cần câu là một cây trúc dài vài mét, có khoen sắt tròn ở đầu cần để luồn cước vào, kéo dài thu ngắn dễ dàng. Lưỡi câu là một chùm được kết nối lại và quấn chung quanh bằng dây kim tuyến, khi thả xuống biển sáng ngời, dụ mực lại gần. Mồi là một con tôm bằng nhựa dẻo, có râu, có càng giống y như tôm thật, cột bên trên chùm lưỡi câu, nhìn vào giống con tôm thật đang bơi.
Ngồi theo dõi khoảng một tiếng đồng hồ, tôi thấy anh Ba Minh và anh Hồng giựt được nhiều mực, trong khi anh Phát ngồi một bên, lâu lâu mới giật được một con. Tôi lấy làm lạ liền lại gần anh Hồng hỏi nhỏ: “Sao anh và anh Ba Minh giật lia lịa, còn anh Phát thỉnh thoảng mới giật được một con”.
Anh Minh mỉm cười: “Bí quyết, nghề kiếm gạo mà anh”. Một lát anh nói nhỏ: “Tôi nói cho anh biết để anh khỏi thắc mắc. Mực đi ăn theo lằn nước, khi giật con mực đầu tiên, phải làm dấu ngay độ sâu mực đi ăn, để lần sau thả câu chừng đó mới trúng đàn mực. Còn nếu thả cước vô định thì khó mà câu được nhiều”.
Tôi ngồi chứng kiến cảnh giật mực mà lòng hứng khởi vô cùng. Càng về khuya, gió càng lạnh, chủ ghe pha cà phê cho anh em uống đỡ buồn ngủ. Những bóng đèn chiếu càng sáng tỏ, soi rọi cá mực càng lúc càng quần tụ đông đúc, một bức tranh thật sinh động trong lòng biển. Anh Tư Lực chủ ghe xem đồng hồ, rồi dùng đèn chiếu sáng xoay quanh ghe làm tín hiệu ba lần. Tôi lấy làm lạ bèn hỏi, anh cho biết: “Tôi báo hiệu cho ghe bao đến bán mực ở dưới biển, lát nữa anh chứng kiến, thích thú lắm”.
Ghe bao mực
Chừng mười lăm phút, một chiếc ghe bao có trọng tải cỡ trăm tấn chạy lại, phía trước mũi chất lưới cao ngất. Một người xuống thuyền thúng bơi qua ghe câu mực của anh Tư Lực hỏi: “Bằng tiền hay bằng hiện vật đây anh Tư?”. Anh Tư Lực đáp: “Anh xem kỹ rồi cho em bằng tiền, đêm nay mực cộm lắm đó”.
Ghe câu mực tỏa đi tìm bãi gạn
Chủ ghe bao là ông Bảy leo lên trần ghe câu, đưa cặp mắt nhà nghề nhìn bên trái, bên phải, nhìn sau, nhìn trước mặt rồi nói: “Không cộm lắm đâu? Giờ anh muốn bao nhiêu?”. Anh Tư Lực trả lời: “Anh cho tám trăm ngàn đi, em út kiếm chút cháo”. “Mình dứt khoát cho mau, sáu trăm ngàn khỏi thêm bớt, mình còn gặp nhau dài dài”, ông Bảy nói. Anh Tư Lực gật đầu. Thế là hợp đồng mua bán đã xong.
Thì ra, hai người đang mua bán cá mực dưới biển, chúng đang bơi lội nhởn nhơ mà anh Tư Lực phát hiện ra trước nên bán lại cho ông Bảy. Mua bán xong, ghe bao của ông Bảy chạy lại đậu sát ghe câu, lấy “mành đèn” thả xuống biển. Mành đèn là những cái phao cột lại, mỗi phao dài 1,5 m, rộng 6 m, bên trong gắn những bóng đèn nê-ông. Phía trên mành đèn được che kín tôn hoặc ván để tránh phát sáng lên trên. Ghe bao thả lưới khoanh tròn hai ghe. Xong, ra hiệu cho ghe câu mực và ghe bao chạy ra khỏi lưới bao.
Khi hai ghe vừa ra xong, một tiếng hô lớn: “Xên tùng” thì ghe bao cho máy nổ lớn kéo dàn số lô, cuốn dây xệ rút ngắn từ từ, phía ngư phủ tiếp kéo chì và khoen sắt lên ghe. Dây xệ và lưới được cuốn lên ghe, còn lại trong tùng lưới là cá mực, dùng vợt vớt cá mực lên. Ghe bao vớt được chừng 250 ký mực và lẫn vài loại cá khác. Ông Bảy biếu lại cho anh Tư Lực mấy ký cá và mực để nấu cháo khuya. Khoảng một giờ bán mão trôi qua, hai bên đều vui vẻ.
Ông Bảy vui vẻ giới thiệu với tôi, dàn lưới bao khoảng 30 tấn, dài hơn 500 m, dạo sâu 40 sải, bên dưới neo những cục chì lớn và nhiều khoen sắt tròn luồn vào sợi dây nylon đường kính 6 – 7 cm gọi là dây xệ. Dây xệ rất chắc và rất mắc, chiều dài 100 m giá phải 2 cây vàng 24K.
Lúc ăn cháo khuya xong, anh Tư Lực tâm sự: “Làm nghề đánh bắt mực cực khổ lắm. Anh thấy đó, thí mạng cho nắng, gió, mù sương lạnh lẽo. Nhưng có điều, biển như có sức quyến rũ vô hình, xa là thấy buồn, không chịu nổi”.
Bóng mực lá Còn có nghề “bóng mực lá”, dựa vào đặc tính rất cam con của loài này. Ngư phủ sáng chế ra chiếc lờ, mồi bên trong là trứng mực. Lờ bằng lưới bề ngang 60 cm, dài 100 cm, cao 50 cm, một đầu có hom để mực chui vào, xung quanh buộc lá dừa để tạo bóng tối. Dùng vật nặng để lờ chìm xuống đáy biển, có phao trắng đánh dấu, lờ này cách lờ kia 50 – 60 mét. Khi lờ xuống đáy biển, con mực lá thấy trứng mực, ngỡ trứng của mình nên vào nằm ấp. Ngư phủ đợi 3 – 4 giờ kéo lên. Mực lá nặng cân, có con phơi khô vẫn gần ký. Hiện nay 1 ký mực tươi giá 80.000 – 100.000 đồng.
Theo Tùng Nguyên
Thị trấn tỷ phú bên bờ biển Tây
Cứ mỗi lần đến thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời), tôi choáng ngợp với nhịp sống nhộn nhịp, đông đúc nơi đây. Nếu tính tài sản là tàu đánh cá, ở thị trấn cửa biển bên bờ biển Tây- Nam Cà Mau này có hàng ngàn tỷ phú.
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: "Dân số hiện nay gần 45 ngàn người, cộng với ngư dân vài ngàn tàu đánh cá trong và ngoài tỉnh cập bến thị trấn trở nên chật hẹp. Nếu tính tài sản là tàu đánh cá, thị trấn Sông Đốc có hàng ngàn tỷ phú, nhiều gia đình tỷ phú".
Đoàn tàu trong Lễ hội Nghinh Ông.
Sông Đốc ngày ấy
Những ngư dân cố cựu ở thị trấn Sông Đốc kể về cửa Sông Đốc ăn thông ra biển Tây - Nam Cà Mau "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua" thuở mở đất. Cửa biển Sông Đốc có vài chục nóc gia làm nghề đóng đáy, đánh cá. Ngư dân cố cựu gọi cửa biển Sông Đốc là Cửa Rồng bởi con sông uốn khúc đua ra biển.
Thấm thoắt vậy mà đã 60 năm, cửa biển Sông Đốc chứng kiến cuộc hành trình chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc. Bà Tư Hường giờ đã 80 tuổi kể: "Vợ chồng tôi có ngôi nhà lá 3 gian. Thằng Liêm (anh Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Bí thư thị trấn Sông Đốc) vừa sinh. Ông nhà tôi là Nguyễn Tấn Biển (bí danh Huỳnh Văn Biển) ở lại hoạt động, sau này đi Đoàn tàu không số".
Chuyện gia đình, tình cảm của bà Tư Hường như huyền thoại trong chiến tranh. Bà sinh được 3 người con. Ông Nguyễn Tấn Biển theo Đoàn tàu không số, bị bệnh phải ở lại miền Bắc. Bà Tư Hường kể: "Còn mấy ngày nữa giải phóng miền Nam, tôi nhận được tin chồng hấp hối nhưng không thể ra miền Bắc, đành ôm con, nhớ vọng chồng".
Sau những ngày điều dưỡng trên đất Bắc, ông Nguyễn Tấn Biển bén duyên với một cán bộ phụ nữ xã ở tỉnh Hải Hưng. Chị sinh cho ông một đứa con rồi ông mất. Trong ngôi nhà xây dựng kiên cố 2 tầng lầu, bà Tư Hường nói: "Ba gian nhà lá ngày xưa bây giờ là 3 ngôi nhà cao 2 tầng, chia đều cho 3 đứa con".
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Nguyễn Thanh Liêm ra Bắc thăm mộ cha, rước mẹ kế và mấy anh em ngoài Bắc vô chơi. Bà Tư Hường cười rất to: "Tôi đâu có giận gì chồng, sống xa vợ con, lại bệnh nặng. Nhờ bà ấy (bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Toàn Thắng, huyện Kim Đông, tỉnh Hải Hưng) chăm sóc mấy năm trời. Chiến tranh mà!".
Thị trấn tỷ phú
Thị trấn Sông Đốc có nghề biển cha truyền con nối, với đoàn tàu đánh cá hơn 1.300 chiếc, phần lớn có trọng tải lớn, công suất mạnh, có khả năng khai thác dài ngày trên biển. Ông Nguyễn Thanh Liêm nói: "Nếu tính cả trị giá con tàu đánh cá làm tài sản, thì thị trấn này có hàng ngàn tỷ phú".
Hải sản được chế biến quy mô lớn.
Gia đình vợ chồng ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu), 64 tuổi, có 3 người con trai, gái đều theo nghề biển với 17 chiếc tàu đánh cá, sử dụng 250 bạn tàu và từng ấy người là vợ, con làm nghề vá lưới. Bà Trần Thị Dung- vợ ông Tư Biểu, nói: "Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, còn giữ lại 3 chiếc tàu dưỡng già. Các con tôi lớn lên, cưới vợ, gả chồng, ra làm ăn riêng là cho một chiếc tàu lớn, trị giá tiền tỷ. Rồi chúng làm ăn được, đóng tàu mới, mỗi đứa năm bảy chiếc".
"Mấy đứa con làm ăn được, mỗi chuyến biển kiếm vài trăm triệu nhưng phải lo cho con cái du học. Mấy đứa cháu nội, ngoại đều du học ở Úc từ phổ thông đến đại học". Bà Trần Thị Dung khoe
Con trai đầu lòng của ông Tư Biểu là Nguyễn Thanh Kỳ, 34 tuổi, có 8 chiếc tàu đánh cá. Con trai lớn trong gia đình, Nguyễn Thanh Kỳ học hết phổ thông, quay về cửa biển Sông Đốc theo cha lèo lái con tàu đánh cá cho đến bây giờ. Có khối tài sản lớn, Nguyễn Thanh Kỳ vẫn không chịu ngồi nhà, trực tiếp ôm vô- lăng dẫn đầu đoàn tàu khai thác biển.
Những ngày cuối năm, bà con ngư dân thị trấn Sông Đốc tất bật lo chuyến biển Tết. Chị Trần Thị Thắm cùng mẹ chồng coi sóc hàng trăm thợ vá lưới. Chị tâm sự: "Hơn 20 năm vợ chồng cưới nhau, chưa năm nào vợ chồng ăn tết chung. Chuyến biển Tết thường trúng mùa, ham lắm, sau Tết vợ chồng bù cho nhau!".
Bà Trần Thị Dung khoe: "Mấy đứa con làm ăn được, mỗi chuyến biển kiếm vài trăm triệu nhưng phải lo cho con cái du học. Mấy đứa cháu nội, ngoại đều du học ở Úc từ phổ thông đến đại học".
Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Sông Đốc rất phát triển.
Người dân Sông Đốc phóng khoáng, cửa biển Sông Đốc rộng mở, cưu mang, nuôi dưỡng, cho những người làm ăn ở đây phát đạt. Tôi hỏi ông Đặng Đốc (Huế Bụng), 87 tuổi, ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc: "Bà con ở đây nói gia đình ông giàu nhất xứ này?". Vẫn chất giọng người dân Quảng Ngãi: "Tôi không dám nói đâu. Nhưng bà con nói chắc có cơ sở đấy!".
Ông Đặng Đốc nói, khi đến thị trấn Sông Đốc làm thuê gánh nước mắm bán dạo từ khi cửa biển Sông Đốc "Làm thịt một con heo, bán đến xế chiều vẫn còn thừa". Ông nổi tiếng chịu khó làm ăn và nổi danh "đại gia hà tiện".
Vợ chồng ông Huế Bụng sinh 4 người con trai, sau khi lập nghiệp ở cửa biển Sông Đốc. Con trai đầu là anh Đặng Thành làm chủ 3 chiếc tàu đánh cá, kinh doanh xăng dầu, nuôi tôm, cửa hàng cơ khí. Con trai thứ 2 là Đặng Tâm, Tiến sĩ y khoa, đang làm việc tại TPHCM, mua nhà ở Mỹ để cho vợ làm việc, các con học hành.
Anh Đặng Lợi là nhà sáng chế chân đất, thiết kế, lắp ráp, sửa chữa dây chuyền chế biến bột cá khắp các tỉnh ĐBSCL. Vừa thi công những công trình lớn, vừa sản xuất nhà máy bột cá, xưởng cơ khí... Con trai út là Đặng Lộc làm chủ nhà máy tái chế bọc nylon, hãng nước mắm, mua bán cá cơm...
Hỏi vốn liếng đầu tư cho gia đình, ông Huế Bụng bấm đốt ngón tay: "Cái nhà 3 tầng, xây cất hết 170 tấn gạo, mua chiếc ghe lưới là 180 tấn gạo, cái cửa hàng kim khí là 70 tấn... Tôi tính vậy quen rồi... Con cá, củ sắn, hạt lúa nuôi kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ mà. Rồi các con các cháu đi học ở Sài Gòn, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ... mới tốn kém chớ!".
Đô thị bên bờ biển Tây
Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: "Thị trấn Sông Đốc đã được công nhận đô thị loại 4 nhưng so với các tiêu chí còn yếu, phải tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá- an sinh xã hội. Thị trấn Sông Đốc là đô thị trọng điểm nghề cá, hậu cần nghề cá".
Nhịp điệu cuộc sống ở thị trấn này theo từng chuyến biển. Sông Đốc có hơn 1.000 doanh nghiệp mua bán thủy sản, ngư lưới cụ, nhà máy nước đá, cửa hàng xăng dầu, kim khí điện máy, ụ đóng tàu... hoạt động nhộp nhịp quanh năm.
Cùng tôi xuống phà ngang cửa Sông Đốc, gió biển mang theo mùi tôm cá khô của thị trấn cửa biển. Ông Nguyễn Tuấn chỉ tay về phía bên kia: "Thị trấn Sông Đốc hình thành tự phát phía bờ Bắc từ lâu nay, nhưng nay tuyến đường nối bờ Nam thị trấn với Quốc lộ 1A giúp rút ngắn thời gian, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mới là hướng lâu dài mở rộng thị trấn phía bờ Nam".
Thị trấn Sông Đốc là một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, có đoàn tàu đánh cá 1.300 chiếc và hàng ngàn tàu cá hoạt động trên biển Tây- Nam ra vào. Thế mạnh khai thác thủy sản, hơn 1.000 cơ sở hoạt động hậu cần nghề cá.
Theo Nguyễn Tiến Hưng
Yên bình Cô Tô Nhiều bạn muốn tìm cảm giác mới lạ với những chuyến phiêu lưu vùng núi rừng Tây Bắc. Nhưng cũng không ít người muốn đến với biển đảo, và Cô Tô đã trở thành huyền thoại về vẻ đẹp đầy hoang sơ, trong lành và sự thân thiện đến bất ngờ. Lướt sóng trên biển Cô Tô Muốn đến Cô Tô bạn phải...